Tài chính vi mô hy vọng giảm được tình trạng cho vay nặng lãi
Xét về mặt xã hội, tài chính vi mô (TCVM) đem lại cơ hội cho người nông thôn, nhất là người nghèo tiếp cận dịch vụ tài chính, tăng cường sự tham gia vào cộng đồng. Bởi dễ nhận thấy, tại các khu vực mà ngân hàng, hay các mô hình chi nhánh truyền thống không thể với tay tới thì các tổ chức TCVM lại có thể tiếp cận khách hàng trực tiếp, từ việc phát vốn tới thu hồi vốn.
(Ảnh minh họa) |
Bà Đinh Thị Minh Thái, Viện Tài chính vi mô và Phát triển cộng đồng (MACDI), cho hay chương trình, dự án TCVM có nhiều thử thách khi theo đuổi đồng thời mục tiêu tài chính và mục tiêu xã hội. Việc cân bằng cả hai mục tiêu cần hướng tới sự chuyên nghiệp hoạt động, để tạo dựng dịch vụ tài chính thân thiện và dễ dàng tiếp cận cho người nghèo ngay tại cộng đồng, góp phần làm giảm nạn cho vay nặng lãi với người nghèo.
Cùng chung quan điểm, PGS.TS. Lê Thanh Tâm, Đại học Kinh tế quốc dân, Nhóm công tác tài chính vi mô Việt Nam (MFWG) chia sẻ thêm, tổ chức TCVM sẽ bền vững nếu duy trì được sự cân bằng giữa an toàn - sinh lời trong thời gian dài, phục vụ lợi ích của khách hàng, gia tăng lợi ích cho cộng đồng, xã hội, môi trường. Hiệu quả xã hội của một tổ chức TCVM là những ảnh hưởng tích cực tới khách hàng, nhân viên, cộng đồng và môi trường mà hoạt động TCVM mang lại, thể hiện trách nhiệm xã hội của tổ chức TCVM. Bền vững luôn được đánh giá kèm với mức độ tiếp cận và tính an toàn.
Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, vẫn phải nhìn nhận rằng TCVM tại Việt Nam hoạt động còn khá manh mún, sản phẩm, dịch vụ chưa thật đa dạng, các chỉ số bền vững hoạt động và tài chính của các tổ chức TCVM chưa cao.
Hiện nay, nhóm các tổ chức TCVM chính thức và bán chính thức hoạt động với quy mô trung bình và lớn mặc dù đã đạt được sự phát triển về mức độ tiếp cận, nhưng còn thiếu tính ổn định và biến động chu kỳ lớn; khả năng sinh lời thấp; tỷ lệ nợ xấu của các tổ chức TCVM tại Việt Nam có tăng, đặc biệt với nhóm tổ chức TCVM bán chính thức.
Trong bối cảnh hiện nay, nhiều lĩnh vực đang được hưởng thành tựu từ CMCN 4.0 và công nghệ số vì thế, có ý kiến cho rằng, các tổ chức TCVM nên áp dụng những thành tựu CNTT như một giải pháp nhằm giảm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động. Đồng thời nên xem xét phát triển ví điện tử ứng dụng trên điện thoại thông minh dành riêng cho đối tượng của TCVM và sử dụng ví này để đưa dòng vốn tới tận tay người cần vay vốn; kết hợp với các cá nhân, tổ chức để cung cấp sản phẩm dịch vụ cho phép thanh toán bằng ví này.
M.L