Rào cản cuối cùng được gỡ bỏ
Trong thông báo ngày 30-10-2019, Cơ quan Năng lượng Đan Mạch cho biết đã cấp phép cho Dự án Nord Stream 2 xây dựng một phần đường ống khí đốt tự nhiên ở thềm lục địa của Đan Mạch thuộc Đông Nam đảo Bornholm trên biển Baltic.
Đang viếng thăm Hungary, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã lập tức hoan nghênh Đan Mạch là “một tác nhân có trách nhiệm, biết bảo vệ lợi ích và chủ quyền của mình, lợi ích của các đối tác chính ở châu Âu”. Nhà điều hành Dự án Nord Stream 2 AG tuyên bố hài lòng về quyết định của Đan Mạch. Lãnh đạo Gazprom, ông Alexey Miller, khẳng định công việc xây dựng có thể được hoàn thành trong 5 tuần lễ.
Dự án Nord Stream 2 đưa khí từ Nga sang Đức bỏ qua Ukraine |
Dòng khí của Nga sang châu Âu
Hơn 2 năm sau khi đạt được thỏa thuận về nguyên tắc tại Diễn đàn kinh tế Saint Petersburg tháng 12-2015, đến tháng 4-2017, Gazprom và 5 đối tác châu Âu tìm được đồng thuận tài chính cho Dự án Nord Stream 2, đưa khí đốt của Nga sang đến tận miền Bắc nước Đức, xuyên qua biển Baltic. Tổng chi phí dự án ước tính gần 10 tỉ USD, 50% trong số đó là Gazprom tài trợ, phần còn lại chia đều cho 5 đối tác của Gazprom gồm Engie (Pháp), Shell (Anh - Hà Lan), Uniper và Wintershall (Đức), OMV (Áo). “Chúng ta đang viết một trang sử mới cho ngành khí đốt của châu Âu”, cựu Thủ tướng Đức Gerhard Schröder, Chủ tịch HĐQT Nord Stream 2 AG, phát biểu nhân lễ ký kết thỏa thuận về tài chính giữa Gazprom và 5 đối tác châu Âu tại Paris, tháng 4-2017.
Dài gần 2.000km, Nord Stream 2 nối liền ngôi làng Ust Luga, miền Tây nước Nga, với Greifswald, miền Bắc nước Đức, dự tính đi vào hoạt động cuối năm 2019. Đường ống sẽ đi qua các vùng lãnh thổ và đặc quyền kinh tế của các quốc gia nằm ngoài khơi bờ biển Baltic là Nga, Phần Lan, Thụy Điển, Đan Mạch và Đức, cho phép cung cấp 55 tỉ m3 khí đốt của Nga cho châu Âu.
Cuối năm 2016, khí đốt của Nga đáp ứng 1/3 nhu cầu tiêu thụ của EU, tỷ lệ này gần như không suy giảm từ sau khủng hoảng Ukraine và vụ bán đảo Crimea sáp nhập vào Nga năm 2014.
Khác với dầu mỏ, khí đốt không nằm trong danh sách trừng phạt Nga của châu Âu. Nord Stream 2 cho phép bảo đảm nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu trong bối cảnh dự trữ ở Biển Bắc đang ngày càng trở nên khan hiếm. Engie hoàn toàn hỗ trợ công trình xây dựng Nord Stream 2 để dự án chóng được hoàn thành. Đối với Engie, khí đốt là nguồn năng lượng sạch cần thiết trong tiến trình chuyển đổi năng lượng”, Isabelle Kocher, Tổng giám đốc Engie, khẳng định đồng thời nhấn mạnh đến sự bảo đảm các nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu trong lúc dự trữ tại Tây Âu đang cạn dần.
Đức trông đợi nhiều vào khí đốt của Nga để chuẩn bị “sang trang” thời đại sử dụng năng lượng nguyên tử. Thủ tướng Đức Angela Merkel hứa đóng cửa nhà máy điện hạt nhân cuối cùng vào khoảng năm 2022. Đức hiện là khách hàng lớn nhất của các tập đoàn dầu khí Nga, mua vào 40 tỉ m3 khí đốt mỗi năm.
Tàu Audacia đặt đường ống cho Nord Stream 2 ở biển Baltic ngoài khơi đảo Rügen, Đức |
Người ủng hộ, kẻ phản đối
Trong khi đa phần các nước Tây Âu ủng hộ và tham gia Nord Stream 2 cùng với Nga thì một số nước Đông Âu, do Ba Lan dẫn đầu, chống đối Nord Stream 2. Ba Lan và nhiều nước Đông Âu, như Slovenia, Ukraine, Séc lo ngại với Nord Stream 2, họ sẽ mất thu nhập khi khí đốt của Nga không còn phải đi qua lãnh thổ của họ để đến được các nước Tây Âu, nên nghĩ ra mọi lý do để ngăn cản, nhất là khi họ cho rằng Moscow có thể sử dụng đường ống này để gây áp lực chính trị, điều mà Nga luôn bác bỏ.
Phát biểu trong một cuộc họp báo ở Kiev với Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg ngày 31-10-2019, Tổng thống Ukraine Zelensky nói: “Nord Stream 2 củng cố nước Nga và làm suy yếu châu Âu. Chúng tôi hiểu rằng điều đó có thể xảy ra và chúng tôi đã sẵn sàng. Đây không chỉ là vấn đề an ninh năng lượng, đó là vấn đề địa chính trị”.
