Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Sống chậm ở Hủa Na

06:38 | 24/01/2023

Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Dù đã qua thời kỳ gian nan và bước sang giai đoạn gặt hái thành quả, Thủy điện Hủa Na (huyện Quế Phong, Nghệ An) hôm nay vẫn còn thật nhiều những câu chuyện thú vị để kể, từ cách ăn, cách sống, cách làm việc, được gói gọn với niềm tự hào mang tên “Văn hóa Hủa Na”.
Sống chậm ở Hủa Na
Đập chính Nhà máy Thủy điện Hủa Na

“Ăn sạch, ngủ ngon”

Nghe mấy người ở Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam - CTCP (PV Power) nói, Thủy điện Hủa Na bây giờ bước vào giai đoạn “hái quả” đúng cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Đời sống anh em khấm khá, cơ sở vật chất chẳng khác khu nghỉ dưỡng, có cả một trang trại chăn nuôi, rau quả loại gì cũng có... Nghe vậy tôi mừng lắm, 8 năm rồi cũng chưa về Hủa Na, phải “hưởng thụ” ít hôm xem sao.

Vừa về đến khu nhà điều hành Nhà máy Thủy điện Hủa Na, tôi bất ngờ bởi nhiều đổi thay, môi trường cảnh quan xanh - sạch - đẹp, cơ sở vật chất khang trang đều được xây mới từ năm 2018, từ văn phòng làm việc, hội trường, khu nhà tập thể, bếp ăn, cả khu liên hợp thể thao với bể bơi, nhà tập gym, cầu lông, tennis, bóng đá, bóng bàn… Đường vào các khu nhà ngập tràn các loại hoa giấy ngũ sắc, hoa đào, hoa hướng dương, hoa hồng và các loại cây ăn quả. Chưa hết ngợp, anh Hoàng Xuân Thành - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy điện Hủa Na (PV Power HHC) - dẫn tôi đi một vòng để xem các vườn rau sạch, hồ nuôi cá, trang trại gia súc, gia cầm…

Đến thăm nhà lưới trồng rau sạch do Công đoàn Dầu khí Việt Nam tài trợ, tôi gặp anh Hồ Đạt Đạo, nhân viên Phân xưởng Vận hành. Chia sẻ về công việc hằng ngày, anh Đạo kể, xong ca trực ở nhà máy, anh về chơi thể thao, nhặt rau, câu cá để chuẩn bị cho bữa tối. “Rau, thịt, cá ở đây do chúng tôi tự chăm, bảo quản sạch sẽ, tối nay có bữa cơm mời phóng viên ăn thử, mai nhận xét chưa muộn”, anh nói.

Quả thực, rau, thịt, cá ở đây không phải nghĩ, anh em tự tay trồng trọt, chăn nuôi tất cả. Ngay sát nhà máy và nhà điều hành có 2 hồ nuôi cá, vịt được đặt tên “Thủy cung” và “Bán nguyệt”. Thủy cung là 1 đoạn hầm ngầm phục vụ thi công dẫn nước cho hầm chính thời còn xây dựng, nay nhà máy tận dụng làm hồ nuôi cá. Thấy có người đến, biết là được cho ăn, hàng nghìn con cá các loại như trắm, chép, lăng, rô phi, măng… xúm vào nhung nhúc, có những con trắm đen to như bắp chân, cỡ hàng chục cân.

Sống chậm ở Hủa Na
Đường trong khuôn viên Nhà máy Thủy điện Hủa Na

Cá ở đây không nuôi bằng cám công nghiệp mà chỉ cho ăn rau. Của nhà trồng được, ngoài cá còn có dê, lợn, bò, gà, vịt… đều béo múp, thịt rất săn chắc.

Có được điều vui đó, qua tìm hiểu tôi biết được trước đây câu chuyện thực phẩm cung cấp cho người lao động nhà máy gặp rất nhiều khó khăn. Muốn có thực phẩm phải đi xuống trung tâm huyện cách nhà máy vài chục cây số.

