Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội kiến Tổng thống Pháp
Thay mặt Chính phủ Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhiệt liệt chào mừng Tổng thống François Hollande sang thăm Việt Nam; bày tỏ vui mừng trước kết quả cuộc hội đàm thành công tốt đẹp giữa Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Ngài Tổng thống, cũng như những kết quả toàn diện đạt được trong quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam-Pháp thời gian qua; tin tưởng chuyến thăm sẽ là một dấu mốc quan trọng tiếp tục đưa quan hệ hợp tác giữa hai nước lên tầm cao mới.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Chính phủ Việt Nam sẽ nỗ lực hết mình để tiếp tục thúc đẩy, đưa quan hệ hợp tác Việt Nam-Pháp trên các lĩnh vực ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả.
Trên tinh thần này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn hai bên tập trung tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực mà Pháp có thế mạnh như xây dựng cơ sở hạ tầng, công nghệ cao, năng lượng, hàng không-vũ trụ, vệ tinh, y tế, dược phẩm,… đặc biệt chú trọng thúc đẩy hợp tác trong chuyển giao công nghệ, đào tạo, tạo điều kiện cho Việt Nam tham gia các khâu chế tạo vệ tinh - một lĩnh vực mà hai bên đang hợp tác rất tốt đẹp.
Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác phát triển bền vững như công nghệ bảo vệ môi trường, kỹ thuật nông nghiệp xanh. Khuyến khích các doanh nghiệp Pháp tham gia các “dự án xanh” ở Việt Nam. Đề nghị Pháp quan tâm hỗ trợ Việt Nam trong quá trình thực hiện các cam kết của COP 21.
Nhấn mạnh Việt Nam đã vươn lên thoát nghèo và trở thành nước có thu nhập trung bình, tuy nhiên Việt Nam cũng đang phải đối phó, ứng phó với nhiều thách thức như biến đổi khí hậu, nước biển dâng, thiên tai, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường,… Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn Pháp tiếp tục duy trì tài trợ ODA cho Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực hạ tầng, biến đổi khí hậu, giảm nghèo,…
Cùng với đó, Thủ tướng đề nghị hai bên thúc đẩy hơn nữa hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư; phấn đấu tăng gấp đôi kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước trong thời gian tới vì kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Pháp (năm 2015 đạt khoảng 4,2 tỷ USD) vẫn là thấp so với lợi thế và tiềm năng hợp tác giữa hai bên.
Quan tâm thúc đẩy đàm phán sửa đổi Hiệp định vận tải hàng không nhằm tăng tần suất chuyến bay giữa hai nước để đáp ứng tốt hơn cho nhu cầu đi lại, giao thương giữa nhân dân hai nước. Tăng cường hơn nữa các hoạt động hợp tác về văn hóa, giáo dục; giao lưu nhân dân và hợp tác giữa các địa phương hai nước.
Đánh giá cao sự hợp tác chặt chẽ, hiệu quả giữa hai nước trên trường quốc tế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ chia sẻ sự quan ngại của Pháp về chủ nghĩa khủng bố, cũng như mất mát to lớn mà chủ nghĩa khủng bố từng gây ra đối với Chính phủ và nhân dân Pháp. Đồng thời, Thủ tướng mong muốn Pháp ủng hộ lập trường của ASEAN về bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông; giải quyết vấn đề Biển Đông bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982,…
Về phần mình, Tổng thống Francois Hollande bày tỏ vui mừng được sang thăm Việt Nam, nhận được sự đón tiếp trọng thị của các nhà lãnh đạo và nhân dân Việt Nam; khẳng định Pháp luôn coi trọng và mong muốn tiếp tục thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác với Việt Nam trên các lĩnh vực, trong đó có các lĩnh vực được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề cập nêu trên, nhất là hợp tác về chính trị, kinh tế, thương mại, đầu tư, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng,…
Tổng thống François Hollande cho biết, bên cạnh các bộ trưởng, đại diện của các bộ, ngành của Pháp còn có rất nhiều lãnh đạo các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế hàng đầu của Pháp tháp tùng ông sang thăm Việt Nam lần này nhằm tìm kiếm các cơ hội hợp tác đầu tư tại Việt Nam. Điều này cũng khẳng định sự coi trọng của các doanh nghiệp Pháp trong nỗ lực thúc đẩy quan hệ hợp tác với Việt Nam.
Khẳng định Pháp luôn dành ưu tiên cho tăng cường hợp tác kinh tế với Việt Nam, Tổng thống François Hollande mong muốn Việt Nam tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư của Pháp sang làm ăn hiệu quả, lâu dài, đầu tư thành công tại Việt Nam.
Cùng với đó, Pháp cũng mong muốn thúc đẩy hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực khoa học-công nghệ; chuyển giao công nghệ; giáo dục-đào tạo để ngày càng có nhiều học sinh, sinh Việt Nam sang theo học tại Pháp; hợp tác về nông nghiệp, dược phẩm, văn hóa; thúc đẩy giao lưu nhân dân nhằm tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa hai nước, hai dân tộc,…
Tổng thống François Hollande cũng khẳng định, Pháp sẽ tiếp tục quan tâm hỗ trợ Việt Nam trong các lĩnh vực mà Việt Nam có nhu cầu lớn, trong đó có ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, bảo vệ môi trường sinh thái
P.V
-
Thủ tướng kể chuyện thời tuổi trẻ làm Bí thư đoàn trường cấp 3
-
Hội nghị trực tuyến tổng kết 5 năm hoạt động Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ
-
Thủ tướng gặp mặt đoàn công tác Quỹ Vừ A Dính và Câu lạc bộ “Vì Hoàng Sa - Trường Sa thân yêu”
-
Tiếp xúc cử tri, Thủ tướng nhớ lại một lần lỡ hẹn
-
Lồng ghép dự án Dữ liệu dân cư, Căn cước công dân đã tiết kiệm hơn 1.000 tỷ
-
Kỷ nguyên vươn mình của Việt Nam trong thời đại mới
-
Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng
-
Phấn đấu tăng trưởng GDP đạt 7-7,5%
-
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nêu giải pháp phát triển kinh tế báo chí
-
Báo chí đã có những bước phát triển về nội dung, đáp ứng nhu cầu thông tin của công chúng