Quốc hội chưa làm tốt khâu truy trách nhiệm
ĐBQH Trương Thị Huệ cho rằng bên cạnh những kết quả đã đạt được như trong báo cáo công tác nhiệm kỳ vừa qua của Quốc hội, cần nêu ra một số hạn chế với mong muốn góp phần giúp Quốc hội Khóa XIV rút kinh nghiệm.
Về công tác xây dựng luật, việc thường xuyên điều chỉnh chương trình xây dựng luật, việc chậm gửi dự thảo luật để đại biểu nghiên cứu và đoàn ĐBQH lấy ý kiến xây dựng luật mặc dù có tiến bộ nhưng trong kỳ họp nào cũng xảy ra việc ban hành luật nhưng trong đó có nhiều điều khoản chưa cụ thể, dẫn đến luật phải chờ nghị định, nghị định chờ thông tư hướng dẫn đã tạo ra khoảng trống pháp luật, tạo cơ hội cho hiện tượng lách luật và dẫn đến nhiều hệ lụy.
ĐBQH Trương Thị Huệ |
Ví dụ có nhiều trường hợp “thủ kho” to hơn “thủ trưởng”, tức là nghị định to hơn luật, thông tư to hơn nghị định, thậm chí thông tư không đúng với nghị định; hay có trường hợp luật, pháp lệnh quy định những trường hợp rất nhân văn, được cử tri đồng tình ủng hộ cao như: Luật Người cao tuổi, Pháp lệnh người có công, nhưng khi tổ chức thực hiện lại không bảo đảm nguồn lực.
Đại biểu Huệ nhấn mạnh, tất cả những tồn tại hạn chế như phân tích ở trên là nguyên nhân dẫn đến luật ban hành nhưng chậm, thậm chí một điều khoản không đi vào cuộc sống từ đó.
Quốc hội chưa làm tốt khâu truy trách nhiệm (ảnh minh họa) |
Về hoạt động giám sát, có hai vấn đề cần phải khắc phục.
Một là, trong nhiệm kỳ qua QH, UBTVQH, HDDT và các Ủy ban của QH đã thực hiện nhiều cuộc giám sát. Nhưng có những đoàn giám sát còn mang tính hình thức, tức là xuống địa phương chỉ nghe báo cáo phát biểu trao đi đổi lại một buổi là xong mà chưa chú trọng chưa kết hợp với giám sát việc cụ thể, do đó hiệu quả từ kết quả giám sát còn bị hạn chế. Cử tri thường mong muốn sau mỗi cuộc giám sát, bên cạnh việc đề nghị kiến nghị về chính sách pháp luật, về tổ chức thực hiện thì phải chỉ ra được những vụ việc vi phạm pháp luật trong lĩnh vực giám sát. Như vậy giám sát mới toàn diện, mới nghiêm minh sâu sắc và rõ ràng.
Hai là, về hoạt động chất vấn, đây là hoạt động giám sát hiệu nhất được cử tri và nhân dân quan tâm theo dõi. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất của chất vấn là phải truy được trách nhiệm. Tôi cho rằng, khâu này ta làm chưa tốt. Kiểm lại hàng ngàn câu chất vấn trực tiếp và bằng văn bản của ĐBQH câu trả lời về trách nhiệm ít được trả lời. Có thể vì vậy cho nên hàng loạt các vụ việc như phá rừng làm biệt thự trái phép, ký túc xá vài trăm tỷ bị bỏ hoang, nhà máy hàng nghìn tỷ thành sắt vụn…, đằng sau những vụ việc đó là câu hỏi trách nhiệm mà cử tri muốn có được câu trả lời nhanh chóng rõ ràng. Vẫn biết việc quy trách nhiệm là không dễ, song đó là trách nhiệm của Quốc hội, Chính phủ, của chính quyền địa phương và của từng ĐBQH. Đó là thực trạng mà chúng ta phải tìm cách khắc phục vì nếu tổ chức, cá nhân làm chưa tốt, làm sai lại không phải chịu trách nhiệm thì chính là kỷ cương, kỷ luật chưa nghiêm.
Phát biểu tại hội trường, ĐBQH Huỳnh Văn Tiếp (Cần Thơ) chỉ ra, cử tri chưa hài lòng với một số ĐBQH ít phát biểu, chưa phản ánh hết tâm tư, nguyện vọng của người dân.
ĐBQH Huỳnh Văn Tiếp |
Cử tri tiếp tục phê bình luật ban hành nhưng chờ thông tư, nghị định hướng dẫn, làm chậm đi vào cuộc sống. Việc hội nhập chưa hiệu quả ngoài trách nhiệm của Chính phủ, còn có trách nhiệm của QH. Còn không ít kiến nghị sau giám sát chưa được thực hiện, gây bức xúc.
QH quyết định ngân sách nhưng để bội chi, nợ công cao, gây có nguy cơ mất an toàn tài chính quốc gia. Chất lượng ĐBQH có vai trò quyết định đến chất lượng hoạt động của QH, hoạt động của QH sẽ mạnh lên và không còn hình thức.
Về vị trí, vai trò của ĐBQH với cử tri, Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cho rằng, QH còn nặng về cơ cấu nhưng ĐBQH vẫn chưa thực sự phản ánh đúng ý chí, nguyện vọng của cử tri nơi cư trú, nơi đại biểu ứng cử. Để nâng cao chất lượng, vị trí, vai trò của ĐBQH thì đại biểu phải gắn bó chặt chẽ với cử tri nơi mình ứng cử và phải làm được những gì cử tri nơi mình ứng cử gửi gắm.
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền |
Về xây dựng luật pháp, theo đại biểu Nguyễn Bá Thuyền, chúng ta xây dựng nhiều đạo luật, nhưng tình hình vẫn phức tạp, khó khăn. Điều này chứng tỏ vẫn còn nhiều luật chưa đi vào cuộc sống, không gắn bó với thực tiễn. Chính vì thế một số đạo luật mới ban hành hoặc chưa có hiệu lực đã phải sửa. Để nâng cao chất lượng soạn thảo luật cần nâng cao trách nhiệm của cơ quan soạn thảo, trách nhiệm của Quốc hội. Nhiều dự thảo luật gửi đại biểu rất muộn, trong thời gian ngắn, đại biểu không đủ thời gian để nghiên cứu.
Về hoạt động giám sát, Quốc hội Khóa XIII đã đạt nhiều kết quả, song cử tri vẫn còn băn khoăn. Giám sát chủ trương, đường lối là đúng, nhưng cũng cần đi vào cụ thể. Cử tri rất mong Quốc hội cần giải quyết các công việc cụ thể, từ đó tạo ra phản ứng dây chuyền tích cực, mạnh mẽ đến việc khác.
Cứ làm, trách nhiệm chẳng quy về ai? Rất nhiều vấn đề nóng được Ủy viên Thường trực UB về các vấn đề xã hội của QH Nguyễn Thị Khá (ĐBQH tỉnh Trà Vinh) đưa ra trong phiên thảo luận tổ sáng nay 24/3, chung quy là bài toán trách nhiệm thuộc về ai khi chúng ta cứ làm sai hết chuyện này, tới chuyện khác. |
Thanh Huyền (ghi)
-
Cần quy định cụ thể để doanh nghiệp nhà nước tự tin sử dụng vốn
-
Ủy ban Tài chính, Ngân sách: Tán thành việc ban hành Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp
-
Nghệ thuật quân sự Việt Nam trong chiến dịch Bình Giã
-
Cần tạo sự thông thoáng cho doanh nghiệp nhà nước phát triển
-
Doanh nghiệp nhà nước phải hoạt động theo quy luật thị trường