Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Quan hệ báo chí - nghệ sĩ nhìn từ bài học "con khỉ bị thương"

14:32 | 21/06/2013

830 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sử dụng báo chí như một “công cụ” để hâm nóng tên tuổi và quảng bá cho các dự án hoạt động của mình là chuyện thường ngày của sao. Nhưng trong cái bắt tay ngầm đằng sau mỗi bài báo được đăng tải hằng ngày, hằng giờ đó có những câu chuyện bi hài khiến sao dở khóc dở cười. Cũng không phải ngẫu nhiên, nhiều nghệ sĩ đứng tuổi và có lối sống nghiêm túc càng ngày càng “né” báo giới…

Đôi bên cùng có lợi

Kể từ khi có khái niệm thị trường xuất hiện trong lĩnh vực nghệ thuật, như ca sĩ thị trường, dòng nhạc thị trường, thậm chí, tạp chí thị trường… thì cũng bắt đầu có mối quan hệ tương tác giữa báo chí và nghệ sĩ. Thời trước, nghệ sĩ lặng lẽ làm việc của mình, cả năm có khi cả đời cũng chẳng có một bài báo viết về bản thân hay sự nghiệp của bản thân.

Thời nay, với sự phát triển như vũ bão của các trang báo mạng hay mạng xã hội, nghệ sĩ tha hồ lăng-xê tên tuổi, cập nhật mọi kế hoạch, thậm chí, chiều cao cân nặng biến đổi ba vòng tới công chúng.

Không thể phủ nhận, báo chí truyền thông đã làm tốt vai trò cầu nối giữa nghệ sĩ và khán thính giả. Không thể phủ nhận, báo chí truyền thông đã góp phần “dựng” nên một số ngôi sao. Ngọc Trinh hay Hồ Ngọc Hà là những trường hợp như thế. Không hoạt động nghệ thuật một cách thường xuyên và đều đặn, nhưng tên tuổi Ngọc Trinh thì lúc nào cũng nóng hầm hập trên mặt báo.

Còn Hồ Ngọc Hà, người được xem là nữ hoàng giải trí hiện nay, cũng là kết quả của công nghệ lăng-xê, xây dựng hình ảnh của “người đàn ông sau cánh gà” một thời - nhạc sĩ Đức Trí. Từ một siêu mẫu lấn sân ca nhạc, bàn tay khéo léo của Đức Trí đã giúp Hồ Ngọc Hà có được một hình mẫu đẹp, đắt sô trên sàn diễn thị trường nhưng vẫn có chút sang trọng, chuyên nghiệp.

Hay như Đàm Vĩnh Hưng. “Ông hoàng” này có quan hệ rất mật thiết với báo giới, khéo léo và biết cách sử dụng truyền thông cho các mục đích riêng của mình.

Hồ Ngọc Hà là một trong những ngôi sao được tạo nên bởi công nghệ truyền thông

Người được xem là đứng đằng sau mọi phát ngôn hay từng bộ đồ chưng ra trước ống kính phóng viên của Ngọc Trinh - bầu T từng tiết lộ công thức chế tạo sao của mình: “Ví dụ năm nay bạn nào phát triển mạnh, một tuần phải lên báo bao nhiêu lần, đi bao nhiêu sự kiện. Nếu tuần này không có sự kiện thì phải chạy bài ra sao, hình ảnh cập nhật liên tục. Tuần nào, ngày nào cũng phải suy nghĩ phương án. Nếu trong showbiz, một cô người mẫu lên báo rất nhiều lần trong thời gian ngắn, tự nhiên khoảng 2-3 tháng không thấy là họ nghĩ ngay cô giải nghệ”.

Đó là lý do vì sao, có những nghệ sĩ chẳng làm gì cho ra hồn, chẳng có sản phẩm nào để “khoe” nhưng thỉnh thoảng vẫn phải duyên dáng nơi này, sexy chỗ kia. Tất cả nhằm mục đích nhắc công chúng nhớ rằng, họ đã và đang tồn tại trong showbiz. Còn họ làm gì để tồn tại, thì có trời mà biết.

Ngược lại, khi “bắt tay” nghệ sĩ, có không ít nhà báo trở thành “bầu”, “người phát ngôn”, “đại diện truyền thông” riêng cho sao với mức lương ngất ngưởng, nghe đâu tới 2.000USD/tháng. Và khi “bắt tay” nghệ sĩ, nhiều trang báo mạng đã câu view một cách hiệu quả bởi những hình ảnh độc quyền hay những bài phỏng vấn độc quyền nhân một scandal nào đó vừa xảy ra, cho dù là vô tình hay cố ý dàn dựng.

Ai nắm đằng lưỡi?

Với vai trò quản lý báo chí, các phóng viên (mảng văn hóa) phải luôn cập nhật chi tiết và đầy đủ các sự kiện có sự góp mặt của nghệ sĩ. Đây là nghề của họ, họ được đào tạo, trả lương để làm việc đó. Cũng bởi vì thế mà họ được sao (nhất là sao trẻ) mời làm quản lý, viết bài đánh bóng tên tuổi, và thậm chí hạ bệ, nói xấu sao khác.

