Tại sao nhiều học sinh Việt Nam không hạnh phúc khi ở trường?
Thảo luận dự án Luật Giáo dục tại tổ chiều 8/11, đại biểu Cao Đình Thưởng (Phó đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ) đánh giá, hiện nay Việt Nam đã nhận thức rõ vị thế của ngành giáo dục trong sự phát triển của hiện tại và tương lai. Tuy nhiên, một số điều quan trọng vẫn chưa được quan tâm đúng mức.
"Chế độ giáo dục Việt Nam ưu việt ở chỗ hướng đến con người, vì con người, nhưng chỉ số hạnh phúc của học sinh, chỉ số hài lòng của phụ huynh chưa cao", ông Thưởng nêu thực tế.
Theo ông, nguyên nhân khiến học sinh cảm thấy không hạnh phúc là người lớn bắt tất cả các em phải giỏi. "Bố mẹ bắt con giỏi, thầy cô bắt học sinh giỏi. Nhưng em này giỏi môn này thì khó giỏi môn kia, vì bộ óc của con người có giới hạn. Yêu cầu quá cao đối với các em là hết sức vô lý", ông Thưởng nói.
Từ thực tế đó, ông Cao Đình Thưởng cho rằng Việt Nam cần có một triết lý giáo dục để làm cho nhà trường trở thành cái nôi mà ở đó giáo viên, học sinh trở nên hạnh phúc. Triết lý giáo dục của Việt Nam phải ngắn gọn, súc tích, để ai cũng hiểu, ai cũng nhớ.
Đại biểu Cao Đình Thưởng phát biểu tại Quốc hội. Ảnh: Trung tâm thông tin Quốc hội |
Đại biểu Trần Hoàng Ngân băn khoăn, tại sao học sinh công lập sáng ra sợ đến trường, còn học sinh trường quốc tế thì đến trường thấy rất vui. "Rõ ràng cần giảm tải chương trình, tăng giáo dục kỹ năng sống, hoạt động trải nghiệm giáo dục", Giám đốc Học viện Cán bộ TP HCM nói và cho rằng phát triển giáo dục cần thích ứng với thời đại công nghệ 4.0.
Đại biểu Bùi Văn Phương (Phó đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình) thì đề nghị tham khảo kinh nghiệm của nước ngoài trong việc xác định triết lý giáo dục thay vì cứ mất công tìm cái riêng.
"Cần quan tâm triết lý giáo dục vì mấy chục năm đổi mới mà nền giáo dục vẫn trong vòng luẩn quẩn, không tìm được lối thoát. Nền giáo dục có mặt được, nhưng còn rất nhiều mặt dở khiến dư luận bức xúc. Vì vậy cần định hình cơ bản toàn bộ việc dạy, học bám theo tinh thần đã xác định đó", ông Phương nói.
Đề nghị quy định cụ thể về thực nghiệm
Đại biểu Bùi Văn Phương kiến nghị cần có quy định cụ thể về việc thực nghiệm, thí điểm những mô hình mới, tránh tình trạng như vừa qua chương trình công nghệ giáo dục thí điểm 40 năm vẫn chưa kết luận là còn thí điểm hay không. Có thầy cô dạy ca ngợi, người khác lại không đồng tình vì cho rằng việc dạy như vậy triệt tiêu sáng tạo của giáo viên.
Đại biểu Phạm Văn Hòa phát biểu tại Quốc hội. Ảnh: Trung tâm thông tin Quốc hội |
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Phó đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp) góp ý, cần thận trọng với "một chương trình nhiều sách giáo khoa". Giáo dục phổ thông cần thống nhất chung cả nước.
"Có những chương trình đưa ra thực nghiệm mà vừa rồi nói là công nghệ giáo dục thì mỗi nơi dạy một kiểu, trường nào muốn thì dạy, trường nào không muốn thì thôi. Tôi nghĩ cùng trong một hệ thống giáo dục quốc dân, thậm chí trong một địa phương mà có trường dạy, trường không dạy, rất bất hợp lý. Bộ Giáo dục giải thích nhiều chiều nhưng tôi thấy chưa hài lòng", ông nói.
Theo đại biểu Hòa, muốn chương trình thực nghiệm đưa ra giảng dạy đại trà thì phải có tổng kết, rút kinh nghiệm, quy định cụ thể.
Chia sẻ trải nghiệm khi đi dự giờ dạy theo công nghệ giáo dục tại Hòa Bình, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh nhận xét, kết quả tiết học rất tốt. Đưa phương pháp dạy tiếng Việt này vào giáo dục đại trà có nhiều ưu điểm tích cực, nhưng phải có quyết định rõ ràng về việc có đi theo hướng này không, sau đó phải có quy trình chuẩn, xác định ai được quyền quyết định triển khai việc giảng dạy theo sách công nghệ giáo dục chứ không thể để cho hiệu trưởng mỗi trường tự quyết.
"Qua vụ sách vuông vuông, tròn tròn này thì thấy chỉ chuyện sử dụng sách giáo khoa đã tranh cãi phức tạp rồi. Ngành giáo dục cần chú ý quan tâm tới ý kiến của phụ huynh, nếu không sẽ xảy ra những bất ổn về xã hội", ông Sinh nói.
Nói ngọng ảnh hưởng đến uy tín ngành giáo dục
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng, lâu nay Việt Nam bỏ bê việc dạy trẻ học nói. "Nói ngọng sẽ ảnh hưởng tới viết, thuyết trình và ảnh hưởng cả uy tín một nền giáo dục", vị luật sư đoàn TP HCM nói.
Ông Nghĩa dẫn chứng, có người bằng cấp cao nhưng nói ngọng và viết sai chính tả. Việc này phải giải quyết xong khi học sinh hết tiểu học. "Hồi tôi đi học, bạn nào ngọng bị cô giáo yêu cầu tập đọc trước cả lớp. Cháu tôi nói ngọng bèn cho đi học lớp chữa ngọng để nói chuẩn trở lại", ông cho hay.
Theo VnExpress.net
Hôm nay 8/11, Quốc hội sẽ thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 | |
Hôm nay 6/11, Quốc hội thảo luận về luật Giáo dục đại học | |
Những chính sách giáo dục sắp có hiệu lực |
-
Nguồn lực cho chiến lược tăng trưởng xanh chưa rõ ràng
-
Cần hiểu đúng và đủ về áp thuế GTGT 5% với phân bón
-
Nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị sửa khoản 3 Điều 15 dự thảo về hoàn thuế giá trị gia tăng
-
Những ‘lo ngại’ thiếu định lượng sẽ làm hiểu sai tác động thuế GTGT phân bón 5% với nông dân
-
Nhiều đại biểu tán thành việc đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế GTGT 5%
-
Chính phủ đề xuất mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp
-
Cân nhắc việc thành lập Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia
-
Bộ Trưởng Bộ Công Thương: Điện phải đi trước một bước
-
Khuyến khích đầu tư các dự án điện tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo
-
Cần chính sách rõ ràng cho năng lượng gió ngoài khơi