Tặng nhau ánh sáng tình người
Giàu hai con mắt, khó đôi bàn tay
“Toan ơi, em ngồi xuống, trước mặt anh đây này, cho anh nhìn kỹ lại khuôn mặt em. Biết đâu, chỉ ngày mai thôi đôi mắt anh sẽ lòa hẳn, anh sẽ lưu giữ mãi khuôn mặt em trong trí nhớ của mình”, anh Lễ thủ thỉ nói rồi khùa tay vuốt ve khắp khuôn mặt vợ mình, khuôn mặt đã gần 30 năm nay bên cạnh anh, thương yêu dưới một mái nhà.
Người vợ ấy ngồi xuống nhìn sâu vào mắt chồng, cố nén tiếng nấc chỉ trực trào ra khỏi cổ nhưng nước mắt vẫn lã chã rơi. Chị giật mình thảng thốt, đây có khi là những thời khắc cuối cùng còn lại khi chồng chị chính thức đi vào bóng tối, trở thành một người khiếm thị, bất lực và tuyệt vọng.
Giọng chị vẫn tha thiết: “Em xin anh đừng nghĩ quẩn, còn nước còn tát, chiều nay em đưa anh xuống Bệnh viện Mắt Trung ương một lần nữa, cố lên anh!”.
Đó là thời điểm khi căn bệnh loạn dưỡng giác mạc của anh Lễ ở vào thời kỳ trầm trọng nhất. Mắt anh mờ đến mức, giơ bàn tay ra trước mặt, anh Lễ không thể nhìn rõ từng ngón tay của mình. Ánh sáng trong mắt anh chỉ còn lại những khoảng sáng nhờ nhợ, vô hồn và nó có thể sụp xuống tắt ngấm bất cứ lúc nào.
Buổi chiều hôm ấy về nhà, anh ôm mặt khóc rưng rức khi phải làm đơn xin nghỉ việc tại Công ty Than Vàng Danh, thị xã Uông Bí, Quảng Ninh. Anh Lễ là thủ kho của công ty, công việc liên quan nhiều đến sổ sách, số má. Người sáng mắt có khi còn nhầm lẫn với những cột thu, cột chi chồng chéo huống hồ với một người “nửa mù” như anh. Anh từng bất lực ngồi khóc tu tu khi không thể tự sang đường, cài lệch cúc áo. Buồn nhất là những dịp tết, anh Lễ chỉ ủ rũ ngồi ở nhà bởi anh ngại những lời hỏi thăm của bạn bè, ngại khi để vợ dắt đi cùng, ngại làm mất cuộc vui của mọi người.
Cách đây 10 năm, anh Lễ bắt đầu bị lên mộng mắt do dùng nguồn nước ô nhiễm trong mỏ và phải hứng chịu bụi than kíp-lê sắc lẹm. Những cơ sở khám chữa mắt tư nhân tại địa phương không đủ trình độ và trang thiết bị y tế đã làm mắt anh nhiễm trùng nặng. Mắt anh tấy đỏ, mủ vàng đóng đặc hai bên khóe mắt, nhức nhối trong một thời gian dài. Vợ chồng anh Lễ tìm xuống Bệnh viện Mắt Trung ương. Bác sĩ tròn mắt nhìn anh chị: “Sao đến giờ mới xuống viện thế này?”. Khám mắt cho anh xong, bác sĩ kết luận: “Giác mạc bị tổn thương nghiêm trọng, khó phục hồi lắm”. Anh Lễ hoảng hốt thốt lên: “Nghĩa là tôi sẽ bị mù trong nay mai”. “Tiếc rằng đó là sự thật”, bác sĩ nói.
Cũng cùng thời điểm đó, ngành y học đã nghiên cứu, thử nghiệm thành công phương pháp ghép giác mạc, đem lại ánh sáng cho nhiều người mù. Hãy tưởng tượng, con mắt như một chiếc đồng hồ đeo tay thì giác mạc chính là mặt kính bên ngoài của đồng hồ. Giác mạc rất mỏng, mảnh, nhỏ như vảy ốc nên rất dễ bị tổn thương. Muốn ghép nó phải cần kỹ thuật cực cao mới có thể ghép thành công.
