Tại sao người Việt mua muối đầu năm, kiêng mua vôi, xin lửa, quét nhà?
Đầu năm mua muối, kiêng mua vôi
"Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi" là câu tục ngữ quen thuộc diễn đạt một tục lệ của người Việt được lưu truyền từ xa xưa cho đến ngày nay. Nhiều gia đình vì thế thường mua muối đầu năm và kiêng mua vôi. Vôi thường chỉ được mua vào cuối năm.
Có nhiều kiến giải xung quanh tục lệ này. Tác giả Nguyễn Văn Huyên trong cuốn "Hội hè lễ Tết của người Việt" cho rằng, vôi là thứ có tác dụng trừ tà, ngăn ma quỷ. Nhiều gia đình mua vôi bột về rắc xung quanh nhà với ý nghĩa xua đuổi ma quỷ ra khỏi lãnh thổ của gia đình mình, cũng là xua đuổi những rủi ro, đen đủi của năm cũ.
Nhìn nhận ở một góc độ khác, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, TS Nguyễn Hùng Vĩ, nguyên giảng viên Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn cho hay, dựa theo đối chiếu với các tín ngưỡng về "muối", về "vôi", "ông bình vôi", về văn hóa cư dân truyền thống có thể thấy rằng, người xưa mua vôi cuối năm là để ăn trầu chứ không phải mua vôi để xây dựng hoặc trang hoàng nhà cửa.
"Ông bình vôi" xưa, được gọi là "ông" vì được kính trọng vì tính thiêng của nó. Chuẩn bị cho việc đón Tết, ngoài thịt thà, bánh trái, chè kẹo, dầu đèn, trang phục thì người dân phải chuẩn bị vôi bởi trong giao tiếp, lễ lạt, miếng trầu vẫn là đầu câu chuyện.
Dân gian tin rằng, sang năm mới, "ông bình vôi" không no thì cả năm gia đình cũng sẽ bị đói theo. Người ta phải chăm lo "ông bình vôi" và coi đó là cách cho ông ăn.
Về lý do nhiều người kiêng mua vôi đầu năm, TS Nguyễn Hùng Vĩ cho rằng, trong tín niệm, có câu "bạc như vôi" nên đầu năm mới, người ta không muốn rước sự bạc bẽo vào nhà. Thành thử người ta kiêng mua vôi đầu năm, chỉ mua vào cuối năm.
Về tục lệ mua muối đầu năm, TS Nguyễn Hùng Vĩ cho rằng, muối là gia vị cần thiết cho sự sống của mọi cơ thể. Sự tích trữ muối cần thiết như việc giữ lửa. Chính vì vậy, muối trở thành biểu niệm cho sự mặn mà, thủy chung trong quan hệ con người (Gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau).
"Ngày Tết mở đầu cho một năm nên người ta mua về sự mặn mà, đầm ấm. Người bán muối đi khắp thôn làng. Người mua không trả giá, người bán vun đầy có ngọn bát muối như một lời chúc phúc cho sự viên mãn. Tục này ngày nay vẫn còn tồn tại. Đó là một phong tục đẹp, làm gia vị cho cuộc sống văn hóa muôn màu muôn vẻ, xấu tốt lẫn lộn hiện nay", TS Vĩ nhấn mạnh.
Sự thực về tục kiêng quét nhà, xin lửa
Ngoài kiêng mua vôi đầu năm, dịp Tết, người Việt còn kiêng kỵ rất nhiều điều khác. Các kiêng kỵ tích hợp vào dịp Tết trở thành một di sản văn hóa tinh thần quan trọng của dân tộc. Nó vừa để giữ gìn cho sự an toàn của con người, gia đình và cộng đồng, vừa thể hiện sự kỳ vọng trong năm mới.
Người dân ở Xuân Trường, Nam Định xin lửa thánh từ đền làng đêm giao thừa Tết Quý Mão 2023. (Ảnh: Q. P). |
Theo TS Nguyễn Hùng Vĩ, ngày Tết không chỉ là sự đoàn viên của người sống mà quá khứ, hiện tại và tương lai đều hội tụ. Thế giới thực tế và thế giới tín ngưỡng đều hòa đồng, vừa thực vừa hư. Các điều kiêng kỵ đều hướng đến ba mục đích chính là bài trừ tai họa, cầu xin phúc lộc và khuyến khích hướng thiện.
