Thế giới phản ứng như thế nào với thỏa thuận đạt được tại COP28 ở Dubai?
Vào ngày 13/12, tại COP28 ở Dubai, một thỏa thuận thỏa hiệp toàn cầu đã được thông qua. |
Nước chủ nhà COP28 (tức UAE), Mỹ, Liên minh châu Âu, Pháp, Tây Ban Nha và Hà Lan, các nước Ả Rập, Nam Phi, và ở mức độ thấp hơn là Úc, đều hoan nghênh quyết định này.
Liên Hợp Quốc và Samoa, bên thay đại diện cho các đảo nhỏ, thì bày tỏ thái độ thận trọng hơn. Trung Quốc cũng kêu gọi các nước phát triển dẫn đầu trong quá trình chuyển dịch năng lượng toàn cầu.
Chủ tịch COP28
Ông Sultan Al Jaber – Người đại diện Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất làm người chủ trì hội nghị thượng đỉnh quy tụ 200 quốc gia này, tuyên bố đây là một quyết định “lịch sử” nhằm đẩy nhanh các hành động về khí hậu.
Liên Hiệp Quốc
Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres phát biểu sau khi thỏa thuận được công bố: “Kỷ nguyên nhiên liệu hóa thạch phải kết thúc và nó phải kết thúc qua một quá trình công bằng và toàn diện”.
Khi nói về "những người phản đối chuyện" kêu gọi “loại bỏ” – một khái niệm được nêu trong thỏa thuận ký kết tại COP28, ông nhấn mạnh: "Tôi muốn nói rằng việc thoát khỏi nhiên liệu hóa thạch là điều không thể tránh khỏi, dù muốn hay không. Hãy hy vọng mọi chuyện sẽ không trở nên quá muộn. Thế giới không thể chấp nhận sự chậm trễ, thiếu quyết đoán hoặc các biện pháp nửa vời”.
Mỹ
“Tôi nghĩ mọi người sẽ vui mừng, bởi trong một thế giới đang rung chuyển vì chiến sự ở Ukraine và Trung Đông, cũng như vì tất cả những thách thức khác, ta đã tìm thấy lý do để giữ lạc quan, biết ơn và cùng lấy làm mừng rỡ”, trích lời của Đặc phái viên Tổng thống Mỹ về khí hậu John Kerry.
Trung Quốc
Ông Zhao Yingmin - Thứ trưởng Bộ Môi trường Trung Quốc, cho biết: “Các nước phát triển có trách nhiệm lâu đời và không thể chối cãi đối với tình trạng biến đổi khí hậu: Họ phải đi đầu trong việc cam kết thực hiện lộ trình 1,5oC” và “đạt được trung hòa carbon càng sớm càng tốt”.
Liên minh Châu Âu
Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen tuyên bố: Thỏa thuận “lịch sử” đạt được tại COP28 “đánh dấu khởi đầu của một kỷ nguyên hậu hóa thạch”.
Bà nói thêm: “Thế giới đã tán thành các mục tiêu năm 2030 của EU: Nâng gấp ba lần công suất năng lượng tái tạo và nâng gấp đôi mức hiệu quả năng lượng”. Theo bà, đây là “một minh chứng mạnh mẽ cho thấy giá trị của chủ nghĩa đa phương nhằm giải quyết những thách thức lớn nhất mà hành tinh chúng ta đang phải đối mặt”.
Pháp
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gọi thỏa thuận là "một giai đoạn quan trọng" nhằm "đưa thế giới vào quá trình chuyển sang không sử dụng nhiên liệu hóa thạch", đồng thời kêu gọi "đẩy nhanh" cuộc chiến chống lại tình trạng nóng lên toàn cầu.
Ông cũng hoan nghênh COP28 vì đã công nhận "vai trò quan trọng của năng lượng hạt nhân" – “hàng rào bảo vệ đầu tiên" mà Pháp dựng lên, bên cạnh nhu cầu nâng gấp ba lần năng lượng tái tạo.
Trước đấy, Bộ trưởng Bộ Chuyển dịch năng lượng Pháp Agnès Pannier-Runacher cũng nhấn mạnh rằng đây là “một chiến thắng của chủ nghĩa đa phương và ngoại giao khí hậu”.
Tây Ban Nha
Thủ tướng Pedro Sanchez nói với Nghị viện châu Âu ở Strasbourg: “Chấm dứt hoặc ít nhất là từ bỏ nhiên liệu hóa thạch (…) là một trong những tin tức tuyệt nhất mà chúng tôi có thể nhận được từ Dubai”.
