Sổ vàng lưu niệm hay một chiêu lừa đảo?
Năng lượng Mới số 316
250.000 đồng đổi tờ giấy vô giá trị
Ông Vi Văn Thành - Hội viên Chi hội CCB bản Phòng, xã Thạch Giám (Tương Dương) cho biết: “Khoảng giữa tháng 2/2014, Chi hội trưởng thông báo trên loa mời các hội viên đến nhà văn hóa bản làm ảnh lưu niệm. Đến đây, thấy có 4 người (2 nam, 2 nữ) mang theo nhiều thiết bị như máy ảnh, máy tính, máy in... Chụp ảnh xong, họ vận động làm chứng nhận “Tám chữ vàng”. Nghĩ rằng đây là chứng nhận của Hội nên tôi đồng ý. Mấy ngày sau họ đưa đến, lúc này tôi mới nhận ra tờ giấy này không có chữ ký và con dấu của cấp hội nào. Dù hết sức bức xúc nhưng vẫn đành phải cắn răng đưa họ 250.000 đồng theo thỏa thuận”.
Giấy chứng nhận “Tám chữ vàng”
Cùng thể hiện nỗi bức xúc giống như ông Thành, ông Lô Thanh Dần (cũng ở bản Phòng) cho hay, theo thông báo của Chi hội trưởng, ông đến nhà văn hóa bản chụp ảnh để đưa vào sổ lưu niệm và làm thẻ hội viên. Xong việc, ông được những người chụp ảnh vận động làm chứng nhận “Tám chữ vàng”. Cũng như nhiều hội viên khác, ông Dần nghĩ rằng đây là chứng nhận của tổ chức Hội CCB nên đồng ý làm với mức giá 250.000 đồng. Nhưng đến lúc những người này trở lại phát chứng nhận “Tám chữ vàng”, ông Dần liền nhận ra mảnh giấy này không có giá trị pháp lý, vì không hề có chữ ký và con dấu của cấp hội nào. Nhưng vì đã thỏa thuận từ đầu nên ông đành trả tiền để nhận mảnh giấy ấy. Về nhà, gỡ mảnh giấy ra khỏi khung, dùng chiếc khung để treo các loại giấy tờ, chứng nhận khác.
Theo lời ông Lô Thanh Dần: “Mảnh giấy này không có ý nghĩa, không có giá trị bằng tấm Phiếu bé ngoan của học trò mẫu giáo. Vì Phiếu bé ngoan hằng tuần được giáo viên xét trên những tiêu chí nhất định, nhưng mảnh giấy này lại được làm một cách tràn lan. Qua việc này, coi như mình đã bị lừa, coi như mình mua chiếc khung với giá rất đắt”.
Chúng tôi xin được nói rõ hơn về mảnh giấy được gọi là chứng nhận “Tám chữ vàng”. Đây là mảnh giấy khổ 30x40 được đặt trong một chiếc khung. Phía trên có quốc huy, quốc hiệu, rồi thứ tự các dòng chữ: Hội CCB Việt Nam, Ban Chấp hành Hội CCB tỉnh Nghệ An, tên hội viên, ngày tháng năm sinh, Hội CCB xã - huyện - tỉnh. Tiếp là dòng chữ “Tám chữ vàng danh dự”, đó là: “Trung thành, đoàn kết, gương mẫu, đổi mới” (in hoa). Và dòng chữ dưới cùng được in là: “Trọn nghĩa nước non, thắm tình đồng đội”. Ở góc trái là ảnh của hội viên được in trực tiếp trên giấy, góc phải lồng ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ngoài ra, không có số hiệu, chữ ký và con dấu của bất cứ cấp hội nào.
