Phụ huynh tất tả đòi lại học phí từ "trường ngoại"
>> SIBME “thay tên đổi họ” tiếp tục đào tạo trái phép
Giữa tháng 11, Công ty TNHH Melior Việt Nam (trường Melior Việt Nam), quận Phú Nhuận, TP HCM đột ngột đóng cửa, Tổng giám đốc ôm tiền bỏ trốn đã làm "náo động" ngành giáo dục. Đến nay, việc giải quyết quyền lợi cho học viên gần như vẫn là con số không, hàng trăm phụ huynh, học viên đứng trước nguy cơ mất trắng số tiền cả chục ngàn USD.
Vụ việc trên chưa qua thì những ngày đầu tháng 12 này lại nổi lên vụ Công ty TNHH Đào tạo Công nghệ Thông tin và Quản trị Kinh doanh Singapore (SIBME - gọi tắt là Công ty SIBME), sau khi bị đình chỉ hoạt động đã nhanh chóng xuất hiện với tên gọi khác là Trung tâm đào tạo Quốc tế SIBME tổ chức hoạt động trái phép bị phát hiện. Nhiều phụ huynh của trung tâm này đang tất tả đi đòi lại học phí nhưng chưa biết kết quả sẽ về đâu.
SIBME vừa bị phát hiện tiếp tục tổ chức đào tạo trái phép
Chiều 5/12, chúng tôi có cuộc tiếp xúc với anh N.V.T, ngụ ở quận 4, TP HCM, có con học tại SIBME đã hơn 2 năm nay. Anh T. cho biết, từ sau khi biết được những sai phạm của SIBME anh đã đi khắp các cơ quan chức năng để hỏi phương án giải quyết và lên Công ty SIBME để yêu cầu giải quyết quyền lợi nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả gì.
Anh T. kể lại, do muốn con có được bằng cấp nước ngoài để dễ xin việc sau này, qua xem quảng cáo anh cho con đến học tại SIBME. Theo hợp đồng ban đầu thì con anh sẽ được đào tạo hoàn tất chương trình cử nhân ngành Công nghệ Thông tin và được cấp bằng cử nhân SIBME (bên Singapore cấp) và số tiền anh phải đóng cho chương trình học này là 13.000 USD.
Nhưng đến khoảng giữa tháng 10, con anh đem về thông báo của trường đề nghị lên đăng ký lại chương trình học mới và làm lại hợp đồng, hợp đồng cũ là ký với công ty nay làm lại hợp đồng ký với trung tâm. Học phí trước anh đã đóng (hơn 6.000 USD, đã đóng vào tài khoản của công ty), nếu làm thủ tục chuyển tiếp việc học của con thì anh sẽ đóng số tiền tiếp theo cho trung tâm.
Qua đọc thông tin trên báo chí, biết được SIBME có những sai phạm trong hoạt động đào tạo và bị Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) thanh tra phát hiện, anh T. nghi ngờ về tính hợp pháp của trung tâm này vì nhận thấy cũng là chủ cũ, địa điểm cũ không có gì khác trước, tại sao lại phải đổi tên rồi chuyển đổi việc đào tạo làm gì?
Anh T. cho biết, khi anh bày tỏ thắc mắc, để trấn an anh, đại diện của SIBME giải thích rằng, tất cả các giấy tờ của trung tâm đều hợp pháp và mọi giấy tờ của SIBME Bộ GD&ĐT đều nắm rõ hết, phụ huynh có nghi ngờ gì thì có thể lên Bộ GD&ĐT kiểm chứng. Đồng thời, họ còn trấn an bằng cách gửi cho anh văn bản có đóng dấu của trung tâm trên dấu có dòng chữ “Bộ GD&ĐT”.
Văn bản có đóng dấu của Trung tâm đào tạo Quốc tế SIBME (con dấu đã bị thu hồi)
Nghe nói vậy, anh T. gửi thư lên Văn phòng Đại diện Bộ GD&ĐT tại TP HCM nhằm tìm hiểu thông tin về trung tâm mới của SIBME thì “tá hỏa” khi biết rằng Bộ GD&ĐT hoàn toàn không biết gì về sự xuất hiện của trung tâm này và trung tâm được thành lập hoàn toàn sai quy định. Đồng thời, anh cũng biết rằng mình đã bị “lừa” vì một trung tâm thì không có chức năng đào tạo mà chỉ được bồi dưỡng, dạy nghề… do đó chỉ có thể cấp chứng chỉ sơ cấp chứ không thể cấp bằng cử nhân cho con anh.
Từ đó đến nay, anh đã nhiều lần lui tới SIBME để yêu cầu giải quyết quyền lợi, nhưng đến nay vẫn chưa có lời giải thích rõ ràng từ SIBME. Theo anh T. kể lại thì bên SIBME giải thích rằng chưa thể trả lời anh phương án giải quyết vì lãnh đạo của trung tâm đã ra Hà Nội để “chạy” giấy tờ!
Một phụ huynh khác ngụ ở quận 12, cũng có con học ngành Công nghệ Thông tin ở SIBME cho biết anh vừa đóng xong tiền học phí cho con theo thủ tục chuyển đổi việc học từ Công ty SIBME sang Trung tâm SIBME và cũng đang lo lắng khi biết thông tin về những sai phạm của SIBME.
Hiện nay, rất nhiều phụ huynh phải chạy đôn chạy đáo đi đòi quyền lợi của mình. Nhiều phụ huynh bức xúc: “Chúng tôi cứ nghĩ trường từ bên Singapore hay quốc gia nào khác qua nước ta tổ chức đào tạo thì đã xin phép cơ quan chức năng mới được trưng bảng lên, quảng cáo, chiêu sinh… chứ làm sao biết được trường đó hoạt động “chui” vì không phải chỉ có 1 – 2 học viên học mà hằng ngày có cả hàng trăm học viên đến học. Như vậy, chúng tôi mới tin tưởng họ vì nghĩ làm “chui” thì sao họ tổ chức đào tạo công khai như vậy, mà lịch sử trường tồn tại cả chục năm”.
Qua việc này chúng ta nhận thấy, không thể đổ hết lỗi cho phụ huynh không tìm hiểu kỹ về trường trước khi cho con vào học mà lỗi rất lớn từ việc quản lý thiếu hiệu quả để nhiều trường tổ chức đào tạo trái phép công khai một thời gian dài mà không bị phát hiện, xử lý.
Có thể khẳng định rằng, sự quản lý chồng chéo của nhiều cơ quan ban ngành, thiếu phối hợp, thiếu trách nhiệm, không đủ năng lực thanh, kiểm tra đang tạo ra “kẽ hở” cho những sai phạm tại một số cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài hoạt động ở nước ta hiện nay.
Mai Phương
-
Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11
-
“Không có căn cứ để nói áp thuế GTGT 5% sẽ làm tăng giá phân bón”
-
Thủ tướng gặp mặt đại diện các nhà giáo tiêu biểu năm 2024
-
Chiến thắng Bình Giã: Sức mạnh toàn dân làm nên mốc son lịch sử
-
Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam - Những vấn đề lý luận và thực tiễn