Than tổ ong hoành hành Hà Nội
Ngày 1/12, các hãng gas tại Việt Nam rầm rập công bố tăng giá bán lẻ gas. Theo đó, mỗi bình 12kg, người mua sẽ mất thêm ngót 80.000 đồng. Với những người có thu nhập thấp ở Hà Nội, một trong những biện pháp khả thi nhất trong bối cảnh giá gas quá cao là dùng bếp than tổ ong.
Rục rịch mua bếp than
Minh, một sinh viên tại Hà Nội cho biết, phòng trọ của bạn vừa sắm thêm bếp than tổ ong để đun nấu thay bếp gas mini. Tuy chưa thấy bình gas mini tăng theo bình gas lớn nhưng Minh cho biết, người bán không lấy thêm tiền kiểu này thì cũng sẽ lấy theo kiểu khác.
Hiện nay, một bình gas mini tại Hà Nội được bán với giá 5.000-5.500 đồng/bình. Dù không mấy khi bị tăng giá theo những lần gas tăng cao nhưng trọng lượng gas trong bình mini đã bị rút bớt khiến việc đun nấu rất tốn kém. Minh cho biết, cách đây mấy ngày, khi gas chưa tăng giá, mỗi bình gas 5.000 đồng, phòng trọ 3 người nấu được khoảng 1 ngày (2 bữa đơn giản) nhưng hôm 1/12 đi đổi bình, vẫn bình gas ấy chỉ nấu được hơn nửa ngày đã hết. “Cầm bình gas lên nhẹ như bông”, Minh buồn bã nói.
Cũng như nhiều gia đình có thu nhập thấp khác, gia đình chị Minh Hương (Hoàng Mai) đang có ý định chuyển sang dùng bếp than tổ ong thay gas.
Nhiều gia đình đã chuyển sang dùng than tổ ong từ ngày 1/12 sau khi giá gas lập đỉnh.
Theo tính toán của chị Hương, nếu dùng gas theo mức giá hiện tại, mỗi tháng gia đình chị phải mất gần 500.000 đồng, trong khi chuyển sang bếp than tổ ong chị sẽ tiết kiệm được hơn nửa chi phí. Mỗi viên than 1kg, nếu mua nhiều thì giá chỉ 3.000 đồng/viên (mua lẻ là 3.200 đồng/viên). Một ngày dùng “xả láng”, nhà chị Hương cũng chỉ mất 2 viên, vị chi 6.000 đồng/ngày.
“Tiền tiết kiệm từ việc đun nấu cũng mua được một hộp sữa cho con”, chị Hương nói.
Hiện nay, giá mỗi viên than tổ ong loại bình thường có giá 3.000-3.200 đồng/viên; giá than tổ ong vô cơ (sạch) không độc 4.000-4.200 đồng/viên; bếp than có giá 120.000-180.000 đồng/bếp.
Do than sạch đã ra đời nên người dân đa số đã chuyển sang dùng loại than này. Than sạch đã khắc phục triệt để những khiếm khuyết của loại than tổ ong cũ như độ cháy nhanh, các khí thải và bụi gần như không còn. Chỉ cần 1/4 tờ báo là than cháy, không cần nhóm bằng củi hoặc bếp điện, tuổi thọ cháy của than vẫn được 3-5 giờ. Sản phẩm không có hóa chất khử mùi. Tuy nhiên, do giá thành cao nên các hàng ăn, thường xuyên đun nấu trong ngày vẫn dùng than thông thường dù độc hại.
Anh Hòa, chủ xưởng sản xuất than tổ ong tại Từ Liêm (Hà Nội) dự đoán, lần tăng giá gas này, xưởng anh sẽ có thể phải sản xuất gấp đôi lượng hàng cho thị trường. Theo anh Hòa, trước kia, mỗi khi giá gas tăng, xưởng anh phải sản xuất gần 50% lượng hàng thêm. Với lần tăng giá lớn này, chắc chắn người dùng than tổ ong còn lớn hơn gấp nhiều lần.
Có thể sảy thai
Nếu so sánh việc đầu tư ban đầu và chi phí sử dụng hàng ngày của 2 hình thức đun nấu bằng than tổ ong và gas thì dễ dàng nhận thấy dùng than tổ ong rẻ hơn rất nhiều. Đó chính là lý do vì sao khi gas vừa tăng giá thêm, nhiều người đã trở về với việc đun nấu bằng than truyền thống. Thế nhưng, có một điều mà hầu như ai cũng biết nhưng vẫn làm ngơ đó là sự độc hại của than tổ ong và chính bếp đặt than.