Đem vấn đề này trao đổi với ông Vi Quang Tình - Chi hội trưởng Chi hội CCB bản Phòng, ông Tình cho biết: “Việc thông báo cho hội viên đến nhà văn hóa chụp ảnh tôi chỉ làm theo công văn chỉ đạo của Hội CCB huyện và Hội CCB xã. Còn việc làm giấy chứng nhận “Tám chữ vàng” là các hội viên tự nguyện, không ai bắt buộc”. Ông Tình cũng công nhận giấy chứng nhận “Tám chữ vàng” không có giá trị, chỉ treo cho đẹp nhà. Và theo lời ông, có khoảng 60% hội viên của chi hội đã bị mắc lừa chiêu làm giấy chứng nhận “Tám chữ vàng danh dự” này.
Chúng tôi tìm gặp ông Kha Dương Tuấn - Chủ tịch Hội CCB xã Thạch Giám để tiếp tục làm rõ vấn đề. Giải đáp câu hỏi của chúng tôi, ông Tuấn khẳng định: “Chúng tôi thực hiện công văn chỉ đạo của Hội CCB huyện về việc chụp ảnh để lưu vào sổ vàng truyền thống và làm thẻ hội viên miễn phí. Còn việc làm giấy chứng nhận “Tám chữ vàng” là do sự thỏa thuận giữa nhân viên công ty và hội viên”. Theo tính toán của ông Tuấn, ở Thạch Giám có khoảng 130/200 hội viên thỏa thuận làm giấy chứng nhận “Tám chữ vàng”. Và chúng tôi được biết, không chỉ ở Thạch Giám mà hầu hết các xã trên địa bàn huyện Tương Dương đều có hiện tượng này.
Đặc biệt, theo thông tin từ xã Xiêng My, số tiền làm giấy chứng nhận “Tám chữ vàng” lên tới 350.000 đồng. Phải chăng đây là địa bàn vùng sâu, vùng xa nên Công ty Mỹ Dung tính thêm chi phí đi đường và ăn ở? Làm việc với lãnh đạo Hội CCB huyện Tương Dương, chúng tôi cũng nhận được câu trả lời tương tự của ông Lô Đình Xuyên (Chủ tịch Hội): “Chúng tôi chỉ chỉ đạo Hội CCB các xã phối hợp với Công ty TNHH ảnh màu kỹ thuật số Mỹ Dung chụp ảnh miễn phí cho hội viên để lưu vào sổ vàng truyền thống và làm thẻ hội viên. Còn việc làm giấy chứng nhận “Tám chữ vàng” là do nhân viên Công ty Mỹ Dung thỏa thuận với hội viên trong quá trình làm việc, chúng tôi không chỉ đạo”. Và khi được hỏi giấy chứng nhận “Tám chữ vàng” có giá trị hay không? Ông Xuyên cũng trả lời: “Về mặt pháp lý, nó không có giá trị”.
Tự nguyện và miễn phí?
Chúng tôi tiếp cận được Công văn số 01/CV-CCB của Hội CCB huyện Tương Dương do Phó chủ tịch Lô Văn Xay ký gửi Thường trực Hội CCB các xã, thị trấn về việc “làm Sổ vàng truyền thống cho Hội CCB cơ sở xã, thị trấn”. Nội dung của công văn là Thường trực huyện hội phối hợp với Công ty TNHH ảnh màu kỹ thuật số Mỹ Dung làm sổ vàng truyền thống cho Hội CCB 18 xã, thị trấn. Cụ thể gồm 2 việc: 1- Chụp ảnh để lưu vào sổ vàng truyền thống cho Hội CCB cơ sở (miễn phí), mỗi xã được cấp 1 sổ vàng truyền thống cộng với ảnh 3x4cm không thu tiền; 2- Chụp ảnh làm thẻ hội viên (miễn phí), thời gian từ 10-2 đến 10/3/2014.
