Sức mạnh nội sinh của EVN
Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn |
Đã gần 2 năm, trên toàn lãnh thổ Việt Nam, từ hải đảo đến vùng núi, từ nông thôn đến thành thị, đội ngũ Điện lực Việt Nam trên mọi lĩnh vực hoạt động của ngành, từ sản xuất điện, vận hành đường dây truyền tải, thí nghiệm điện đến quản lý lưới điện phân phối…đều đang nỗ lực hết sức mình để đảm bảo cung cấp điện đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh và đời sống sinh hoạt của nhân dân, không bằng khẩu hiệu và những lời hứa to tát, mà bằng những hành động thiết thực, hiệu quả trên mọi lĩnh vực hoạt động của ngành.
Lịch sử đã ghi nhận và tiếp tục ghi nhận
Trên bản đồ vận hành nguồn và lưới điện truyền tải, từng nhà máy điện, từng trạm biến áp luôn sáng đèn, báo hiệu nơi đó, dòng điện đang chảy trong huyết mạch đất nước hình chữ S.
Để có được ý chí và tinh thần tự lập, tự cường như ngày hôm nay, EVN thực sự đã trải qua những năm tháng vô cùng khó khăn gian khổ của một ngành gánh vác sứ mệnh tiên phong và trụ cột của nền kinh tế.
Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn |
Lịch sử gần 67 năm xây dựng và phát triển thì ngành Điện Việt Nam đồng hành cùng dân tộc cả dân tộc đã từng phải trải qua cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ, chiến tranh biên giới Tây Nam và chiến tranh biên giới Việt Nam – Trung Quốc. Chỉ riêng cuộc chiến tranh phá hoại của Giôn – xơn và Ních – xơn, ngành Điện lực miền Bắc đã phải đương đầu với 1.652 trận đánh phá ác liệt của máy bay Mỹ. Hầu hết các cơ sở điện lực đều bị thiệt hại nặng nề, hơn 123 liệt sỹ đã anh dũng hy sinh vì dòng điện của Tổ quốc. Điều đáng nói là , ngay trong lúc cuộc chiến tranh phá hoại đang rất ác liệt, ngành Điện lực đã có những quyết định tỉnh táo, thông minh là xây dựng nhiều trạm diesel ở các thành phố và đô thị, nên khi các nhà máy điện lớn bị đánh phá, chưa sửa chữa phục hồi kịp, ngành Điện vẫn cung cung cấp điện an toàn, liên tục đáp ứng yêu cầu.
Cho đến năm 2000, bước sang Thế kỷ XXI, ngành Điện vẫn luôn tồn tại tình trạng phát triển thiếu cân đối và đồng bộ giữa nguồn điện và lưới điện truyền tải và giữa lưới điện truyền tải với lưới điện phân phối do thiếu vốn đầu tư gây ra tình trạng thường xuyên mất điện, tổn thất điện năng tăng. Năm 1992, tổn thất điện năng lên tới 25%. Ngành Điện lực Việt Nam dần khắc phục tình trạng này thông qua việc lập và thực hiện các Tổng sơ đồ điện từng giai đoạn. Nguồn và lưới điện từng bước được đồng bộ và hoàn chỉnh. Việc đảm bảo cung cấp điện, bước đầu, đã được giải quyết một cách cơ bản. Có đủ điện, lại xuất hiện những đòi hỏi về chất lượng dịch vụ. Ngành Điện lại lao vào cuộc cải cách để thay đổi tác phong làm việc, cách suy nghĩ trong công tác kinh doanh, dịch vụ.
Bên cạnh đó, EVN đã xây dựng một chính sách tài chính đúng đắn để vừa không ngừng cải thiện các tiêu chí kinh tế kỹ thuật, nâng cao hiệu quả mọi mặt hoạt động sản xuất, kinh doanh, vừa tiếp tục đầu tư lưới điện nông thôn, vùng sâu, vừng xa để thúc đẩy sự phát triển khu vực nông thôn, giảm bớt sự chênh lệch giữa nông thôn và thành thị ở một Quốc gia có đặc thù 70% số dân sinh sống ở nông thôn nhưng chỉ tiêu dùng khoảng 20% sản lượng điện thương phẩm của cả nước.
Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn |
Nhiều năm qua, nếu không có những giải pháp đặc biệt, thì tụt hậu về năng lượng ở Việt Nam chắc chắn sẽ xảy ra, trong khi đó, hiện nay, hệ thống điện Việt Nam có qui mô đứng thứ 2 khu vực Đông Nam Á và đứng thứ 23/ 204 quốc gia trên thế giới.
Lịch sử 67 năm vè vang của ngành Điện tiếp tục đặt lên vai những người thợ điện nhiệm vụ nặng nề hơn, khó khăn hơn và họ đã nhanh chóng sẵn sàng đối diện với khó khăn, chinh phục mọi thử thách để viết tiếp những trang sử vẻ vang trong lao động sản xuất. Điều đó đã được minh chứng qua gần 2 năm đảm bảo cung cấp điện trong điều kiện dịch bệnh COVID – 19.
Bản lĩnh để vượt qua thách thức
Đại dịch COVID-19 đã đang và sẽ tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến hầu hết mọi mặt của đời sống xã hội, suy thoái kinh tế đã dẫn đến mất việc làm và giảm thu nhập trở thành vấn đề đáng lo ngại nhất và còn kéo dài. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động 6 tháng đầu năm 2021 là hơn 1,1 triệu người, tăng 101,7 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Đó chưa kể sự suy giảm về tổng số giờ làm việc cũng như năng suất lao động do đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, dịch COVID-19 cũng tạo cơ hội và điều kiện thúc đẩy xã hội Việt Nam chuyển đổi và hiện đại hóa nhanh hơn, nhất là việc đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin và quá trình chuyển đổi số.
Trong tình hình mới, EVN xác định nhiệm vụ trọng tâm là, ngoài việc đảm bảo nhu cầu về điện cho nền kinh tế và đời sống nhân dân, EVN đã chọn chủ đề năm 2021 là “Chuyển đổi số trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam”, với mục tiêu tiếp tục đẩy mạnh lộ trình ứng dụng khoa học công nghệ; tích hợp công nghệ kỹ thuật số và mô hình quản trị phù hợp với quá trình ứng dụng công nghệ kỹ thuật số vào hoạt động sản xuất kinh doanh, nhằm gia tăng hiệu quả hoạt động, đổi mới sáng tạo, tối ưu hóa chi phí, nâng cao trải nghiệm và mức độ hài lòng khách hàng; phấn đấu đến hết năm 2022, EVN cơ bản chuyển đổi thành doanh nghiệp hoạt động theo mô hình doanh nghiệp số.
Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn. |
Việc chủ động thực hiện lộ trình chuyển đổi số đã đem lại kết quả hữu hiệu trong mọi lĩnh vực hoạt động của EVN. Trong lĩnh vực kinh doanh và dịch vụ khách hàng, EVN chuẩn hóa, đơn giản và hoàn thiện quy trình, quy định hiện tại theo hướng dễ dàng số hóa; xây dựng ứng dụng di động phục vụ khách hàng tìm kiếm thông tin về dịch vụ điện; xây dựng các chính sách chăm sóc và khuyến khích khách hàng tham gia hoạt động chuyển đổi của EVN.
Kết quả, 6 tháng đầu năm 2021, tỷ lệ tiền điện thanh toán không bằng tiền mặt đạt khoảng 91%. Nhờ việc cung cấp nhiều tiện ích hỗ trợ khách hàng sử dụng điện, như: Theo dõi sản lượng điện hàng ngày (công cụ ước tính lượng điện năng tiêu thụ) và nâng cao tính minh bạch trong công tác ghi chỉ số (lắp đặt công tơ điện tử, áp dụng công cụ rà soát chỉ số bất thường …), số lượng giải quyết yêu cầu của khách hàng liên quan đến chỉ số công tơ và hóa đơn tiền điện trong 6 tháng đầu năm đã giảm mạnh, chỉ chiếm 3% tổng số yêu cầu.
Trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, EVN đã và đang tiếp tục hoàn thiện các quy trình nghiệp vụ; ban hành tiêu chí đánh giá về mức độ ứng dụng công nghệ trong hoạt động đầu tư xây dựng; hoàn thành nâng cấp và hoàn thiện phần mềm đầu tư xây dựng phiên bản 2.0, áp dụng công nghệ AI nhận diện khuôn mặt trong giám sát thi công, tích hợp các hệ thống giám sát thông minh tại công trường...Kết quả, 6 tháng đầu năm 2021, đã khởi công 64 công trình và đóng điện 64 công trình lưới điện 110-500 kV, trong đó đã đóng điện các dự án lưới điện quan trọng: Đường dây 500 kV Mỹ Tho - Đức Hòa, đường dây 220 kV Phả Lại nhánh rẽ Hải Dương, máy 2 trạm biến áp 220 kV Thanh Nghị, cải tạo đường dây 110 kV Hóc Môn - Bà Quẹo (đoạn Bình Tân – Bà Quẹo), trạm biến áp 220 kV Lao Bảo và đường dây 500 kV Dốc Sỏi - Pleiku 2 (thuộc dự án đường dây 500 kV mạch 3).
Trong lĩnh vực quản trị nội bộ, EVN tiến hành hiệu chỉnh, ban hành quy trình thủ tục nội bộ phục vụ cá nhân hóa thông tin; hoàn thiện quy trình cập nhật và ứng dụng tiện ích văn phòng; xây dựng quy trình phù hợp với xu hướng quản trị mới.
Đặc biệt, đối với lĩnh vực viễn thông và công nghệ thông tin, thống nhất trong toàn EVN một nền tảng hạ tầng chung, đồng nhất về công nghệ, về giải pháp kỹ thuật và giải quyết vấn đề thống nhất quản trị cơ sở dữ liệu dùng chung. Chuẩn hóa, làm giàu cơ sở dữ liệu, đẩy mạnh khai thác, phân tích để nâng giá trị dữ liệu của EVN lên cao hơn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của ngành Điện cũng như phù hợp với xu thế chung.
Trong suốt 67 năm qua, EVN đã thực hiện trọn vẹn cam kết với Đảng, Nhà nước và nhân dân, trong bất cứ trường hợp nào, hoàn cảnh dù khó khăn, gian khổ đến đâu vẫn đảm bảo “Điện đi trước một bước”, tạo nền tảng vững chắc để phát triển kinh tế, văn hóa, an ninh xã hội của đất nước. Sức mạnh nội sinh của EVN được khơi nguồn từ tinh thần đoàn kết “trên thuận, dưới hòa”, tận tâm với công việc, tận tụy với khách hàng - những tố chất ấy là tiền đề vững chắc để EVN vượt qua mọi thách thức, mọi hoàn cảnh.
Thanh Mai (Icon.com.vn)
-
Phê duyệt Đề án cơ cấu lại EVN giai đoạn đến hết năm 2025
-
Thủ tướng: Tính toán giá điện khí phù hợp theo thị trường, tình hình cụ thể, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân
-
Đóng điện nhánh rẽ đường dây 220kV đấu nối từ trạm biến áp 500kV Chơn Thành
-
Nhiều bài học kinh nghiệm quý sau thành công của Dự án đường dây 500kV mạch 3
-
Giá điện có thể được điều chỉnh tăng gần 10%
-
Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau thảo luận tổ về tình hình phát triển kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
-
Bài 4: Lựa chọn phát triển cảng điện gió ngoài khơi như thế nào?
-
Đóng điện Trạm biến áp 220kV Khu kinh tế Nghi Sơn và đường dây đấu nối, vượt tiến độ 4 ngày
-
Điện gió tăng trưởng chậm "kìm hãm" mục tiêu năng lượng toàn cầu?
-
Bổ sung chính sách thu hút nhà đầu tư khảo sát dự án điện gió ngoài khơi