Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Thí mạng cho nghề lặn bắt hải sản ở Cô Tô (Kỳ 2)

06:50 | 14/08/2013

1,967 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Thợ lặn biển đánh bắt bào ngư, ngọc trai và tôm, cá thường có không ít người gặp nạn trong những chuyến đi lặn. Có người một đi không trở lại, người sống sót phải mang di chứng, thương tật vĩnh viễn trên cơ thể. Vậy mà lớp thanh niên trẻ, người theo nghề lặn lâu năm vẫn quyết bám riết lấy nghề, bất chấp Nhà nước ta đã có lệnh cấm hoạt động để rồi nó kéo theo nhiều hệ lụy, hậu quả khôn lường.

>> Thí mạng cho nghề lặn bắt hải sản ở Cô Tô (Kỳ 1)

Những cái chết báo trước

Trước khi lên kế hoạch theo tàu ra Cô Tô tìm hiểu xem nghề lặn bắt hải sản nguy hiểm đến thế nào mà Nhà nước ta lại có lệnh cấm nghiêm ngặt thì tôi chưa biết gì về nghề này. May mắn, trên chuyến tàu ấy vô tình tôi gặp được hai thợ lặn đang trên đường ra đảo Cô Tô để mưu sinh bằng nghề lặn bào ngư, ngọc trai và cá. Hai anh là Phạm Văn Tình và Nguyễn Văn Xuân quê cùng ở xã Cẩm Lĩnh (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh). Hóa ra, nghề lặn tìm bào ngư, ngọc trai..dưới biển không riêng gì ngư dân đảo Cô Tô, ngư dân Nam Định, Thái Bình… mà có ở hầu hết các tỉnh ven biển đất nước.

Nghề lặn đánh bắt bào ngư, ngọc trai với ngư dân không được đào tạo qua trường lớp nào mà chỉ là cha truyền con nối. Những người thợ lặn cũng không được trang bị kiến thức, nghiệp vụ chuyên môn, các kỹ năng cứu hộ hay được cấp thiết bị bảo hộ khi lặn. Họ hành nghề bằng chính những kinh nghiệm có được từ thực tế họ trải nghiệm nhưng những kinh nghiệm đó thiếu khoa học. Có lẽ chính vì thiếu đi những hiểu biết cơ bản mà cái giá họ phải trả có khi là mạng sống của mình.

Sò huyết thu được sau một chuyến lặn biển

Anh Tình cho biết, anh theo nghề lặn đánh bắt bào ngư, ngọc trai và có cả lặn nghêu, sò đã 25 năm. Đến nay, Tình và Xuân gắn bó được với nghề lặn biển lâu nhất tại địa phương mình. Những nơi các anh đến xa thì có Khánh Hòa, Vũng Tàu, rồi gần có Cô Tô, Bạch Long Vĩ… anh Tình bảo rằng: “Nghề lặn này bạc lắm các chú ạ. Có ngày bỏ mạng như chơi. Dân quê tui bỏ nghề lặn đi nước ngoài hết cả rồi. Giờ chẳng có mấy ai theo cái nghề này nữa”. Như để minh chứng thêm cho tôi hiểu và những gì các anh nói là sự thật, anh Xuân ngồi ngay chiếc ghế bên cạnh dẫn thêm những trường hợp đã bị thương tật và tử vong ở quê anh cũng bởi do nghề lặn bào ngư này mà chuốc họa. Đó là ông Hoàn, người cùng làng không may bị mất khi thuyền lặn bào ngư gặp bão ngoài khơi. Anh Phượng bạn học cùng lứa cũng bị nạn tử vong do bị chuột rút khi đang lặn nên không cứu kịp, rồi bác họ anh Tình cũng bị liệt, bại não mà nằm một chỗ bởi nghề lặn này. Anh định bao giờ thôi làm nghề lặn biển? - tôi hỏi. Anh Xuân thật thà: “Mình cũng không biết nữa. Bởi chưa tìm được việc làm để thay thế”.

Cũng theo anh Tình, những thợ lặn như anh mỗi ngày tìm bào ngư, bắn cá dưới nước ở độ sâu 30-40m. Những ai có sức khỏe ở được dưới đáy biển khoảng 4 giờ đồng hồ, khi nào cảm thấy đói bụng hay đến giờ ăn cơm thì ngoi lên tàu. Người có sức khỏe yếu, thần kinh không tốt thì được độ 2 tiếng là hết chịu nổi.

