Phóng viên ta tác nghiệp bên tây
Sau năm 1998, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) và Báo Nhân dân mới có phóng viên thường trú ở nước ngoài, nhưng số lượng cũng hạn chế ở một vài nước và khu vực lớn thôi. Tính đến nay TTXVN có 30 cơ quan thường trú ở nước ngoài với trên 80 phóng viên hoạt động ở cả 5 châu lục, còn VTV có 9 cơ quan thường trú, VOV và Báo Nhân dân mỗi nơi có 3 cơ quan thường trú.
Phóng viên Báo Năng lượng Mới tác nghiệp tại Palestine |
Trước những năm đổi mới, phóng viên thường trú ở nước ngoài được cơ quan chọn lựa và được xét duyệt kỹ càng về lý lịch và đạo đức, cũng như chuyên môn rồi TTXVN mới được cử đi làm phóng viên thường trú ở nước ngoài. Ngày nay thì đơn giản hơn, dễ dàng hơn, chỉ cần cơ quan báo chí có nhu cầu là tự quyết định cử phóng viên của mình ra nước ngoài làm việc dài hay ngắn hạn, tùy theo tình hình.
Hồi đó hầu như tất cả các phóng viên thường trú ở nước ngoài đều là nam giới và không được mang theo vợ, con. Lương bổng của phóng viên ở nước ngoài chỉ có tính chất là sinh hoạt phí nên số tiền ngoại tệ được phát hằng tháng rất thấp, nếu kể ra thì bây giờ ít ai tin nổi. Số sinh hoạt phí hằng tháng chỉ vài chục USD thôi. Ăn uống, tiêu pha tiết kiệm hết một nửa, còn một nửa để dành lâu lâu có ai về nước thì gửi về giúp gia đình chống chọi với những khó khăn thời bao cấp. Cũng có khi mua đồ dùng gì đó mà trong nước không có để gia đình dùng hoặc đem bán như xe đạp Mifa, Favorit, radio cassettes của Nhật Bản… nhằm cải thiện đời sống cho gia đình.
Anh em phóng viên đa số ở cùng nhà với sứ quán, ăn ở, sinh hoạt cùng sứ quán. Tết đến anh em thường cùng sứ quán tổ chức đi mua lợn ở ngoại thành về thịt để làm giò, chả, làm lòng lợn tiết canh ăn vào chiều 30 và 3 ngày tết. Có nhiều công việc của sứ quán phóng viên cũng tham gia và ngược lại. Chẳng hạn như việc phát hành tin tức hằng tuần của TTXVN tại Cairo và Paris một số anh em sứ quán cũng tham gia giúp đỡ khâu in ấn, phân phát tới các địa chỉ và bạn bè người nước ngoài để họ hiểu được tình hình Việt Nam thời kỳ trước và sau khi thống nhất đất nước. Phóng viên thường trú ở nước ngoài thường bám vào các trung tâm báo chí thuộc Bộ Ngoại giao hoặc Bộ Thông tin của nước sở tại để dự những cuộc họp báo, những buổi thông báo tình hình để có những tin tức về đất nước họ và khu vực.
Gặp nhau ở trung tâm báo chí, các phóng viên nước ngoài thường trao đổi tin tức với nhau về các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội của nước sở tại để có thêm các nguồn tin cụ thể hơn, chính xác hơn về những sự kiện xảy ra trên đất nước mình đang thường trú hoặc trong khu vực. Những chuyến đi địa phương do trung tâm báo chí bạn tổ chức là dịp để anh em phóng viên thường trú có dịp đi đến các địa phương, làm quen với người dân thường và hiểu rõ cuộc sống thực của họ. Ngoài ra phóng viên ta còn phải đọc các báo hoặc nghe đài, xem tivi của địa phương và khu vực bằng tiếng Anh, tiếng Pháp hoặc tiếng địa phương để nắm các thông tin khác vì báo chí cung cấp tới 60-70% những tin tức cần thiết cho phóng viên nước ngoài tại các nước mà họ thường trú.
Phương tiện truyền tin hồi trước rất khó khăn, có nơi sử dụng tín hiệu morse, có nơi soạn tin theo mật mã rồi ra bưu điện gửi về trong nước, có nơi nhờ được cơ quan Thông tấn xã Liên Xô chuyển tin bằng telex về Cơ quan TTXVN ở Moskow hoặc Berlin rồi từ đó chuyển về trong nước. Mãi đến cuối năm 1998, khi TTXVN có đường truyền qua Internet thì lúc đó phóng viên thường trú ở nước ngoài mới phát tin ảnh thường xuyên về nhà một cách dễ dàng. Tôi còn nhớ đầu năm 1998, đoàn báo chí đi theo đoàn của Thủ tướng Phan Văn Khải thăm 4 nước Tây Âu gồm Vương quốc Anh, CH Pháp, Vương quốc Bỉ, CH Áo và dự hội nghị APEC-2 tại London, chúng tôi vẫn chưa có đường truyền Internet nên phải dùng máy fax tại trung tâm báo chí của hội nghị hoặc máy fax ở khách sạn đoàn ở để phát tin về, mỗi trang tin fax về trong nước phải chi trả 2,5USD. Còn phóng viên truyền hình và phóng viên ảnh của đoàn đều phải nhờ các hãng AFP, BBC chuyển về nước qua đường dịch vụ, vừa tốn kém, vừa chậm chạp so với đường truyền Internet hiện nay.
