Thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được gìn giữ như thế nào?
I. Những ngày tháng cuối cùng của Bác
1. Hiếm thấy trong lịch sử có con người nào mà tên tuổi và sự nghiệp lại gắn bó với vận mệnh của cả một dân tộc, một đất nước như Chủ tịch Hồ Chí Minh. Có thể tìm thấy hình ảnh Người trong từng hơi thở của mỗi người dân và cũng có thể tìm thấy số phận mỗi người dân trong từng ý nghĩ của Người. “Bác Hồ”, đó là tên gọi trìu mến nhất, thiêng liêng nhất mà cả dân tộc đã dành để gọi vị lãnh tụ kính yêu của mình. Bác giản dị và gần gũi. Không có khoảng cách nào giữa một người dân bình thường với lãnh tụ lại được rút ngắn như vậy. Từ lâu Bác đã trở thành một lẽ sống không thể thiếu được trong đời sống chính trị và tinh thần của đất nước. Người là một cá nhân, nhưng Người cũng đã trở thành tất cả.
Đã có biết bao nhiêu người anh hùng trước giờ phút hy sinh đã hô lớn: “Hồ Chủ tịch muôn năm!”, “Bác Hồ muôn năm!”. Lời hô giản dị và tha thiết ấy trước kẻ thù trên nhiều pháp trường đã vang lên như một lời thề, thể hiện khí phách “tận trung với nước, tận hiếu với dân” của người chiến sĩ cách mạng. Đó cũng là niềm mong mỏi da diết, là lời cầu chúc của người chiến sĩ cách mạng đối với sức khỏe của Bác. Người sắp hy sinh cầu chúc cho Bác mãi mãi mạnh khỏe, sống lâu, người sống cũng luôn khao khát Bác trường sinh cùng với dân tộc, với đất nước.
Nhưng sức khỏe của Bác lại hoàn toàn nằm ngoài ý muốn của toàn Đảng, toàn dân ta. Vào giữa những năm 60, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta đang ở vào giai đoạn quyết liệt nhất. Nửa triệu quân Mỹ đã đổ bộ ồ ạt vào miền Nam, tiến hành cuộc chiến tranh cục bộ tàn khốc nhất trong lịch sử. Tin tức về những người dân vô tội bị giết hại, những làng mạc trù phú ở miền Nam bị tàn phá đã trở thành nỗi đau nhức nhối thường xuyên của Bác. Cùng với tuổi tác, sức khỏe của Bác cứ mỗi ngày một suy giảm. Đã có một câu chuyện kể lại rằng, thấy Bác suy giảm sức khỏe vì hút thuốc lá nhiều, các bác sĩ đề nghị Bác không được hút thuốc nữa, Bác chấp hành. Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau, các bác sĩ lại phải để Bác hút thuốc trở lại vì bỏ thuốc, sức khỏe của Bác có phần sa sút hơn. Điếu thuốc là người bạn duy nhất của Bác trong những giờ phút riêng tư, khi tất cả mọi người sau một ngày làm việc với Bác đều trở về với cuộc sống gia đình êm ấm của mình.
Năm 1962, khi phái đoàn đầu tiên của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra thăm miền Bắc, trước khi về, thay mặt cho 14 triệu đồng bào miền Nam lúc đó, đoàn chỉ có một yêu cầu với Trung ương Đảng và nhân dân miền Bắc: “Phải cố gắng giữ gìn sức khỏe của Bác cho thật tốt, để đồng bào miền Nam có thể được gặp Người khi nước nhà hoàn toàn thống nhất”.
Tháng 5/1967, sau Lễ mừng thọ nhân ngày sinh thứ 77 của Bác, Bộ Chính trị đã triệu tập một cuộc họp bất thường để bàn việc bảo vệ sức khỏe của Người và chuẩn bị giữ gìn thi hài Bác lâu dài sau khi Người qua đời. Cuộc họp do đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng chủ trì. Hội nghị đã xác định: Vấn đề quan trọng đặt ra lúc này phải đảm bảo hai yêu cầu:
1 - Phải tuyệt đối giữ bí mật, nếu không, nhân dân sẽ hoang mang, lo lắng và Bác sẽ phê bình Bộ Chính trị, không cho phép triển khai thực hiện chủ trương này.
