Sự thật về Tân Hiệp Phát 1
Thế nhưng, cho đến nay, khi các cơ quan chức năng còn loay hoay chưa tìm ra hướng khắc phục triệt để, thì những hộ dân sinh sống xung quanh khu vực nhà xưởng Tân Hiệp Phát (đặt tại phường Vĩnh Phú, thị xã Thuận An, Bình Dương) tiếp tục gánh chịu thêm cảnh khốn đốn triền miên…
Kỳ I: Khốn đốn vì nhà lún nứt
Tôi tìm về khu vực nhà xưởng cực lớn của Tân Hiệp Phát nằm trên Đại lộ Bình Dương thuộc phường Vĩnh Phú, thị xã Thuận An (Bình Dương, cách trung tâm TP HCM khoảng 20km) vào giữa mùa mưa cuối tháng 6. Men theo con hẻm nhỏ gần khu dân cư Vĩnh Phú 2 (nằm lọt thỏm bên hông nhà xưởng Tân Hiệp Phát), tôi đến nơi cư ngụ của các hộ dân đang vướng phải tình cảnh ngập nước, lún nứt nhà. Đó là xóm Rạch Miễu, nơi sinh sống của những người dân lao động. Trước mắt tôi là khối nhà xưởng và nhà kho rộng hàng chục nghìn mét vuông uốn lượn quanh khu dân cư nhỏ nhoi này.
Con hẻm khá lầy lội. Bước khoảng vài chục mét đã thấy nhà cửa hai bên hẻm ngập ngụa những dòng nước dơ bẩn, hôi hám. Nước chảy tràn lênh láng vào nhà dân từ các con mương tù đọng. Không những vậy, tiếng ầm ầm, ì ì phát ra xuyên suốt từ phía nhà máy Tân Hiệp Phát (THP) khiến tôi nhức đầu, chóng mặt. Vậy thử hỏi những hộ dân sống cùng nhà máy quanh năm suốt tháng họ phải chịu đựng đến thế nào?
Theo phản ánh, một số hộ dân khu vực này trong vài tháng gần đây đã sống trong cảnh nơm nớp lo sợ hiểm họa chực chờ từ khối nhà xưởng cao lêu khêu, lơ lửng trên đầu. Nguyên do cũng bởi những căn nhà mới toanh mà họ vừa xây dựng, nâng nền, gia cố lại (để chống chọi với nước thải của THP) có hiện tượng xuống cấp, các mảng tường nứt toác. Lý giải nguyên nhân, người dân cho rằng, việc THP đang tổ chức thi công nâng cấp một phần nhà xưởng là “thủ phạm” gây ra tình trạng trên. Và họ cho rằng, đó là một trong những tác động mới nhất mà THP gây ra suốt nhiều năm qua.
Gặp tôi, bà Đặng Thị Mỹ Hạnh (44 tuổi, trú nhà số 28/12, khu phố Hòa Long), chủ hộ của một trong những ngôi nhà bị thiệt hại nặng nề ở đây than vãn ngay: “Nhà tôi vừa mới được xây dựng nhưng từ lúc THP đóng cọc và đổ bê tông xây thêm phân xưởng khiến cho căn nhà xuống cấp nghiêm trọng. Các mảng tường nứt toác, xé tường. Gần đây còn bị nặng hơn, dư chấn mạnh từ việc thi công nền móng nhà xưởng khiến căn nhà có dấu hiệu lún nứt. Sức ép đóng cọc làm bể cả đường ống giếng nước khiến việc sinh hoạt gặp khó khăn. Đây, anh hãy nhìn mà xem…”.
Theo chỉ dẫn của bà Hạnh, tôi tận mắt chứng kiến vài nơi của nền nhà bị rạn nứt. Trong phòng khách thì nứt gãy cột, các mảng tường của phòng tắm và phòng ngủ đều nứt toác, xé tường với nhiều vết nứt dài. Trên trần nhà và cột cùng cảnh ngộ khi toác rộng khoảng 3cm.
