Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Sắp có “Chợ kịch online”

19:08 | 16/08/2013

459 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Mấy tháng nay, giới sân khấu đang kháo nhau về một “Chợ kịch bản online”. Hy vọng cũng có, nghi ngại cũng có, nhưng tất cả đều đang chờ đợi sự ra mắt của chợ kịch bản này.

Chợ kịch là ý tưởng của đạo diễn Triệu Trung Kiên. Anh hiện đang làm việc tại Nhà hát Cải lương Việt Nam. Là người yêu nghề đến say đắm, Kiên luôn mong muốn có một sân chơi dành cho các tác giả sân khấu chuyên và không chuyên. Là đạo diễn, nhưng cũng tham gia viết kịch bản, hơn ai hết, Triệu Trung Kiên hiểu được nỗi niềm của những người viết kịch bản và nhu cầu có thực của các nhà hát. Kịch bản mỏi mắt đi tìm nơi dàn dựng, ngược lại, nhà hát đốt đuốc đi tìm kịch bản hay. Vị đạo diễn cải lương này hé lộ, chữ chợ ở đây bắt nguồn từ chữ kẻ chợ, nghe vừa dân dã vừa ngắn gọn. Các tác giả gửi kịch bản, thậm chí ý tưởng kịch bản đến cho chợ kịch, sau đó ban điều hành sẽ trích đăng một vài cảnh, tất nhiên không đề tên tác giả để tạo sự công bằng. Các nhà hát sẽ lướt mạng để tìm kiếm, khi thấy kịch bản ưng ý, họ sẽ liên hệ để mua kịch bản.

Có nghĩa là, Chợ kịch là nơi trung gian bán hàng, bởi tác phẩm sân khấu, xét cho cùng, cũng là một loại hàng hóa mà thôi - dù người ta có tô vẽ cho nó bao nhiêu mỹ từ đi chăng nữa. Nếu nhà hát đồng ý mua đứt kịch bản, tác giả sẽ chỉ phải trích một số phần trăm nào đó theo thỏa thuận cho Chợ kịch. Còn nếu nhà hát chỉ đồng ý mua ý tưởng, Chợ kịch sẽ có trách nhiệm biên tập, sửa chữa kịch bản, và đương nhiên, lúc đó tác giả sẽ cùng ngồi để thỏa thuận mức thù lao giữa các bên.

Trong thời điểm sân khấu chìm xuồng như hiện nay, sự xuất hiện của Chợ kịch cũng là một tín hiệu vui

Công bằng mà nói, Chợ kịch là cơ hội tốt để quảng bá cho các cây viết mới vốn mang trong mình tâm lý e dè khi mang kịch bản của mình đến chào hàng với các nhà hát. Ở sân chơi online này, họ được bình đẳng với các tên tuổi lớn. Bên mua đọc kịch bản, thấy hợp, thấy hay là mua, không bị ấn tượng là cứ kịch tác giả này là hay, tác giả kia là nhàm. Đến nay, theo một thành viên trong ban điều hành Chợ kịch, đã có khoảng gần 50 kịch bản đang được đưa lên, đa phần là kịch lịch sử, dã sử chứ chưa có nhiều kịch bản về đề tài hiện đại. Và gần như chưa có một tác giả mới nào gửi tác phẩm đến cho Chợ kịch - điều mà những người điều hành rất mong mỏi bởi chỉ cần tìm được một tác giả có tiềm năng, họ sẽ sẵn sàng bỏ công đào tạo như một sự truyền lửa cho thế hệ kế tiếp, và cũng là để khẳng định vị thế của mình. Điều này lại một lần nữa cho thấy rằng, việc tìm ra những tác giả mới hoàn toàn không đơn giản chút nào.

Những cây bút đã thành danh thì e dè hơn, bởi họ chưa tin tưởng và Chợ kịch online này lắm. Trong số đó, một số tác giả nói thẳng rằng, kịch của họ chưa viết xong thì đã có nhà hát đặt mua và mua với giá cao. Cho nên chẳng việc gì họ phải giao dịch qua một bên trung gian làm gì cho mất công và mất phí. Tất nhiên, cũng có một số tác giả thành danh đồng ý cho Chợ kịch đưa lên những tác phẩm đã được dàn dựng để mong chờ cơ hội tái sản xuất. Bởi trong sân khấu, một kịch bản được dựng đi dựng lại nhiều lần là chuyện rất bình thường. Mỗi đoàn dựng một cách khác, mỗi đạo diễn có cách xử lý riêng.