2 – Phải chọn một số cán bộ y tế giỏi gửi sang Liên Xô học tập về khoa học gìn giữ thi hài. Nhân sự cụ thể giao cho Ban Tổ chức Trung ương lựa chọn.
Hội nghị cũng nhất trí giao nhiệm vụ đặc biệt này cho Quân ủy Trung ương vì quân đội sẵn có truyền thống nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ. Mặt khác, Bộ Chính trị cũng chỉ định đồng chí Nguyễn Lương Bằng thay mặt cho Trung ương Đảng trực tiếp theo dõi và chăm sóc sức khỏe của Bác.
Vốn là một người sống giản dị, Bác luôn luôn lo lắng đến vận mệnh của dân tộc, của đất nước. Bác thường kêu gọi toàn Đảng, toàn dân ta thực hành tiết kiệm. Bởi vậy, quyết định trên của Bộ Chính trị là hoàn toàn trái với ý nguyện của Bác. Sau khi qua đời, Bác chỉ có một nguyện vọng: Hỏa táng thi hài Bác, lấy tro đựng vào 3 chiếc bình, đặt trên 3 ngọn đồi thấp ở 3 miền Bắc, Trung, Nam để đồng bào cả nước có thể đến với Bác để Bác mãi mãi được gần gũi với dân, với nước. Bác còn dặn thêm rằng, trên mỗi ngọn đồi phải được trồng thật nhiều cây có bóng mát và làm nhà để nhân dân có thể ngồi nghỉ mỗi khi lên viếng Bác.
Nhưng việc giữ gìn thi hài Bác cho đời đời con cháu mai sau được chiêm ngưỡng lại là nguyện vọng thiêng liêng của toàn Đảng, toàn dân ta. Đó sẽ là phần thưởng vô giá mà Đảng ta dành cho các thế hệ tương lai của đất nước.
Để công việc được triển khai sớm, Bộ Chính trị quyết định cử đồng chí Lê Thanh Nghị thay mặt Đảng và Chính phủ ta sang Liên Xô hội đàm đề nghị bạn giúp đỡ, từ công tác đào tạo cán bộ đến việc gìn giữ lâu dài thi hài Bác. Dĩ nhiên, chuyến đi này, đồng chí Lê Thanh Nghị cũng phải giấu không để Bác biết. Xuất phát từ lòng kính trọng và nhận rõ vị trí lớn lao của Bác đối với phong trào giải phóng dân tộc và phong trào cộng sản quốc tế, Đảng và Chính phủ Liên Xô khẳng định ủng hộ và giúp đỡ Việt Nam không hoàn lại trong việc giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và xây dựng Lăng của Người.
Chuyến đi là một thành công lớn. Nhưng cũng bắt đầu từ đó, trong lòng mỗi người biết tường tận về sức khỏe của Bác, bắt đầu xuất hiện một khoảng trống, một khoảng trống còn mơ hồ nhưng không gì có thể bù đắp: Đó là sự thiếu vắng Bác trong tương lai mà mỗi người dân, mỗi người lính sẽ phải gánh chịu. Không ai muốn điều đó, nhưng lại không thể không nghĩ đến nó.
2. Trong cuộc đời của Bác có nhiều nỗi đau, nhưng nỗi đau lớn nhất là nỗi đau miền Nam chưa được giải phóng, nước nhà chưa hoàn toàn được thống nhất. Năm 1966, khi tiếp một nhà báo Cuba, Bác đã đặt một bàn tay lên ngực mình nói rằng: “Nhân dân miền Nam, mỗi nhà, mỗi người đều có một nỗi đau, đem cộng tất cả những nỗi đau đó lại thì đấy là nỗi đau của tôi”. Cũng trong năm ấy, Người đã tuyên bố một chân lý bất hủ: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Chân lý đó, cho đến bây giờ vẫn vang lên trên khắp hành tinh, trở thành lẽ sống của nhiều dân tộc còn chưa giành được độc lập, tự do thực sự.
