Phương Tây đồng loạt nhờ Nga bảo vệ đồng minh ở Syria
"Người Kurd đang ở trong tình cảnh rất khó khăn, và Tổng thống Donald Trump, khi nói chuyện với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan, cho rằng họ là những người đáng tin cậy, và chúng tôi cần đảm bảo rằng họ không bị tổn hại. Đó là những gì Mỹ đã thảo luận với Thổ Nhĩ Kỳ. Chúng tôi cũng sẽ bàn về vấn đề này với Nga, nếu cần thiết", ông Bolton nói.
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton |
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan trước đó cho biết, Ankara sẵn sàng tiến hành một chiến dịch từ phía đông sông Euphrates, cũng như tại Manbij của Syria chống lại lực lượng tự vệ người Kurd, nếu Hoa Kỳ không rút họ khỏi đó. Sau đó, ông Erdogan nói rằng ông đã quyết định hoãn chiến dịch quân sự ở Syria sau cuộc nói chuyện qua điện thoại với Tổng thống Mỹ Donald Trump vào ngày 14/12/2018, khi ông Trump tuyên bố sẽ rút quân đội Mỹ khỏi Syria.
Ankara lo ngại sắc tộc Kurd ở Syria nối kết hình thành một lãnh thổ rộng lớn sát biên giới phía nam và hậu thuẫn cho phong trào cánh tả PKK của người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ, bị xem là khủng bố. Từ năm 2016, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã hai lần tấn công lực lượng Kurd ở miền bắc Syria. Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát toàn vùng Afrin sau cuộc tấn công thứ hai vào đầu năm 2018 khiến hơn 1.500 người chết.
Chính quyền Damas mới đây thông báo gần 400 chiến binh người Kurd đã rút khỏi vùng Manbij, phía bắc, sát với Thổ Nhĩ Kỳ, sau khi quân đội Syria triển khai tại đây theo lời kêu gọi của lực lượng Kurd. Người Kurd chấp nhận để Damas triển khai quân và đặt Manbij dưới sự kiểm soát của chính quyền trung ương như trước, để tránh bị quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tấn công.
Không riêng Mỹ muốn Nga bảo vệ đồng minh người Kurd ở Syria. Ngày 2/1, Tổng thống Pháp đã điện đàm với đồng nhiệm Nga về tình hình Syria. Nguyên thủ Pháp kêu gọi Moscow bảo tồn lực lượng người Kurd, một thành phần chính trong liên minh quốc tế chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo.
Theo Điện Elysée, trong cuộc trao đổi với Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron lưu ý là cuộc chiến chống IS chưa kết thúc. Ông nhấn mạnh đến “đòi hỏi tránh mọi can thiệp gây bất ổn mới, có thể tạo thuận lợi cho các lực lượng khủng bố”. Theo Tổng thống Macron, các đồng minh của liên quân chống thánh chiến - đặc biệt là người Kurd - cần phải được bảo vệ, bởi đây là các lực lượng kiên định trong cuộc chiến chống khủng bố Hồi giáo.
Cũng trong cuộc điện đàm nói trên, Tổng thống Pháp tái khẳng định tầm quan trọng của một giải pháp chính trị nhằm kết thúc chiến tranh tại Syria. Theo ông Macron, tất cả các cường quốc liên quan cần hậu thuẫn cho một tiến trình chuyển tiếp chính trị, với “các cuộc bầu cử tự do và công bằng”. Với tư cách đồng minh chủ chốt của chính quyền Tổng thống Bachar al-Assad, Moscow đóng một vai trò quyết định trong tiến trình này. Vị thế của Nga càng quan trọng hơn, đặc biệt sau tuyên bố rút quân của tổng thống Mỹ.
Nga hiện chưa có phúc đáp gì trước những lời kêu gọi của Mỹ và Pháp.
Hồi cuối tháng 12/2018, lo ngại trước quyết định rút quân khỏi Syria của Tổng thống Donald Trump, giới lãnh đạo người thiểu số Kurd kêu gọi Nga và chính quyền Damas hãy gửi quân đến biên giới để ngăn không cho quân đội Thổ Nhĩ Kỳ kéo qua.
H.Phan
AFP
-
Cần quy định cụ thể để doanh nghiệp nhà nước tự tin sử dụng vốn
-
Ủy ban Tài chính, Ngân sách: Tán thành việc ban hành Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp
-
Nghệ thuật quân sự Việt Nam trong chiến dịch Bình Giã
-
Cần tạo sự thông thoáng cho doanh nghiệp nhà nước phát triển
-
Doanh nghiệp nhà nước phải hoạt động theo quy luật thị trường