Thu nhập đầu người của Việt Nam đạt 10.000 USD trong thập kỷ tới?
GDP Việt Nam sẽ đạt 154,6 tỷ USD năm 2013.
Theo một đánh giá của Hãng kiểm toán Ernst & Young về 25 nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới được công bố gần đây, tổ chức này cho rằng, kinh tế Việt Nam mặc dù còn ảm đạm song sẽ khởi sắc ngay trong năm 2013 và 2014.
Lạm phát thấp đã góp phần giúp giảm lãi suất và phục hồi chi tiêu hộ gia đình. Tuy nhiên, tổng thu nhập quốc dân (GDP) đã giảm xuống từ 6% trong năm 2011 xuống 5% trong năm 2012 do sự hạn chế của các thị trường xuất khẩu, kìm hãm đầu tư công nghiệp. Ngoài ra, nợ xấu cũng là một yếu tố lớn cản trở dòng vốn tín dụng ra nền kinh tế.
Mặc dù có sự tăng trưởng về vốn dự trữ chính thức (dự trữ nhà nước) song, theo Ernst & Young, nhu cầu tái cấp vốn cho hệ thông ngân hàng rất khó được đáp ứng nếu không có sự hỗ trợ từ bên ngoài.
Tổ chức này cũng cho rằng, tăng trước GDP của Việt Nam sẽ vẫn còn khá khiêm tốn trong năm tới khi mục tiêu của Chính phủ đặt ra chỉ là 5,5%. Trong khi đó, mặt trái của tiến trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng dự kiến sẽ tác động lên mục tiêu trung hạn là hồi phục tăng trưởng kinh tế lên 7,5%.
Ernst & Young lưu ý, tuy rằng trong thời điểm hiện tại, công cuộc tái cơ cấu kìm hãm tăng trưởng tín dụng song dài hạn sẽ làm vững mạnh hệ thống ngân hàng.
Tổ chức này nhận định, đến năm 2014, Việt Nam có thể đạt được tốc độ tăng trưởng tiệm cận mức 7% nếu các thị trường xuất khẩu hồi phục và hệ thống ngân hàng đạt được ổn định cũng như Dự thảo thay đổi chính sách đầu tư trực tiếp nước ngoài được ban hành.
Tốc độ tăng trưởng dự kiến chậm lại trong ngắn hạn song sẽ phục hồi trong trung hạn.
Trong năm 2013, Ernst & Young dự đoán, với tốc độ tăng trưởng 5,5%, GDP danh nghĩa của Việt Nam sẽ đạt 154,6 tỷ USD, tương ứng GDP đầu người đạt 1.705,8 USD (với giả thiết, dân số là 90,6 triệu người). Lạm phát dự kiến 7,8%, cao hơn mục tiêu Chính phủ đặt ra 6-6,5%. Tỷ giá hối đối so với USD bình quân cả năm khoảng 21.402,3 VND trước khi được nới lên 21.995,1 VND vào 2014.
Dòng vốn đầu tư sẽ chảy từ Trung Quốc sang Việt Nam
Những quốc gia láng giềng của Trung Quốc trong đó có Việt Nam, đang cạnh tranh mạnh mẽ với nước này tại những lĩnh vực thuộc ngành công nghiệp đòi hỏi nhiều lao động như may mặc, giày dép và lắp ráp điện tử. Giữa bối cảnh đó, chí phí lao động tại Trung Quốc lại trong xu hướng tăng cao.
Ernst & Young dự đoán, các thị trường Đông Nam Á như Indonesia, Thái Lan và Việt Nam sẽ tăng gấp đôi thị phần sản xuất các mặt hàng may mặc lên 10% trong vòng 25 năm nữa.
Đồng thời, việc Trung Quốc gia tăng chuỗi giá trị sẽ đem lại nhiều cơ hội cho những nước có chi phí sản xuất thấp tại Châu Phi, Đông Nam Á trong đó có Indonesia, Thái Lan và Việt Nam.
Lương công nhân tại thị trường Trung Quốc đã tăng lên một cách đáng kể trong vòng 10 năm qua khiến cho chi phí lao động tại các nước châu Á như Philipines, Việt Nam và Indonesia trở thấp hơn rất nhiều so với cường quốc này.
Theo dự kiến của Ernst & Young, trong vòng 10 năm tới, thu nhập đầu người tại Indonesia, Việt Nam và Philipines có khả năng sẽ đạt mức 10.000 USD. Các quốc gia này sẽ cần phải mở rộng nhiều ngành công nghiệp mang lại nhiều giá trị hơn.
Riêng Việt Nam hiện tại đã có một bước đi vững chắc trong ngành công nghiệp viễn thông. Theo Ngân hàng Thế giới (World Bank), vài năm tới, các sản phẩm điện thoại và các phụ kiện của Việt Nam sẽ tăng trưởng và trở thành mặt hàng xuất khẩu lớn nhất sau ngành công nghiệp dệt, chiếm 10,5% tổng lượng xuất khẩu.
Năm 2013, World Bank kỳ vọng rằng, công nghiệp điện thoại sẽ thế chỗ ngành công nghiệp may mặc khi đóng vai trò là nguồn thu nhập lớn nhất từ xuất khẩu của Việt Nam.
Theo Dân trí