Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang phục hồi
Ảnh minh họa |
Tình hình trái phiếu doanh nghiệp 11 tháng năm 2023
Bộ Tài chính cho biết, tính đến 24/11/2023, có 77 doanh nghiệp đã phát hành với khối lượng 214,3 nghìn tỷ đồng (giảm 35,4% so với cùng kỳ năm 2022). Nhà đầu tư chính mua TPDN riêng lẻ trong 11 tháng đầu năm 2023 là các nhà đầu tư tổ chức chiếm 96,2% tổng khối lượng phát hành (chủ yếu là ngân hàng chiếm 55%), các nhà đầu tư cá nhân mua 3,8%. Kể từ khi Nghị định 08/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các Nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế (Nghị định số 08) có hiệu lực thi hành vào 5/3/2023, khối lượng phát hành là 213,5 nghìn tỷ đồng.
Thị trường TPDN bắt đầu phục hồi do một số nhà đầu tư quan tâm trở lại đến TPDN khi mức lãi suất tốt hơn so với các kênh đầu tư khác. Tuy nhiên, Bộ Tài chính khuyến cáo nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân cần thận trọng khi đầu tư TPDN và phải tiếp cận đầy đủ hồ sơ phát hành, phân tích, đánh giá kỹ lưỡng các rủi ro trước khi mua TPDN.
Các giải pháp phát triển thị trường TPDN trong thời gian tới
Bộ Tài chính nhận định, từ khi Nghị định số 08 được ban hành, tình hình thị trường TPDN có dấu hiệu cải thiện và tâm lý nhà đầu tư đã dần ổn định trở lại. Các quy định của Nghị định số 08 về đàm phán thanh toán gốc, lãi trái phiếu bằng tài sản và đàm phán để kéo dài kỳ hạn tối đa không quá 02 năm (Điều 2) đối với các trái phiếu đã phát hành trong giai đoạn trước, theo đánh giá của các Hiệp hội và thành viên thị trường là chính sách tốt và hữu hiệu trong việc hỗ trợ doanh nghiệp đàm phán với nhà đầu tư, cơ cấu lại các khoản nợ để có thời gian điều chỉnh, phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh, khôi phục dòng tiền trả nợ. Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi, đôn đốc doanh nghiệp phải có trách nhiệm đến cùng với nghĩa vụ nợ trái phiếu và thực hiện các biện pháp tái cơ cấu, hoán đổi, thanh toán bằng tài sản để đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên theo quy định của pháp luật. Đối với chính sách ngưng hiệu lực thi hành một số quy định của Nghị định số 65/2022/NĐ-CP về xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân và xếp hạng tín nhiệm đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu, hiện nay Bộ Tài chính đang đánh giá tác động và tổng hợp ý kiến của các Bộ, ngành, các Hiệp hội và thành viên thị trường để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Để tiếp tục ổn định và phát triển thị trường TPDN, Bộ Tài chính đã báo cáo Lãnh đạo Chính phủ tổng thể các giải pháp điều hành. Các nhóm giải pháp chính bao gồm: thực hiện đồng bộ các giải pháp điều hành chính sách vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; tháo gỡ khó khăn, ổn định thị trường bất động sản; theo dõi thanh toán TPDN đến hạn và tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền; tổ chức thị trường và nâng cao hiệu quả quản lý giám sát; rà soát tổng thể để hoàn thiện quy định của pháp luật tại Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp và các Luật liên quan; nghiên cứu chính sách khuyến khích xếp hạng tín nhiệm, thúc đẩy lộ trình nâng hạng thị trường chứng khoán, phát triển hệ thống nhà đầu tư tổ chức; tăng cường nguồn lực, nhân sự cho các cơ quan thanh, kiểm tra của UBCKNN và NHNN. Các giải pháp nêu trên đã được Lãnh đạo Chính phủ phê duyệt và giao các Bộ ngành thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Về trung và dài hạn, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các Bộ, ngành, rà soát tổng thể, nghiên cứu báo cáo cấp có thẩm quyền sửa đổi các văn bản pháp luật liên quan đến phát hành TPDN riêng lẻ (Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp). Đồng thời, tiếp tục phát triển hệ thống các nhà đầu tư tổ chức, các quỹ đầu tư (gồm quỹ đầu tư trái phiếu); tăng cường nguồn lực, nhân sự để quản lý giám sát và phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm quy định của pháp luật trên thị trường chứng khoán, thị trường TPDN; và tăng cường cơ chế phối hợp, chia sẻ thông tin và giám sát liên thông giữa các Bộ, ngành về ngân hàng, chứng khoán và BĐS.
