Thí sinh 30,5 điểm trượt ĐH: 'Quỳnh là tấm gương học giỏi của trẻ em khắp xã'
Những ngày này, người dân thôn Minh Khai, xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng, Lạng Sơn xôn xao trước thông tin, cô bé "thủ khoa" của xã tuy đạt số điểm cao ngất ngưởng 30,5 với số điểm lần lượt là Ngữ văn 9; Lịch sử 8,5; Địa lý 9,5, và 3,5 điểm ưu tiên nhưng vẫn không đỗ Học viện An ninh nhân dân.
Quỳnh không chỉ tạo nên "kỳ tích" ở trường THPT Đồng Bành, tỉnh Lạng Sơn mà còn là niềm tự hào, niềm hy vọng khoa cử đỗ đạt của người dân và những đứa trẻ hiếu học vùng miền núi Chi Lăng.
Đạt 30,5 điểm trong kỳ thi THPT quốc gia 2016 nhưng em Nguyễn Như Quỳnh vẫn không được vào ngành công an do vướng mắc về lý lịch. |
Trăn trở với trường hợp của thí sinh Nguyễn Như Quỳnh, phóng viên Pháp luật Plus đã tìm gặp và lắng nghe tâm tư, chia sẻ của người thân, bạn bè, nhà trường... của Quỳnh.
Lần giở từng tấm giấy khen, cuốn học bạ của con gái, bà Mạc Thị Trường, mẹ Quỳnh nghẹn ngào bày tỏ: "Suốt 12 năm đèn sách, con vất vả, chúng tôi cũng gắng sức nhiều. Vậy nên khi biết điểm của con, gia đình tôi vui mừng đến đứng ngồi không yên. Bà con lối xóm nườm nượp tới chúc mừng khiến chúng tôi càng thêm hãnh diện và tự hào về con".
Hai ngày sau khi biết điểm, gia đình bất ngờ nhận được thông báo của Công an tỉnh Lạng Sơn về việc Quỳnh không đủ điều kiện chính trị để vào trường Học viện An ninh nhân dân. Nỗi đau đã ngủ sâu trong quá khứ của chồng tôi bỗng dưng bị khơi lên. Lần này, thật đớn đau gấp bội", bà Trường thở dài trong nước mắt.
Năm 1993, trước khi kết hôn với bà Trường, ông Nguyễn Văn Thuận vì tuổi còn trẻ, nhận thức hạn chế nên đã mua một khẩu súng của người đàn ông tên Hòa ăn trộm của bộ đội với mục đích trông vườn. Ông bị xử phạt 12 tháng tù treo. Năm 1995, ông Thuận được xóa án.
Nhìn khuôn mặt khắc khổ của người đàn bà tần tảo, lúc nào cũng chỉ chực rơi nước mắt mỗi khi nhắc đến con gái, không ai có thể kìm được lòng. Bà Trường tâm sự: "Thỉnh thoảng con bé lại mang tờ giấy báo điểm ra xem, rồi cứ khóc mãi. Con buồn một, vợ chồng chúng tôi buồn mười, nhất là chồng tôi. Ông ấy cứ dằn vặt, tự trách suốt thôi".
Ông Mạc Văn Thành, người hàng xóm tỏ ra tiếc nuối về trường hợp của em Quỳnh. |
Quỳnh là "thần tượng" về sự ngoan ngoãn, học giỏi trong mắt lũ trẻ con của vùng quê nơi em sinh sống.
Ông Mạc Văn Thành (trú tại thôn Minh Khai, xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng, Lạng Sơn), là hàng xóm của gia đình Quỳnh chia sẻ: "Sau khi biết tin cháu được điểm cao như vậy, tôi và mọi người xung quanh ai cũng rất vui mừng cho cháu. Chúng tôi cứ nói vui với nhau rằng, thế là từ nay xóm mình có người làm công an rồi, khỏi sợ cướp giật hay trộm cắp bén mảng tới. Quỳnh là cô bé học giỏi, chăm ngoan và là tấm gương mà tôi thường nhắc nhở tụi nhỏ nhà mình phải học tập, noi theo".