“Mỗi khi mưa bão lớn ập đến là tôi lại lo nhà sập. Chưa kể nước thải đọng lại từ nhà máy luôn tràn ngập khi có mưa dầm, dù nhà vừa nâng nền. Tôi phản ánh với phía THP, họ xem qua loa rồi hứa hỗ trợ vỏn vẹn 3–7 triệu đồng để sửa chữa, nhưng họ chỉ nói vậy thôi rồi im luôn cho đến giờ, hết sức vô trách nhiệm!” – bà Hạnh bức xúc nói.
Cùng chung bức xúc như bà Hạnh là anh Đặng Phương Tùng, 30 tuổi, chủ hộ số 21/12, khu phố Hòa Long. Vừa chỉ cho tôi xem căn nhà bị xé tường anh vừa nói: “Đây anh xem tường nhà tôi cứ bị xé toạc, gãy cột như thế này. Năm rồi, nước thải từ nhà xưởng THP tràn ngập nhà tôi nên buộc phải sửa chữa, nâng nền, thì nay lại bị lún nứt do thi công nhà xưởng. Tôi khiếu nại thì họ chỉ đến xem sơ qua rồi cũng chẳng thấy thương lượng, bồi thường gì cả”.
Theo ghi nhận của phóng viên, trong khi vết nứt cũ ở nhà anh Tùng chưa được khắc phục thì lại phát sinh thêm các vết nứt mới. Do sợ nhà sập nên anh tự bỏ tiền túi sửa chữa lại.
Qua tìm hiểu, có tổng cộng 5 căn hộ với diện tích khoảng 1.200m2 ở khu vực trên bị thiệt hại, nhà xé tường, nứt toác. Với việc tồn tại nhà xưởng khổng lồ trong khu dân cư đông đúc, dư luận cho rằng sẽ không tránh khỏi những ảnh hưởng tới các nhà xung quanh, thế nhưng điều đáng buồn là THP đã không giải quyết dứt điểm.
Khi phóng viên Năng lượng Mới đến UBND phường Vĩnh Phú hỏi rõ vụ việc, ông Dương So Ho, Phó chủ tịch UBND phường hoàn toàn bất ngờ do người dân không trình báo chính quyền địa phương. Sau đó ông Ho gọi ngay một cán bộ của phường xuống hiện trường kiểm tra. Nói về tình trạng nhà dân bị lún nứt và ngập ngụa do nước thải của THP, ông Ho phỏng đoán có lẽ khu vực trên có nền đất thấp và yếu nên nhà dân mới bị như vậy, trong khi thẩm quyền của phường còn hạn chế thì với tầm cỡ lớn như Tập đoàn THP rất khó lòng mà kiểm tra được, phải ở cấp cao hơn như của thị xã, của tỉnh!
Sống chung ao tù, nước đọng
Không chỉ có nhà lún nứt, nhiều năm nay, cứ đến mùa mưa, người dân khu phố Hòa Long, phường Vĩnh Phú lại lo lắng vì tác động xấu của môi trường diễn ra triền miên. Để tìm hiểu rõ hơn những bức xúc của người dân, phóng viên đi một vòng khảo sát khu vực lân cận khu nhà xưởng THP. Tôi đã tận mắt chứng kiến một phần lân cận khu nhà xưởng là những ao tù nước đọng, dòng nước nổi váng, có mùi hôi thối. Thật chẳng biết nói gì hơn khi những người dân lao động phải “sống chung với lũ” như vậy trong nhiều năm nay!
Trong khu phố Hòa Long có xóm rạch Cầu Móng Chùa, ngày ngày người dân khốn khổ vì tiếng ồn cũng như sự ô nhiễm do nước thải gây ra.