Với thợ lặn bào ngư, ngọc trai thì bất kể mùa hè hay mùa đông giá rét, họ luôn sẵn sàng làm việc khi có chủ tàu yêu cầu. Mùa hè, thợ lặn chỉ cần mặc bộ đồ lặn (đồ nhái) là có thể nhảy ngay xuống nước để đánh bắt hải sản. Còn mùa đông thì sao? Vẫn đồ nghề, áo quần lặn ấy, mặc cho nước biển buốt giá, lạnh cóng nhưng họ bất chấp nguy hiểm tính mạng.

Thợ lặn Lê Văn Lâm ở khu 1 thị trấn Cô Tô không may gặp nạn trong một chuyến đi lặn để rồi phải chịu thương tật. 3 năm sau khi anh Lâm gặp nạn, người em trai xấu số là anh Lê Văn Oanh mất khi mới ở tuổi 31. Anh Lâm giàn giụa nước mắt khi nhớ về người em trai: “Trong chuyến lặn ấy, khi gặp nạn, nó cố ngoi được lên mặt nước nói vội câu anh ơi cứu em với, em chết mất. Nó bị liệt não vì thiếu ôxy và tử vong ngay trên tàu”. Mỗi lần nói lại câu chuyện về nghề lặn, nhắc đến đứa em, anh Lâm như bị cắt từng khúc ruột. Thương cho tuổi đời Oanh còn trẻ, ra đi để lại người vợ mới cưới. Người vợ không cam chịu sống cảnh một mình cô đơn nên đã đi lấy chồng.  Khi chúng tôi hỏi, nếu bây giờ cho anh một điều ước thì anh sẽ ước gì? Anh Lâm bỏ dở bát cơm, không nói thành lời. Có lẽ, nếu có một điều ước thì mình sẽ ước không chọn nghề lặn biển đánh bắt hải sản để làm kế sinh nhai.

Ông Nguyễn Viết Trung - nhân viên quản lý tàu thuyền ở Cô Tô

Vốn không có nghề nghiệp, sau khi gặp tai nạn, anh Lâm chỉ biết trông chờ vào sức lao động chính của vợ, hai đứa con đang tuổi đi học. Để có tiền trang trải cuộc sống, hằng ngày vợ anh Lâm phải dậy từ khi con vẹm, con hàu, con ngao, con sò đang đi kiếm ăn trên bờ. Cuối buổi, may lắm hôm nào ít người đi cào thì chị Ngân cũng kiếm được độ 5kg đem bán lấy tiền đong gạo, mua thức ăn.

Từ huyện đảo Cô Tô, chúng tôi ngược sang đảo Thanh Lân, tại đây những cái chết thương tâm của một số thợ lặn đánh bắt thứ hải sản có giá này vẫn được người dân truyền miệng. Trường hợp thợ lặn trẻ Nguyễn Văn Tứ tử vong khi mới tròn 20 tuổi. Cũng như Tứ, chàng trai trẻ Nguyễn Văn Sáng vốn là trụ cột chính trong gia đình. Chuyến lặn định mệnh, ống dẫn hơi bị cánh chân vịt của con tàu chém đứt đã cướp đi sinh mạng Sáng.

Những cái chết thương tâm báo được trước của những thợ lặn trên đảo Cô Tô vẫn không thể ngăn được cánh thợ lặn kế sau bỏ nghề. Họ vẫn kéo nhau ra khơi. Sau cái chết trẻ của anh Nguyễn Văn Sáng, anh Nguyễn Văn Thái không may bị rơi xuống biển mất tích khi đang ngồi trên thành tàu lặn. Và nhiều câu chuyện buồn, số phận bất hạnh của những người thợ lặn ở cái huyện đảo bé nhỏ này còn chưa kể hết.

Môi trường sinh thái bị hủy diệt

Nhận thấy lợi ích kinh tế trong việc khai thác hải sản trên biển Cô Tô, đặc biệt là nghề đánh bắt bào ngư, ngọc trai và đánh bắt tôm, cá là vô cùng lớn nên ngư dân tứ xứ đổ xô về đây. Vì vậy, nguồn hải sản cạn kiệt dần. Khi việc sử dụng các loại công cụ như chài, lưới để đánh bắt hải sản trở nên “lỗi thời”. Ngư dân tìm đến phương thức đánh bắt mới. Khi các loại hải sản như bào ngư bắt đầu hiếm hoi thì các thợ lặn bắt đầu sử dụng mìn, chất hóa học và những phương tiện có tính hủy diệt cao như súng bắn điện, súng bắn hóa chất gây mê để đánh bắt hải sản như tôm, cua, cá ngừ, cá thu, cá mó...