Thế là ban lãnh đạo công ty họp, đưa ra một kế sách hợp lý là cho cán bộ, nhân viên (CBNV) tự tạo nguồn thực phẩm, đất đã sẵn có, lại vừa tiết kiệm chi phí, đồ ăn ngon sạch, dinh dưỡng. Thủy điện Hủa Na đã quy hoạch các khu trồng rau, khu nuôi gà... và yêu cầu mọi người thực hiện theo từng tổ. Mới đầu, vài người chưa thoải mái, vì cả ngày làm việc mệt nhọc, chiều về lại đi cuốc đất trồng rau. Rồi nữa, đất ở đây chủ yếu là đất đồi, trồng cây ăn quả thì còn được chứ rau nào sống được ở thứ đất này...

Thế rồi, có sức người, sỏi đá cũng… ra đồ ăn. Kể từ đó nguồn cung thực phẩm ở Hủa Na đã tương đối đầy đủ, toàn đồ nhà trồng được, tươi, sạch, lâu lâu mới phải đi mua thêm thực phẩm. Cái hay nữa là công ty giao khoán việc chăn nuôi, ai đăng ký được hỗ trợ xây dựng chuồng trại, mua con giống, thức ăn... Và chỉ cần đảm bảo một tiêu chí duy nhất là nuôi sạch, rau cỏ, gia súc đủ lông cánh thoải mái tự túc kinh doanh, đầu ra cũng khỏi lo vì công ty ưu tiên mua lại hết.

Sống chậm ở Hủa Na
Khu liên hợp thể thao

Tôi vào trò chuyện cùng mấy chị “chiến sĩ nuôi quân” trong khu bếp ăn. Tổ bếp có 7 người, 5 giờ các chị đã nổi lửa bắt đầu công việc của một ngày mới. Mỗi người một việc theo sự phân công, người vo gạo, nấu cơm, thổi xôi; người chuyển những sọt rau đã rửa sạch, những rổ đựng đầy các loại củ quả đã thái sẵn từ chiều hôm trước ở dãy kệ lớn thuộc khu sơ chế và thịt, cá, gia vị… từ kho thực phẩm vào bếp. 5 giờ 30 phút, các món ăn đã sẵn sàng phục vụ mọi người.

Vừa canh nồi cá kho thơm phức, chị Trần Thị Bích Đào tâm sự, tính đến nay đã tròn 10 năm làm việc tại Hủa Na, từng là “bóng hồng” duy nhất của Phân xưởng Vận hành sửa chữa, rồi nhân viên tổ điện. Do bộ phận hành chính thiếu người, chị tạm chuyển sang làm đầu bếp, dù là “tay ngang” nhưng tay nghề thì ai ở đây cũng đều kính nể, chị nổi tiếng với món cá kho làng Vũ Đại, pịa dê Tây Bắc. “Mình quê gốc làng Vũ Đại nay là Hòa Hậu, Lý Nhân (Hà Nam) nên mình đem món cổ truyền của quê hương để mọi người cùng thưởng thức. Mình cũng vui vì được khách và mọi người trong nhà máy rất thích”, chị Đào vui vẻ nói.

Sống chậm ở Hủa Na
Chăm sóc bắp cải tại Hủa Na

Chứng kiến công việc diễn ra tại các bếp ăn, tôi mới thấu hiểu hơn nỗi vất vả, tinh thần trách nhiệm, tình yêu thương đồng nghiệp, cùng bàn tay khéo léo thể hiện trong từng công việc của các chị. Họ thực sự là những người lặng lẽ phía sau những thành công chung của Thủy điện Hủa Na.