Giấy chứng nhận “Tuổi cao trí càng cao”
Phần tiếp theo của công văn viết: “Công ty TNHH ảnh màu kỹ thuật số Mỹ Dung sẽ trực tiếp xuống địa bàn các xã chụp ảnh hai nội dung trên miễn phí. Ngoài ra, cán bộ, hội viên và gia đình có nhu cầu chụp ảnh mới, phóng to hay làm ảnh cũ với giá ưu đãi với công nghệ hiện đại và đội ngũ cán bộ giàu kinh nghiệm. Mục đích của công ty là nhằm quảng bá mở rộng thị trường, đoàn làm việc không yêu cầu bất cứ điều kiện gì ở tổ chức hội và địa phương”. Và phần cuối của công văn viết: “Đây là việc làm thiết thực phục vụ hội viên trên tinh thần tự nguyện của Công ty TNHH ảnh màu kỹ thuật số Mỹ Dung... Trong quá trình thực hiện có gì vướng mắc báo cáo về Thường trực Hội CCB huyện”.
Chúng ta dễ dàng nhận thấy nội dung công văn có đoạn ít nhiều mang “màu sắc” quảng cáo về Công ty TNHH ảnh mày kỹ thuật số Mỹ Dung. Và những ai được tiếp cận với công văn này sẽ tự đặt câu hỏi: Công ty TNHH ảnh màu kỹ thuật số Mỹ Dung kinh doanh kiểu gì mà cho “đội ngũ cán bộ giàu kinh nghiệm” đến tận huyện rẻo cao Tương Dương chụp ảnh làm sổ vàng truyền thống và thẻ hội viên miễn phí?
Chưa hết, lại còn phục vụ hội viên trên tinh thần tự nguyện. Nhưng liên hệ thực tế việc vận động hội viên làm giấy chứng nhận “Tám chữ vàng” với số tiền 250.000 đồng (vùng sâu, vùng xa là 350.000 đồng) và nội dung công văn chúng ta không khó để nhận ra chiêu bài “thả con săn sắt, bắt con cá rô” của Công ty TNHH ảnh màu kỹ thuật số Mỹ Dung. Nghĩa là họ bỏ ra một ít công sức, kinh phí để chụp ảnh làm sổ vàng truyền thống và chụp ảnh cỡ 3x4 miễn phí cho hội viên để lợi dụng vận động làm cái gọi là giấy chứng nhận “Tám chữ vàng” (không có giá trị pháp lý) với số tiền gấp hàng chục lần.
Với số lượng hàng trăm hội viên đăng ký làm, công ty này đã thu về một số tiền không nhỏ, có thể lên tới hàng trăm triệu đồng. Điều đáng nói là với chiêu bài này, Công ty TNHH ảnh màu kỹ thuật số Mỹ Dung đã “qua mặt” được Hội CCB huyện Tương Dương. Vì trong công văn gửi cấp hội cơ sở không hề nhắc đến nội dung làm giấy chứng nhận “Tám chữ vàng”, nhưng khi về các chi hội, nhân viên Công ty TNHH ảnh màu kỹ thuật số Mỹ Dung đã tự ý vận động hội viên. Có thể khẳng định công ty này đã mượn danh nghĩa Hội CCB để lừa hội viên nhằm mục đích trục lợi. Vì trong cái gọi là giấy chứng nhận “Tám chữ vàng” ấy có ghi Hội CCB từ cấp Trung ương đến cấp cơ sở.
Xin nói thêm rằng, không chỉ hội viên Hội CCB mà hàng trăm hội viên NCT trên địa bàn huyện Tương Dương cũng bị Công ty TNHH ảnh màu kỹ thuật số Mỹ Dung lừa với chiêu bài tương tự. Đó là chụp ảnh làm sổ vàng lưu niệm cho Hội NCT các xã và chụp ảnh làm thẻ hội viên miễn phí. Còn việc chụp ảnh chân dung, làm ảnh mới, phục chế ảnh cũ nhân viên công ty tự thỏa thuận với hội viên. Không chỉ làm những việc như vừa nêu, Công ty TNHH ảnh màu kỹ thuật số Mỹ Dung còn làm cái gọi là giấy chứng nhận “Tuổi cao trí càng cao”.
