Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Thế giới thời biến động

12:39 | 03/01/2024

348 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Thế giới chia tay năm 2023 với đầy những biến động và bất ổn. Những “điểm nóng” xung đột chẳng những chưa hạ nhiệt, mà còn xuất hiện nhiều thêm. Tư duy Chiến tranh lạnh quay trở lại, trong khi toàn cầu hóa gặp phải cơn gió ngược. Yếu tố địa - chính trị ngày càng phức tạp, kéo theo các cuộc cạnh tranh, đối đầu gay gắt, làm thay đổi cán cân quyền lực quốc tế.
Thế giới thời biến động
Các tòa nhà bị phá hủy sau cuộc không kích của Israel tại Dải Gaza, ngày 14-12-2023_Ảnh: THX

“Năm của chiến tranh”

Tháng 10-2023, xung đột giữa Israel và lực lượng Hồi giáo Hamas của Palestine bất ngờ bùng phát, đẩy khu vực Trung Đông vốn luôn trong tình trạng chia rẽ và phân cực đến bên bờ vực của một cuộc chiến tranh toàn diện, khiến cả thế giới lo ngại. Thế nhưng, chưa cần có sự xuất hiện của cuộc xung đột được coi là “phủ bóng đen lên bức tranh địa - chính trị Trung Đông”, báo chí đã mô tả 2023 là “năm của chiến tranh”.

Quả thật, trong khi xung đột Nga - Ukraina, cuộc xung đột lớn nhất ở châu Âu kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai đã sắp bước sang năm thứ ba và hiện rơi vào tình trạng “đóng băng”, chưa biết bao giờ mới có giải pháp, thì hàng loạt “điểm nóng” khác lại bùng nổ, từ xung đột giữa Azerbaijan và Armenia ở khu vực tranh chấp Nagarno - Karabakh, nội chiến ở Sudan, đến đảo chính ở Niger cùng nhiều cuộc xung đột khác ở châu Phi. Hàng trăm nghìn người, trong đó có cả những người dân vô tội, đã thiệt mạng cùng hàng tỷ USD bị đổ vào các cuộc xung đột khiến người ta phải đặt câu hỏi vì sao bạo lực lại nổi lên như vậy?

Không khó để tìm lời giải đáp. Thực tế thì những mâu thuẫn đã tiềm ẩn từ lâu và chính sự chậm trễ kéo dài trong việc tìm giải pháp đã khiến nó bùng nổ. Hãy nhìn vào xung đột Israel - Palestine, đã hơn 7 thập niên qua, cái gốc dẫn đến đối đầu vẫn còn đó. Người Palestine vẫn chưa có một nhà nước độc lập như mong đợi, trong khi các vùng đất dành cho họ theo quyết định của Liên hợp quốc năm 1947 cứ hẹp dần theo đà thôn tính của Israel. Bao quanh cuộc sống của người Palestine vẫn là bạo lực, tước đoạt và mất nhân tính. Chừng nào người Palestine còn sống trong cưỡng bức và khiêu khích, sự phản kháng là điều khó tránh khỏi.

Nhìn sang châu Âu, cuộc xung đột ở Ukraina cũng cho thấy rõ những nguy cơ khi các khuôn khổ an ninh lỗi thời không được chỉnh sửa. Sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, Nga mong muốn ký kết một hiệp ước an ninh châu Âu mới nhằm định hình lại cán cân chiến lược khu vực. Thế nhưng, phương Tây lại tỏ ra lạnh nhạt với đề xuất của Nga. Chẳng những không muốn dung nạp Nga vào hệ thống an ninh khu vực, phương Tây còn đẩy nhanh quá trình “Đông tiến” của khối Hiệp ước Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO), áp sát dần biên giới với Nga. Căng thẳng cứ thế tích tụ, cuối cùng bục phát ra tại Ukraina, khiến quan hệ Nga - NATO hoàn toàn sự đổ vỡ, chuyển từ đối thoại sang đối đầu. Thực tế đó cho thấy châu Âu cần một hệ thống an ninh mới ổn định trên toàn châu lục, bao trùm chứ không phải đặt nước Nga ra bên ngoài.

Trong bối cảnh địa - chính trị trở thành nhân tố chính chi phối nền chính trị quốc tế, sức hấp dẫn của tư duy sức mạnh quân sự là điều khó có thể cưỡng lại. Sự nổi lên của phương châm nổi tiếng từ thời La Mã “nếu muốn hòa bình, hãy chuẩn bị cho chiến tranh” đã khiến cuộc chạy đua về chi tiêu quân sự trên toàn cầu trở nên khốc liệt. Các quốc gia đều tìm cách củng cố sức mạnh quân sự để ứng phó với một môi trường an ninh suy giảm mà họ cho là sẽ không được cải thiện trong tương lai gần. Hệ quả là theo báo cáo từ Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế (SIPRI), chi tiêu quốc phòng toàn cầu đã vọt lên mức cao nhất mọi thời đại là 2,24 nghìn tỷ USD trong năm 2022. Thế giới đang chứng kiến cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa các cường quốc, trong đó Mỹ, Trung Quốc và Nga là những quốc gia dẫn đầu, chiếm tới 56% tổng mức chi tiêu quân sự toàn cầu, riêng Mỹ là 877 tỷ USD.

Đường đứt gãy và sự phân mảnh địa - kinh tế

Liên tục phải chống đỡ các cú sốc về xung đột địa - chính trị, hậu quả của đại dịch COVID-19, khủng hoảng năng lượng, lương thực..., kinh tế thế giới năm 2023 đối mặt với đầy khó khăn, với sự giảm sút cả về tăng trưởng GDP, thương mại và đầu tư toàn cầu, trong khi nợ xấu tăng và lạm phát vẫn duy trì ở mức cao.

