Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Phúc Tường - Khi lòng biết ơn đã tròn đầy

17:20 | 04/11/2020

156 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Trao cuốn thơ Phúc Tường (NXB Hội Nhà văn, 2020) cho tôi, nhà thơ Lê Quang Sinh chỉ nói gọn, rằng đây là tập thơ anh viết, hướng về quê hương, cụ thể là bậc sinh thành, với lòng biết ơn sâu sắc (quê anh ở Nghĩa Kỳ, xã Vĩnh Hoà, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hoá). Tôi nhìn anh và nghĩ, ở tuổi lục tuần, đã đủ độ chín đến với thơ, cũng như với tình cảm sâu nặng, thì hẳn rằng, lòng biết ơn chính là biểu hiện lớn lao của người đã đạt đến hạnh phúc, an yên.

Nhà thơ Lê Quang Sinh từng xuất bản tới 15 tập thơ, đạt hai giải thưởng thơ, thì vốn nghề của anh đã dày dặn lắm. Tôi đọc thơ anh với mong muốn tìm ra một sự mới mẻ, một tư tưởng lạ, và câu chữ cuốn hút. Trái với suy đoán của tôi, thơ anh khá bình dị, thậm chí là bình thản, tĩnh lặng như thiền trong chất liệu làng quê xưa.

Những việc thường ngày, diễn ra theo thông lệ, dễ thấy, cũng được anh kể với giọng thơ túc tắc của người trưởng thành:

“Thuở nhỏ,

cha theo ông lên Phúc Tường làm thợ

gặp mẹ – Chân quê!

Ngày cưới đồng làng mùa lũ

Cá rô rạch bờ lên đê.

Ai nào biết núi Cao, núi Mọn…

Củ sắn đào non cứu đói bao nhà,

đồng Mực, đồng Đằn, cỏ lăn, cỏ lác

đỉa bám đầy quanh thắt lưng cha.”

(Bài thơ “Nghĩa Kỳ” - Tập “Phúc Tường”)

Vậy mà, ẩn sâu dưới bề mặt chữ, dưới vẻ thường thấy của cảnh đời xưa cũ, lại là những cuồn cuộn giông bão, tai ương thách thức bản lĩnh người, và vì thế, mà triết lý “Vô vi” được vận dụng nhuần nhuyễn, tới mức mọi người, mọi việc vẫn cứ vận hành tự nhiên, như nhiên, bình thản, như đã biết, đã rõ, đã chấp nhận sự dịch chuyển, biến động theo quy luật qua ngàn đời. Lê Quang Sinh khéo giấu những triết lý ấy trong những câu thơ tâm tình chuyện đời thường, rất thường như thế.

Phúc Tường - Khi lòng biết ơn đã tròn đầy
Nhà thơ Lê Quang Sinh

“Ta tựa vào thời gian dằng dặc

Nhả tơ, dệt lụa, kết hoa đăng…

Biết trên là giời, đáy sâu là vực

Lòng vẫn nao nao khát một đồng bằng.”

(Bài thơ “Vô vi” – Tập “Phúc Tường”)

Với hình ảnh ẩn dụ của dòng sông quê hương anh thời hiện đại, với chỉ 4 dòng thơ, mà Lê Quang Sinh đã vẽ trọn vẹn bức tranh quê oằn oại, khuấy tận sâu thẳm sự bất lực đè xuống đáy trước những đổi thay khó kiểm soát của sự đời:

“Con trở về nhà nếp cũ cứ vơi đi

Chim làm tổ dưới ống luồng sau chái

Đồng lộng bóng nứt khô cây cỏ cháy

Sông trước nhà đánh vật để là sông.”

(Bài thơ “Cánh đồng lồng lộng” - Tập “Phúc Tường”)

Và khi muốn giải tỏa sự tận cùng bất lực, thi nhân này uống rượu với cái bóng của chính mình. Phải chăng vẫn triết lý đó, khi cởi bỏ ham muốn, ta được tự do.

“Thôi cần chi,

Nào uống đi mày

Ồn ào quá chỉ tổ làm trăng nhạt

Rượu lắng hai ly nỗi buồn chập một

Rượu thanh tao ngâm đủ tháng ngày rồi

Tao một chén và bóng đây một chén

Một tiếng cạch thôi, nỗi buồn tan biến

Bao nhớ thương… còn tha thiết làm gì!”

(Bài thơ “Uống rượu với bóng mình” - Tập “Phúc Tường”)

Vẫn triết lý “Vô vi” đó, anh chấp nhận một chữ BUÔNG trong tâm tưởng, buông thời gian, không gian, để được tự do hành động theo nghĩa khác, để phát triển dòng ý tưởng riêng về lòng biết ơn đối với bậc sinh thành, với quê cha đất tổ, với cả những hỗn loạn hôm nay, và lấy đó làm nguồn sống, nguồn thơ lan chảy mãi.

Kiều Bích Hậu