Thị trường tài chính tiêu dùng: Mảnh đất màu mỡ
Lợi ích nhiều phía
Vay tiêu dùng đang dần trở thành kênh tín dụng được nhiều người dân Việt Nam, đặc biệt là những người trẻ tuổi nhắm đến. Trong thời điểm cuối năm, nhu cầu này càng phát triển. Nắm bắt tính chất mùa vụ, không ít CTTC đã kết hợp với đối tác là các nhà sản xuất, đơn vị bán lẻ… tung ra nhiều sản phẩm, dịch vụ với lãi suất cạnh tranh, kèm ưu đãi và quà tặng nhằm thu hút khách hàng.
Đơn cử, CTTC FE Credit đã liên kết với hệ thống cửa hàng Điện Máy Xanh trên toàn quốc triển khai chương trình ưu đãi cho vay mua trả góp các sản phẩm máy lạnh, tủ lạnh, tivi... trả trước 0 đồng, lãi suất 0% cố định trong 4 hoặc 6 tháng, hồ sơ vay vốn đơn giản, thủ tục nhanh chóng. Ngoài ra, còn nhiều chương trình khuyến mại hấp dẫn khác với quà tặng có giá trị lên đến hàng tỉ đồng cho các khách hàng vay vào dịp cuối năm.
CTTC Home Credit, sau khi thành công trong việc áp dụng lãi suất 0% cho khách hàng vay trả góp mua các sản phẩm điện máy, điện thoại, dịp cuối năm lại tiếp tục đưa ra sản phẩm lãi suất 0% cho các khoản vay mua xe máy trả góp tại một số cửa hàng có hợp tác với Home Credit trên toàn quốc…
Nhân viên FE Credit đang tư vấn cho khách hàng |
Theo chị Nguyễn Thị Nga (Thanh Xuân, Hà Nội), nếu trước đây vào mỗi dịp mua sắm cuối năm, vợ chồng chị phải “đau đầu” cân nhắc túi tiền để lựa chọn sản phẩm ưu tiên mua sắm thì 2 năm nay, chị đều lựa chọn vay trả góp từ các CTTC để mua sắm vật dụng trong gia đình. “Dịp tết năm ngoái, tôi mua một chiếc tủ lạnh trị giá gần 20 triệu đồng, trả góp trong vòng 6 tháng. Năm nay, tôi cũng đang tìm hiểu và dự định mua trả góp thêm chiếc máy giặt loại tốt” - chị Nga chia sẻ.
Với việc vay tiêu dùng đang dần trở thành một xu hướng, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, thị trường tài chính tiêu dùng phát triển sẽ mang lại lợi ích cho các bên tham gia là người tiêu dùng, tổ chức tài chính và cả nền kinh tế. Việt Nam được đánh giá sẽ tiếp tục hấp dẫn các nhà phát triển tín dụng tiêu dùng với lượng người trưởng thành sinh sống ở đô thị chiếm gần 20% tổng dân số. Đây chính là nguồn khách hàng tiềm năng sử dụng các dịch vụ tài chính. Con số này được dự kiến tiếp tục tăng theo quy mô đô thị hóa ở Việt Nam. Ngoài ra, theo ước tính của Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt (VietCapital - VCSC), thị trường tài chính tiêu dùng tại Việt Nam năm 2016 có doanh thu khoảng gần 599 nghìn tỉ đồng, chiếm 9,8% GDP.