Chị Đào thú nhận, ngày mới vào công trường, xung quanh rậm rịt cây rừng, công việc gian khổ, điều kiện ăn ở khó khăn, chị không khỏi ngần ngại. Nhưng rồi “thuyền theo lái”, chồng chị làm bên Phân xưởng Vận hành sửa chữa nên cũng sớm thích nghi và hòa nhập bởi công trường tập trung toàn công nhân, kỹ sư trẻ, ngoài công việc khẩn trương, gấp gáp thì đời sống tập thể trong môi trường chuyên nghiệp cũng làm chị thấy hài lòng.

Khi nói rằng công sức của những người như chị đã góp phần xây dựng “Văn hóa Hủa Na”, chị Đào nở nụ cười thật tươi, nói mình chỉ biết thực hiện đúng trách nhiệm của một người nhân viên được lãnh đạo tin tưởng giao dù ở bất kỳ vị trí nào. Một bữa ăn ngon, an toàn, đầy đủ dinh dưỡng cũng là góp phần để anh em CBNV tăng cường sức khỏe, yên tâm công tác, hoàn thành nhiệm vụ chung mà thôi.

“Văn hóa Hủa Na”

Cuộc sống, làm việc ở Hủa Na có nhiều nét tương đồng trong môi trường quân đội. Ngoài tính kỷ luật nghiêm, việc vận hành an toàn, ổn định nhà máy, ở đây còn một điều hiện hữu, đó là tình yêu thương lẫn nhau kiểu đồng chí, đồng nghiệp, cái tình vốn sẵn có của người miền Trung. Có những người còn gạt bỏ, hy sinh những mưu cầu cá nhân để cống hiến ở một nơi xa xôi, hẻo lánh và để nên duyên vợ chồng. Cũng chính trên mảnh đất lành này đã vun đắp được 6 cặp vợ chồng cùng công tác tại công ty.

Như chị Đào - tác giả món cá kho làng Vũ Đại - và chồng là anh Trần Khắc Đồng, Phó quản đốc Phân xưởng Vận hành sửa chữa cho biết, mặc dù cuộc sống của cả hai vợ chồng giai đoạn mới về đây đều rất khó khăn, song được lãnh đạo công ty quan tâm, bố trí chỗ ăn ở và các trang thiết bị nội thất phục vụ sinh hoạt cho gia đình nên cuộc sống cũng bớt vất vả và dần ổn định… Tất cả những điều đó phải chăng đã làm nên “Văn hóa Hủa Na”, rất đơn giản, không dựa trên các lý thuyết về xây dựng văn hóa doanh nghiệp phải thế này hay thế khác.

Anh Trịnh Bảo Ngọc, Giám đốc PV Power HHC cho hay, người Hủa Na chất phác, dễ gần, chỉ biết vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi. Rồi anh trầm ngâm kể, những năm đầu công việc vất vả, cuộc sống thiếu thốn về cả vật chất lẫn tinh thần nên tại nhà máy phát sinh nhiều vấn đề gây mất đoàn kết nội bộ. Trước tình hình đó, ban lãnh đạo đã quyết lập lại trật tự, xây dựng một văn hóa mà về sau các anh tự hào gọi đó là “Văn hóa Hủa Na”.

Sống chậm ở Hủa Na
Chi hội Dầu khí Hà Nội tham quan Phòng Điều khiển trung tâm nhà máy

Theo anh Ngọc, nơi khác có thể phải bám theo một một chuỗi tiêu chí sẵn có, còn ở đây CBNV có cách làm riêng, trước hết là cứ đùm bọc, san sẻ, yêu thương, tất cả vì công việc chung với nhau đã. Để khái quát, định nghĩa về “Văn hóa ở Hủa Na” cho đúng, cho đủ sẽ có nhiều cách. Chỉ cần nhìn vào những luống cây các anh đang ngày ngày vun trồng. Nếu cây được trồng ở mảnh đất dù có rất giàu dưỡng chất truyền thống mà thiếu ánh sáng và khí trời thì nó cũng còi cọc và ngược lại. Nhìn mỗi cây xanh tươi tốt hay héo úa, người ta có thể đoán cây ấy được trồng ở mảnh đất văn hóa nào, quang hợp thứ ánh sáng nào, ai chăm sóc. Chung quy lại, những con người nơi đây đã gieo hơi thở của cuộc sống, họ đã bám chặt vào đời sống hằng ngày, hình thành một nét văn hóa thật đáng trân trọng.