Hiện nay, hầu hết người dân sử dụng bếp than tổ ong đều dùng bếp bông (làm bằng bông chịu nhiệt) vì nhiều ưu điểm: nhiệt ích cao trên 55%, siêu nhẹ, siêu tốc, nhiệt độ cháy cao, có thể đạt tới 1.300oC. Nhìn bề ngoài, loại bếp bông được quảng cáo là “siêu nhẹ, siêu bền” cũng giống như các loại bếp than tổ ong khác. Nhưng lớp giữa của thân bếp được chèn bằng bông (bông thủy tinh ceramic, hay bông amiăng), lớp trong cùng là vữa thông thường.
Nhà sản xuất bếp than sử dụng bông với mục đích để giữ nhiệt nhưng vấn đề lại ở chỗ, họ chỉ trát qua một lớp vữa xi măng cứng mỏng (để định hình ban đầu). Khi đun, lớp vữa trát sẽ nhanh chóng bong ra, để lộ rõ bông thủy tinh và dễ bị than cọ xát làm gãy vụn, nhiệt độ cao bào mòn gây rỗng dần ruột lò với tốc độ khá nhanh. Lúc đó, các hạt bụi hình que cắm sâu vào niêm mạc cơ quan hô hấp gây nên một loạt bệnh về hô hấp, tiêu hóa như: viêm phế quản mạn tính, làm hạn chế không khí do hẹp đường thở, xơ hóa ống tiểu phế quản, ung thư đường hô hấp, ung thư phổi, ung thư đường tiêu hóa...
Ngoài ra, trong than tổ ong có khí độc CO2. Khi đốt, khí này được giải phóng, bay vào không khí làm cho bầu không khí bị ô nhiễm. Khi con người hít phải khí này sẽ gây cảm giác tức ngực, mệt mỏi vì nồng độ oxy trong máu giảm, nặng có thể bị suy hô hấp, thậm chí dẫn đến tử vong nếu như hít thở CO2 ở nồng độ quá cao. Chưa hết, khói than tổ ong còn là tác nhân gây nên bệnh ung thư phổi.
Khói than không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới người sử dụng bếp mà còn ảnh hưởng tới những người xung quanh. Những nhóm đối tượng chủ yếu sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề của khói than là người già, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai, người bệnh.
Theo các kết quả nghiên cứu, nếu phụ nữ mang thai thường xuyên phải sống trong môi trường bị ô nhiễm bởi khói than thì nguy cơ bị sẩy thai, thai bị biến dạng là rất cao, nhẹ thì thai phát triển kém.
Theo TS Phạm Duệ, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, năm nào cũng có hàng chục trường hợp bệnh nhân ngộ độc khí than phải điều trị, không ít trường hợp tử vong. Từng xảy ra ca ngộ độc khí than quá nặng do thời gian thiếu không khí và hít phải khí CO lâu quá dẫn tới mất phản xạ ở vỏ não, phải sống đời sống thực vật.
Vì cuộc sống eo hẹp bắt buộc phải dùng bếp than thì người dân phải cẩn trọng và chú ý lựa chọn các loại than sạch được sản xuất ở những cơ sở có uy tín, mặc dù giá thành cao nhưng đảm bảo cho sức khỏe của gia đình.
Theo kinh nghiệm của nhiều người, muốn khử độc cho bếp than tổ ong, đặt vỏ bưởi, bòng khô lên bề mặt cháy của than. Tinh dầu từ vỏ bưởi có tác dụng làm giảm bớt độc hại của than tổ ong.
Thảo Nguyên
-
Mã số ký hiệu trên các sản phẩm nhựa có ý nghĩa gì đối với sức khỏe?
-
Tổng hợp kiến nghị của công nhân lao động nhân Tháng công nhân
-
Facebook xóa hơn 5.300 tài khoản, trang, nhóm có nội dung độc hại
-
Chuyện gì sẽ xảy ra nếu bạn nhét tỏi vào tai?
-
Xử lý nội dung giật gân trên YouTube - Cần có cảnh báo sớm cho cộng đồng
-
Quảng Ngãi: Lên phương án ứng cứu tàu chở hàng mắc cạn gần cảng Dung Quất
-
Cần có quy hoạch chung tại thành phố trực thuộc Trung ương
-
Thủ tướng Phạm Minh Chính hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin
-
[VIDEO] Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp lãnh đạo các tập đoàn năng lượng lớn của Nga
-
Thủ tướng Phạm Minh Chính chứng kiến Petrovietnam và Zarubezhneft trao văn kiện hợp tác