Khuyến nghị đối với các chủ thể tham gia thị trường TPDN
Để thị trường phát triển minh bạch, bền vững, ý thức tuân thủ pháp luật của các chủ thể tham gia thị thị trường đóng vai trò rất quan trọng. Theo đó, Bộ Tài chính lưu ý các doanh nghiệp, nhà đầu tư và các tổ chức cung cấp dịch vụ như sau:
Doanh nghiệp còn dư nợ trái phiếu phải có trách nhiệm đến cùng đối với nghĩa vụ nợ trái phiếu, chủ động minh bạch hóa thông tin tình hình tài chính, khả năng trả nợ của doanh nghiệp thông qua kết quả xếp hạng tín nhiệm, kiểm toán báo cáo tài chính, công bố đầy đủ thông tin về tình hình thanh toán gốc, lãi trái phiếu, tình hình sử dụng vốn từ phát hành trái phiếu, có trách nhiệm thanh toán đầy đủ nghĩa vụ nợ trái phiếu theo phương án phát hành trái phiếu đã công bố thông tin cho nhà đầu tư để đảm bảo uy tín trên thị trường.
Nhà đầu tư cần có hiểu biết đầy đủ về quy định của pháp luật, tiếp cận đầy đủ thông tin về doanh nghiệp phát hành và trái phiếu, đánh giá kỹ tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành, phân biệt rõ sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp không phải là tiền gửi ngân hàng, đánh giá mức độ rủi ro tương xứng với lợi nhuận khi đầu tư trái phiếu, tự quyết định và tự chịu trách nhiệm về quyết định đầu tư của mình. Nhà đầu tư cũng cần lưu ý rủi ro của trái phiếu gắn trực tiếp với rủi ro của doanh nghiệp phát hành, không phải rủi ro của NHTM phân phối trái phiếu.
Các tổ chức cung cấp dịch vụ có trách nhiệm nâng cao chất lượng dịch vụ, tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật và thực hiện nghĩa vụ báo cáo, tư vấn và cung cấp đầy đủ thông tin cho nhà đầu tư mua trái phiếu, làm rõ sự khác biệt giữa trái phiếu doanh nghiệp và tiền gửi tiết kiệm ngân hàng, tuyệt đối không được mời chào nhà đầu tư không đáp ứng đủ điều kiện trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp mua trái phiếu.
Thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiệu quả, an toàn, bền vững Chiều 4/12, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức Tọa đàm “Thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiệu quả, an toàn, bền vững" với sự tham dự của các vị khác mời là lãnh đạo cơ quan quản lý nhà nước, đại biểu Quốc hội, chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp tài chính. |
P.V
-
Bộ Tài chính cập nhật 2 kịch bản tăng CPI bình quân năm 2024
-
Techcombank mở rộng hệ sinh thái tài chính thông qua góp vốn thành lập Công ty Bảo hiểm phi nhân thọ Techcom
-
Giải ngân vốn các chương trình mục tiêu quốc gia: Còn nhiều bất cập
-
Tin tức kinh tế ngày 15/10: Trái phiếu doanh nghiệp “ấm dần”
-
Thu ngân sách nhà nước từ dầu thô ước đạt 44,4 nghìn tỷ đồng trong 9 tháng năm 2024
-
Bộ Công Thương phát động Cuộc thi tìm hiểu truyền thống ngành Công Thương
-
Giá vàng hôm nay (31/10): Đồng loạt tăng
-
Cần hiểu đúng và đủ về áp thuế GTGT 5% với phân bón
-
Giá vàng hôm nay (30/10): Tiếp đà tăng mạnh
-
Những ‘lo ngại’ thiếu định lượng sẽ làm hiểu sai tác động thuế GTGT phân bón 5% với nông dân