Ở Thủy điện Hủa Na có một nơi mà lần đầu tiên tôi được đến thăm, đó là Nhà tưởng niệm những nạn nhân tử nạn trong quá trình xây dựng thủy điện. Anh Mai Minh Sơn, Trưởng phòng Tổ chức Hành chính cho biết, Nhà tưởng niệm 9 nạn nhân được khánh thành vào năm 2015. Công trình là niềm mong mỏi của các cấp lãnh đạo ngành Dầu khí, PV Power cùng toàn thể CBNV PV Power HHC. Đa số họ mất khi còn rất trẻ, còn nhiều dự định phía trước, để lại nỗi tiếc thương khôn nguôi cho gia đình, người thân và đồng nghiệp. Sự hy sinh của họ thể hiện ý chí quật cường, tinh thần lao động sáng tạo, bền bỉ, nỗ lực cao của tập thể cán bộ, kỹ sư, công nhân lao động Dầu khí, LILAMA, Sông Đà… 9 con người đó sẽ mãi trở thành biểu tượng đẹp của sự hy sinh, cống hiến cho dòng điện Tổ quốc. Mọi người khi đến thăm khu tưởng niệm đều bày tỏ sự xúc động, bồi hồi, tự nhủ phải sống và làm việc sao cho thật xứng đáng với các anh - những người đã hy sinh cho công trình thủy điện đầy tự hào của ngành Dầu khí.

Sống chậm ở Hủa Na

Người lao động làm việc tại Nhà máy Thủy điện Hủa Na

Những con số ấn tượng

Thấm thoắt Thủy điện Hủa Na đã bước qua tuổi 15. Ngày hôm nay, nhiều người vẫn nhắc đến một thời gian khó, trong đó có công tác di dời 1.363 hộ, với 5.283 nhân khẩu của 14 bản lòng hồ thuộc 2 xã Đồng Văn và Thông Thụ, đồng thời bố trí 13 điểm tái định cư. Đây là một trong những điểm nghẽn nan giải của dự án. Nếu không có sự quyết tâm, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, chắc chắn dự án không thể hoàn thành. Thực tế cho thấy, nhân dân được bố trí nơi ở mới tốt hơn rất nhiều so với nơi ở cũ, các điểm tái định cư được xây dựng cơ sở hạ tầng (điện, đường, trường trạm…) đầy đủ. Đến nay, nhân dân ở khu vực tái định cư đã dần ổn định cuộc sống và sản xuất. Song công tác tái định canh định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi lòng hồ là vấn đề hết sức khó khăn, mất nhiều thời gian do phong tục tập quán, chính sách Nhà nước thay đổi… Vì thế hiện nay dự án vẫn còn một số lượng công việc đang gặp nhiều vướng mắc, các cấp chính quyền cùng chủ đầu tư đang tập trung giải quyết.

Hằng năm, Thủy điện Hủa Na cung cấp lên lưới điện quốc gia khoảng 650-750 triệu kWh điện, nộp ngân sách Nhà nước khoảng 160 tỉ đồng, thu nhập bình quân của người lao động trên 20 triệu đồng/tháng. Theo tính toán, khoảng giữa năm 2023, Thủy điện Hủa Na sẽ trả hết nợ vay ngân hàng và thanh toán trái phiếu, bắt đầu thực hiện chi trả cổ tức cho các cổ đông (năm 2023 dự kiến chi trả khoảng 15%).

