Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Từ vụ nổ ở Văn Phú:

Quản lý vật liệu nổ: S.O.S

07:45 | 22/03/2016

449 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Hàng loạt các vụ nổ xảy ra trên địa bàn cả nước khiến hàng chục người thiệt mạng, bị thương, nhiều ngôi nhà hư hỏng… Dư luận đặt ra câu hỏi: Liệu có phải việc quản lý vật liệu nổ có vấn đề?  

Kinh hoàng vụ nổ ở Văn Phú

Một ngày sau khi xảy ra vụ nổ kinh hoàng tại Khu đô thị Văn Phú, quận Hà Đông, Hà Nội, Công an Hà Nội đã thông tin kết quả điều tra sơ bộ về nguyên nhân vụ nổ.

Qua công tác khám nghiệm hiện trường, lực lượng Bộ Tư lệnh Quân khu Thủ đô và Công an thành phố Hà Nội đã thu được nhiều mảnh kim loại bằng gang. Số kim loại kể trên được xác định là loại dùng để chế tạo bom. Theo kết quả giám định sơ bộ ban đầu của Cục Kỹ thuật Hình sự (Bộ Công an), loại thuốc nổ gây ra vụ nổ là loại thường sử dụng để chế tạo bom mìn.

Công an thành phố Hà Nội sơ bộ kết luận, vật liệu gây ra vụ nổ dạng bom. Vật liệu nổ này do anh Cường mua về, rồi dùng đèn khò phá với mục đích lấy sắt vụn bán. Trong quá trình cắt phá bằng đèn khò, nhiệt lượng đã kích nổ, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Từ những thông tin về vật nổ này, ông Nguyễn Như Phong - Tổng biên tập Báo Năng lượng Mới - PetroTimes, vốn là lính công binh đã có nhận định: Qua những thông tin từ Cơ quan Công an cung cấp thì vật gây nổ này rất có thể là thủy lôi.

“Đây có thể là quả thủy lôi, một loại vũ khí do Mỹ sử dụng trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam năm 1972. Loại vũ khí này, quân đội Mỹ thả dày đặc xuống các cửa sông, bến cảng hòng phong tỏa các cảng biển miền bắc. Chính vì thủy lôi nên nạn nhân không nhận ra là loại vật liệu gì nên dùng đèn khò phá để lấy phế liệu” - ông Nguyễn Như Phong nói.

quan ly vat lieu no rat kem
Luật sư Trương Anh Tú

Không phải lần đầu

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Năng lượng Mới, đây không phải lần đầu tiên xảy ra vụ nổ liên quan đến bom, mìn hay vật liệu nổ. Trước đó, trên địa bàn cả nước đã xảy ra hàng loạt các vụ cưa bom dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. Đơn cử như vụ nổ đạn pháo 105mm tại xóm Tân Lập 1, xã Trung Minh, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình khiến 2 người thương vong vào tháng 12-2015. Anh Nguyễn Văn Khánh (SN 1987, ở tổ 3 phố Tân Lập, xã Trung Minh) bị thương, còn anh Nguyễn Văn Dương (SN 1993, ở cùng địa chỉ) tử vong tại chỗ.

Theo thông tin xác minh của lực lượng chức năng Công an thành phố Hòa Bình, nguyên nhân xảy ra vụ nổ nói trên là do các nạn nhân cưa quả đạn pháo 105mm tồn sót sau chiến tranh để lấy thuốc nổ và sắt vụn nên đã gây nổ.

Chưa hết, vào ngày 28-5-2015 tại xã Mỹ Lợi B, huyện Cái Bè (Tiền Giang) ông Lê Văn Minh (52 tuổi, ở huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương) mang quả bom mua được trong quá trình đi thu mua phế liệu ra cưa thì bom phát nổ, khiến ông Minh tử vong tại chỗ. 

Một vụ việc khác tương tự cũng xảy ra vào tháng 7-2015. Ông Ngô Phụng (46 tuổi, ở thành phố Đà Nẵng) cưa một quả bom để lấy thuốc nổ, quả bom bị kích nổ khiến ông Phụng bị thương rất nặng.

Quản lý vật liệu nổ có vấn đề?

Ở nước ta, việc thu mua phế liệu là một hình thức kinh doanh góp phần làm sạch môi trường. Tuy nhiên, có rất nhiều điểm thu mua mọc lên tự phát, không tuân thủ các quy định về môi trường, phòng chống cháy nổ dẫn đến những trường hợp bị tai nạn nghiêm trọng. Càng nguy hiểm hơn khi các cơ sở này tồn tại ngay trong các khu dân cư đông đúc.

