Rà soát, khẩn trương có kế hoạch đón công dân Việt Nam đang bị kẹt ở sân bay các nước
Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19 ngày 6/4/2020.
Kết luận nêu rõ, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Ngoại giao có biện pháp thực hiện tốt công tác bảo hộ công dân trong thời kỳ dịch COVID-19. Trước mắt, tích cực động viên, khuyến cáo người Việt Nam hiện đang ở nước ngoài tiếp tục ở lại, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch và pháp luật nước sở tại.
Bên cạnh đó, chỉ đạo các cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài rà soát, khẩn trương có kế hoạch đón công dân Việt Nam đang bị kẹt ở sân bay các nước; đề xuất phương án đưa một số công dân Việt Nam hiện đang ở nước ngoài có nhu cầu về nước, ưu tiên người cao tuổi, người ốm đau, trẻ em dưới 18 tuổi, bảo đảm cân đối chung và phù hợp với năng lực cách ly tập trung trong nước, báo cáo Thủ tướng Chính phủ cụ thể, chặt chẽ. Tất cả cá nhân về nước đều phải được cách ly, giám sát y tế phù hợp.
Đề nghị cán bộ, nhân viên ngoại giao của các nước tại Việt Nam đã về nước tạm thời chưa quay lại Việt Nam trong thời gian dịch bệnh COVID-19 hiện nay cho đến khi có thông báo mới; chủ trì đề xuất, thực hiện việc viện trợ, hỗ trợ và tăng cường hợp tác quốc tế với các nước về phòng, chống dịch COVID-19 kịp thời.
Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan kiểm tra, rà soát người nước ngoài quá hạn tạm trú tại Việt Nam, tạo điều kiện xuất cảnh về nước đối với những trường hợp có nhu cầu; kiên quyết trục xuất các trường hợp cố tình vi phạm pháp luật xuất nhập cảnh.
Bộ Giao thông vận tải chủ trì, tổ chức việc đưa người nước ngoài rời Việt Nam; giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao và các Bộ liên quan nghiên cứu, có ý kiến về vấn đề hợp tác về chuyên môn y tế với các nước như Lào, Trung Quốc, Cu Ba, Nga, Hoa Kỳ.
Bộ Công Thương thúc đẩy thực hiện nhanh hơn việc hợp tác, hỗ trợ, xuất khẩu một số loại phương tiện, vật tư y tế, trong đó các loại khẩu trang kháng khuẩn, khẩu trang kháng giọt bắn cho các nước có nhu cầu, nhất là các nước châu Âu, Hoa Kỳ và xử lý kịp thời các công việc được giao theo quy định, nhất là việc thông quan hàng hóa.
Cũng tại kết luận trên, Thủ tướng yêu cầu Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cân nhắc thận trọng việc thu phí cách ly đối với người đến từ các địa phương trong nước.
Cùng với quyết liệt phòng, chống dịch, các bộ, ngành, địa phương cần tích cực chuẩn bị các phương án tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh; trước mắt giảm thiểu thiệt hại về kinh tế, doanh nghiệp giải thể, phá sản, ngừng hoạt động, người lao động mất việc làm, kịp thời chăm lo bảo đảm đời sống, sinh hoạt của người dân, nhất là người nghèo, người khó khăn do dịch bệnh.
Yêu cầu các ngành, các cấp, các doanh nghiệp tập trung khai thác tối đa các cơ hội trong bối cảnh phòng, chống dịch, tích cực thay đổi phương thức làm việc, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, lưu ý các ngành công nghiệp, dịch vụ mới gắn với thương mại điện tử, phát triển kinh tế số.
Hải Anh
-
Cơ chế giá trần sẽ giúp các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cải thiện lợi nhuận
-
3.000 người chạy bộ gây quỹ cho người nghèo
-
Chức năng và cơ cấu tổ chức của Học viện Ngoại giao
-
Yêu cầu Trung Quốc chấm dứt hoạt động khảo sát trái phép của tàu Hải Dương 26 trong vùng biển của Việt Nam
-
Việt Nam - EU chung tay vì một môi trường sạch
-
Chính phủ đề xuất mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp
-
Cân nhắc việc thành lập Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia
-
Bộ Trưởng Bộ Công Thương: Điện phải đi trước một bước
-
Khuyến khích đầu tư các dự án điện tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo
-
Cần chính sách rõ ràng cho năng lượng gió ngoài khơi