Thương chiến khiến nông sản Mỹ - Trung ngày càng phụ thuộc lẫn nhau
Thu hoạch ngô ở bang Illinois. Ảnh: Bloomberg |
Trung Quốc hiện là khách hàng lớn nhất của Mỹ về đậu nành và cao lương. Cụ thể, trong mùa này, Trung Quốc đã mua 11,2 triệu tấn ngô của Mỹ - số lượng chưa từng có trước đây, tăng gần 1.300% so với trước thời điểm khi tranh thương mại nổ ra.
Hiện tại, cả hai bên đều có vẻ rất hài lòng. Nhập khẩu nông sản Mỹ đã giúp Trung Quốc đủ nguồn cung thức ăn cho đàn lợn của họ, khiến ngành này phục hồi nhanh hơn sau dịch tả lợn châu Phi. Trong khi đó, lợi nhuận của các trang trại ở Mỹ đạt mức cao nhất trong 7 năm qua nhờ Trung Quốc tăng mua và các gói hỗ trợ thêm từ liên bang dành cho nông nghiệp.
Trung Quốc đã mua gần 30 triệu tấn đậu nành của Mỹ - đây là con số lớn nhất vào thời điểm này trong mùa vụ kể từ năm 1991 đến nay. Con số này chiếm 57% doanh số xuất khẩu của Mỹ. Đối với cao lương - sản phẩm thay thế cho ngô - Trung Quốc cũng chiếm 80% doanh thu của Mỹ.
Nhưng sự phụ thuộc sâu hơn giữa hai nước trong nông nghiệp đang ẩn chứa rất nhiều rủi ro. Các chuyên gia cảnh báo rằng, bất kỳ sự kiện địa chính trị nào - chẳng hạn như sự cố ở Biển Đông, hoặc các hoạt động khác ở Hồng Kông hay mối quan hệ Mỹ - Trung rạn nứt cũng sẽ ảnh hưởng đến ngành nông nghiệp của cả hai nước. Chẳng hạn như, Trung Quốc có thể ngừng nhập khẩu nông sản Mỹ, điều đó chắc hẳn sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho Mỹ.
Ông Tom Vilsack - người từng giữ chức Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ từ năm 2009 đến năm 2017 và được cho sẽ tái đảm nhiệm chức vụ này dưới thời Tổng thống đắc cử Joe Biden - cho biết. "Tôi nghĩ bài học cần rút ra trong vài năm qua là nền nông nghiệp Mỹ cần tiếp tục đa dạng hóa để luôn có những khách hàng ngoại quốc mua sản phẩm nông nghiệp của chúng ta. Mỹ không nên phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc".
Gregg Doud - Trưởng đoàn đàm phán nông nghiệp của Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) - cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg vào cuối tháng 10 rằng: "Chúng tôi đang chất hàng lên thuyền nhanh nhất có thể. Các đơn hàng nông sản ở Bắc Mỹ đã sẵn sàng gửi đi đến cho những người mua. Phần lớn trong số đó là đậu nành - chúng sẽ được chuyển đến Trung Quốc".
Vành đai nông trại, nơi đã bỏ phiếu áp đảo cho việc tái đắc cử của ông Donald Trump, đang chờ xem ông Joe Biden sẽ tiếp cận các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc như thế nào.
Jim Putnam, người trồng ngô và đậu nành ở Minnesota cho rằng, các thỏa thuận thương mại Bắc Mỹ và Trung Quốc của ông Trump cộng với viện trợ nông trại do Covid đã giúp duy trì nền kinh tế nông nghiệp.
"Tôi chưa bao giờ là một fan cuồng nhiệt của ông Trump nhưng ông ấy đã thu hút sự chú ý của Trung Quốc với Thỏa thuận giai đoạn 1. Tôi hy vọng rằng chính quyền ông Biden có thể tiếp tục duy trì mọi việc", ông nói.
Với những hạn chế như hậu quả của dịch tả lợn châu Phi, khó khăn trong việc trồng ngô và Covid-19, Trung Quốc chắc chắn vẫn sẽ rất cần đến nông sản của Mỹ để phục vụ cho hoạt động của mình.
Tổng thống Mỹ sắp mãn nhiệm Donald Trump đã ghi công vào thỏa thuận giải quyết cuộc chiến thương mại kéo dài hai năm và yêu cầu Trung Quốc tăng mua hàng hóa nông nghiệp của Mỹ lên 52% so với năm 2017.
Theo USTR, tính đến cuối tháng 10, Trung Quốc đã đáp ứng 71% trong mục tiêu mua 36,5 tỷ USD nông sản.
Tuy nhiên, đằng sau sự nhập khẩu lớn của Trung Quốc, các giám đốc điều hành người Mỹ lo lắng rằng họ đang gặp bất lợi. Trung Quốc bảo vệ chặt chẽ tình trạng dự trữ lương thực của mình và chỉ các doanh nghiệp nhà nước của họ mới hiểu được toàn bộ quy mô nhu cầu của đất nước. Các cơn bão ở phía đông bắc Trung Quốc có thể đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho mùa màng của đất nước họ và khiến Trung Quốc nhập khẩu nhiều nông sản của Mỹ hơn.
Les Finemore - Giám đốc đầu tư tại quỹ đầu cơ hàng hóa Imbue - đã vẽ ra một sự tương đồng với sự kiện vụ cướp ngũ cốc lớn vào những năm 1970. Trong sự kiện này, để che giấu tình trạng mất mùa nghiêm trọng trong nước, Liên Xô đã mua hàng triệu tấn lúa mì của Mỹ trong một cuộc đua điên cuồng, khiến giá toàn cầu tăng cao và góp phần nặng nề vào lạm phát ở Mỹ.
Bất chấp việc mua hàng tăng vọt, những vết sẹo của cuộc chiến thương mại vẫn còn tồn tại. Joseph Glauber - cựu chuyên gia kinh tế trưởng của USDA - cho biết, thuế quan vẫn đang được áp dụng. Đây là một thách thức mà chính quyền ông Biden cuối cùng sẽ phải đối phó. Tổng thống mới cũng sẽ phải giải quyết các vấn đề như sở hữu trí tuệ và thực tiễn kinh doanh.
Bất kỳ bất đồng nào giữa Trung Quốc và Mỹ cũng có thể gây căng thẳng cho thương mại nông sản Mỹ - Trung.
"Vấn đề chưa bao giờ thực sự là về thương mại nông sản. Những vấn đề lớn hơn ở đây nằm ngoài lĩnh vực nông nghiệp, và tôi nghĩ đó sẽ là những vấn đề rất khó khăn", Glauber nói.
Theo Dân trí
-
Hệ quả từ sự phát triển quá nóng của năng lượng mặt trời ở Trung Quốc
-
Trung Quốc củng cố an ninh năng lượng như thế nào?
-
Khi nhu cầu dầu mỏ của Trung Quốc chạm đỉnh: Thị trường thế giới sẽ ra sao?
-
Điều gì xảy ra nếu Trung Quốc không còn nhập khẩu dầu Iran?
-
Trung Quốc “kiềm chế” mua vàng tháng thứ năm liên tiếp
-
Xuất khẩu của Nhật Bản giảm mạnh nhất kể từ năm 2021
-
Nhà sản xuất máy bay lớn nhất thế giới dự kiến sa thải 17.000 nhân viên
-
Ấn Độ trên hành trình trở thành gã khổng lồ về “vàng trắng”
-
Nga dự kiến chi hơn 500 triệu USD xây dựng kho dự trữ kim loại quý
-
Trung Quốc “kiềm chế” mua vàng tháng thứ năm liên tiếp