Theo các chuyên gia về vật liệu nổ, sau chiến tranh, rất nhiều bom, đạn, vật liệu nổ vẫn còn tồn sót, các vật liệu nổ này đều đã được kích hoạt cơ chế phát nổ gây nổ. Tuy nhiên, vì một lý do nào đó cơ chế kích nổ gặp trục trặc nên chúng chưa gây nổ.

Mặc dù bị chôn vùi sâu dưới lòng đất, nhưng các vật liệu nổ vẫn cực kỳ nguy hiểm và có thể phát nổ bất cứ lúc nào khi có tác động từ bên ngoài. Vị chuyên gia cũng khuyến cáo người dân cần cảnh giác, không được lấy, nhặt, cưa, phá bom mìn, vật liệu nổ tồn sót sau chiến tranh để lấy thuốc nổ và sắt vụn.

Liên quan đến vấn đề này, Luật sư Trương Anh Tú - Văn phòng Luật sư Trương Anh Tú (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho rằng, quản lý vật liệu nổ hiện nay đang rất tốt, chúng ta có một quy trình từ việc cấp phép sử dụng cho đến kiểm tra giám sát cũng rất chặt chẽ. Bất kỳ hình thức nào để thất thoát ra bên ngoài hoặc sử dụng trái phép đều có khả năng bị truy tố hình sự, bằng những chế tài rất nghiêm khắc.

quan ly vat lieu no rat kem
Hiện trường vụ nổ ở Văn Phú

Dù vậy, vẫn có việc thất thoát ra bên ngoài, nên tội phạm mới có thể sử dụng để gây án. Vì vậy tất cả mọi người đều phải có trách nhiệm trong việc quản lý vật liệu nổ, đặc biệt là các lãnh đạo công ty được cấp phép quản lý sử dụng vật liệu nổ trong khai thác, sản xuất.

Khi thu gom các loại phế liệu có hình thù giống các loại bom, đạn có cảm giác không an toàn cần trình báo cơ quan chức năng địa phương, đặc biệt là ban chỉ huy quân sự địa phương hoặc công an để có biện pháp xử lý.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Năng lượng Mới, từ nhiều năm nay, thành phố Hà Nội đã ban hành nhiều văn bản yêu cầu các sở, ban, ngành thực hiện nghiêm về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu cháy nổ và công cụ hỗ trợ. Theo đó, Hà Nội luôn chú trọng đến công tác phòng chống cháy nổ. Tuy nhiên, ở một số lĩnh vực, một số địa bàn và doanh nghiệp vẫn còn xảy ra tình trạng mất an toàn, tiềm ẩn cháy nổ gây thiệt hại về người và tài sản.

Để chủ động phòng ngừa, hạn chế tai nạn cháy nổ, UBND TP Hà Nội yêu cầu Công an thành phố, Bộ Tư lệnh Thủ đô, Sở Công Thương, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Cảnh sát PCCC thực hiện nghiêm chỉ thị quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

Các đơn vị trên rà soát, kiểm tra, đấu tranh phòng chống các hành vi vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân về quản lý, sử dụng vật liệu nổ trên địa bàn thành phố. Các cấp, các ngành chỉ đạo tại cơ sở và các doanh nghiệp thuộc ngành, lĩnh vực quản lý tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ công tác phòng, chống cháy nổ, đặc biệt trong các lĩnh vực có nguy cơ cao về tai nạn cháy nổ.

Công an thành phố, Sở Cảnh sát PCCC tăng cường phối hợp với UBND các cấp kiểm tra, hướng dẫn các doanh nghiệp, cơ quan tổ chức đóng trên địa bàn tăng cường thực hiện công tác an toàn phòng chống cháy nổ. Các trường hợp vi phạm pháp luật về an toàn phòng chống cháy nổ cần phải xử lý nghiêm.

Bên cạnh đó, lãnh đạo thành phố Hà Nội cũng đề nghị người lao động và nhân dân nâng cao ý thức tuân thủ những nội quy, quy định về an toàn, phòng chống cháy nổ, cảnh giác, phát hiện những nguy cơ gây cháy nổ để kịp thời thông báo đến cơ quan, tổ chức và người có trách nhiệm để có biện pháp loại trừ và phòng ngừa tai nạn cháy nổ.

Theo khoản 1, Điều 6 Nghị định số 26/NĐ-CP của Chính phủ quy định: Vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ do cơ quan, tổ chức, cá nhân phát hiện, trình báo, bàn giao, giao nộp, thu giữ đều phải chuyển giao cho cơ quan quân sự hoặc Cơ quan Công an để xử lý theo quy định.

Điều 8 của Nghị định nêu rõ: Cơ quan quân sự, công an, UBND cấp xã trở lên có thẩm quyền tiếp nhận, thu gom vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ do cơ quan, tổ chức, cá nhân phát hiện, trình báo, bàn giao.

Pháp lệnh số 16/2011/UBTVQH12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng quy định về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

Thiên Minh - Xuân Hinh