Thông điệp từ chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Nga Putin
Nhận lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin sẽ bắt đầu chuyến thăm Việt Nam từ ngày 19-20/06/2024.
Chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng thống Putin có ý nghĩa hết sức quan trọng, đó là làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt - Nga trên tất cả các lĩnh vực và nâng tầm trong tình hình mới.
Đồng thời thể hiện Việt Nam tích cực thực hiện đường lối đối ngoại theo tinh thần độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, vì lợi ích quốc gia, dân tộc, và đóng góp vào hòa bình, ổn định trên thế giới.
Đặc biệt, việc Tổng thống Putin thăm Việt Nam còn gửi đi một thông điệp mạnh mẽ về sự tôn trọng lẫn nhau giữa hai quốc gia.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: TTXVN |
Ông Đặng Minh Khôi - Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga cho biết, từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 30/1/1950 đến nay, mối quan hệ giữa Việt Nam với Liên Xô trước đây và Liên bang Nga hiện nay luôn vững bền theo năm tháng và ngày càng phát triển sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực.
Năm 2024 đánh dấu 30 năm hai bên ký Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị Việt Nam và Liên bang Nga. |
Theo Đại sứ, mặc dù có những thay đổi về thể chế chính trị, nhưng hai nước luôn coi nhau là đối tác, bạn bè quan trọng và hàng đầu. Quan hệ Việt Nam - Liên bang Nga ngày nay kế thừa quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa Việt Nam và Liên Xô trong quá khứ.
Sau một thời gian bị gián đoạn trước những biến động tại Liên Xô và Nga đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, bằng quyết tâm và nỗ lực của lãnh đạo và nhân dân hai nước, quan hệ Việt - Nga đã có những bước tiến mạnh mẽ, tiếp nối xứng đáng truyền thống quan hệ tốt đẹp giữa hai dân tộc.
Mối quan hệ giữa hai nước đã được xây dựng và củng cố qua nhiều thập kỷ, dựa trên nền tảng của sự tin cậy, hợp tác bền vững và sự tôn trọng lẫn nhau.
Nhằm tạo khuôn khổ pháp lý mới cho quan hệ giữa Việt Nam và Liên bang Nga, năm 1994 hai nước đã ký kết Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị. Trong đó khẳng định quan hệ hữu nghị giữa hai nước được xây dựng trên các nguyên tắc tôn trọng độc lập và chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng và cùng có lợi dựa trên luật pháp quốc tế.
Nhìn lại 30 năm qua, chúng ta có thể tự hào về những thành tựu đã đạt được khi quan hệ song phương ngày càng phát triển toàn diện, cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Việt Nam và Nga đã từng bước đưa quan hệ song phương lên các cấp từ Đối tác chiến lược đến Đối tác chiến lược toàn diện. Đại sứ ĐẶNG MINH KHÔI |
Theo Đại sứ Đặng Minh Khôi, quan hệ chính trị Việt - Nga luôn có độ tin cậy cao và không ngừng được củng cố, thông qua các hình thức và cơ chế hợp tác chính trị đa dạng như trao đổi đoàn các cấp, đặc biệt cấp cao thường xuyên, giúp Lãnh đạo hai nước trao đổi thông tin và kịp thời chỉ đạo phát triển quan hệ song phương.
Hai bên đã thiết lập và triển khai hiệu quả nhiều cơ chế như họp Ủy ban Liên chính phủ, Đối thoại chiến lược, Tham vấn chính trị thường niên góp phần tăng cường hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, tạo cơ sở thúc đẩy hợp tác mọi mặt giữa hai nước. Bên cạnh đó, Việt Nam và Nga luôn ủng hộ và hợp tác chặt chẽ trong các tổ chức quốc tế và khu vực như Liên Hợp Quốc, ASEAN, APEC, ARF,...
Đại sứ Đặng Minh Khôi cũng cho biết, hợp tác kinh tế - thương mại phát triển tích cực, có những giai đoạn kim ngạch thương mại tăng từ 10-15%/năm, là kết quả của việc ký kết Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á - Âu.
Mặc dù chịu tác động của tình hình bất ổn của thế giới và khu vực, kim ngạch thương mại năm 2023 vẫn đạt hơn 3,6 tỷ USD.
Về đầu tư, Nga đã có gần 200 dự án tại Việt Nam với tổng số vốn gần 1 tỷ USD. Đầu tư của Việt Nam tại Nga tăng mạnh, từ chỗ chỉ khoảng 100 triệu USD vào đầu những năm 2000 đã lên mức 3 tỷ USD vào năm 2023.
Điểm nhấn quan trọng trong hợp tác kinh tế giữa hai nước là sự phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực năng lượng, dầu khí. Hai bên đã hợp tác tốt và hiệu quả trong tìm kiếm, thăm dò dầu khí không chỉ ở thềm lục địa Việt Nam mà cả ở lãnh thổ Liên bang Nga với các dự án lớn.
Đánh giá về tiềm năng hợp tác kinh tế giữa hai nước thời gian tới, ở các những lĩnh vực hợp tác tiềm năng mới, Đại sứ Đặng Minh Khôi cho biết: Năm 2012, Việt Nam và Liên bang Nga đã xác lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện.
Năm 2015, Việt Nam và Liên minh kinh tế Á-Âu đã ký Hiệp định thương mại tự do (VN-EAEU FTA), tạo thuận lợi cho phát triển hợp tác kinh tế - thương mại, đầu tư giữa hai nước.
Sau khi Hiệp định VN-EAEU FTA có hiệu lực từ tháng 10/2016, thương mại song phương Việt-Nga phát triển nhanh, đạt kim ngạch 5,5 tỷ USD vào năm 2021, tăng 90% so với năm 2016.
Tuy nhiên, những diễn biến phức tạp của tình hình chính trị - kinh tế trên thế giới thời gian qua đã ảnh hưởng tiêu cực tới hợp tác kinh tế - thương mại giữa hai nước. Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2022 giảm 35,4% so với năm 2021. Kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng giảm rất mạnh như: điện thoại và linh kiện giảm 85,5%; máy vi tính, sản phẩm điện tử giảm 82,7%; giày dép giảm 62,9%;...
Cùng với sự nỗ lực chung của các cơ quan chức năng và của cộng đồng doanh nghiệp hai nước, các khó khăn về vận tải, thanh toán... từng bước được tháo gỡ, hoạt động xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Liên bang Nga đã có sự hồi phục rõ rệt.
Năm 2023, kim ngạch thương mại hai chiều tăng 3,6% so với năm 2022. Trong 5 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa giữa hai nước đạt xấp xỉ 2 tỷ USD, tăng 52% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Nga 956 triệu USD, tăng 45%. Nhiều nhóm hàng thế mạnh của Việt Nam như nông sản, thủy sản, may mặc, thiết bị máy móc tiếp tục duy trì được tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao sang thị trường Nga.
Ngược lại, ta cũng tăng nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu như than đá, phân bón, hóa chất, thực phẩm... phục vụ sản xuất, kinh doanh đáp ứng cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài.
Về đầu tư, tính đến hết tháng 5 năm nay Liên bang Nga có 186 dự án tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư xấp xỉ 1 tỷ USD. Trong khi đó Việt Nam có khoảng 25 dự án đầu tư tại Nga với tổng vốn đầu tư khoảng 3 tỷ USD.
Theo Đại sứ Đặng Minh Khôi, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Liên Xô trước đây và Liên bang Nga ngày nay luôn không ngừng được các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước củng cố và vun đắp.
Tình cảm đặc biệt giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Liên Xô trước đây, cũng như Liên bang Nga hiện nay, đã trở thành một biểu tượng của sự đoàn kết và tình hữu nghị quốc tế.
"Qua nhiều thế hệ, chúng ta đã chia sẻ với nhau không chỉ những thách thức và khó khăn mà còn cả những khoảnh khắc vinh quang và hạnh phúc, thấm đượm tình cảm sâu sắc giữa nhân dân hai nước. Nhân dân Việt Nam luôn luôn ghi nhớ và biết ơn sự giúp đỡ quý báu, chí tình của nhân dân Liên Xô và Liên bang Nga trong cả giai đoạn kháng chiến và xây dựng đất nước sau này", Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga nhấn mạnh.
Theo Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp
-
Đại bác rền vang chào đón Tổng thống Nga Vladimir Putin thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam
-
Chuyến thăm của Tổng thống Putin cho thấy Việt Nam là đối tác quan trọng của Nga ở Đông Nam Á
-
Tổng thống Nga Vladimir Putin đến Hà Nội, bắt đầu thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam
-
"Việt Nam - Điểm đến đặc biệt của Tổng thống Vladimir Putin"
-
Người dân Thụy Sĩ ưa chuộng thủy sản của Việt Nam
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Tỉnh Quảng Trị có tiềm năng phát triển thành trung tâm năng lượng tái tạo
Luật Điện lực (sửa đổi) phải là “trụ đỡ” pháp lý vững chắc để năng lượng mới, năng lượng tái tạo phát triển đúng kỳ vọng
[Chùm ảnh] Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm thăm và làm việc tại huyện đảo tiền tiêu Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị
-
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Tỉnh Quảng Trị có tiềm năng phát triển thành trung tâm năng lượng tái tạo
-
Luật Điện lực (sửa đổi) phải là “trụ đỡ” pháp lý vững chắc để năng lượng mới, năng lượng tái tạo phát triển đúng kỳ vọng
-
[Chùm ảnh] Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm thăm và làm việc tại huyện đảo tiền tiêu Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị
-
Luật Điện lực (sửa đổi): Các khoảng trống pháp lý cần được lấp đầy và bổ sung theo tinh thần NQ55 và KL76
-
Nhà nước là chủ sở hữu vốn nhưng không can thiệp trực tiếp vào hoạt động của doanh nghiệp