Tàu và "thâm như Tàu"
Học giả An Chi: Cách đây 18 năm, trên Kiến Thức Ngày Nay số 103 (ngày 01/3/1993), chúng tôi đã viết như sau: “Đã có nhiều người liên hệ tên gọi này với từ tàu trong tàu bè. Xin chép Huình – Tịnh Paulus Của làm dẫn chứng: “Người An nam thấy tàu khách qua lại nhiều, lấy đó mà gọi là nước Tàu, người Tàu” (Đại Nam quấc âm tự vị, t.II, Saigon, 1896, tr.346).
Có nhiều tìm tòi hơn là ý kiến của Vương Duy Trinh cho rằng Tàu là biến thể ngữ âm của Tào, là tiếng mà từ đời Tam quốc, người Việt đã dùng để gọi nước Ngụy của Tào Tháo (Xin x. Thanh – hóa quan phong, Nguyễn Duy Tiếu phiên diễn, Sài Gòn, 1973, tr.97). Nhưng nước ta, lúc bấy giờ là quận Giao Chỉ và một phần quận Cửu Chân – chúng tôi cho là chỉ một phần thôi – lại thuộc về Đông Ngô chứ không thuộc về Bắc Ngụy (chính vì thế mà bấy giờ người Việt đã gọi người Trung Hoa là người Ngô như vẫn còn thấy trong mấy tiếng “thằng Ngô con đĩ”) cho nên cách giải thích của Vương Duy Trinh xem ra vẫn chưa thỏa đáng. Vả lại, tại sao người ta không gọi thẳng bằng tên nước là Ngụy mà phải dùng họ Tào để gọi?
Hồi 1993, chúng tôi đã viết như thế. Sau đó nhiều năm, có độc giả đã lần giở trang sách cũ, thấy An Chi nói vô lý, bèn gửi thư đến tòa soạn giảng giải rằng, lai lịch của cái tên “Tàu” là ở những cuộc vượt biển sang Đại Việt để tránh sự cai trị của bọn Mãn Thanh. Họ sang bằng thuyền (= tàu); do đó có tên là “Tàu”. Mà lại đi trên ba chiếc, nên còn được gọi là “Ba Tàu”.
Vị độc giả kia đã quên (hay không hề biết?) rằng việc Dương Ngạn Địch và Trần Thượng Xuyên đưa người sang xin làm thần dân nước Đại Việt là chuyện năm Kỷ Mùi 1679 mà “đồng bào” của họ thì đã được ta gọi là “Tàu” tự bao giờ. Bằng chứng trên giấy trắng mực đen là cái thứ mực mãi về sau mới được Vũ Đình Liên nhắc đến trong khổ thơ đầu bài “Ông đồ”:
Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu giấy đỏ
Bên phố đông người qua
Cái thứ mực đó đã được ghi nhận trong Từ điển Việt – Bồ – La của Alexandre de Rhodes, xuất bản ở Roma từ năm 1651 (Xin x. mục “tàu, mực tàu”), trước khi họ Trần và họ Dương dẫn đầu đoàn tị nạn của họ sang Đại Việt đến gần 30 năm. Còn chính những người vượt biển kia thì đã được dân sở tại, nghĩa là người Việt Nam, gọi là người Minh Hương, nghĩa là người mà quê hương gốc là nước Minh. Đây mới thật là danh xưng chính thức và chính xác mà người Việt đã dành cho đoàn di dân của hai nhân vật Dương, Trần.
Còn lần này thì chúng tôi xin phản biện thêm như sau. Bất cứ nhà Hán ngữ học nào biết rõ tiếng Việt cũng thừa nhận rằng ngôn ngữ này còn lưu giữ trong lòng nó nhiều yếu tố của tiếng Hán thượng cổ. Với chúng tôi thì “tàu” là một trong những yếu tố đó, và, trong tiếng Hán cũng như tiếng Việt, thì nó còn có nghĩa là “xe”.
Tàu (trong tàu bè) là một từ Việt gốc Hán bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ,mà âm Hán Việt hiện đại là tào,có nghĩa là “thuyền”. Chữ tào 艚 này cũng thông với chữ tào 漕, mà theo biện luận của Lưu Quân Kiệt 刘鈞杰 trong Đồng nguyên tự điển tái bổ (Ngữ văn xuất bản xã, Bắc Kinh, 1999) thì đều còn có nghĩa là “xe” (Xin x. mục “dzu 漕 : dzu 艚”, tr.55). Cái nghĩa “xe” của tàu vẫn còn trong tiếng Việt.
Cứ so sánh tiếng Bắc tiếng Nam thì thấy ngay. Cái mà trong Nam gọi là tàu thì ngoài Bắc gọi là thuyền. Ngoài Bắc gọi là tàu hỏa thì trong Nam gọi là xe lửa. Thế là cái nghĩa “xe” đã thấp thoáng trong danh ngữ tàu hỏa. Rồi ngược lên đầu thế kỷ XX, cả trong Nam ngoài Bắc đều gọi là tàu bay cái mà bây giờ cả nước đều gọi là máy bay. Thế là cái nghĩa “xe”, mở rộng là “phương tiện chuyên chở”, đã nằm ngay trong danh ngữ tàu bay.
Cho nên trong thành ngữ tàu bay tàu bò thì cả hai thứ tàu này chẳng qua đều cùng là “xe”! Vậy thì có lẽ ta sẽ biện luận rằng vì ngày xưa họ sang ta bằng xe nên tổ tiên ta đã gọi họ là “Tàu” chăng? Nên nhớ rằng họ đã sang ta từ xưa và sang thành nhiều đợt, lẻ tẻ có, thành đoàn có và đây là cả một câu chuyện dài.
Thực ra, phần lớn tình tiết ly kỳ, hấp dẫn đưa ra làm lời giảng cho lai lịch của từ ngữ lại thuộc về từ nguyên dân gian (folk etymology), chứ từ nguyên học đích thực, nghĩa là khoa học thì nhiều khi lại khô khan hơn. Chúng tôi hoàn toàn tán thành Vương Duy Trinh ở chỗ là, theo tâm thức của ông thì “Tàu” là một từ rất xưa, cụ thể là đã ra đời tự thời Tam Quốc. Và chúng tôi vẫn bảo lưu ý kiến sau đây của mình trên Kiến Thức Ngày Nay trước đây: “Chúng tôi cho rằng Tàu là âm cổ Hán Việt của từ ghi bằng 曹 mà âm Hán Việt hiện đại là tào, có nghĩa rộng là “quan”.
Trong thời kỳ Bắc thuộc, nói chung quan cai trị là người Trung Hoa cho nên dân chúng đã quan niệm rằng người Trung Hoa là “tàu”, nghĩa là quan. Nếu cho rằng đây là một nếp nghĩ vô lý thì xin nhớ lại chuyện đã xảy ra hồi tháng 8, tháng 9-1945 tại Sài Gòn: Dân Việt Nam đã đánh bất cứ người Pháp nào mà họ gặp ngoài đường vì hễ là người Pháp thì đều là “thực dân”. Do quan niệm trên mà về sau tất cả mọi người Trung Hoa dù không làm quan – đây là tuyệt đại đa số – cũng được “vinh dự” gọi là “Tàu.”
Thế là cái danh xưng “Tàu” có một lịch sử đặc biệt và nét đặc biệt này gắn liền với sự cai trị của bọn phong kiến phương Bắc đối với dân ta, nước ta. Chẳng thế mà từ xưa đến nay, nó luôn luôn mang tính xấu nghĩa (pejorative) và đã có mặt trong những thành ngữ thâm như (thằng) Tàu, quân tử Tàu, v.v.. Thâm là nham hiểm một cách kín đáo khó lường, mà về mặt này thì Tàu thuộc hạng hoàn cầu đệ nhất.
Ta có thể thấy như trong chuyện đường lưỡi bò trên biển Đông và mới nhất là chuyện tàu Hải giám của chúng cắt cáp thăm dò của tàu Bình Minh 02 ngay trong lãnh hải Việt Nam. Trong các cuộc hội nghị thì họ lên giọng quân tử nhưng trong thực tế thì nói một đằng làm một nẻo. Người Việt Nam có lạ gì cái kiểu quân tử Tàu. Quân tử Tàu chỉ là ngụy quân tử mà thôi!
A.C
- Tử vi ngày 16/10/2024: Tuổi Tỵ may mắn bất ngờ, tuổi Mùi cơ hội đầu tư
- Tử vi ngày 15/10/2024: Tuổi Dậu vận may tài chính, tuổi Dần ý tưởng thú vị
- Tử vi ngày 14/10/2024: Tuổi Sửu mở rộng quan hệ, tuổi Tuất quý nhân hậu thuẫn
- Tử vi ngày 12/10/2024: Tuổi Mão phúc lộc dồi dào, tuổi Hợi tinh thần lạc quan
- Tử vi ngày 11/10/2024: Tuổi Tý đạt được mục tiêu, tuổi Thân tia sáng hy vọng
- Tử vi ngày 10/10/2024: Tuổi Dần tài lộc hanh thông, tuổi Dậu nhìn xa trông rộng