Hút dòng vốn ngoại
Việc các CTTC ngày càng hướng tới cho vay tiêu dùng cũng đặt ra yêu cầu về nguồn vốn đầu vào rất lớn. Tuy nhiên, vì các CTTC không được phép huy động nguồn vốn trực tiếp từ người dân, nên cung vốn chủ yếu vẫn từ các tổ chức tín dụng hoặc các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Để gia tăng nguồn lực, một mặt, các CTTC sẽ tự tìm kiếm đối tác kinh doanh. Nhưng mặt khác, chính bởi sự hấp dẫn của “mảnh đất” tài chính tiêu dùng mà gần đây, nhiều tổ chức nước ngoài cũng đã lựa chọn CTTC là địa điểm rót vốn đầu tư. Ngân hàng Shinsei Bank - một nhà đầu tư từ Nhật Bản đã rót vốn mua 49% vốn góp tại MCredit (CTTC của ngân hàng MB). Sau thương vụ này, MCredit được đổi tên thành Công ty TNHH Tài chính tiêu dùng MB Shinsei. Hay Công ty Credit Saison Co., Ltd của Nhật Bản cũng nhận mua 49% vốn điều lệ của HDFinance từ HDBank. Ngân hàng TechcomBank cũng chính thức xác nhận thương vụ chuyển nhượng toàn bộ vốn tại CTTC TechcomFinance cho Lotte Card (Hàn Quốc)…
Đáng chú ý, mới đây, sau khi hoàn tất thủ tục vay hợp vốn có thời hạn trị giá 100 triệu USD với Credit Suisse, CTTC FE Credit lại tiếp tục tiếp nhận khoản vay vốn trị giá 100 triệu USD từ đối tác Deutsche Bank. “Khoản vay sẽ góp phần gia tăng tiềm lực tài chính cho FE Credit, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp tục phát triển kinh doanh và củng cố vị trí dẫn đầu thị trường trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng” - Phó chủ tịch kiêm Tổng giám đốc FE Credit Kalidas Ghose cho biết.
Việt Nam được đánh giá sẽ tiếp tục hấp dẫn các nhà phát triển tín dụng tiêu dùng với lượng người trưởng thành sinh sống ở đô thị chiếm gần 20% tổng dân số. Đây chính là nguồn khách hàng tiềm năng sử dụng các dịch vụ tài chính. |
Cùng với đó, các nhà đầu tư nước ngoài cũng đánh giá cao về tiềm năng phát triển thị trường cho vay tiêu dùng tại Việt Nam. Theo ông Sreenivasan Iyer, Giám đốc điều hành kiêm Giám đốc Khối Tài chính doanh nghiệp khu vực Đông Nam Á của Deutsche Bank, 100 triệu USD dành cho FE Credit cũng là khoản cho vay lớn nhất của Deutsche Bank trong ngành tài chính tiêu dùng từ trước đến nay tại Việt Nam.
Việc các CTTC huy động được nguồn vốn lớn từ nhà đầu tư nước ngoài có uy tín sẽ giúp họ có nguồn lực mạnh hơn, từ đó, các chiến lược kinh doanh được xây dựng hấp dẫn hơn với mức lãi suất cho vay tốt hơn.
Trên thị trường Việt Nam hiện có khoảng 12 CTTC đang hoạt động, gần 80% thị phần tài chính tiêu dùng do 3 đơn vị là FE Credit, Home Credit và HD Saison nắm giữ. Song các phân tích cũng cho rằng với việc tham gia thị trường của các tên tuổi lớn như Lotte, Shinsei Bank, Shinhan Bank… trong vòng vài năm tới “miếng bánh” thị phần tài chính tiêu dùng sẽ có nhiều sự chuyển dịch. Sự cạnh tranh sẽ diễn ra, kéo theo những thay đổi tích cực về hoạt động kinh doanh, cơ chế lãi suất… nhằm giành thị phần. Và khi đó, đối tượng được hưởng lợi trực tiếp không ai khác chính là những người tiêu dùng trong nước.
Việt Phong
-
Tin tức kinh tế ngày 24/11: Việt Nam tăng nhập khẩu hàng điện tử Trung Quốc
-
Năm 2023, lợi nhuận Home Credit Việt Nam giảm gần 70%
-
Tin tức kinh tế ngày 25/12: Giá gạo Việt Nam đạt mức cao nhất trong vòng hơn 15 năm qua
-
Dư nợ cho vay tiêu dùng tăng 1,53%
-
Tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng
-
Hà Nội: 150 sản phẩm được bình chọn là “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích”
-
Châu Âu đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng khí đốt mới
-
Tin Thị trường: Giá dầu thế giới giảm trở lại
-
Giá vàng hôm nay (25/11): Thị trường thế giới tăng trở lại
-
Giá dầu hôm nay (25/11): Dầu thô tăng trong phiên giao dịch đầu tuần