Thế giới đêm qua - 2/1
Tin nóng thế giới hôm nay - 2/1 |
Thế giới đêm qua - 1/1 |
Sân bay Seletar, Singapore. (Nguồn: Today) |
1. Malaysia và Singapore tranh cãi về không phận giữa hai nước
Hãng Bernama đưa tin, Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Saifuddin Abdullah sẽ có cuộc gặp với người đồng cấp Singapore Vivian Balakrishnan vào ngày 8/1 tới để thảo luận về vấn đề liên quan đến không phận giữa hai nước.
Theo Bộ trưởng Saifuddin, tranh cãi về không phận giữa Malaysia và Singapore bắt nguồn từ việc Singapore có kế hoạch lắp đặt Hệ thống hỗ trợ hạ cánh (ILS) cho sân bay Seletar. Việc lắp đặt hệ thống này được cho là sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của khu vực Pasir Gudang, bang Johor (Malaysia), vốn nằm cách sân bay Seletar khoảng 2km.
Bộ trưởng Saifuddin tuyên bố, Malaysia phản đối kế hoạch nói trên. Không phận là khu vực cấm và đây sẽ là một vấn đề đối với Singapore. Tuy nhiên, ông Saifuddin cũng tin tưởng rằng hai bên sẽ tìm được giải pháp hợp tình hợp lý.
2. Nga cho phép Mỹ tiếp cận lãnh sự với công dân bị nghi làm gián điệp
Ngày 2/1, Bộ Ngoại giao Nga cho biết nước này đã cho phép Washington tiếp cận lãnh sự với Paul Whelan, công dân Mỹ bị bắt tại Nga do bị nghi làm gián điệp. Trước đó, Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) đã bắt giữ ông Whelan hôm 28/12 trong một "hành động gián điệp tại Moskva".
Cùng ngày 2/1, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết nước này đang yêu cầu Nga trao trả ngay lập tức ông Paul Whelan. Phát biểu tại thủ đô Brasilia sau lễ nhậm chức của tân Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro, Ngoại trưởng Pompeo còn yêu cầu Moskva giải thích lý do bắt giữ ông Whelan. Cựu lính thủy đánh bộ Mỹ Paul Whelan bị FSSB bắt giữ tại Moskva hôm 28/12 do bị tình nghi thực hiện hoạt động do thám ở Moskva. FSB đã mở một cuộc điều tra hình sự liên quan vụ việc này. Hiện công tác điều tra vẫn đang được tiến hành.
3. Cảnh sát Đức điều tra các vụ đâm xe theo hướng tấn công khủng bố
Truyền thông địa phương đưa tin lực lượng an ninh Đức đang điều tra vụ một người đàn ông 50 tuổi cố tình đâm xe vào người đi bộ tại các thành phố Bottrop và Essen theo hướng tấn công khủng bố. Hôm 1/1, hãng thông tấn DPA cho biết một người đàn ông có tên Andreas N. đã lái một chiếc xe Mercedes đâm vào một đám đông gồm nhiều người nước ngoài. Người này sau đó đã lái xe sang thành phố Essen và có ý định đâm xe vào một điểm chờ xe buýt. Đối tượng này đã bị cảnh sát bắt giữ sau đó. Theo báo Taggespiegel, Văn phòng Tổng công tố Đức, cơ quan chuyên xử lý các vụ việc liên quan đến khủng bố, đang cân nhắc khả năng tiếp quản công tác điều tra vụ việc.
4. Đoàn xe chở các tay súng người Kurd rời khỏi miền Bắc Syria
Ngày 2/1, một đoàn gồm 30 xe chở các tay súng người Kurd đã rời khỏi thành phố Manbij ở miền Bắc Syria để đến các khu vực ở bờ Đông sông Euphrates. Theo Bộ Quốc phòng Syria, việc các tay súng người Kurd rút quân là một phần trong thỏa thuận nhằm “khôi phục đời sống bình thường cho người dân ở các khu vực phía Bắc Syria". Đã có khoảng 400 tay súng người Kurd rời khỏi Manbij kể từ ngày 1/1.
Động thái trên diễn ra trong bối cảnh cách đây ít ngày, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ rút quân khỏi Syria. Thổ Nhĩ Kỳ đã đe dọa khởi động một chiến dịch quân sự nhằm vào các lực lượng người Kurd do Mỹ hậu thuẫn ở quốc gia Trung Đông này. Thủ tướng Đức Angela Merkel đã gây sức ép nhằm buộc Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan có phản ứng kiềm chế đối với việc Mỹ rút quân khỏi Syria.
Trong một tuyên bố, phía Đức cho rằng tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã bị đẩy lùi, song vẫn là mối "nguy hiểm đáng kể". Tuyên bố cũng cho biết thêm, trong cuộc điện đàm, bà Merkel đã bày tỏ hy vọng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phản ứng kiềm chế và có trách nhiệm đối với tuyên bố của Mỹ rút quân khỏi Syria.
5. Trung Quốc hy vọng tiến triển phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên
Theo Tân hoa xã, Trung Quốc ngày 2/1 đã bày tỏ hy vọng rằng Triều Tiên và Mỹ sẽ tôn trọng và giải quyết những mối quan ngại hợp lý của nhau để đạt được tiến triển trong phi hạt nhân hóa và thiết lập một cơ chế hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên trong Năm mới. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng đã đưa ra bình luận trên tại cuộc họp báo thường kỳ khi trả lời câu hỏi của phóng viên về bài phát biểu Năm Mới của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ông Lục Khảng nhấn mạnh: "Chúng tôi hy vọng Triều Tiên và Mỹ sẽ tôn trọng và giải quyết các mối quan ngại hợp lý của nhau, đạt được tiến bộ tích cực trong việc thúc đẩy phi hạt nhân hóa và thiết lập một cơ chế hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên trong năm mới. Trung Quốc sẽ tiếp tục thể hiện vai trò của mình trong vấn đề này".
Lâm Anh (t/h)
-
Phấn đấu tăng trưởng GDP đạt 7-7,5%
-
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nêu giải pháp phát triển kinh tế báo chí
-
Báo chí đã có những bước phát triển về nội dung, đáp ứng nhu cầu thông tin của công chúng
-
Phó Thủ tướng gửi thư khen lực lượng xử lý quyết liệt tội phạm "tín dụng đen"
-
Thủ tướng bổ nhiệm lại nhân sự Bộ Quốc phòng