Miền Nam luôn luôn ở trong trái tim Bác và Bác cũng luôn có trong trái tim của mỗi người dân miền Nam. Còn nhớ năm 1946, trước quốc dân, đồng bào, trước nguy cơ miền Nam bị đe dọa, nước nhà bị chia cắt, Bác đã khẳng định: “Nam Bộ là máu của máu Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi”.
Trong những tháng năm khốc liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, có ngày nào Bác không gọi điện hỏi Đại tướng Võ Nguyên Giáp về tình hình chiến sự ở miền Nam? Được vào miền Nam là nguyện vọng da diết trong những năm cuối đời của Bác. Nhiều lần, Bác đề nghị Bộ Chính trị bố trí để Bác được vào thăm đồng bào miền Nam theo đường mòn Trường Sơn, hoặc đường hàng không Hà Nội – Phnôm Pênh, nhưng nhận thấy sức khỏe của Bác không bảo đảm cho chuyến đi, nên Bộ Chính trị đã tìm mọi cách trì hoãn chuyến đi ấy vì trước đây, sau chuyến đi thăm đồng bào Thái Bình trở về, Bác đã bị bệnh co thắt động mạch não.
Vào mùa xuân năm 1968, theo lời mời của Đảng và Nhà nước Trung Quốc, Bác sang Bắc Kinh nghỉ ngơi và chữa bệnh. Đồng chí Lê Đức Thọ trước khi vào miền Nam công tác đã sang Bắc Kinh chào Bác. Khi nghe đồng chí Lê Đức Thọ báo cáo về chuyến đi sắp tới, Bác lại tha thiết đề nghị Bộ Chính trị bố trí để Bác đi miền Nam. Bác bảo: “Chú vào trong đó bàn với chú Hùng (Phạm Hùng) bố trí để Bác vào thăm đồng bào miền Nam”. Đồng chí Lê Đức Thọ khéo léo từ chối, nói rằng: “Bác chỉ có thể đi đường hàng không qua Phnôm Pênh. Muốn vậy phải làm hộ chiếu và người ta dễ dàng nhận ra Bác vì Bác có râu”. Bác bảo: “Thì Bác cạo râu đi”. “Nhưng cạo râu thì đồng bào miền Nam không còn nhận ra Bác nữa” – đồng chí Lê Đức Thọ trả lời. Bác ngồi yên và rất buồn. Lát sau Bác lại bảo cho Bác đi theo đường biển. Hồi đó, tàu chở vũ khí tiếp tế cho chiến trường miền Nam vẫn cập cảng Xi-ha-núc-vin. Bác sẽ cải trang làm một thủy thủ hoặc được giấu dưới hầm tàu…
Phương án đã được Bác vạch ra tỉ mỉ, chi tiết, khó có thể từ chối được. Nhưng cũng như lần trước, đồng chí Lê Đức Thọ lại khéo léo trì hoãn và hứa: “Tình hình còn rất nhiều khó khăn, Bộ Chính trị sẽ cố gắng thu xếp để đồng bào miền Nam có thể sớm được gặp Bác”. Lúc chia tay, Bác đã ôm lấy đồng chí Lê Đức Thọ khóc. Trong lòng người học trò, người đồng chí của Bác hôm ấy và suốt cả chuyến đi, lúc nào cũng canh cánh một nỗi lo, sợ rằng khi hoàn thành nhiệm vụ trở về có thể sẽ không còn được gặp Bác nữa.
Mồng một Tết Nguyên đán năm 1969, Bác đến thăm Quân chủng Phòng không – Không quân, sau đó đi theo Quốc lộ 11 lên chúc tết đồng bào huyện Bất Bạt, tỉnh Sơn Tây. Đây là chuyến đi xa cuối cùng của Bác. Buổi trưa, ngồi nghỉ ăn cơm dưới một gốc đa ven đồi, nhìn những bóng người đang cắm cúi làm cỏ dưới cánh đồng ven đường, Bác cười quay sang đồng chí Kháng, Cục trưởng Cục Cảnh vệ nói vui: “Nhân dân mình chăm chỉ thật, mồng một tết vẫn đi làm”. Và Bác đột ngột hỏi: “Này, có phải quân của chú không?”. Đồng chí Kháng bối rối “dạ” khẽ. Những năm ấy, đất nước còn chiến tranh nên việc bảo vệ an toàn cho chuyến đi của Bác luôn là nhiệm vụ hàng đầu của Cục Cảnh vệ.