Càng những ngày cuối năm, các tổ chức quốc tế và tài chính toàn cầu càng tỏ ra bi quan trong đánh giá về tình hình kinh tế thế giới năm 2023. Theo tổ chức xếp hạng tín dụng quốc tế Fitch Ratings, tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ chỉ đạt khoảng 2,5% trong năm 2023. Dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) tuy có lạc quan hơn, nhưng cũng chỉ dừng ở mức 3% - thấp hơn so với con số 3,2% của năm 2022. Bi quan nhất là Ngân hàng Thế giới (WB), với dự tính tăng trưởng toàn cầu chỉ ở mức 2,1%. Những con số dự báo có thể còn gây tranh cãi, nhưng có thể nhận thấy ngay là kim ngạch thương mại toàn cầu năm 2023 chỉ đạt xấp xỉ 30.700 tỷ USD, thấp hơn gần 2.000 tỷ so với năm 2022. Thị trường trái phiếu thế giới chứng kiến một năm nhiều sóng gió, khi hàng nghìn tỷ USD trị giá trái phiếu bị “thổi bay” do mất giá.

Trong bối cảnh đó, đáng ra các nền kinh tế trên thế giới phải gắn kết để cùng nhau đối phó, thế nhưng người ta lại nhìn thấy xu hướng ngược lại, khi thương mại, tài chính, công nghệ, thậm chí năng lượng lại trở thành những công cụ, nếu không muốn nói là một loại vũ khí, để mặc cả, bắt chẹt hay kiềm tỏa sức mạnh của đối phương, làm bùng phát những cuộc “chiến tranh” thương mại, công nghệ. Sự cạnh tranh không còn là một khái niệm cấm kỵ, mà đã trở thành trạng thái mới trong mối quan hệ giữa các cường quốc.

Còn nhớ cuối năm 2021, khi Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo để ngỏ khả năng ngăn chặn công nghệ tiên tiến của Trung Quốc, nhiều người cảm thấy khá lạ. Giờ đây, các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ đối với lĩnh vực công nghệ cao nhắm vào Trung Quốc đã trở thành một chiến lược. Chẳng những kế tục chính sách của người tiền nhiệm Donald Trump nổi tiếng cứng rắn, Tổng thống Mỹ Joe Biden còn tiến xa hơn khi tung ra một “kho vũ khí” được cho là tinh vi hơn, bao gồm kiểm soát xuất khẩu chất bán dẫn và cấm đầu tư nhằm vào Trung Quốc.

Dưới áp lực của chính trị, nhiều công ty nước ngoài bắt đầu rời khỏi Trung Quốc, không chỉ do lao động Trung Quốc không còn rẻ nữa mà quan trọng hơn, sự tách biệt sâu sắc về công nghệ giữa Bắc Kinh và Washington buộc các nhà sản xuất sản phẩm công nghệ cao, đặc biệt là những sản phẩm liên quan đến chất bán dẫn tiên tiến, phải xem xét lại sự phụ thuộc của họ vào Trung Quốc. Cánh cửa đối với các khoản đầu tư chọn lọc của Trung Quốc vào các nước phương Tây đang đóng lại bởi các rào cản, đặc biệt khi liên quan đến công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo (AI).

Cạnh tranh gay gắt giữa 2 siêu cường hàng đầu thế giới khiến nền kinh tế toàn cầu bị phân mảng thành các khối quyền lực riêng với những hậu quả nghiêm trọng. Bà Gita Gopinath - Phó Giám đốc điều hành thứ nhất của IMF - đã phải lên tiếng cảnh báo: “các đường đứt gãy đang nổi lên khi sự phân mảnh địa - kinh tế ngày càng trở thành hiện thực. Nếu sự phân mảnh ngày càng sâu sắc, chúng ta có thể rơi vào một cuộc Chiến tranh lạnh mới”. Hệ quả là trao đổi thương mại, đầu tư sụt giảm, khiến GDP toàn cầu có thể giảm 2,5%, tương đương 2,5 nghìn tỷ USD.

“Nói tóm lại, tất cả đều có thể thua”, như lời bà Gita Gopinath. Tuy nhiên, người nghèo là những người thua thiệt nhất. Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) cho biết, 75 triệu người dân trên thế giới đang rơi vào cảnh nghèo cùng cực với mức thu nhập chưa đến 2,15 USD/ngày trong giai đoạn từ 2020 đến cuối 2023 và khả năng sẽ có thêm 90 triệu người bị đẩy xuống ngưỡng nghèo với mức thu nhập dưới 3,65 USD/ngày. Do kinh tế bất ổn, năm 2023, các chương trình nhân đạo của Liên hợp quốc chỉ huy động được 35% trong tổng số 56,7 tỷ USD vốn kêu gọi, đánh dấu năm thiếu hụt quỹ nghiêm trọng nhất. Trong khi đó, khoảng 3,3 tỷ người, tức gần 50% dân số thế giới, sống tại các quốc gia chi nhiều cho thanh toán lãi nợ công hơn cho giáo dục và y tế. Tình trạng này không thể sớm giải quyết và tương lai ảm đạm đang chờ đợi họ./.

Theo Chuyên trang Hồ sơ sự kiện - Tạp chí Cộng Sản

Nhìn lại bức tranh môi trường thế giới năm 2023Nhìn lại bức tranh môi trường thế giới năm 2023
[P-magazine] 10 dự đoán cho ngành năng lượng thế giới năm 2024[P-magazine] 10 dự đoán cho ngành năng lượng thế giới năm 2024
“Phác họa” kinh tế toàn cầu 2024“Phác họa” kinh tế toàn cầu 2024