Vả lại, không có giác mạc nhân tạo, muốn ghép giác mạc, chỉ có thể lấy của người này ghép sang cho người khác mà thôi. Chị Toan – vợ anh Lễ đã từng hăm hở đưa chồng xuống bệnh viện rồi tha thiết đề nghị: “Em còn hai con mắt sáng lắm, giác mạc chắc cũng còn tốt, bác sĩ có thể lấy mắt em “lắp” sang mắt anh ấy được mà”.
Chị Toan tình nguyện, anh Lễ cũng đã dằn lòng đồng ý nhưng ý định của họ không thể thực hiện được bởi theo luật, không thể lấy giác mạc của người đang sống ghép cho người khác, cho dù người đó tình nguyện cho. Giác mạc chỉ có thể lấy của người tình nguyện hiến nhưng phải sau khi chết. Thế nhưng, lấy đâu ra người chịu hiến giác mạc bây giờ khi quan niệm “sống nhân đức, chết toàn thây” đã ăn sâu trong tư duy người Việt. Người ta bảo rằng: “Trần sao âm vậy”, rằng: “Cho mắt đi rồi lúc xuống cõi âm lấy gì mà nhìn”. Vả lại chẳng ai muốn thi thể người thân của mình bị “sứt mẻ”, nhất là sau khi đã hứng chịu nỗi đau mất mát từ cái chết của họ, dù biết rằng đó là nghĩa cử cao đẹp nhất.
Trái ngọt của người về bên kia thế giới
Trong muôn vàn những sự ngần ngại, không dám vượt qua những định kiến xã hội, đã có những người, những gia đình, những tấm lòng nhân hậu, trước khi về thế giới bên kia đã đồng ý để lại ánh sáng của mình cho những người khiếm thị, tật nguyền còn sống trên đời. Hành động cao cả đó được họ thực hiện thầm lặng, không mảy may nghĩ đến chuyện vinh danh hay màu sắc tiền bạc. Nó tự nhiên như bản năng nhân ái của con người từ khi được tạo hóa sinh ra.
Chúng tôi xuống thăm gia đình chị Trịnh Thị Nhàng ở Từ Liêm, Hà Nội khi nỗi đau mất mát vẫn còn hiển hiện trên gương mặt từng người trong gia đình chị. Chị là một trong số ít người tình nguyện hiến giác mạc của mình sau khi qua đời. Ông Trịnh Thiện Hệ – bố đẻ của chị Nhàng năm nay đã 80 tuổi. Ông run run thắp hương lên bàn thờ con gái, giọng nói ngàn ngạt nước: “Con gái tôi cả đời bất hạnh, gia đình tan vỡ, bệnh tật liên miên. Số phận đã định thế rồi, không cưỡng lại được”.
Chị Nhàng sinh năm 1953, gần 30 tuổi chị mới lập gia đình. Khi đứa con trai đầu lòng còn chưa đầy tuổi, bụng chị bắt đầu xuất hiện những cơn đau lạ. Những cơn đau cứ nhiều dần lên, dữ dội hơn biến người phụ nữ đang tuổi xuân sắc thành người đàn bà héo hon. Đi khám, người ta phát hiện chị có những triệu chứng đầu tiên của căn bệnh ung thư dạ dày. Chồng chị không giữ nổi mình, nhẫn tâm bỏ chị cùng đứa con nhỏ mà đi theo người đàn bà khác.
“Con gái tôi vốn từ tâm, biết mình bệnh tật nên chẳng trách móc chồng, coi đó như một sự giải thoát. Nhưng tôi biết, trong lòng nó rất đau đớn, tủi phận”, ông Hệ ngậm ngùi kể.
Vào khoảng năm 2000, khi biết mình không còn sống được lâu nữa, chị Nhàng tìm hiểu và có nguyện vọng được hiến một số bộ phận trên cơ thể mình cho y học. Chị thông báo với gia đình sẽ hiến giác mạc sau khi qua đời. Họ hàng xúm lại khuyên can: “Nhàng ơi, khi sống con đã bệnh tật khắp người rồi, con không sợ xuống âm phủ mày cũng thành phế nhân sao. Sao mà con dại thế con ơi!”.
