Sai lầm khiến chiến hạm Mỹ bắn rơi máy bay chở khách Iran năm 1988
Hãng hàng không Hà Lan KLM hồi cuối tháng 6 thông báo đình chỉ các chuyến bay qua eo biển Hormuz sau vụ Iran bắn hạ trinh sát cơ không người lái (UAV) RQ-4N của Mỹ tại khu vực chiến lược này.
Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) cũng phát lệnh khẩn, cấm các hãng hàng không nước này bay vào không phận do Iran kiểm soát trên eo biển Hormuz và vịnh Oman. Hãng hàng không British Airways của Anh tuyên bố sẽ làm theo chỉ dẫn của FAA, tránh bay vào một số khu vực không phận Iran mà sử dụng các tuyến thay thế để tiếp tục hoạt động
Đây là những biện pháp đề phòng được áp dụng để tránh lặp lại thảm kịch trên eo biển Hormuz vào ngày 3/7/1988, khi tàu tuần dương USS Vincennes của Mỹ bắn hạ chuyến bay số hiệu 655 của hãng hàng không Iran Air, khiến toàn bộ 290 người trên phi cơ thiệt mạng.
Sự việc xảy ra trong bối cảnh căng thẳng tại eo biển Hormuz ở mức rất cao sau do chiến tranh Iran - Iraq, cũng như cuộc đối đầu quân sự giữa Washington và Tehran. Ngày 17/5/1987, một tiêm kích Iraq phóng nhầm tên lửa diệt hạm Exocet vào tàu hộ vệ tên lửa USS Stark của Mỹ, làm 37 thủy thủ thiệt mạng.
Tàu chiến Mỹ cũng thường xuyên đấu súng với xuồng cao tốc Iran trên eo biển Hormuz từ cuối năm 1987. Ngày 18/4/1988, Washington tiến hành chiến dịch Praying Mantis trả đũa vụ tàu hộ vệ USS Samuel B. Roberts trúng thủy lôi của Tehran trước đó 4 ngày, xóa sổ một nửa lực lượng hải quân Iran vào thời điểm đó.
Ngày 29/4/1988, Mỹ tăng cường cảnh giới toàn bộ các tuyến hàng hải trung lập ở vịnh Ba Tư, bên ngoài lãnh hải Iran. Tuần dương hạm USS Vincennes được triển khai gấp tới khu vực để lấp khoảng trống do thiếu hụt máy bay cảnh báo sớm, vấn đề từng khiến Mỹ không thể liên tục theo dõi khu vực phía nam vịnh Ba Tư.
USS Vincennes khi đó được trang bị hệ thống chiến đấu Aegis tối tân, nằm dưới quyền chỉ huy của đại tá hải quân William C. Rogers III và bắt đầu tuần tra Vùng Vịnh từ ngày 29/5.
USS Vincennes trở về Mỹ vào tháng 10/1988. Ảnh: US Navy. |
Sáng 3/7, USS Vincennes di chuyển qua eo biển Hormuz sau khi làm nhiệm vụ hộ tống tàu hàng. Một trực thăng trên hạm thông báo bị xuồng cao tốc Iran tấn công bằng vũ khí bộ binh. Hạm trưởng Rogers ra lệnh tấn công đáp trả và tiến vào lãnh hải Oman, khiến nước này điều tàu chiến yêu cầu tuần dương hạm Mỹ rời đi.
USS Vincennes tiếp tục truy đuổi xuồng cao tốc Iran cho tới tận lãnh hải nước này. Tàu hộ vệ tên lửa USS Sides và USS Elmer Montgomery hoạt động gần đó, nhưng không tiến vào lãnh hải Iran.
Chuyến bay mang số hiệu 655 của Iran Air cất cánh từ sân bay quốc tế Bandar Abbas của Iran lúc 10h47. Chiếc Airbus A300 được điều khiển bởi cơ trưởng Mohsen Rezaian, phi công dày dạn kinh nghiệm với hơn 7.000 giờ bay tích lũy. Chuyến bay xuất phát chậm hơn 27 phút so với kế hoạch, dự kiến thực hiện hành trình dài 28 phút từ Bandar Abbas tới Dubai.
Sau khi cất cánh, đài kiểm soát không lưu Bandar Abbas yêu cầu phi công bật thiết bị phát đáp (transponder) và vạch hành trình cho máy bay hoạt động trong tuyến bay thương mại rộng 32 km ở độ cao 4.300 m qua eo biển Hormuz, trước khi hạ độ cao và đáp xuống Dubai. Tổ lái bật mã định danh của máy bay dân dụng và liên tục duy trì liên lạc bằng tiếng Anh với các đài kiểm soát không lưu trong khu vực.
Radar trên USS Vincennes lập tức phát hiện và bám bắt chiếc A300 sau khi nó cất cánh. Trong vài phút tiếp theo, tàu chiến Mỹ không thể nhận dạng chiếc máy bay lạ, trước khi các sĩ quan tác chiến kết luận nó là một tiêm kích F-14A của không quân Iran.
Sau nhiều lần cảnh báo qua điện đàm không thành công, USS Vincennes khai hỏa hai tên lửa phòng không SM-2MR lúc 10h54. Một quả đạn đánh trúng chiếc máy bay và khiến nó vỡ tan ngay trên không. Toàn bộ 290 người trên máy bay, trong đó có 66 trẻ em, thiệt mạng.