Điều này vô hình trung đã biến nhà báo trở thành công cụ đúng nghĩa trong tay nghệ sĩ và biến một số tờ báo thị trường trở thành một nồi lẩu lẫn lộn trong đó các thông tin thiếu chính xác, mập mờ, lập lờ, đến mức công chúng còn chẳng biết tin vào bài báo nào, nhà báo nào nữa. Khi mà bản thân họ, đã viết, không phải vì đạo đức lương tâm nghề nghiệp, không phải vì tôn chỉ mục đích cao cả của nghề: đúng và trúng sự thật.

Chưa kể, nếu tay nghề non sẽ dẫn đến một dự án truyền thông thất bại, không những ảnh hưởng đến uy tín “gà” của mình mà còn đầy rẫy hệ lụy. Quá lạm dụng truyền thông, nhắc đến Ngọc Trinh là dư luận nhớ ngay đến một cô nàng “trán ngắn”. Hay biệt danh “cô nổ” cũng đã bị gán cho không ít nữ nghệ sĩ quen và thích khoe của, tự PR mình trên mặt báo.

Ca sĩ Việt kiều Tinna Tình từng là nạn nhân của đòn dư luận rằng cô bị HIV. Chỉ vì một vai diễn mà cô bị đồn ầm lên rồi sau đó bị đưa lên báo là nhiễm HIV khiến cô choáng váng, suy sụp một thời gian. Nó trở thành nỗi ám ảnh lớn đến mức sau này, mỗi sáng sớm khi vừa thức giấc, việc đầu tiên cô làm là lên mạng xem hôm nay “lại có ai nói gì về mình không”, xem “mình có gây nên chuyện gì không” trên mặt báo. Rất nhiều thông tin trên đó về cô khiến cả chính cô cũng phải ngạc nhiên. Nhưng tất nhiên, đã không còn quá sốc như những ngày mới về nước nữa.

Hà Anh, cô người mẫu xuất thân trong một gia đình nhà văn, nhà báo cũng không tránh khỏi vết thương do báo chí gây nên. Và cô học cách tự bảo vệ bản thân bằng cách luôn yêu cầu được xem lại tất cả các bản thảo dạng final (có đầy đủ title, sapo, box…) trước khi gửi cho tòa soạn. Cô cũng không quên gửi đồng thời các file đó cho trợ lý và luật sư riêng của mình.

Chuyện các nghệ sĩ kiện tụng báo chí không còn quá mới lạ ở Việt Nam. Thị phi và những đồn thổi của dư luận càng ngày càng nghiệt ngã, mà không ít trong số đó là do báo chí gây ra khiến một nghệ sĩ là thủ phạm của một bài báo nhưng bất cứ lúc nào cũng có thể là nạn nhân của chính con dao mà mình đã “quen” tay sử dụng này.

Chưa kể, sau khi “bắt tay” nghệ sĩ, nhiều phóng viên báo mạng trở nên lười biếng, ỉ lại. Họ quen với việc ngồi nhà, ra quán cà phê lướt web, check mail, sử dụng thông tin hình ảnh do nghệ sĩ cung cấp trực tiếp và trọn gói. Chỉ cần xào xáo đôi chút là có thể ngang nhiên đăng tải, ngang nhiên hưởng nhuận bút. Vì thế, càng ngày, trên mặt báo, độc giả dễ dàng nhận ra những bài viết có nội dung na ná nhau, thiếu hẳn nhãn quan và cái nhìn riêng của một người làm báo. Chưa dám nói đến giọng văn, cá tính…

Tới khi hộp thư của họ rỗng, không có thông tin nào mới, họ bắt đầu quay sang xăm xoi xỉa xói xem có sao nào để hở vết phẫu thuật ở… nách không? Có sao nào lộ xỉ hàm răng không? Lên mạng bây giờ rất hiếm khi thấy những bài viết nhìn nhận một cách thấu đáo, sâu sắc quá trình lao động hay là những đóng góp của nghệ sĩ. Thành Lộc từng suýt tự tử vì một vai diễn bị chê bai hết lời. Trang Trần khẳng định: chấp nhận báo chí chê, nhưng phải chê đúng.

Xin hãy nhìn những giọt mồ hôi nghệ sĩ đổ trên sàn diễn, những vết thương hay thậm chí tai nạn khi đang đóng phim. Đừng cho rằng người mẫu thì nhất định không thể có sẹo ở chân. Hay hàm răng dứt khoát không được phép không… trắng. Nghệ sĩ cũng là con người. Và làm nghệ thuật cũng là một loại hình lao động mà thôi.

Xin khép lại bài viết này bằng câu chuyện đầy ám ảnh mà MC Thanh Bạch từng chia sẻ với phóng viên PetroTimes: Ngày xửa ngày xưa, có một con khỉ bị thương, cả bầy hay tin vội đến thăm hỏi. Mỗi lần thăm hỏi, đều bảo vạch vết thương cho xem khiến vết thương vừa kéo da non lại rỉ máu! Các bầy khỉ ở khu rừng bên cạnh hay tin cũng “luân phiên” mỗi ngày vài con đến thăm như thế, cũng vạch vết thương ra xem.

Cuối cùng vì tình yêu thương của đồng loại, con khỉ bị thương đã... qua đời! Không chết vì bị thương mà chết vì sự quan tâm của bầy đàn.

Ha Ny