Anh Nguyễn Văn Quảng, một ngư dân trên đảo Cô Tô ngán ngẩm nói: “Cách độ chục năm về trước, chỉ cần giong thuyền vài hải lý là đã có thể đánh bắt được nhiều sản vật rồi. Lâu nay, ngư dân chẳng thấy tăm hơi của con bào ngư hay ngọc trai đâu cả, cá tôm cũng thưa dần”.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh

Theo anh Quảng, sở dĩ các loại hải sản quý như bào ngư, ngọc trai và cá, tôm, một số hải sản khác mấy năm trở lại đây “vắng bóng” là bởi người ta đánh bắt bằng phương pháp “tận diệt, hủy diệt”. Chỉ tay về mấy chiếc tàu đang chạy ra xa, anh Quảng cho biết, đó là những tàu lặn cá ngừ, cá mó và đánh bắt cá ngựa, họ thường ra khơi vào buổi tối để nhằm vào lúc “cá ngủ” mà đánh bắt chúng dễ dàng. Đồng thời tránh được sự tuần tra của lực lượng chức năng, công an và bộ đội biên phòng.

Các dụng cụ để phục vụ cho việc đánh bắt hải sản được những chủ tàu mua sắm là hàng Trung Quốc. Phương tiện hỗ trợ đắc lực việc đánh bắt là súng điện, súng bắn hóa chất và chất hóa học cực độc như cyanua để làm cho hải sản tê liệt. Theo anh Trường, một thợ lặn cho biết, súng phóng điện có thể phóng xa hơn 7m, bán kính 1-2m. Dụng cụ súng điện này sử dụng được khá lâu, chỉ cần nạp đầy điện là sử dụng được. Những luồng xung điện phóng ra chính là nguyên nhân khiến thủy sinh chết hàng loạt. Thợ “săn” chỉ cần thả một lượng nhỏ chất cyanua vào trong nước là “gây mê” nhiều loại hải sản. Những thứ hóa chất này là tác nhân hủy hoại môi trường sống, ảnh hưởng lớn đến hệ sinh thái biển.

Năm 2011, các nhà khoa học thuộc Viện Hải Dương học ở nước ta cảnh báo: Hiện nay, tại rất nhiều vùng biển, ngư dân và các thợ lặn đang sử dụng chất cyanua để đánh bắt hải sản. Thực  tế khảo sát cho thấy ở vùng biển nào sử dụng nhiều hóa chất thì vùng biển đó “chết dần, chết mòn”. Biểu hiện dễ thấy nhất là các rặng san hô, các loài tảo cùng nhiều loài thủy sinh khác bị chết thành từng mảng, từng vùng lớn dưới đáy biển. Tại huyện đảo Cô Tô, thực tế đã có lệnh cấm nghề lặn và cấm đánh bắt bằng xung điện, chất hóa học, tuy nhiên, ở nhiều địa phương vẫn đang diễn ra.

Điều tra mới đây của Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Bộ NN&PTNT, tại vùng biển đảo Cô Tô thì lượng san hô bị chết chiếm khoảng 80-85%, nguồn lợi thủy sản ở đây suy giảm nghiêm trọng. Chính vì vậy, UBND tỉnh Quảng Ninh cũng như huyện Cô Tô đã có lệnh cấm nghề lặn biển này.

Cần một chính sách cho ngư dân

Chỉ đánh bắt đơn thuần những hải sản như tôm, cá, ốc thì mỗi chuyến đi biển tính ra chỉ đủ lấy công bù lỗ. Tàu lặn sẽ chọn đánh bắt những loại cá song, cá ngừ, cá mó, ngọc trai, cá ngựa hay bào ngư. Những loại hải sản này có giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần so với tôm, cá khác.

Thông qua một người quen, chúng tôi “bắt mối” được với thợ lặn tên Trường ở xã Thanh Lân. Trong vai khách du lịch muốn khám phá, tìm hiểu nghề lặn bào ngư dưới đáy biển, ngỏ ý xin theo tàu lặn ra khơi. 17 giờ, Trường hẹn gặp chúng tôi ở bến cảng thì đã thấy tấp nập tàu lặn neo đậu. Tại đây có cán bộ địa phương, bộ đội biên phòng tuần tra, kiểm soát, cấm các tàu lặn ra khơi nhưng chỉ như “ném đá ao bèo”. Ý định theo đội thợ lặn của chúng tôi bất thành bởi chủ của tàu đánh cá sợ rằng phóng viên sẽ viết về nghề lặn hải sản của họ, trong khi nghề này đang bị cấm gắt gao.