Sau chuyến đi đó trở về, sức khỏe của Bác vẫn bình thường, nhưng kiểm tra kỹ điện tim, các bác sĩ thấy sóng tim đều đảo ngược. Hội đồng bác sĩ chẩn đoán Bác đang bị nhồi máu cơ tim bước đầu. Trước những dấu hiệu không lành ấy, Bộ Chính trị quyết định mời các giáo sư và bác sĩ Trung Quốc sang điều trị cho Bác.
Tháng 5/1969, Bác sửa chữa lần cuối bản Di chúc nổi tiếng. Bản Di chúc này, Bác bắt đầu viết từ mùa hè năm 1965 mà Bác thường gọi là “Tài liệu tuyệt đối bí mật”. Nó “tuyệt đối bí mật” không phải ở nội dung mà ở chỗ, Bác không muốn cho mọi người biết Bác đang làm cái công việc cuối cùng của một đời người. Đồng chí Vũ Kỳ, thư ký riêng của Bác kể lại rằng, Bác thường viết vào những giờ nhất định trong ngày. Có lần, đồng chí Trường Chinh gọi điện xin phép làm việc với Bác đúng vào giờ Bác đang viết bản “Tài liệu tuyệt đối bí mật”. Biết Bác không thể tiếp khách vào giờ đó, để đến chiều thì Bác bận. Đồng chí Vũ Kỳ đã khéo léo bố trí để đồng chí Trường Chinh đến ăn cơm trưa với Bác, vừa ăn vừa làm việc.
Bấy giờ Bác đang đọc lại và sửa chữa lần cuối cùng bản Di chúc ấy. Đó là những ngày nắng nóng ở Hà Nội. Khu vườn Chủ tịch phủ đầy bóng cây, nhưng không khí rất oi nồng, ngột ngạt. Bác vẫn duy trì nếp sinh hoạt như mọi ngày. Buổi sáng dậy tập thể dục, tưới cây, ăn sáng và dành phần cho cá ăn. Những bước chân của Bác lên xuống cầu thang đã chậm chạp và khó khăn dần. Tuy vậy, Bác vẫn cố gắng để những người phục vụ, những đồng chí lãnh đạo đến làm việc với Bác không nhận thấy điều đó.
Một lần, theo Bác đi dạo trong vườn, thấy trời nắng nóng, đồng chí Mẫn, bác sĩ trong tổ y tế đặc biệt được cử đến chăm sóc sức khỏe Bác cầm theo một chiếc quạt lông chim quạt cho Bác. Bác tỏ vẻ không hài lòng: “Các chú làm cứ như đi hầu vua!”. Biết Bác không thích người khác quạt cho mình và hơn nữa là cái quạt làm bằng lông chim quý, đồng chí Mẫn đã chặt một tàu lá cọ trong vườn, cắt ra làm quạt đưa cho Bác. Bác rất thích chiếc quạt này. Vừa có thể che nắng, vừa có thể quạt mát. Từ đó, quạt lá cọ trở thành loại quạt rất phổ biến trong Phủ Chủ tịch. Để khỏi nhầm lẫn với những chiếc quạt khác, Bác cẩn thận lấy thuốc lá châm chữ B vào quạt của mình.
Cũng trong tháng 5 rất đáng ghi nhớ này, các cán bộ cao cấp toàn quân đã đến thăm và mừng thọ nhân dịp Bác 79 tuổi. Đồng chí Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp cùng dự trong buổi gặp mặt đầy lưu luyến và xúc động ấy. Đồng chí Võ Nguyên Giáp thay mặt Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và toàn quân lên chúc Bác mạnh khỏe, sống lâu, hứa với Bác quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ để đón Bác vào thăm miền Nam. Đồng chí Vương Thừa Vũ thay mặt anh em ôm một bó hoa lớn lên mừng thọ Bác. Bác ngồi trên chiếc ghế tựa, cảm động nhận hoa và cảm ơn các chú ở quân đội luôn quan tâm tới sức khỏe của Bác. Bác bảo các chú đánh thắng giặc là Bác vui, Bác khỏe ra nhiều… Giọng Bác ấm áp, quen thuộc nhưng nhỏ và thỉnh thoảng Bác đã phải dừng lại nghỉ.