Nỗi đau đớn dai dẳng của bệnh tật kéo dài mấy mươi năm, ngày 30-10-2010, chị Nhàng đã chút hơi thở cuối cùng. Trước khi về thế giới bên kia, chị Nhàng gắng gượng cầm bút thảo di chúc cho mình trong đó thiết tha đề nghị được hiến giác mạc của mình cho người khác: “Cuộc đời tôi đã không được may mắn, hạnh phúc. Nay, tôi đoản mệnh, sớm về thế giới bên kia. Người tôi bệnh tật không còn toàn vẹn, chỉ có đôi mắt vẫn còn sáng, tôi xin tình nguyện hiến lại giác mạc của mình cho y học để cứu được đôi mắt cho người còn sống”. Ông Hệ bỏ qua mọi ý định ngăn cản dèm pha của một số người trong họ hàng, quyết tâm thực hiện tâm nguyện cuối cùng của con gái. Các bác sĩ thuộc Ngân hàng Mắt, Bệnh viện Mắt Trung ương đã có mặt để tiến hành lấy giác mạc từ đôi mắt chị Nhàng. Nhẹ nhàng và thanh thản, trước khi vĩnh biệt cuộc sống, chị đã để lại cho đời một trái ngọt.
Mùa xuân của lòng nhân ái
Trái ngọt ấy thực sự thảo thơm bởi nó làm sáng bừng lại cuộc sống cho những người đã sống nhiều năm trong bóng tối của cảnh mù lòa, hay những người sắp sửa mất đi ánh sáng từ đôi mắt của mình. Nó kéo những người như anh Lễ từ tột cùng thất vọng trở về với cuộc sống bình thường.
Sau một thời gian chờ đợi, anh Lễ được Ngân hàng Mắt, Bệnh viện Mắt Trung ương tiến hành kiểm tra ghép giác mạc. Ca ghép đã thành công mỹ mãn. Anh Lễ tháo băng, bước từ bóng tối ra ánh sáng, ngỡ ngàng nhìn mặt vợ con, hớn hở mừng vui như một đứa trẻ.
“Thật kỳ diệu, thị lực của mắt tôi đang ở mức thấp nhất, nay đã được 6/10 và đang trên đường hồi phục. Chỉ tiếc một điều rằng, tôi không được biết ai đã hiến tặng đôi mắt này cho tôi bởi đó là quy định của pháp luật. Mỗi sáng thức giấc tôi đều nhìn lên trời, cảm ơn người đã cho tôi ánh sáng, cầu chúc cho linh hồn người ấy được bình an nơi chín suối”. Anh Lễ vừa nói, vừa sụt sùi khóc, những giọt nước mắt từ đôi mắt của một người anh chưa hề quen biết, nhưng chắc chắn đó là một người cao cả.
Hiến giác mạc – một nghĩa cử cao đẹp Ông Nguyễn Hữu Hoàng – Phó giám đốc Ngân hàng Mắt, Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết: “Giác mạc chỉ là một lớp màng mỏng trong suốt, nằm trước nong đen của mắt. Những chấn thương vùng mắt từ hệ quả của viêm loét, di truyền, loạn dưỡng làm cho giác mạc bị tổn thương và dần sẽ dẫn tới mù lòa. Nhiều người hiểu lầm rằng, hiến giác mạc là sẽ phải lấy đi cả đôi mắt nhưng sự thực, chúng tôi chỉ lấy đi một lớp màng rất mỏng phần ngoài cùng của mắt. Việc ngần ngại hiến giác mạc của nhiều người cũng phát sinh từ những nhầm lẫn này. Mãi đến tháng 4-2007, tại Việt Nam, chúng tôi mới có thể tiến hành ca lấy giác mạc đầu tiên. Cho tới nay, ở Việt Nam, chúng tôi đã lấy được 60 đôi giác mạc và đã cấy ghép được cho rất nhiều người. Hiện đã có khoảng 2.000 người đăng ký hiến tặng giác mạc cho Ngân hàng Mắt sau khi qua đời. Khi có nhu cầu về hiến, ghép giác mạc, bạn có thể liên hệ: Ngân hàng Mắt, Bệnh viện Mắt Trung ương, 85 Bà Triệu, Hà Nội, điện thoại: 04.39454799. |
Vũ Minh Tiến