Hà Lan
Hà Lan gọi thỏa thuận này là một “thời điểm quan trọng”. Bộ trưởng Khí hậu Hà Lan Rob Jetten nói: “Lần đầu tiên, thế giới đang thật sự nói về việc thoát dần khỏi nhiên liệu hóa thạch. Có thêm nhiều tham vọng thì tốt, nhưng mục tiêu (hạn chế tình trạng nóng lên) ở mức 1,5oC vẫn còn đang nằm ở đấy”.
Các nước Ả Rập
Ông Albara Tawfiq – Đại diện phái đoàn Ả Rập tại COP28: “Nhóm Ả Rập bày tỏ lòng biết ơn đối với những nỗ lực to lớn của chủ tịch người UAE và đội ngũ của ông”. Vị công chức này cũng hoan nghênh “thành công rực rỡ” của hội nghị thượng đỉnh.
Ông trích dẫn những thành tựu đạt được trong văn bản chính thức, chẳng hạn như đề cập đến công nghệ thu hồi và lưu trữ carbon – một phương tiện mà các nước khai thác dầu muốn quảng bá nhằm tiếp tục được khai thác hydrocarbon.
Úc
Bộ trưởng Khí hậu Australia Chris Bowen chia sẻ: "Kết quả không đi xa như nhiều người chúng tôi mong đợi, lẽ ra nên bắt đầu từ những quốc gia dễ bị tổn thương nhất. Nhưng thông điệp được gửi đi rất rõ ràng: Tất cả các quốc gia trên thế giới đều nhận ra rằng tương lai của chúng ta nằm ở năng lượng sạch. Kỷ nguyên nhiên liệu hóa thạch sẽ kết thúc”.
Các Quốc đảo nhỏ
Liên minh Các Quốc đảo nhỏ (AOSIS), những nước dễ bị tổn thương nhất trước tình trạng biến đổi khí hậu, bày tỏ dè dặt và lo ngại đối với văn bản, vì họ nhận thấy nội dung như vậy là chưa đủ.
Bà Anne Rasmussen - Đại diện của Quần đảo Samoa kiêm chủ tịch AOSIS, tuyên bố: “Chúng ta đã tiến được thêm một bước so với hiện nay, nhưng thứ mà chúng tôi cần, là một sự thay đổi theo cấp số nhân”.
Nam Phi
Bộ trưởng Bộ Môi trường Nam Phi Barbara Creecy cho biết trong một tuyên bố của chính phủ: “Lần đầu tiên, chúng tôi nhìn thấy những lời kêu gọi thoát khỏi nhiên liệu hóa thạch nhằm chuyển dịch năng lượng công bằng, có trật tự và bình đẳng”. Chính phủ Nam Phi cho biết thêm: “Đất nước chúng tôi, cũng như những nước khác trong lục địa châu Phi và các quốc gia dễ bị tổn thương, đã dành ra nhiều năm để đấu tranh vì mục tiêu này”.
Bà Creecy cũng nhấn mạnh: "Văn bản cũng thừa nhận tầm quan trọng của việc đảm bảo đủ nguồn tài chính công nhằm giúp các nước đang phát triển thích ứng. Đây là một bước tiến lớn".
Brazil
Sau khi công bố thỏa thuận, Brazil kêu gọi các nước phát triển dẫn đầu quá trình chuyển dịch năng lượng và cung cấp "các phương tiện cần thiết" cho các nước đang phát triển.
Bà Marina Silva - Bộ trưởng Bộ Môi trường Brazil: “Điều cơ bản ở đây, là các nước phát triển phải đi đầu trong quá trình chuyển dịch khỏi nhiên liệu hóa thạch”. Đồng thời, bà kêu gọi họ “đảm bảo các phương tiện cần thiết cho các nước đang phát triển”.
COP28: Mỹ “vừa đánh trống vừa la làng” |
COP28 bước vào giai đoạn nước rút |
Big Oil đánh thức COP28 khỏi giấc mộng chuyển đổi năng lượng |
Tổng kết những kết quả đạt được tại COP28 |
Ngọc Duyên
AFP
-
Nghệ thuật quân sự Việt Nam trong chiến dịch Bình Giã
-
Cần tạo sự thông thoáng cho doanh nghiệp nhà nước phát triển
-
Doanh nghiệp nhà nước phải hoạt động theo quy luật thị trường
-
Quốc hội thảo luận về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp
-
Nhiều đại biểu Quốc hội đề xuất giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho cơ quan báo chí