Một quả đạn SM-2MR phóng từ USS Vincennes hồi năm 1987. Ảnh: US Navy. |
Ngay sau sự việc, quan chức Mỹ cáo buộc máy bay chở khách Iran liên tục hạ độ cao và bay chệch lộ trình về hướng USS Vincennes. Tuy nhiên, báo cáo do hải quân Mỹ công bố ngày 19/8 phủ nhận thông tin trên. Lầu Năm Góc khẳng định phi cơ Iran "đang tăng độ cao trong tuyến bay được chỉ định", nó cũng di chuyển tới tốc độ thấp hơn nhiều so với lời khai của thủy thủ đoàn tàu chiến Mỹ.
Việc chiếc A300 phớt lờ liên lạc với USS Vincennes cũng bị bác bỏ. Tổ lái chuyến bay 655 liên tục duy trì đàm thoại với hai đài kiểm soát không lưu, nhiều khả năng họ không kiểm tra tần số cứu nạn quốc tế được tàu chiến Mỹ sử dụng.
Quan chức quốc phòng Mỹ sau đó kết luận vụ rơi máy bay Iran là "một tai nạn bi thảm và đáng tiếc", cho rằng sự căng thẳng và dữ liệu sai lệch đã khiến thủy thủ đoàn chiến hạm Mỹ nhận diện sai và bắn hạ chiếc A300. Washington cũng đổ lỗi cho Tehran vì gây căng thẳng dẫn tới vụ bắn rơi máy bay chở khách.
Tuy nhiên, một số nhà điều tra độc lập đã cáo buộc Lầu Năm Góc che đậy thảm kịch này. Nhóm điều tra hải quân Mỹ không thẩm vấn thủy thủ đoàn trên chiến hạm USS Sides, trong khi họ nhận diện chính xác mục tiêu là một máy bay thương mại không gây nguy hiểm. Thượng cấp của Rogers, người ra lệnh cho USS Vincennes rời khỏi khu vực trước sự việc vài giờ, cũng không xuất hiện trong các cuộc phỏng vấn.
Đại úy William Montford, người có mặt trên đài chỉ huy USS Vincennes hôm đó, cũng cảnh báo đại tá Rogers rằng mục tiêu "có khả năng là máy bay dân dụng". Tuy nhiên, dường như Rogers tự thuyết phục bản thân rằng tàu chiến Mỹ đang bị tấn công và ra lệnh khai hỏa, dù biết hành động này có thể khiến dân thường thiệt mạng.
"Dù các thông tin đều cho thấy mục tiêu đang lấy độ cao trong đường bay thương mại và phát tín hiệu nhận diện là phi cơ dân dụng, Rogers đã tưởng tượng rằng đó là một chiếc F-14A đang hạ độ cao để tấn công chiến hạm của ông ấy", nhà báo Jeremy R. Hammond của tờ Foreign Policy Journal nhận xét.
Đường bay dự kiến và vị trí chiếc A300 bị bắn hạ. Đồ họa: Wikipedia. |
Tehran khi đó tin rằng USS Vincennes cố ý tấn công chiếc A300, cho rằng Mỹ đang chuẩn bị phối hợp với Iraq để tấn công Iran. Đây là một phần lý do khiến chính phủ Iran ký thỏa thuận ngừng bắn, chấm dứt chiến tranh với Iraq vào tháng 8/1988.
Một năm sau, Iran kiện Mỹ ra Tòa án Công lý Quốc tế. Hai nước đạt thỏa thuận vào năm 1996, trong đó Washington bày tỏ "sự hối tiếc sâu sắc" vì vụ bắn hạ máy bay và chi trả 131,8 triệu USD để Tehran rút đơn kiện. Trong số này, 61,8 triệu USD được dành để bồi thường cho gia đình 248 hành khách Iran, số còn lại tương đương giá trị một máy bay Airbus A300.
Chính phủ Mỹ không bao giờ đưa ra lời xin lỗi chính thức hay thừa nhận sai lầm trong thảm kịch này. Hạm trưởng Rogers được hải quân Mỹ trao huân chương vào năm 1990 vì "thành tích phục vụ đặc biệt" trong thời gian tham chiến ở vịnh Ba Tư.
Vụ bắn hạ máy bay cũng phủ bóng đen lên quan hệ Washington - Tehran, khiến giới chức và nhiều người dân Iran nuôi dưỡng lòng căm thù, khẳng định không bao giờ tin tưởng nước Mỹ.
Theo VNE
Tướng Iran nói Mỹ không dám xâm phạm lãnh thổ sau vụ bắn rơi máy bay |
Iran công bố bản đồ nơi bắn rơi máy bay không người lái Mỹ |
Iran tuyên bố bắn rơi máy bay không người lái “chim ưng” của Mỹ |
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Tỉnh Quảng Trị có tiềm năng phát triển thành trung tâm năng lượng tái tạo
Luật Điện lực (sửa đổi) phải là “trụ đỡ” pháp lý vững chắc để năng lượng mới, năng lượng tái tạo phát triển đúng kỳ vọng
-
Kỷ luật 2 nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng
-
Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh khôi phục sản xuất nông nghiệp sau bão số 3
-
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Tỉnh Quảng Trị có tiềm năng phát triển thành trung tâm năng lượng tái tạo
-
Luật Điện lực (sửa đổi) phải là “trụ đỡ” pháp lý vững chắc để năng lượng mới, năng lượng tái tạo phát triển đúng kỳ vọng
-
[Chùm ảnh] Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm thăm và làm việc tại huyện đảo tiền tiêu Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị