Thổ Nhĩ Kỳ muốn cùng Libya tìm dầu ở Địa Trung Hải
Tổng thống Erdogan (phải) và Thủ tướng Libya Fayez al-Sarraj |
Thổ Nhĩ Kỳ và Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya (GNA) dự định thực hiện công việc tìm kiếm dầu khí ở biển Địa Trung Hải, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan cho biết ngày 4/6.
Tuyên bố này được đưa ra trong một cuộc họp báo chung với người đứng đầu GNA Fayez el-Sarraj đang ở thăm Ankara.
“Cuộc họp của chúng tôi diễn ra trong đại dịch Covid-19 là minh chứng cho mối quan hệ vững chắc của chúng tôi. Hôm nay, chúng tôi đặt mục tiêu tiến hành khoan thăm dò ở Địa Trung Hải”, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ thông báo.
Ông Erdogan cũng lên án hành động của tướng Khalifa Haftar, Tổng tư lệnh Quân đội Quốc gia Libya (LNA), cáo buộc ông ta tìm cách "chiếm dầu thuộc về nhân dân Libya" .
Libya rơi vào tình trạng chia rẽ chính trị và bạo lực leo thang kể từ sau cuộc chính biến năm 2011 lật đổ nhà lãnh đạo Moamer Gadhafi. Hiện ở nước này tồn tại hai chính quyền với lực lượng vũ trang riêng. GNA hoạt động ở thủ đô Tripoli được LHQ công nhận và được các nhóm vũ trang hậu thuẫn, trong khi LNA trung thành với tướng Haftar hậu thuẫn chính quyền ở miền Đông. Arab Saudi, Ai Cập, Các Tiểu Vương Quốc Arab Thống Nhất ủng hộ LNA nhưng Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar thì trợ giúp chính quyền GNA. Pháp, Nga và nhiều quốc gia khác duy trì quan hệ với cả hai chính quyền ở Libya. Mỹ theo ý của LHQ nhưng không công khai ủng hộ hành động quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở Libya. Kể từ tháng 4-2019, tướng Haftar đã phát động chiến dịch quân sự nhằm "giải phóng" khu vực miền Tây Libya, trong đó có thủ đô Tripoli, khỏi sự kiểm soát của GNA sau khi các cuộc đàm phán hướng tới một thỏa thuận chính trị bị sụp đổ. Một năm sau, người này tuyên bố sẽ nắm quyền điều hành đất nước, huỷ bỏ thoả thuận chính trị do LHQ bảo trợ năm 2015 về việc thành lập GNA.
Chuyến thăm Ankara của ông Fayez el-Sarraj diễn ra trong bối cảnh các bên xung đột tại Libya đã nhất trí tái khởi động các cuộc đàm phán nhằm tìm kiếm một lệnh ngừng bắn. Trong khi đó, phái bộ Liên Hợp Quốc (LHQ) tại Libya (Unsmil) ngày 3/6 kêu gọi các bên tham chiến tại nước này giảm leo thang căng thẳng và chấm dứt giao tranh, để tạo điều kiện cho việc triển khai các hoạt động nhân đạo, xây dựng niềm tin cũng như mở đường cho các cuộc đàm phán ngừng bắn. Cùng ngày, đặc phái viên tạm quyền của LHQ tại Libya Stephanie Williams đã có buổi hội đàm trực tuyến với 5 thành viên của Quân đội miền Đông (LNA) và dự kiến sẽ có cuộc họp tương tự với phái đoàn của Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya (GNA) trong vài ngày tới. Các cuộc đàm phán này được kỳ vọng sẽ giúp các bên hướng tới một thoả thuận ngừng bắn cùng một số cam kết khác dựa trên đề xuất đã được LHQ đưa ra ngày 23/2 vừa qua.
Người phát ngôn của LHQ Stephane Dujarric đã bày tỏ hoan nghênh hướng đi này, coi đây là bước tiến tích cực đầu tiên để các bên có thể tiến tới một giải pháp chính trị chấm dứt xung đột tại quốc gia Bắc Phi này.
Nh.Thạch
AFP
-
Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh sự cần thiết phải sửa đổi Luật Điện lực
-
Bổ sung chính sách thu hút nhà đầu tư khảo sát dự án điện gió ngoài khơi
-
Bay chặn, ép hạ cánh với tàu bay vi phạm vùng trời Việt Nam
-
Gỡ "thẻ vàng" IUU: Xóa bỏ toàn bộ tàu “3 không”, xử lý dứt điểm “tàu ma”
-
Thủ tướng kết thúc tốt đẹp chuyến công tác tham dự Hội nghị BRICS mở rộng