Thủ tướng chỉ đạo kiểm tra chất lượng quốc lộ nghìn tỷ "như ruộng cày"
Theo đó, công văn của Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ báo chí thông tin “quốc lộ nghìn tỷ… như ruộng cày”, phản ánh về đoạn quốc lộ 1 qua tỉnh Bình Định, Phú Yên mới đưa vào sửa chữa 3 năm đã lộ nhiều vấn đề về chất lượng công trình, gây bức xúc cho người dân và chính quyền địa phương.
Về việc này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Tổng Thanh tra Chính phủ chỉ đạo thành lập đoàn thanh tra để kiểm tra, làm rõ các nội dung phản ánh của báo chí, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả trong tháng 12/2018.
Quốc lộ nghìn tỷ qua tỉnh Bình Định hư hỏng nghiêm trọng sau vài cơn mưa đầu tháng 10/2018. |
Dự án mở rộng quốc lộ 1 đoạn qua các tỉnh Bình Định và Phú Yên có tổng chiều dài khoảng 140km, đầu tư cải tạo, mở rộng khoảng 120km, điểm đầu tại Km1125, quốc lộ 1, thuộc huyện Hoài Nhơn (tỉnh Bình Định) và điểm cuối tại Km1265, quốc lộ 1 thuộc huyện Sông Cầu (tỉnh Phú Yên).
Công trình cải tạo, mở rộng QL1 đoạn qua các tỉnh Bình Định và Phú Yên có tổng vốn đầu tư khoảng 7.798 tỷ đồng do Bộ Giao thông vận tải làm chủ đầu tư, được chia thành 3 dự án. Trong đó, một dự án đầu tư bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ (Km1153 - Km1212+400 tỉnh Bình Định) chiều dài 60,6km (chiều dài đầu tư 57km), tổng mức đầu tư khoảng 4.109 tỷ đồng.
Hai dự án BOT gồm: Dự án BOT Bắc Bình Định đoạn từ Km1125 - Km1153 qua địa bàn huyện Hoài Nhơn có chiều dài 28,7 km (chiều dài đầu tư 23,5km), tổng mức đầu tư gần 1.644 tỷ đồng, do Tổng công ty CP BOT Bắc Bình Định thực hiện.
Dự án BOT Nam Bình Định từ Km1212+400 - Km1265 chạy qua 2 tỉnh Bình Định và tỉnh Phú Yên, với chiều dài khoảng 40,6km. Trong đó, đoạn qua tỉnh Bình Định dài 18,6 km; đoạn qua tỉnh Phú Yên dài 22km, tổng mức đầu tư khoảng 2.045 tỷ đồng, do Công ty CP BOT Bình Định thực hiện.
Sau khi nắng, chủ đầu tư ra quân "vá" quốc lộ đảm bảo an toàn giao thông. |
Khởi công năm 2013, do Ban Quản lý Dự án 2 (thuộc Tổng cục Đường bộ) phụ trách (bao gồm cả dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1 qua địa bàn 2 tỉnh Bình Định và Phú Yên). Song, đây là phần từng bị đánh giá là tiến độ chậm trễ nhất nước do phải phóng mặt bằng và một số nhà thầu bị thay thế vì năng lực yếu kém.
Vì vậy, UBND tỉnh Bình Định kiến nghị Bộ Giao thông vận tải thay đổi một số nhà thầu thi công dự án.
Tháng 2/2015, Bộ GTVT thay Ban Quản lý Dự án 2 bằng Ban Quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh, thay giám đốc điều hành dự án, yêu cầu rà soát lại năng lực các nhà đầu tư...
Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ GTVT, chính quyền địa phương, đặc biệt là sự ủng hộ của bà con nhân dân vùng dự án, nên dự án thông xe sớm hơn 1 năm so với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Thế nhưng, đến nay sau 3 năm đưa vào sử dụng, tuyến quốc lộ 1 qua tỉnh Bình Định đã bị hư hỏng nghiêm trọng. Dù nhà đầu tư đã nhiều lần thi công “vá” lại đường, nhưng hiện nay quốc lộ 1 qua tỉnh này đang bong tróc, ổ gà, ổ voi xuất hiện dày đặc. Đặc biệt, chỉ sau vài cơn mưa đầu tháng 10 này, quốc lộ 1 qua tỉnh Bình Định lại “nát như tương”.
Mới đây, ngày 8/10, tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Định về một số vấn liên quan đến những bức xúc, bất cập trong lĩnh vực giao thông tại địa phương, trong đó có tình trạng QL1 qua tỉnh này bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể khẳng định nếu chủ đầu tư chậm sửa chữa, khắc phục hư hỏng trên quốc lộ 1 thì sẽ dừng thu phí qua các trạm BOT. “Tất cả các đoạn đường thuộc dự án BOT phải đảm bảo chất lượng tốt như hồ sơ thiết kế được duyệt. Dứt khoát không để xảy ra tình trạng đường hư hỏng mà cho thu phí. Không riêng gì Bình Định, tất cả các dự án BOT hiện nay thu tiền phải đảm bảo chất lượng tốt. Nếu không sẽ kiến nghị Bộ GTVT để xử lý hành chính, kể cả không loại trừ khả năng dự án kéo dài thì cấm không cho thu phí. Chừng nào sửa chữa hoàn chỉnh thì chúng ta mới cho thu phí”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh. |
Theo Dân trí
-
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo gỡ khó cho doanh nghiệp hóa dầu
-
Kỷ nguyên vươn mình của Việt Nam trong thời đại mới
-
Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng
-
Phấn đấu tăng trưởng GDP đạt 7-7,5%
-
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nêu giải pháp phát triển kinh tế báo chí