Thuế thu nhập cá nhân - cần điều chỉnh như thế nào?
Dự thảo dự kiến sửa đổi nâng mức giảm trừ gia cảnh cho cá nhân người nộp thuế từ 4 triệu đồng/tháng lên 6 triệu đồng/tháng; nâng mức giảm trừ cho người phụ thuộc từ 1,6 triệu đồng/tháng lên 2,4 triệu đồng/tháng với giải trình các mức này được cân nhắc theo 4 căn cứ: Tốc độ tăng trưởng GDP, chỉ số CPI, đề án cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công giai đoạn 2013-2020 và kết quả điều tra xã hội học của Tổng cục Thống kê về thu nhập và mức sống dân cư năm 2010, cũng như tham khảo kinh nghiệm cải cách thuế thu nhập cá nhân (TNCN) của một số nước trên thế giới.
Ban soạn thảo dự thảo khẳng định chắc như đinh đóng cột rằng, các mức điều chỉnh mới này đã được lựa chọn ở mức tối thiểu, sát với tính toán theo tốc độ tăng GDP đến năm 2014 và chắc chắn sẽ “không gây khó khăn cho đời sống của người nộp thuế”…
Người lao động sẽ được giảm trừ gia cảnh đến 9 triệu đồng/tháng trong việc tính thuế thu nhập cá nhân (ảnh: Mạnh Thắng)
Tuy nhiên, sự khẳng định quá chắc chắn này dường như chỉ dựa trên quá nhiều sự giả định không chắc chắn khác, đó là:
Thứ nhất, coi mức khởi điểm 4 triệu đồng và 1,6 triệu đồng trước đây là phù hợp, trong khi thực tế ngay từ khi xây dựng đã cho thấy các con số đó là hết sức phi lý trong bối cảnh lạm phát cao và mức sống thực tế của Việt Nam trong thời điểm đó.
Thứ hai, việc xây dựng các chỉ số này chỉ tính đến năm 2014, thế còn sau đó thì không tính đến, nghĩa là đã giả định sự lạc hậu ngay sau năm 2014 của những mức tính toán trong Dự thảo mới nhất này.
Thứ ba, quan trọng hơn, đó là sự giả định CPI trong thời gian tới sẽ dưới 2 con số. Đó là mục tiêu hướng tới trong quản lý nhà nước, chứ không phải thực tế. Còn nhớ, mới năm 2011, Chính phủ đã đặt ra kế hoạch phấn đấu CPI cho năm đó chỉ là 7,5%, những thực tế sau 3 lần điều chỉnh, mức CPI “chốt lại” theo Tổng cục Thống kê vẫn là trên 18,5%.
Thứ tư, mục tiêu an sinh xã hội như là trọng tâm chính sách của Chính phủ trong những năm tới sẽ bị coi nhẹ vì dự thảo mới này đưa ra mức khởi điểm tính thuế và giảm trừ gia cảnh kiểu “phú quý giật lùi”. Cụ thể, mức giảm trừ gia cảnh cũ 4 triệu đồng/tháng đang cao gấp 4,8 lần mức lương tối thiểu (830.000 đồng/tháng), trong khi đó mức giảm trừ gia cảnh mới 6 triệu đồng/tháng dự kiến áp dụng cho năm 2014 chỉ cao gấp 3,6 lần mức lương tối thiểu dự kiến. Nếu so sánh với mức lương tối thiểu năm 2009, thời điểm Luật Thuế TNCN có hiệu lực thi hành thì mức giảm còn lớn hơn nữa. Bởi, năm 2009, mức giảm trừ gia cảnh 4 triệu đồng/tháng, cao gấp 6,15 lần mức lương tối thiểu là 650.000 đồng/tháng. Chưa kể, mức giảm trừ 6 triệu đồng/tháng nếu được thông qua sẽ không chỉ áp dụng cho riêng một năm 2014, mà có thể kéo dài trong các năm tiếp sau đó, tức là người nghèo sẽ càng khó khăn hơn cùng với tăng trưởng, lạm phát và nhất là sau điều chỉnh thuế TNCN.
Thứ năm, sẽ bất cập khi đưa ra giải trình rằng, “mức giảm trừ 6 triệu đồng/tháng tương đương 1,7 lần mức GDP bình quân đầu người năm 2014 (cao nhất so với các nước trong khu vực có điều kiện tương đồng và khá hơn nước ta, như Malaysia là 0,312 lần; Thái Lan 0,526; Indonesia 0,527 và Trung Quốc 1,23).
Ngoài ra, thì mức thu nhập tính thuế từng bậc cũng cần được nâng tương ứng.
Nếu xét theo đà và áp lực lạm phát còn khá cao trong thời gian tới, nhất là về giá lương thực, thực phẩm và y tế, cũng như xăng dầu, điện, nước... thì chắc chắn “gói thu nhập tối thiểu” dành cho 1 gia đình trung bình ở đô thị nước ta này còn tiếp tục gia tăng với tốc độ chóng mặt.
Hơn nữa, việc Luật Thuế TNCN “chốt” rõ mức khởi điểm tính thuế cụ thể bằng đơn vị VND vừa thấp, dễ lạc hậu, lại vừa cứng gây khó cho mỗi lần điều chỉnh trước các biến động tiền lương trên thực tế.
Với tinh thần đó, nên điều chỉnh thuế TNCN trong thời gian tới theo hướng:
Một là, nâng mức thu nhập khởi điểm tính thuế TNCN cao hơn mức hiện nay và được tính theo số lần mức lương tối thiểu. Cụ thể, Luật Thuế TNCN sửa đổi cần khẳng định chỉ có những người thu nhập gấp 9-10 lần lương tối thiểu hiện hành mới phải nộp thuế với 5 mức lũy tiến từ 10-30%.
Hai là, nâng mức giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc theo yêu cầu mức sống và mức lạm phát hiện hành. Mức giảm trừ gia cảnh cho nguời phụ thuộc cũng cần được nâng lên và được tính theo mức lương tối thiểu, tuy nhiên ở mức thấp hơn người nộp thuế.
Cụ thể, nên tính mức giảm trừ gia cảnh bằng 3-4 lần mức lương tối thiểu, tức khoảng trên 3 triệu đồng, điều này không chỉ bảo đảm tăng an sinh xã hội, vừa thuận lợi và đồng nhất với cách tính thuế TNCN của người nộp thuế như điều chỉnh mới nêu trên.
Ba là, điều chỉnh về đối tượng, công tác kê khai nộp thuế, quyết toán thuế TNCN. Dự thảo Luật Thuế TNCN điều chỉnh cần có thêm các quy định mới nhằm mở rộng đối tượng và bao quát hết các nguồn và khoản “thu nhập mềm” để chống thất thu ngân sách Nhà nước đối với các khoản thu của quan chức, nghệ sĩ và doanh nhân, kể cả những hoạt động đầu cơ và buôn lậu khác...
Việc tự động khấu trừ tại nguồn 10% tất cả các khoản thu nhập trên 1.000.000 đồng/lượt bất kể người thụ hưởng đương chức hay nghỉ hưu đã tạo nhiều bức xúc và thiệt thòi cho người lao động do sự áp dụng không giống nhau giữa các đơn vị và nhất là do thủ tục hoàn thuế cho các khoản khấu trừ bắt buộc trên là không rõ ràng và không thuận lợi cho người chịu thuế.
Về tổng thể, cần có quy định cụ thể hóa các cách tính và thông báo rộng rãi cho xã hội biết, sao cho các thủ tục thu và hoàn thuế TNCN ngày càng trở nên chính xác, dễ làm và dễ kiểm tra nhất, kích thích tính tự giác và tôn trong quyền lợi của người lao động, do đó nâng cao hiệu quả toàn diện của công tác thuế...
TS Nguyễn Minh Phong
-
Tin tức kinh tế ngày 4/11: Doanh nghiệp cảng biển lãi lớn trong quý III
-
Dự đoán hoạt động lọc dầu của Trung Quốc trong phần còn lại của năm 2024
-
Tin Thị trường: Một loạt những yếu tố có thể tác động tới giá dầu thế giới
-
OPEC+ nhất trí hoãn tăng sản lượng dầu
-
Bản tin Năng lượng Quốc tế 4/11: Các công ty năng lượng Mỹ kêu gọi tính nhất quán trước thềm bầu cử