Về mặt hình thức, giấy này tương tự như giấy “Tám chữ vàng” của Hội CCB (chỉ khác không có ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp). Về nội dung, sau quốc huy, quốc hiệu là lần lượt các dòng chữ Hội NCT Việt Nam, Ban Chấp hành Hội NCT tỉnh Nghệ An, tên hội viên, ngày tháng năm sinh, Hội viên Hội NCT xã - huyện - tỉnh. Rồi đến mấy chữ được in hoa: “Tuổi cao trí càng cao nêu gương sáng vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” và dưới cùng là dòng chú thích “Trích thư của Bác Hồ gửi các cụ phụ lão trong cả nước” (nhìn qua dễ dàng nhận thấy viết không đúng quy tắc chính tả Tiếng Việt). Cũng như giấy chứng nhận “Tám chữ vàng”, mảnh giấy này cũng không có chữ ký và con dấu của bất cứ một cấp hội nào và cũng có mức giá 250.000 đồng.
Đem vấn đề này trao đổi với bà Lô Thị Tím - Chủ tịch Hội NCT huyện Tương Dương, bà Tím cũng khẳng định Hội chỉ phối hợp với Công ty TNHH ảnh màu kỹ thuật số Mỹ Dung làm sổ vàng lưu niệm cho hội cấp xã và chụp ảnh thẻ miễn phí cho hội viên. Chúng tôi hỏi về mảnh giấy và những dòng chữ vừa nêu, bà Lô Thị Tím bảo chưa hề biết đến. Như vậy, phải chăng cũng như Hội CCB, Hội NCT huyện Tương Dương đã bị Công ty TNHH ảnh màu kỹ thuật số Mỹ Dung “qua mặt”?
Trước sự việc này, các cơ quan chức năng và các ban, ngành liên quan cần vào cuộc làm rõ, để các địa phương và các hội, đoàn thể khác không bị “qua mặt” như Hội CCB và Hội NCT huyện Tương Dương. Nói cách khác, cần sớm ngăn chặn kiểu “quảng bá và mở rộng thị trường” của Công ty TNHH ảnh màu kỹ thuật số Mỹ Dung và các công ty khác có cách thức hoạt động tương tự.
- Ông Nguyễn Phong Phú - Chủ tịch Hội CCB tỉnh Nghệ An: “Cái gọi là giấy chứng nhận “Tám chữ vàng” không phải là chủ trương của Hội CCB từ Trung ương đến cơ sở. Đây thực chất là hoạt động mang tính thương mại nhằm mục đích kiếm tiền từ các hội viên. Vì thế, giấy này không có giá trị”. - Ông Trần Kim Đôn - Ủy viên Thường trực Hội NCT tỉnh Nghệ An: “Đại diện một số công ty từng đến xin lãnh đạo Hội làm giấy chứng nhận kiểu như thế này nhưng chúng tôi không đồng ý. Chúng tôi yêu cầu sang xin giấy phép của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch thì sẽ tạo điều kiện nhưng không ai xin được. Bởi vậy, giấy này (chứng nhận “Tuổi cao trí càng cao”) không có giá trị, vì không có con dấu, chữ kỹ của cấp hội nào”. |
Tường Anh
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Tỉnh Quảng Trị có tiềm năng phát triển thành trung tâm năng lượng tái tạo
Luật Điện lực (sửa đổi) phải là “trụ đỡ” pháp lý vững chắc để năng lượng mới, năng lượng tái tạo phát triển đúng kỳ vọng
-
Kỷ luật 2 nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng
-
Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh khôi phục sản xuất nông nghiệp sau bão số 3
-
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Tỉnh Quảng Trị có tiềm năng phát triển thành trung tâm năng lượng tái tạo
-
Luật Điện lực (sửa đổi) phải là “trụ đỡ” pháp lý vững chắc để năng lượng mới, năng lượng tái tạo phát triển đúng kỳ vọng
-
[Chùm ảnh] Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm thăm và làm việc tại huyện đảo tiền tiêu Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị