Tăng “room” cho khối ngoại tại ngân hàng yếu kém?
Nhiều tổ chức nước ngoài cho rằng, quy định về tỷ lệ sở hữu hiện nay của Ngân hàng Nhà nước đã không hấp dẫn các tổ chức nước ngoài và họ kiến nghị tỷ lệ này có thể xem xét nâng lên mức 51% hoặc lên tới 65%.
Từ sau Tết đến nay, thị trường chứng khoán chưa đón nhận thông tin tích cực nên nhiều nhà đầu tư hy vọng dự thảo nghị định về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của tổ chức tín dụng Việt Nam sẽ sớm được ban hành và giá cổ phiếu ngân hàng sẽ khởi sắc hơn. Ngân hàng nào sẽ được nới “room” cho khối ngoại vượt mức 30%, có thể lên tới 40% hoặc 49%?
Theo dự thảo vừa được Ngân hàng Nhà nước công bố lấy ý kiến, Nghị định sẽ áp dụng cho các tổ chức tín dụng đã niêm yết và chưa niêm yết (ngân hàng thương mại cổ phần, công ty tài chính cổ phần, công ty cho thuê tài chính cổ phần) và tổ chức tín dụng đang thực hiện chuyển đổi hình thức pháp lý từ tổ chức tín dụng 100% vốn nhà nước, tổ chức tín dụng hoạt động theo mô hình công ty TNHH thành tổ chức tín dụng cổ phần.
Hiện tại, một nhà đầu tư chiến lược nước ngoài không được sở hữu quá 15% cổ phần của một ngân hàng Việt Nam, nếu muốn tăng lên 20% phải được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ.
Mới đây nhất, Thủ tướng đã cho phép VietinBank bán 20% cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài và ngày 26/2, đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2013 của VietinBank (mã CTG-HOSE) đã thông qua việc lựa chọn The Bank of Tokyo-Mitsubishi UFJ, Ltd. (BTMU) làm nhà đầu tư chiến lược nước ngoài và dự kiến phát hành riêng lẻ 644.389.811CP theo tỷ lệ sở hữu 19,73% cho BTMU trong quý 1 hoặc quý 2/2013.
Hai quy định mới rất quan trọng
Dự thảo lần này có hai quy định rất mới và quan trọng.
Thứ nhất, cho phép mức sở hữu cổ phần của nhà đầu tư chiến lược nước ngoài và người có liên quan của nhà đầu tư chiến lược nước ngoài đó được nâng lên 20% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng Việt Nam (hiện nay là 15%) và quy định khá rõ ràng về tiêu chí, trong đó, nhà đầu tư chiến lược nước ngoài là tổ chức tín dụng nước ngoài phải có tổng tài sản tối thiểu tương đương 20 tỷ USD vào năm trước năm đăng ký tham gia nhà đầu tư chiến lược, có trên 5 năm kinh nghiệm hoạt động quốc tế, được các tổ chức xếp hạng tín nhiệm độc lập quốc tế (Moodys, Standard & Poor, Fitch Rating...) xếp hạng ở mức có khả năng thực hiện các cam kết tài chính và hoạt động bình thường ngay cả khi tình hình, điều kiện kinh tế biến đổi theo chiều hướng không thuận lợi.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư chiến lược nước ngoài của một tổ chức tín dụng không được là nhà đầu tư chiến lược, cổ đông lớn, cổ đông sáng lập tại bất kỳ tổ chức tín dụng nào khác tại Việt Nam. Cổ đông chiến lược nước ngoài tại một tổ chức tín dụng sẽ không được sở hữu 10% vốn điều lệ trở lên tại bất kỳ tổ chức tín dụng nào khác.
Thứ hai, tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài (bao gồm cả cổ đông nước ngoài hiện hữu) và người có liên quan của các nhà đầu tư nước ngoài đó không vượt quá 30% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng Việt Nam, tỷ lệ sở hữu này bao gồm cả phần vốn nhà đầu tư nước ngoài ủy thác cho tổ chức, cá nhân khác mua cổ phần.
Mức sở hữu cổ phần của một nhà đầu tư nước ngoài không phải là tổ chức tín dụng nước ngoài và người có liên quan của nhà đầu tư nước ngoài đó không vượt quá 5% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng Việt Nam và mức sở hữu cổ phần của một tổ chức tín dụng nước ngoài và người có liên quan của tổ chức tín dụng nước ngoài đó không vượt quá 15% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng Việt Nam.
Đặc biệt đáng chú ý là trong dự thảo có quy định: Trong trường hợp đặc biệt, để thực hiện cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, Thủ tướng Chính phủ sẽ quy định tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài và người có liên quan tại một tổ chức tín dụng cổ phần yếu kém được cơ cấu lại vượt quá giới hạn quy định (tức là vượt quá 30%).
Tăng sở hữu tại ngân hàng yếu kém
Dự thảo Nghị định thể hiện khá rõ sự lo ngại các tổ chức nước ngoài, nhất là các ngân hàng thương mại có thể sẽ lũng đoạn hệ thống ngân hàng Việt Nam.
Do đó, ngoài quy định khống chế tỷ lệ sở hữu, dự thảo còn quy định: việc mua cổ phần không gây ảnh hưởng đến sự an toàn, ổn định của hệ thống tổ chức tín dụng, không tạo ra sự độc quyền hoặc hạn chế cạnh tranh trong hệ thống tổ chức tín dụng Việt Nam và còn quy định: nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân chỉ được mua cổ phần của tổ chức tín dụng cổ phần Việt Nam đã niêm yết cổ phiếu trên Sở Giao dịch Chứng khoán.
Tuy nhiên, việc định lượng cụ thể việc ảnh hưởng đến sự an toàn, ổn định của hệ thống tổ chức tín dụng Việt Nam là điều rất khó trên thực tế.
Nhiều tổ chức tín dụng yếu kém hiện nay đang muốn tăng vốn chủ sở hữu thông qua việc bán cổ phần để giải quyết hai vấn đề cốt tử, đó là nợ xấu và tính thanh khoản.
Tuy nhiên, việc tìm dòng vốn nội để bán cổ phần trong bối cảnh thị trường vốn nội địa ảm đạm như hiện nay sẽ rất khó khăn, do đó, việc tìm dòng vốn ngoại đang được nhiều ngân hàng quan tâm.
Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) tổ chức cuối năm 2012, đại diện nhóm các ngân hàng nước ngoài khuyến nghị Ngân hàng Nhà nước làm rõ phạm vi, thời hạn tăng tỷ lệ sở hữu nước ngoài và tổng mức sở hữu nước ngoài tại các ngân hàng trong nước.
Nhiều tổ chức nước ngoài cho rằng, quy định về tỷ lệ sở hữu hiện nay của Ngân hàng Nhà nước đã không hấp dẫn các tổ chức nước ngoài và họ kiến nghị tỷ lệ này có thể xem xét nâng lên mức 51% hoặc lên tới 65%.
Khi tỷ lệ sở hữu đạt tới mức này, ngân hàng ngoại mới có thể có được tiếng nói trong việc xây dựng chiến lược phát triển, kể cả xử lý nợ xấu của ngân hàng nội bởi vì họ vừa có kinh nghiệm, kỹ năng đánh giá nợ xấu vừa có nguồn vốn để có thể tham gia vào quá trình xử lý nợ xấu của ngân hàng nội.
Theo Thời báo kinh tế Việt Nam