Ngoài việc mất nguồn thu đáng kể từ vận chuyển khí đốt Nga qua lãnh thổ của mình, Kiev lo ngại việc Moscow ngừng vận chuyển khí đốt qua Ukraine làm tăng nguy cơ Ukraine bị Nga “xử lý” vì không còn gì để gây áp lực với Nga. Sự phản đối này đặc biệt được Mỹ ủng hộ. Nord Stream 2 càng được đẩy nhanh tiến độ thì Mỹ càng tỏ thái độ phản đối mạnh mẽ hơn. Washington liên tục gửi các thông điệp “cảnh báo” đến tất cả những ai ủng hộ Nord Stream 2 ở châu Âu. Theo giới quan sát, lý do phản đối này rất đơn giản: Mỹ muốn bán khí đá phiến của mình cho thị trường cựu lục địa. Tuy nhiên, châu Âu không dại gì vì giá khí đốt của Mỹ cao hơn của Nga.
Một tiếng nói chống đối Nord Stream 2 khác là Italia, bởi đường ống này cạnh tranh trực tiếp với một tuyến đường ống mà trong đó Tập đoàn Dầu khí ENI của Italia là một trong những cột trụ.
Hai thành viên khác của EU là Phần Lan và Thụy Điển cũng phản đối Nord Stream 2 với lý do đường ống này hủy hoại môi trường thiên nhiên.
Tuy nhiên, những phản đối đó chỉ mang tính hình thức vì Nord Stream 2 AG đã xin được giấy phép của hầu hết những quốc gia có đường ống dẫn khí này đi qua. Nhưng khi Nord Stream 2 đi được 83% quãng đường thì phải dừng lại trước lãnh hải của Đan Mạch. Đan Mạch xuất hiện như một chốt chặn cuối cùng với Nord Stream 2. Một trong các lý do là Đan Mạch không muốn châu Âu gia tăng sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng của Nga. Theo các chuyên gia, Đan Mạch đang muốn cho đồng minh Mỹ biết giá trị của họ.
Phát biểu tại một diễn đàn năng lượng ở Moscow gần đây, Tổng thống Nga Putin nói rằng: “Đan Mạch là một quốc gia nhỏ, chịu nhiều áp lực liên quan tới Nord Stream 2. Nếu họ không cho đường ống này đi qua, đó là quyền độc lập và tự chủ của họ. Chúng ta còn có những con đường khác để đi. Điều đó có thể khiến chúng ta tốn thêm chi phí và trì hoãn một chút, nhưng dự án sẽ được thực hiện bằng mọi giá”.
Đối với những nước ủng hộ, do Đức dẫn đầu, Nord Stream 2 trên hết là một quyết định kinh tế để duy trì việc cung cấp khí đốt cho châu Âu với chi phí chấp nhận được. “Mỹ đã luôn phản đối sự hợp tác năng lượng của chúng tôi với châu Âu”, Tổng thống Nga Putin nhấn mạnh vào tính chất “kinh tế” và “phi chính trị” của dự án. Không phải ngẫu nhiên mà Ban điều hành Nord Stream 2 AG đã quyết định bắt đầu xây dựng đường ống Nord Stream 2 ngay cả khi chưa được sự chấp thuận của Đan Mạch. Trong trường hợp Đan Mạch không cấp phép, một tuyến đường vòng sẽ được phát triển một cách cẩn thận và sẽ không làm tăng chi phí của dự án.
Mặc dù rào cản cuối cùng đã được Đan Mạch gỡ bỏ và theo như tuyên bố của lãnh đạo Gazprom, Nord Stream 2 sẽ đi vào hoạt động đúng tiến độ, nhưng đường ống này có nguy cơ bị Mỹ trừng phạt. Nga đã thông được tuyến Nord Stream 2, song những dự kiến ban đầu cho dự án đã bị giảm một nửa, chỉ có một trong hai đường ống của tuyến Nord Stream 2 là được dùng để cung cấp khí đốt Nga cho châu Âu, với một khối lượng dự tính khoảng 27 tỉ m3 thay vì 55 tỉ m3 mỗi năm. Nguyên nhân vì trong thời gian qua, các quy định của châu Âu đã thay đổi. Bruxelles hiện có quy định cấm cùng một nhà cung cấp sử dụng hơn một nửa công suất của cơ sở hạ tầng khí đốt mới.
Nord Stream 2 càng được đẩy nhanh tiến độ thì Mỹ càng tỏ thái độ phản đối mạnh mẽ hơn. Washington liên tục gửi các thông điệp “cảnh báo” đến tất cả những ai ủng hộ Nord Stream 2 ở châu Âu, lý do rất đơn giản: Mỹ muốn bán khí đá phiến của mình cho thị trường cựu lục địa. Tuy nhiên, châu Âu không dại gì vì giá khí đốt của Mỹ cao hơn của Nga. |
S.Phương
-
Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng
-
Phấn đấu tăng trưởng GDP đạt 7-7,5%
-
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nêu giải pháp phát triển kinh tế báo chí
-
Báo chí đã có những bước phát triển về nội dung, đáp ứng nhu cầu thông tin của công chúng
-
Phó Thủ tướng gửi thư khen lực lượng xử lý quyết liệt tội phạm "tín dụng đen"