Thông tin Quỳnh trượt đại học vì lý lịch của bố không tốt khiến bà con lối xóm không khỏi lo lắng và tiếc nuối. Không ai ngờ rằng một người cha mẫu mực, lương thiện, hay giúp đỡ mọi người lại có quá khứ từng đáng tiếc khi vướng vào lao lý như vậy...
Bạn học cùng lớp với Như Quỳnh là Nguyễn Thị Hồng Thư cho biết: "Em với Quỳnh đã học chung với nhau nhiều năm. Trong lớp, nếu nói về độ chăm chỉ và thái độ quyết tâm học tập thì không ai so được với Quỳnh. Đặc biệt là thời gian gần thi đại học, có khi Quỳnh thức đến 4 - 5h sáng không ngủ để ôn bài. Chúng em ai cũng biết ước mơ lớn nhất của bạn ấy là trở thành công an".
Đặt tất cả sự tự tin và kỳ vọng được bước chân vào ngôi trường Học viện An ninh nhân dân, nên khi nhận được tin không đủ điều kiện chính trị, em đã không giấu nổi sự thất vọng.
Trao đổi với phóng viên Pháp luật Plus, cô Lô Thúy Lan, giáo viên môn địa lý và cũng là Phó hiệu trưởng trường THPT Đồng Bành nơi em Nguyễn Như Quỳnh theo học tâm sự: "Em Quỳnh vốn là một học sinh xuất sắc trong nhiều năm liền, là tài năng được thầy cô chúng tôi ươm mầm từ những lúc em mới thi vào trường".
Cũng theo những trải lòng của cô giáo Lan, Quỳnh có tư duy và trí nhớ cực tốt, không chỉ là cây văn, cây sử, mà còn là tài năng môn địa lý được nhà trường cử đi thi học sinh giỏi tỉnh và mang giải về cho trường. Việc em đạt số điểm 30,5 là kỳ tích của trường bởi xưa nay chưa thế hệ học trò nào có thành tích cao đến thế. Vì vậy nên thầy và trò trường THPT Đồng Bành thật sự buồn lòng khi em gặp phải trở ngại về lý lịch trong quá trình xét tuyển.
Đành rằng mỗi một nghề nghiệp có những yêu cầu đặc thù về nhân lực, là căn cứ để lựa chọn, tuyển dụng để phù hợp với yêu cầu công việc, nhiệm vụ được giao. Lực lượng vũ trang (công an, quân đội) là lực lượng "lao động" đặc biệt, quan trọng và có tính đặc thù riêng nên trong tuyển dụng lại càng không tránh khỏi việc đưa ra những tiêu chuẩn, điều kiện đặc thù về hình thức, sức khỏe, chiều cao, cân nặng, bản lĩnh chính trị...
Tuy nhiên, phải chăng quy định đó là quá khắt khe với Quỳnh trong trường hợp này?
Bà Nguyễn Thị Khá - Ủy viên thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã từng đề nghị các cơ quan chức năng có trách nhiệm làm rõ, nếu lý lịch của bố các em không ảnh hưởng đến chính trị, đến mối quan hệ xã hội hay vấn đề an ninh quốc gia, thì tạo điều kiện cho thí sinh được nhập học vào trường Công an theo nguyện vọng đã đăng ký.
Thông qua Pháp luật Plus, thí sinh Nguyễn Như Quỳnh đã viết Đơn cầu xét gửi tới Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Bộ trưởng Công an Tô Lâm với mong muốn được xem xét để thực hiện ước mơ vào học tại Học viện An ninh nhân dân.
Xinh Khánh
Pháp luật plus
-
Nguồn lực cho chiến lược tăng trưởng xanh chưa rõ ràng
-
Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đáp ứng kỳ vọng cử tri, mong mỏi của mỗi gia đình
-
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm được bổ nhiệm giữ chức Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam
-
Luật sư Trương Anh Tú: Dự thảo luật về hoàn thuế GTGT phải đảm bảo công bằng cho doanh nghiệp
-
Quốc hội thẩm tra Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030