Điểm đầu tiên tôi ghé thăm là căn hộ của ông Trần Văn Hậu (44 tuổi, trú tại số nhà 19/12, khu phố Hòa Long), nơi bị thiệt hại nặng nề nhất. Dù trời không mưa, nhưng xung quanh căn nhà có diện tích 100m2 của anh Hậu toàn làø nước bẩn của ao tù và váng dầu nhớt thải ra từ nhà máy THP. Anh Hậu giãi bày: “Đó, ngập toàn nước dơ như vậy làm sao chịu nổi. THP có cho người qua hút nước thải vài lần nhưng vẫn không hết. Tiếng ồn của nhà máy thì ầm ầm ngày đêm, có muốn nghỉ ngơi cũng chẳng được. Còn nhà cửa thì sụt lún, ở như vậy khiến gia đình tôi sống dở, chết dở. Tôi đang mắc hai chứng bệnh tim mạch và viêm xoang cũng từ môi trường ô nhiễm này. Muốn chuyển nhà đi nơi khác sinh sống, ngặt nỗi bán nhà không ai dám mua. Còn phía THP có lúc qua hỏi mua nhưng lại ép giá rất rẻ khoảng 3 triệu/m2 nên gia đình tôi không đủ tiền mua đất chỗ khác mà ở”.
Qua quan sát, nhà và đất của anh Hậu nằm sát vách nhà máy THP với tổng diện tích 1.200m2. Phía sau nhà vốn là mảnh vườn nhưng giờ trở thành cái ao nước đọng, đầy rẫy rác thải và nước váng dầu, có mùi hôi thối nồng nặc. Vợ anh nói với giọng nghẹt đặc của người khó thở: “Tôi mắc chứng viêm xoang, khó thở cũng bởi cái cảnh này”.
Theo ghi nhận, ngoài nỗi bức bối vì hứng chịu tiếng ồn cùng nạn ngập nước và hít mùi hôi thối mỗi ngày, người dân nơi đây, đặc biệt là các cụ già, phụ nữ và em bé, đang đối mặt với nguy cơ mắc các bệnh đường hô hấp, tim mạch, viêm xoang, đau đầu, chóng mặt. Nhiều người không chịu nổi cảnh ô nhiễm, đành bán rẻ nhà và đất để đến nơi khác trú ngụ.
Ông Phan Văn Khỏe (45 tuổi, trú tại nhà 29/12, khu phố Hòa Long) bức xúc: “Mỗi lần mưa xuống là xóm tôi lo sợ. Nước thải của THP đọng lại lâu ngày không thoát ra sông rạch được nên khi mưa dầm là tràn vào nhà kèm theo mùi hôi thối. Khi phản ánh thì đại diện bên THP đến xem đại khái, chỉ khắc phục được vài lần rồi cũng im luôn”. Cùng chung tâm trạng là anh Nguyễn Văn Tấn (42 tuổi, trú nhà số 10/12, khu phố Hòa Long), anh cho rằng không hiểu THP hoàn thiện hệ thống nước thải thế nào nhưng mỗi lần mưa đến là khu vực này ngập kinh niên, không thoát nước được, có lẽ vì THP đặt ống cống xả nước bẩn ra khu dân cư, bít cả lối đi.
Cạnh nhà hai ông Khỏe và Tấn có 1 con rạch rộng khoảng 1m, nước có màu đen ngòm. Lần đến con rạch này, cả hai chỉ cho tôi xem một cửa ống cống lớn và một cửa ống cống nhỏ của THP. Ông Tấn nói: “Trước đây, cửa cống này nước thải màu đen ra con rạch, có lúc chảy xè xè ra rất nhiều, có lúc ngưng”. Ông Khỏe còn cho biết thêm, THP xả nước thải bằng các đường ống lớn nhỏ khác nhau. Thường thì lợi dụng lúc trời mưa họ mới xả nước thải ra ngoài môi trường xung quanh. “Cuộc sống của xóm tôi với hơn 10 hộ dân vốn từng bình yên, từ ngày THP gây ô nhiễm làm xáo trộn cuộc sống suốt thời gian dài mà chưa có hướng giải thoát”, ông Khỏe bộc bạch.
Theo tìm hiểu, xóm lao động trên nằm cạnh con rạch có tên là Ụ Chú Tĩnh. Khi nhà máy THP về đây hoạt động thì dần dần con rạch bị bồi lấn, san lấp khiến nước thải đọng lại, không thoát ra được. Điều đó khiến mỗi lúc trời mưa là nước từ con rạch chảy tràn vào nhà dân. Dù THP có phối hợp với chính quyền địa phương nhiều lần, tổ chức nạo vét nhưng vẫn không xử lý triệt để.