Về phần mình, đạo diễn Triệu Trung Kiên tâm sự rằng, với hơn 100 nhà hát và đoàn nghệ thuật trong cả nước, không phải Chợ kịch không có cơ hội phát triển. Đi đâu cũng thấy người làm sân khấu than phiền về chuyện thiếu kịch bản hay, trong khi kịch bản gửi đến các nhà hát vẫn xếp thành từng chồng, chất đống dầy lên theo năm tháng. Để chuẩn bị cho Chợ kịch, anh cũng đã có trong tay một vài kịch bản mà theo anh là ưng ý và đủ chuẩn để dàn dựng ở bất cứ nhà hát nào, tất nhiên còn tùy gu của nhà hát và đạo diễn. Ngoài ra, trong tay anh cũng có một số kịch bản ở dưới dạng đề cương, cũng sẽ được đưa lên để các nhà hát tham khảo và nếu thấy hợp thì có thể đặt hàng với ban điều hành Chợ kịch hoàn thành và nâng cao. Vị đạo diễn này cho biết, đây gần như là công việc nặng nhọc nhất, đòi hỏi ban điều hành phải dung hòa được giữa người sáng tác và đơn vị nghệ thuật đặt hàng. “Văn mình vợ người”, không phải lúc nào tác giả cũng đồng ý chỉnh sửa, ngay cả khi đó là những cây bút mới.

Cũng có nhiều ý kiến nghi ngại về việc đạo kịch, đạo ý tưởng. Thế nhưng, theo ban điều hành, điều đó có thể hạn chế được bằng những biện pháp mang tính nghiệp vụ mạng như mã hóa, và nhất là chỉ đưa một vài trích đoạn ngắn trong kịch bản bên cạnh tóm tắt sơ lược nội dung kịch. Mỗi tác giả đều có giọng điệu riêng, khó mà có thể rập khuôn theo được. Còn nếu từ một cảnh nhỏ mà người đạo kịch đủ sức để sáng tác một vở hoàn toàn mới thì đó quả thật là tài năng, đạo mà xóa được dấu vết thì miễn bàn.

Ngoài việc đưa lên mạng những kịch bản, Chợ kịch cũng là nơi cung cấp những kịch bản mẫu mực, kinh điển của sân khấu Việt Nam và sân khấu thế giới để các tác giả, những người yêu thích sân khấu và muốn thử sức có thể tham khảo. Trong đó sẽ có đủ từ kịch bản sân khấu, kịch bản tuồng, chèo, cải lương. Với dung lượng của trang, người truy cập còn được xem các trích đoạn sân khấu mới nhất hiện nay, nhằm nắm bắt được phần nào đó xu hướng dựng kịch của các nhà hát. Đây là một nỗ lực rất lớn của ban điều hành, bởi từ lâu nay, khâu quảng bá không nằm trong ưu tiên của các nhà hát bởi lý do kinh phí. Phần tin tức cũng được ban điều hành quan tâm để người truy cập luôn có những thông tin mới nhất về sân khấu. Tất nhiên, trong điều kiện hiện tại, cũng chỉ là việc đưa lại các tin từ báo mạng, từ các trang tin của các nhà hát chứ chưa tiến tới việc có tin riêng của mình.

Hiện nay, ban điều hành đang chuẩn bị gấp rút cho ngày ra mắt trên mạng của Chợ kịch. So với dự định ban đầu, cũng đã trễ cả tháng trời. Hoàn toàn không đơn giản với những người điều hành, bởi đây là công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ và cẩn trọng. Kịch bản được các cây viết gửi gắm-những đứa con tinh thần ấy-hoàn toàn phải được nâng niu, đưa lên mạng phải giữ được cấu trúc như trong kịch bản in ra giấy và tránh đến mức tối đa các lỗi chính tả, để khách hàng thấy được sự chuyên nghiệp trong việc giới thiệu sản phẩm. Các nhà hát cũng mong chờ, bởi chỉ cần tìm trong đó được một kịch bản ưng ý để dàn dựng, cũng đã là quá đủ. Nói một cách hình ảnh, là mong sao cho mắt được nghỉ ngơi, cho đỡ mất công “đốt đuốc”, chứ lâu nay mắt đã quá mỏi trong việc dõi tìm kịch bản hay, “đuốc” đã đốt đến không biết bao nhiêu bó rồi mà vẫn phải thầm hỏi kịch bản hay đang ở đâu. Những người điều hành cũng mong như vậy, để bước khởi đầu của Chợ kịch được suôn sẻ.

Dẫu sao, trong thời điểm sân khấu chìm xuồng như hiện nay, sự xuất hiện của Chợ kịch cũng là một tín hiệu vui cho người viết, người dàn dựng và các đơn vị nghệ thuật. Còn việc tạo ra một sự đột biến nào đó, e rằng hơi quá sớm. Bởi xét cho cùng, việc đó hoàn toàn phụ thuộc vào tài năng của các tác giả sân khấu.

Anh Thư