Buổi gặp mặt hôm ấy, các tướng lĩnh ai cũng thầm nghĩ, có lẽ đây là lần cuối cùng họ được gần Bác, được nghe tiếng nói âm vang đầy trìu mến của Người.
Buổi chiều ngày 12/8, trời mưa dông. Gió giật từng cơn ào ào trên những lùm cây trong vườn. Bác chợt nảy ra ý định lên nhà nghỉ Hồ Tây thăm phái đoàn ta mới ở Hội nghị Paris về đang nghỉ tại đó. Hôm đó xe đưa Bác đến tận nơi để Bác thăm các đồng chí trong phái đoàn.
Ngày hôm sau, Bác húng hắng ho, Bác bị nhiễm lạnh, phế quản bị viêm và khi kiểm tra thấy bạch cầu tăng so với ngày hôm trước. Các giáo sư và bác sĩ hội chẩn, quyết định để Bác uống kháng sinh nhưng không đỡ. Ngày 23 phải dùng pê-ni-xi-lin tiêm cho Bác. Khoảng 9 giờ tối hôm ấy, Bác thấy đau trong lồng ngực. Các bác sĩ vội đình chỉ tiêm và làm điện tim ngay, thấy rõ rệt có phản ứng nhồi máu cơ tim thành sau tim. Sau khi hội chẩn, các bác sĩ lại quyết định tiêm cho Bác.
Đến ngày 28/8, tim Bác bắt đầu có dấu hiệu loạn nhịp và rối loạn phần truyền nhĩ thất. Trong những ngày đêm căng thẳng ấy, ngày nào các đồng chí trong Bộ Chính trị cũng đến thăm Bác và báo cáo với Bác tình hình chiến trường ở hai miền. Mỗi tin chiến thắng đều làm gương mặt Bác rạng rỡ hẳn lên. Lần nào Bác cũng nói: “Hôm nay Bác khỏe hơn hôm qua”. Nhưng thực tế thì ngược lại.
Chiều ngày 30/8, đồng chí Phạm Văn Đồng sang, Bác còn hỏi: “Các chú chuẩn bị Lễ kỷ niệm Quốc khánh đến đâu rồi?”. Nghe đồng chí Phạm Văn Đồng báo cáo, Bác dặn: “Các chú nhớ phải bắn pháo hoa mừng chiến thắng để động viên tinh thần chiến đấu của nhân dân”. Nhưng Bác đang bệnh, làm sao có thể bắn pháo hoa được.
Ngày 31, Bác thèm ăn một bát cháo. Các đồng chí phục vụ vội nấu cho Bác một tô cháo thật ngon. Thấy Bác ăn hết, ai cũng mừng. Nhưng tối hôm đó, Lễ kỷ niệm Quốc khánh ở Hội trường Ba Đình diễn ra trong không khí đầy lo âu trên nét mặt các đồng chí trong Bộ Chính trị.
Nghe tin bộ đội tên lửa Hà Nội bắn rơi 1 máy bay không người lái của Mỹ ngày 30/8, nên hôm đó (ngày 31/8), Bác bảo Văn phòng gửi tặng lẵng hoa cho đơn vị vừa lập công. Đó là lẵng hoa cuối cùng của Bác mà các chiến sĩ tên lửa Sư đoàn 361 được đón nhận.
9 giờ 47 phút ngày mồng 2/9, trái tim Bác ngừng đập. Cho đến những giây phút cuối cùng ấy, đồng bào miền Nam và Tổ quốc Việt Nam thiêng liêng vẫn mãi mãi còn lại trong trái tim vĩ đại của Người.
Xem tiếp kỳ sau