Trao đổi thêm với phóng viên về giải pháp tạm thời nhằm tránh cho người dân bị ngập nước bẩn, ông Dương So Ho (Phó chủ tịch phường Vĩnh Phú) cho biết: “Sắp tới, chính quyền địa phương sẽ tổ chức nạo vét các tuyến sông, rạch ở khu vực trên để dòng chảy thông thoáng hơn. Về tình trạng ngập nước ở khu vực lân cận nhà xưởng THP, chúng tôi đã nhiều lần ghi nhận và phối hợp với các ngành chức năng xử lý”.
Cũng cần nhắc lại, trước đó đã có một số báo đài đưa tin về tình trạng những hộ nuôi cá, trồng cây cảnh lao đao vì ô nhiễm từ nước thải THP cách đây 2 năm. Điển hình là trường hợp của ông Nguyễn Văn Điền (nhà số 21/12, khu phố Hòa Long), tháng 5/2009, chuẩn bị thu hoạch thì cá đỏ mắt chết hơn 2.000 con do nguồn nước thải. Tương tự là trường hợp bà Lê Thị Xuân (15/12 khu phố Hòa Long), tháng 6/2010, nước thải tuôn ra khiến ao cá của nhà bà chết sạch, nổi trắng mặt ao. Còn ông Nguyễn Văn Tám (nhà số 18/12, khu phố Hòa Long) sống bằng nghề trồng cây cảnh cũng điêu đứng vì nước thải của THP. Khi những hộ dân này khiếu nại thì THP cho rằng, không phải do nước thải của họ hoặc nhằn nhì bồi thường vài triệu đồng chiếu lệ.
Lần giở lại những vụ việc dư luận từng lên tiếng về hoạt động của THP ở địa bàn phường Vĩnh Phú từ năm 2001, đã từng nhiều lần bị các cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương nhắc nhở, xử lý về vấn đề gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là vấn đề nước thải vào khoảng thời gian 2002–2009. Mặc dù doanh nghiệp này có khắc phục một phần nhưng người dân vẫn chưa thoát khỏi triệt để nạn ô nhiễm ở đây.
Trong khi đó, trên website riêng của mình, Tập đoàn THP lúc nào cũng tự khẳng định cam kết về bảo vệ môi trường, đảm bảo đạt tiêu chuẩn môi trường không khí xung quanh, đảm bảo xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn, đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh công cộng…(?!)
Nhiều người cho rằng, với việc tồn tại một nhà máy sản xuất nước giải khát có quy mô lớn ở khu dân cư đã là điều đáng phải bàn cãi. Trong những năm tới, không rõ THP đã có ý định di dời nhà máy đi đâu hay chưa. Nhưng rõ ràng vấn đề trước mắt mà người dân địa phương mong mỏi chính là việc THP cần phối hợp cơ quan chức năng nhanh chóng cải thiện hệ thống xử lý nước thải, nước ao tù ứ đọng xung quanh khu nhà xưởng. Đồng thời phải có thiện chí bồi thường và hỗ trợ thiệt hại về vật chất, sức khỏe cho người dân vốn bị ảnh hưởng từ việc phát sinh môi trường xấu mà doanh nghiệp này gây ra.
(Còn tiếp)
Thế Vinh
Năng lượng Mới
-
[Chùm ảnh] Hiện trạng kênh Ba Bò được chi hơn 1.000 tỷ đồng cải tạo
-
Những “Giọt nước nghĩa tình” đến với người dân Bến Tre, Tiền Giang giữa mùa hạn mặn khốc liệt
-
TP HCM: Chi hơn 600 tỷ đồng cải tạo, con kênh vẫn "ngập" rác thải
-
Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè: Điểm sáng trong bức tranh quy hoạch kênh rạch tại TP HCM
-
Món quà sức khỏe và những điều ngọt ngào bên gia đình ngày Tết