[Chùm ảnh] Hiện trạng kênh Ba Bò được chi hơn 1.000 tỷ đồng cải tạo
Kênh Ba Bò là một trong những điểm nóng về ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP HCM. Kết quả giám sát của Chi cục Bảo vệ môi trường thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường từ năm 2004 cho thấy chất lượng nước kênh Ba Bò ô nhiễm rất nghiêm trọng, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân trong khu vực và hạ lưu sông Sài Gòn. |
Hằng ngày kênh Ba Bò tiếp nhận gần 18.000 - 20.000m³ nước thải công nghiệp từ khu công nghiệp Sóng Thần 1, 2, Đồng An (Bình Dương) và nước thải sinh hoạt của gần hàng chục ngàn người dân ở Bình Dương và TPHCM trước khi chảy ra sông Sài Gòn. |
Do tình trạng ô nhiễm và ngập nước nên từ năm 2007, UBND TP HCM đã phê duyệt dự án cải tạo kênh Ba Bò với tổng vốn đầu tư 307 tỷ đồng. Năm 2009, dự án phát sinh thêm hồ điều tiết sinh học (6ha), trạm bơm xử lý ô nhiễm... nên tổng vốn đầu tư nâng lên thành 744 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành, đáy kênh Ba Bò được mở rộng lên đến 12m, miệng kênh rộng 24m. Tỉnh Bình Dương, nơi đầu nguồn con kênh cũng đã đầu tư trên 345 tỷ đồng để nâng cấp cải tạo thượng nguồn - đoạn qua phường Bình Hòa, TP Thuận An. Như vậy, tổng vốn đầu tư để cải tạo kênh Ba Bò của cả 2 địa phương lên đến gần 1.100 tỷ đồng nhưng thực tế người dân quanh khu vực này vẫn phải sống chung với tình trạng ô nhiễm. |
Hồ điều tiết sinh học nằm trong hệ thống xử lý nước thải kênh Ba Bò được đầu tư 440 tỷ đồng nhưng nguồn nước không cải thiện được vì mức độ ô nhiễm quá nặng. |
Hồ điều tiết được ghi nhận ngày 21/5/2024, trong tình trạng không hoạt động. |
Kênh Ba Bò nước đen ngòm, phủ đầy bọt trắng. |
Nước thải sinh hoạt thải trực tiếp ra kênh Ba Bò. |
Ông N.V.N (người dân sống dọc kênh Ba Bò phường Bình Chiểu, TP Thủ Đức) cho biết, dự án đã giải quyết được vấn đề ngập nước tại khu vực, tuy nhiên tình trạng ô nhiễm vẫn diễn ra. "Hồ điều tiết có hoạt động không thì không biết, chỉ biết nước vẫn đen thui, mùi hôi vẫn bốc lên", ông N.V.N cho biết. |
Trước những sai phạm xảy ra tại dự án cải tạo kênh Ba Bò, thành phố đã giao Sở khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Giao thông vận tải và Chủ đầu tư thẩm định phương án khắc phục, sửa chữa đưa dự án vào vận hành theo mục tiêu được duyệt. |
Phương Ngân