Dịp đầu năm mới, người Việt nhiều nơi có thể xin lửa từ đền thánh nhưng thường kiêng xin lửa với các hộ gia đình. Lý do là bởi vì lửa cũng như thần lửa, thần bếp là nguồn nhiệt lượng bảo tồn sự sống cho con người. Lửa luôn luôn được gìn giữ cẩn thận trong gia đình và cộng đồng. Bếp lạnh, tro tàn là biểu niệm của sự tàn lụi. Giữ lửa là giữ gìn điều kiện sống.
"Dân gian kiêng xin lửa vì nhắc người ta bước sang năm mới không thể để tắt bếp hoặc không lơ là về nguồn lửa của gia đình. Ngoài ra, lửa được coi là điều may mắn nên các gia đình thường kiêng mang điều may cho người khác, bởi sẽ mất đi nguyên khí của nhà mình. Người ta có thể cho, biếu nhau những thứ khác, trừ lửa", TS Vĩ chia sẻ.
Một tục khác cũng rất phổ biến trong nhiều gia đình đó là kiêng quét nhà. Tục này được giải thích bởi một câu chuyện cổ xưa đã được ghi lại trong cổ thư là "Sưu thần ký".
Tác giả Phan Kế Bính trong sách "Phong tục Việt Nam" (năm 1915) cũng đã ghi lại: "Trong "Sưu thần ký" có chuyện người lái buôn tên là Âu Minh đi qua hồ Thanh Thảo.
Thủy thần cho một con hầu tên là Như Nguyện, đem về nhà được vài năm thì giàu to. Một hôm nhân ngày mùng một Tết, người chủ đánh nó, nó chui vào đống rác mà biến mất, từ đấy nhà chàng kia lại nghèo đi. Bởi thế ta theo tục Tàu, kiêng hốt rác".
Theo TS Nguyễn Hùng Vĩ, sáng tạo ra một câu chuyện để giải thích cho một phong tục là điều thường thấy. Trong truyện này, ta thấy mong muốn giàu có (nhân vật chủ nhà là lái buôn), kỳ vọng giàu sang đó chính là cô Như Nguyện (cầu được ước thấy). Coi thường và đánh mất kỳ vọng thì không có quyết tâm để phát triển.
Tuy nhiên, mặt khác có thể thấy được các thông điệp ý nghĩa từ tục lệ này. Ngày Tết, các gia đình vốn đã chuẩn bị một không gian vệ sinh sạch sẽ, cần giữ gìn không gian đó để không phải quét dọn.
Muốn giữ được, cần kiệm ước trong sinh hoạt Tết để không có rác thải của sự thừa mứa. Khi có rác, không được "hốt rác" để thải ra môi trường công cộng, giữ vệ sinh chung. Có thế, kinh tế mới phát triển được. Phong tục Tết dạy người ta những bài học ngụ ngôn.
Ngoài ra, TS Nguyễn Hùng Vĩ cho biết, ngày Tết, người Việt còn có rất nhiều kiêng kỵ như không nói lời nặng nề, xấu xa, không khóc nhè, không bạo lực, không say rượu. Kẻ trộm cũng kiêng đi ăn trộm vào đầu năm. Tết là một dịp thực hành ứng xử tử tế cho tất cả mọi người. Nếu không, quanh năm sẽ gặp phải những điều kém may mắn.
Hồng Anh
Dân Trí
-
Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ VII: Đề xuất vinh danh 58 bộ sách, cuốn sách
-
Hơn 60 quốc gia tham gia Liên hoan Ẩm thực quốc tế 2024 tại Hà Nội
-
Dân ca Quan họ Bắc Ninh - Tinh hoa và bản sắc
-
Gần 500 nghệ sĩ quy tụ tại chương trình chính luận nghệ thuật “Cùng nhau giữ nước”
-
Tháng 11, “Về miền di sản tinh hoa và bản sắc”