Cao Văn Tài (bên phải) đã từ bỏ nghề lặn vì bị điếc và viêm tai, nay anh chuyển sang nuôi trồng thủy sản

Tôi thắc mắc tại sao nghề lặn vốn nguy hiểm mà cánh thợ lặn lại “ham” đến vậy thì tìm được câu trả lời là vì trung bình mỗi một đêm đi biển có thể thu về được 1,5-2 triệu  đồng/người. Chưa kể những lần “trúng mánh”, mỗi người có trong tay từ 5-7 triệu đồng. Nhiều người thấy nghề lặn đánh bắt hải sản “ăn nên làm ra” thế là họ đầu tư thuyền bè. Không có được vốn, nhiều gia đình đi vay tiền ngân hàng rồi chung nhau để về sắm thuyền, đồ lặn. Sau một thời gian, làm ăn thất bát, họ lại nghĩ cách bán tàu. Vậy là vỡ nợ. Nhiều hộ gia đình khác biết theo nghề lặn bắt bào ngư, ngọc trai và hải sản là nguy hiểm và đã bị Nhà nước cấm, nhưng nghỉ nghề thì lấy gì mà sống. Ngư dân vẫn phải bất chấp tất cả để theo nghề.

Ông Bùi Thanh Hải, một ngư dân nay đã chuyển sang nghề chạy xe ôm trên đảo Cô Tô phân trần: “Hầu hết đời sống của ngư dân huyện đảo Cô Tô còn khó khăn. Dù vậy, họ vẫn bám trụ đảo, ngoài nghề biển họ không có một thứ nghề nào khác. Khi tình hình an ninh biển đảo ở nước ta cũng như trên thế giới đang xảy ra nhiều biến động, mâu thuẫn, chủ quyền quốc gia trên biển đang bị đe dọa, xâm lấn thì việc quan tâm đến những người dân ngày đêm bám đảo thật sự rất cần thiết. Vì vậy Nhà nước mình cũng nên có những chính sách hỗ trợ đến sự phát triển của ngành đánh bắt thủy hải sản, đặc biệt là đối với công việc đánh bắt xa bờ”. Mong muốn, của ông Hải cũng chính là nguyện vọng của ngư dân nghèo ở huyện đảo Cô Tô.

Trao đổi với anh Bùi Như Duân chuyên viên Phòng Tài nguyên và Môi Trường về nguồn thủy hải sản trên vùng biển huyện đảo Cô Tô, anh Duân cho tôi biết: Nguồn thủy sản gần bờ đang dần cạn kiệt. Hiện ở địa phương đã có một số hộ dân nghỉ nghề lặn đánh bắt hải sản để chuyển sang nuôi trồng như nuôi ngao, nuôi ốc đá, chế biến sứa, nuôi tu hài. Vì những mô hình này mới hình thành nên cần một thời gian mới đánh giá được hiệu quả, lúc đó mới có thể nhân rộng ra được.

Anh Nguyễn Viết Trung, nhân viên quản lý tàu thuyền - Phòng Tài nguyên và Môi trường cho biết: “Hiện tại, cả huyện đảo Cô Tô có khoảng 70 thuyền làm nghề lặn đánh bắt hải sản dưới đáy biển. Nghề này rất nguy hiểm, ảnh hưởng đến tính mạng ngư dân và môi trường sinh thái. UBND tỉnh Quảng Ninh đã có quy định nghiêm cấm nghề lặn này hoạt động. Vì ngư dân không có nghề gì khác, trong khi nghề bắt ngọc trai, bào ngư, cá biển có thu nhập cao, nên họ nhất quyết không từ bỏ nghề. Chính quyền cũng đã lên kế hoạch, lập đề án trình UBND huyện, tỉnh Quảng Ninh để có những hướng hỗ trợ ngư dân phát triển kinh tế, giúp họ bỏ nghề lặn biển. Tuy nhiên, một vướng mắc không thể thực hiện được là vấn đề chính sách vay vốn, tài chính để hỗ trợ”. Theo cách tính của anh Trung, để một hộ sắm phương tiện đánh bắt xa bờ hay muôi hải sản thì ít nhất cũng phải mất một khoản tiền rất lớn. Đây là điều các cấp, ngành tỉnh Quảng Ninh đang “rối”.

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - Viện công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội): Chất hóa học cyanua là một hợp chất chứa nhiều độc tính cao (nằm ở bảng A). Đây là hóa chất cấm sử dụng nếu không được phép của cơ quan chức năng, nó có thể thẩm thấu vào nước ăn và gây nguy hiểm, dễ dẫn tới tử vong. Trong điều kiện môi trường bình thường, hợp chất này tồn tại ở dạng muối. Việc sử dụng cyanua để đánh bắt hải sản sẽ khiến môi trường bị hủy hoại. Con người tiếp xúc với hóa chất này nhiều sẽ bị ảnh hưởng đến sức khỏe. Cyanua có thể là tác nhân gây đột biến gen như chất độc dioxin.

Phóng sự của Hà Văn Long