Sân khấu kịch nỗ lực chinh phục khán giả trẻ!
Theo đó, đối tượng mà Nhà hát Tuổi trẻ đặc biệt chú ý đó là lớp khán giả trẻ, một đối tượng khán giả hùng hậu, nhiều tiềm năng.
Nhận rõ tình thế sẽ bị lép vế trước nhu cầu giải trí ngày càng cao của đời sống đương đại. Nên Tuổi Trẻ là một trong những nhà hát rất chịu “vận động” để tìm cách “lấy lòng” khán giả của mình.
Liên tục đưa ra những đề án để đưa kịch đến gần hơn với khán giả trẻ, đến nay nhà hát Tuổi trẻ đã dành được những thành quả nhất định. Trước đây, nhà hát đã có dự án sâu tìm như thành lập các Câu lạc bộ “Khán giả yêu sân khấu” với hơn 200 thành viên tham gia mà lực lượng chủ yếu là khán giả trẻ.
NSND Lê Khanh giao lưu cùng khán giả trẻ
Không làm cho có để mang tính hình thức, nên nhà hát thường xuyên có những trao đổi gặp gỡ, điện thoại, nhận thư từ góp ý từ phía khán giả, thậm chí mời khán giả đến thẩm định về các vở diễn của mình. Ý tưởng này đã được nghệ sĩ Chí Trung chia sẻ: “Chính sân khấu này sẽ là cầu nối để khán giả và nghệ sĩ thường xuyên có điều kiện gặp gỡ, trao đổi. Khi ra về, khán giả chỉ việc thả tờ giấy thích hay không thích vào hai hòm góp ý. Nhìn vào đó, để biết mình cần phải thay đổi ra sao và phải làm gì để vở diễn tốt hơn”.
Chính sự tương tác hai chiều giữa khán giả và nghệ sĩ này không chỉ đem lại cho khán giả những vở kịch hay mà còn giúp nghệ sĩ có thêm cơ hội học hỏi kinh nghiệm, lắng nghe góp ý từ người xem để hoàn thiện các vở kịch một cách tốt nhất.
Vì thế với con số 200 thành viên ban đầu của CLB, Nhà hát Tuổi Trẻ tham vọng sẽ nhân lên 2000-3000 thành viên. Thậm chí, có thể thành lập những chi hội câu lạc bộ khán giả khác ở những thành phố ngoài Hà Nội.
Mới đây nhất, nhà hát Tuổi Trẻ đang thực hiện đề án Tuổi trẻ với sân khấu học đường. Với mong muốn đưa nghệ thuật góp sức vào sự nghiệp giáo dục thẩm mỹ và định hướng các giá trị Chân-Thiện-Mỹ cho học sinh, sinh viên – những chủ nhân tương lai của đất nước. Theo đó, chương trình “Chắp cánh niềm tin” với hơn 100 buổi diễn miễn phí kịch của tác giả Lưu Quang Vũ đã được nhà hát gấp rút tiến hành.
Chọn “Mùa hạ cuối cùng” - một vở kịch gần gũi với giới trẻ, mặc dù đã được viết cách đây 25 năm nhưng đến nay nó vẫn còn nguyên giá trị, gần gũi với đời sống giới trẻ. Vì vậy, dù mới khởi động cách đây hơn một tháng, dự án đã nhận được sự hưởng ứng rộng rãi của hàng ngàn sinh viên và thầy cô giáo tại các trường đại học tham gia chương trình.
"Mùa hạ cuối cùng" vở kịch gần gũi với giới trẻ học đường của tác giả Lưu Quang Vũ được đưa đến các trường đại học
Đánh giá cho rằng đây là những hành động thiết thực nhất, để sân khấu kịch không còn quá xa lạ với sân khấu trẻ. NSND Lê Khanh, người cũng đã rất tâm huyết với dự án này chia sẻ: “Cái cần thiết trước nhất là hâm nóng sân khấu trong lúc sân khấu kịch đang bị lấn át bởi các hoạt động giải trí đang phát triển mạnh mẽ ngoài kia. Nhận định thế hệ trẻ là lớp khán giả tiềm năng và có lòng tin rằng nếu được tiếp cận để họ hiểu và yêu hơn sân khấu kịch, họ sẽ không quay lưng. Tất nhiên, để làm được như vậy chúng tôi phải thuyết phục họ bằng chất lượng các vở diễn của mình”.
Rõ ràng, trong thời điểm giới trẻ không mặn mà với những sân khấu truyền thống nên việc tạo điều kiện để họ tiếp cận với sân khấu là một ý tưởng hay. Hy vọng rằng, những nỗ lực và hướng đi này, sân khấu kịch sẽ khởi sắc hơn.
Huy An
-
Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ VII: Đề xuất vinh danh 58 bộ sách, cuốn sách
-
Hơn 60 quốc gia tham gia Liên hoan Ẩm thực quốc tế 2024 tại Hà Nội
-
Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc tại Kon Tum
-
Phát triển thương hiệu quốc gia trong các lĩnh vực công nghiệp văn hóa
-
[Chùm ảnh] Cận cảnh Tượng đài Chuyến tàu Tập kết ra Bắc năm 1954 tại Cà Mau