Năm 2022, Hủa Na đạt được kết quả sản xuất kinh doanh tốt nhất trong 10 năm phát điện, tình hình khí tượng thủy văn trong lưu vực tương đối thuận lợi, lưu lượng nước về hồ đều. Mặt khác, do có sự biến động tăng về giá nhiên liệu (than, khí) dẫn đến giá thị trường điện tương đối cao. Do đó, đến ngay từ tháng 8-10-2022, Hủa Na đã hoàn thành kế hoạch sản lượng cả năm. Tính đến ngày 30-11-2022, sản lượng điện thương mại Thủy điện Hủa Na đã đạt 790,49/630,83 triệu kWh, đạt 125,23% kế hoạch năm. Doanh thu trước thuế, phí: 1.012,3 tỉ đồng/587,34 tỉ đồng, đạt 172,34% kế hoạch năm. Công ty sẽ tiếp tục điều tiết, vận hành khai thác hiệu quả để đến ngày 31-12-2022 mực nước hồ đạt mực dâng bình thường 240m phục vụ sản xuất kinh doanh năm 2023 hiệu quả nhất. Tổng hợp kết quả sản xuất kinh doanh từ năm 2013 đến 30-11-2022 cho thấy, tổng sản lượng điện thương mại: 6,35 tỉ kWh; tổng doanh thu trước thuế phí: 6.275,9 tỉ đồng và nộp ngân sách Nhà nước 1.334 tỉ đồng.

Đó thực sự là những con số đầy ấn tượng, đánh dấu thành quả mà Thủy điện Hủa Na đã đạt được kể từ khi nhà máy đi vào vận hành thương mại đến nay. Bên cạnh đó, trong những năm qua, PV Power và PV Power HHC đã luôn quan tâm, thực hiện các chương trình an sinh xã hội trên địa bàn huyện, tổ chức Tết cho đồng bào tại 13 điểm tái định cư hằng năm. Tổng số tiền hỗ trợ an sinh xã hội trên địa bàn huyện Quế Phong đến nay khoảng hơn 6 tỉ đồng, trong đó: Xây dựng Trường học xã Tiền Phong khoảng 1,2 tỉ đồng; Trường Tiểu học xã Thông Thụ 3,4 tỉ đồng, xây dựng 6 nhà ở cho 6 hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại 3 xã Đồng Văn, Thông Thụ, Tiền Phong với tổng giá trị 1 tỉ đồng và nhiều chương trình hỗ trợ khác cho địa phương.

Thay cho lời kết, xin được nhắc lại đánh giá của Chủ tịch HĐQT PV Power Hồ Công Kỳ nhân dịp kỷ niệm Thủy điện Hủa Na vừa bước qua tuổi 15 (16/5/2007 - 16/5/2022): “Những thành tích, kết quả đạt được có ý nghĩa rất lớn đối với Thủy điện Hủa Na nói riêng và PV Power nói chung. Song chúng tôi mong muốn Thủy điện Hủa Na không tự mãn, phải tiếp tục nỗ lực, tiếp tục cố gắng, tiếp tục phấn đấu hơn nữa để chinh phục những mốc mới trong quá trình phát triển của mình. Thủy điện Hủa Na muốn phát triển bền vững không thể thiếu một nền tảng văn hóa doanh nghiệp. Mong rằng Thủy điện Hủa Na tiếp tục xây dựng và bồi đắp văn hóa doanh nghiệp của mình mang đậm bản sắc PV Power và Petrovietnam...”.

Hằng năm Thủy điện Hủa Na cung cấp lên lưới điện quốc gia khoảng 650-750 triệu kWh điện, nộp ngân sách Nhà nước khoảng 160 tỉ đồng, thu nhập bình quân của người lao động đạt trên 20 triệu đồng/tháng. Theo tính toán thì khoảng giữa năm 2023, Thủy điện Hủa Na sẽ trả hết nợ vay ngân hàng và thanh toán trái phiếu, bắt đầu thực hiện chi trả cổ tức cho các cổ đông (năm 2023 dự kiến chi trả khoảng 15%).