Ra mắt Trung tâm hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học và môi trường
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại buổi lễ |
Ngày 21/6/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 761/QĐ-TTg về việc thành lập Trung tâm hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học và môi trường, trên cơ sở kiện toàn, tổ chức lại Trung tâm công nghệ xử lý môi trường thuộc Binh chủng Hóa học, Bộ Quốc phòng.
Trung tâm hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học và môi trường có tên giao dịch bằng tiếng Anh là: National Action Centre for Toxic Chemicals and Environmental Treatment (viết tắt là: NACCET); có con dấu và tài khoản riêng, có trụ sở, cơ sở nghiên cứu thử nghiệm, cơ sở xử lý hóa chất độc, chất thải nguy hại và cơ sở vật chất bảo đảm cho vận động, tiếp nhận tài trợ, tiếp nhận trang thiết bị, khu vực hậu cần kỹ thuật.
Trung tâm hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học và môi trường do Bộ Quốc phòng trực tiếp chỉ đạo, Bộ Tư lệnh Hóa học quản lý điều hành, để tổ chức thực hiện triển khai các nhiệm vụ khắc phục hậu quả chất độc hóa học sau chiến tranh; xử lý ô nhiễm hóa chất độc, chất nguy hại, khắc phục sự cố hóa chất và môi trường trong phạm vi toàn quốc. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm về hoạt động của Trung tâm hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học và môi trường, bảo đảm minh bạch, hiệu quả.
Trung tâm hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học và môi trường có nhiệm vụ: Chủ trì điều hành, phối hợp, tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ khắc phục hậu quả chất độc hóa học đối với môi trường và con người sau chiến tranh; xử lý ô nhiễm hóa chất độc, chất nguy hại, khắc phục sự cố hóa chất độc xạ và môi trường trong phạm vi toàn quốc; chủ trì xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu thông tin về khắc phục hậu quả chất độc hóa học sau chiến tranh; thực hiện các hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực khắc phục hậu quả chất độc hóa học sau chiến tranh, xử lý ô nhiễm hóa chất độc, chất nguy hại, khắc phục sự cố hóa chất độc hại và môi trường…
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cùng các đại biểu, đại diện các tổ chức quốc tế chụp ảnh lưu niệm tại buổi lễ |
Phát biểu tại buổi lễ, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh sau hơn 40 năm, hậu quả chiến tranh ở Việt Nam còn rất nặng nề. Ngoài lượng bom đạn khổng lồ sót lại trong lòng đất, còn có hàng triệu ha đất ở bị chất độc hóa học tàn phá, hàng triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm. "Đến giờ phút này, theo thống kê chưa đầy đủ, Việt Nam có trên 3 triệu người bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin, nhiều gia đình bị phơi nhiễm đến thế hệ thứ ba, rất thương tâm" - Phó thủ tướng nói.
Trước yêu cầu phát triển bảo đảm bền vững, bảo vệ môi trường đặt ra ngày càng cấp thiết, Phó thủ tướng cho rằng công tác khắc phục hậu quả ô nhiễm chất độc hóa học sau chiến tranh, ứng phó với các nguy cơ mới trong quá trình phát triển về môi trường nói chung (trong đó có chất độc, hóa chất, phóng xạ) trở nên vô cùng quan trọng.
Phó thủ tướng đánh giá cao những nỗ lực, kết quả đạt được thời gian qua trong khắc phục hậu quả bom mìn, chất độc hóa học để lại sau chiến tranh ở Việt Nam với sự hỗ trợ, hợp tác của các tổ chức quốc tế, nhiều quốc gia trên thế giới.
Điểm lại một số sự cố môi trường mới đây như vụ cháy Nhà máy bóng đèn, phích nước Rạng Đông, Phó thủ tướng đánh giá lực lượng nòng cốt của Trung tâm hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học và môi trường đã vào cuộc, xử lý rất tốt, được các nhà khoa học, chính quyền đánh giá cao, nhân dân cảm kích và tin tưởng. Tuy nhiên, nhiệm vụ của trung tâm tới đây còn rất lớn. Từ việc xử lý hàng trăm nghìn mét khối đất đá bị ô nhiễm, các kho dự trữ chất độc hóa học trong chiến tranh đến ứng phó với nguy cơ ô nhiễm mới.
Trong thời gian tới, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu, Trung tâm hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học và môi trường tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ khắc phục hậu quả chất độc hóa học trên 2 phương diện: Xử lý ảnh hưởng tới môi trường và hỗ trợ nạn nhân bị ảnh hưởng.
Mục tiêu, trong thời gian sớm nhất có thể sẽ xử lý triệt để ảnh hưởng của chất độc hóa học tới môi trường tại các "điểm nóng" ô nhiễm; nghiên cứu, chuyển giao, thử nghiệm và làm chủ công nghệ, thực hiện hiệu quả công tác điều tra, thu gom và xử lý triệt để chất độc tồn lưu sau chiến tranh; xây dựng tổ hợp các cơ sở tập trung xử lý hóa chất độc, chất thải nguy hại công nghiệp và quốc phòng tại miền Bắc, miền Trung và miền Nam; nghiên cứu xây dựng các phương án, chuẩn bị phương tiện, lực lượng và vật tư sẵn sàng ứng phó hiệu quả các sự cố hóa chất độc và ô nhiễm môi trường trong phạm vi toàn quốc.
Xây dựng năng lực chủ động ứng phó với các tình huống khẩn cấp, giải quyết các thách thức bảo đảm an ninh môi trường quốc gia; tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế, tận dụng và khai thác có hiệu quả sự ủng hộ và tài trợ của Chính phủ các nước, các tổ chức trên thế giới; chuyển giao công nghệ, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học và ứng dụng các công nghệ trong việc khắc phục hậu quả chất độc hóa học tồn lưu sau chiến tranh nói riêng và công tác khắc phục sự cố hóa chất độc, xạ và môi trường nói chung.
N.H
-
Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11
-
“Không có căn cứ để nói áp thuế GTGT 5% sẽ làm tăng giá phân bón”
-
Thủ tướng gặp mặt đại diện các nhà giáo tiêu biểu năm 2024
-
Chiến thắng Bình Giã: Sức mạnh toàn dân làm nên mốc son lịch sử
-
Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam - Những vấn đề lý luận và thực tiễn