Thủ tướng phát lệnh khởi công cảng biển lớn nhất Việt Nam
Tham dự lễ khởi công còn có ông Uông Chu Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng - Phó Chủ tịch Quốc hội, ông Đinh La Thăng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ GTVT, ông Nguyễn Văn Thành - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Hải Phòng cùng nhiều lãnh đạo các bộ, ban ngành.
Theo dự báo lượng hàng hóa thông qua nhóm cảng phía Bắc đến năm 2020 là 146 - 176 triệu tấn/năm. Trong khi đó, tổng năng lực của các cảng hiện hữu kể cả sau khi nâng cấp, mở rộng cũng chỉ đạt 86 - 90 triệu tấn vào năm 2015 và không thể phát triển thêm để đáp ứng nhu cầu lưu thông hàng hóa qua khu vực.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các vị lãnh đạo phát lệnh khởi công cảng quốc tế Hải Phòng (Ảnh T.M)
Dự án Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng với cơ sở hạ tầng và công nghệ bốc xếp được đầu tư đồng bộ và hiện đại có mục tiêu tiếp nhận được tàu container trọng tải lớn từ 4.000 - 6.000 TEU và lên đến 8.000 TEU trong các giai đoạn sau của dự án (tương đương với tàu trọng tải 100.000 tấn hoạt động trên tuyến vận tải biển xa); đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của thị trường, góp phần đưa hàng hóa xuất, nhập khẩu của khu vực miền Bắc có thể đi thẳng tới thị trường châu Âu, châu Mỹ (không phải qua các cảng trung chuyển tại khu vực như Singapore, Hồng Kông), giảm chi phí vận tải, tăng năng lực cạnh tranh đối với hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam.
Cảng còn góp phần thu hút lượng hàng quá cảnh khu vực Đông Bắc Lào qua tuyến hành lang Đông - Tây và khu vực Nam Trung Quốc qua các tuyến thuộc chương trình hai hành lang, một vành đai.
Những hoạt động nạo vét bùn thực hiện trong ngày đầu tiên của dự án - (Ảnh T.M)
Tại lễ khởi công, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Nguyễn Nhật khẳng định: Việc triển khai dự án cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng giai đoạn khởi động là hết sức cần thiết và cấp bách, có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội tại khu vực nói riêng và toàn bộ khu vực phía Bắc nói chung. Dự án cảng Quốc tế Hải Phòng phù hợp với quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Ông Motonori I Tsuno, Trưởng đại diện Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam, cho biết, đây là dự án thí điểm theo hình thức hợp tác công tư (PPP) đầu tiên giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Nhật Bản. Theo đó vốn ODA được sử dụng để đầu tư cơ sở hạ tầng thuộc hợp phần công và hợp phần tư nhân do liên danh các nhà đầu tư Việt Nam và Nhật Bản đảm nhận.
Vì vậy, việc đảm bảo tiến độ triển khai giữa hợp phần công và hợp phần tư nhân là hết sức quan trọng. “Đây là một trong những dự án phát triển cơ sở hạ tầng quan trọng nhất của JICA tại Việt Nam. JICA đã hỗ trợ dự án ngay từ giai đoạn ban đầu, đến giai đoạn thiết kế và cả giai đoạn thi công. Dự án cảng Lạch Huyện đóng một vai trò hết sức quan trọng, không chỉ như một cảng cửa ngõ quốc tế của khu vực phía Bắc Việt Nam mà còn là cảng trung tâm của các nước trong khu vực. Những cửa ngõ quốc tế này sẽ góp phần phát triển kinh tế và tăng cạnh tranh trên thị trường quốc tế đối với Việt Nam” - ông Motonori I Tsuno nhấn mạnh.
Dự kiến Dự án đầu tư xây dựng Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng giai đoạn khởi động sẽ hoàn thành vào cuối 2016.
Phát biểu chỉ đạo tại Lễ khởi công, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: Dự án Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng sau khi hoàn thành sẽ mở rộng cánh cửa thông thương khu vực phía Bắc nước ta với khu vực và thế giới, tạo tiền đề cho việc phát triển kinh tế - xã hội của vùng Đông Bắc Bộ nói riêng cũng như toàn miền Bắc nói chung.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao nỗ lực của Bộ Giao thông Vận tải, Cục Hàng hải Việt Nam trong việc triển khai hoàn thiện các thủ tục của dự án. Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải và Cục Hàng hải Việt Nam chỉ đạo, điều hành triển khai dự án đảm bảo chất lượng, tiến độ. Các Bộ ngành liên quan như Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải, Chủ đầu tư để kịp thời giám sát, hỗ trợ trong quá trình thực hiện.
Thủ tướng cũng đề nghị các nhà thầu Nhật Bản bằng kinh nghiệm trong tổ chức, quản lý và thi công các dự án quốc tế của mình sớm hoàn thành gói thầu với chất lượng và tiến độ cao nhất, góp phần sớm đưa công trình vào sử dụng.
Theo quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cảng biển Hải Phòng được xác định là cảng tổng hợp quốc gia, cửa ngõ quốc tế loại IA, trong đó khu bến Lạch Huyện là khu bến đặc biệt quan trọng. Dự án cũng nằm trong danh mục các dự án kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng, thiết yếu giai đoạn đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định số 412/QĐ-TTg ngày 11/4/2007. Dự án Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng được chia thành hai Hợp phần. Hợp phần A: Xây dựng cơ sở hạ tầng dùng chung cho cảng trong các giai đoạn (luồng tàu, vũng quay tàu, đê chắn sóng, đê chắn cát, đường ngoài cảng, tôn tạo xử lý nền đất yếu...). Tổng mức đầu tư dự án lên tới hơn 18.600 tỷ đồng, bằng nguồn vốn ODA Nhật Bản và NSNN. Hợp phần B sẽ đầu tư 2 bến, chiều dài 750m, trang thiết bị khai thác, xếp dỡ, cho tàu container trọng tải đến 100.000 DWT. Tổng mức đầu tư hơn 6.500 tỷ đòng. Chủ đầu tư là Công ty TNHH Cảng container quốc tế Hải Phòng. Riêng hạng mục tôn tạo bãi và xử lý nền đất yếu kinh phí khoảng 70 triệu USD, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận theo đề xuất phương án đầu tư bằng nguồn vốn vay ODA và cho liên doanh đầu tư xây dựng, khai thác cảng thuê và trả phí thuê để hoàn vốn đầu tư cho Nhà nước. |
Thiên Minh
-
[Infographic] Ô tô nhập khẩu ồ ạt về Việt Nam
-
Qatar phải cạnh tranh với các nhà cung cấp LNG linh hoạt
-
Xem xét bỏ phạm trù "quản lý nhà nước" đối với doanh nghiệp nhà nước để tạo sự đột phá
-
Giá vàng hôm nay (22/10): Thị trường thế giới tiếp đà leo dốc
-
Giá dầu hôm nay (22/10): Dầu thô giảm trong phiên