Việc liên lạc với gia đình lại là một khó khăn nữa đối với anh em phóng viên thường trú ở nước ngoài. Trước năm 1995, phóng viên ở nước ngoài thường nhận được rất ít thư của gia đình, vợ con vì chỉ dựa vào đường công văn của Bộ Ngoại giao, mỗi năm một, hai lần, hoặc khi nào có người về và người sang thay thế thì mới gửi được thư về gia đình hoặc nhận được thư từ gia đình gửi sang. Bản thân tôi sống và công tác ở Ai Cập và Syria nhiệm kỳ 1978-1983, mỗi năm chỉ một, hai lần nhận được thư nhà và cũng chỉ gửi thư và quà cho gia đình được một, hai lần. Đến nhiệm kỳ 1987-1991 việc liên lạc với gia đình cũng chưa có gì thay đổi. Ở Paris, Moskow, Bắc Kinh thì khá hơn vì ta có nhiều đoàn ra, đoàn về nên anh em liên lạc được với gia đình nhiều hơn. Tôi nhớ khoảng từ năm sau 1994-1995 việc liên lạc bằng điện thoại với gia đình mới được phép, anh em thường trú ở nước ngoài mỗi tháng được gọi điện miễn phí về thăm gia đình một lần. Thế cũng là hạnh phúc lắm rồi khi ở xa được nghe tiếng nói của vợ con và những người thân yêu của mình mỗi tháng một lần!
Sau năm 2005, phóng viên thường trú ở nước ngoài, cán bộ ngoại giao, ngoại thương được Nhà nước cho mang theo cả vợ con đi cùng. Bản thân phóng viên được hưởng chế độ lương cao gấp hơn chục lần những năm thời bao cấp, vợ đi theo cũng được hưởng bằng nửa lương của chồng nên cuộc sống hằng ngày dễ chịu hẳn. Còn những bà vợ nào không muốn theo chồng ra nước ngoài thì cũng được một khoản trợ cấp chừng 200USD. Việc liên lạc thì quá thuận lợi cho cả phóng viên ảnh lẫn phóng viên tin qua hệ thống Internet và Intersat. Năm 1996 TTXVN lần đầu tiên cử cả nữ phóng viên ra nước ngoài công tác và giờ đây việc nữ phóng viên hoạt động ở nước ngoài mang theo phu quân là chuyện bình thường. Nhiệm kỳ của phóng viên thường trú ở nước ngoài nói chung là 3 năm, nhưng những năm trước có thể kéo dài tới 5-6 năm do yêu cầu của cơ quan. Tôi còn nhớ phóng viên TTXVN tại Paris Nguyễn Ngọc Kha phải thường trú tại Pháp tới 7-8 năm liền hoặc phóng viên TTXVN ở Bắc Kinh Lê Tư Vinh phải sống ở Trung Quốc cũng tương tự như vậy, tất nhiên cứ 2 năm một lần cơ quan cho về nước nghỉ phép 2 tháng.
Cuộc sống hằng ngày và hoạt động của phóng viên thường trú ở nước ngoài nhìn chung là khá hơn sống ở trong nước về mặt vật chất nhưng lại thiếu thốn tình cảm gia đình. Bản thân tôi khi công tác gần cuối nhiệm kỳ thứ hai tại Ai Cập cảm thấy không chịu nổi cảnh xa nhà nên đã xin ban lãnh đạo cơ quan cho về nước công tác, để anh em khác sang thay. Dù sao cũng phải thừa nhận rằng, được cử đi làm phóng viên thường trú là một vinh dự của bản thân, đồng thời cũng là trách nhiệm lớn đối với cơ quan thông tin trong nước trong việc cung cấp những tin tức hay về thế giới cho báo đài trong nước, phục vụ công cuộc xây dựng đất nước những năm khó khăn sau giải phóng và những năm đổi mới sau này. Sức ép tác nghiệp rất nặng nề vì phải chạy đua với thông tin của nước ngoài. Hoạt động của phóng viên thường trú ở nước ngoài còn là tai, là mắt của cơ quan truyền thông trong nước, góp phần xứng đáng vào mặt trận thông tin đối nội và đối ngoại của đất nước ta. Đó cũng là một binh chủng hợp thành của đội quân báo chí cách mạng Việt Nam trong mọi thời kỳ phát triển của đất nước.
Nguyễn Kim
Năng lượng Mới 533
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Tỉnh Quảng Trị có tiềm năng phát triển thành trung tâm năng lượng tái tạo
Luật Điện lực (sửa đổi) phải là “trụ đỡ” pháp lý vững chắc để năng lượng mới, năng lượng tái tạo phát triển đúng kỳ vọng
-
Kỷ luật 2 nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng
-
Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh khôi phục sản xuất nông nghiệp sau bão số 3
-
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Tỉnh Quảng Trị có tiềm năng phát triển thành trung tâm năng lượng tái tạo
-
Luật Điện lực (sửa đổi) phải là “trụ đỡ” pháp lý vững chắc để năng lượng mới, năng lượng tái tạo phát triển đúng kỳ vọng
-
[Chùm ảnh] Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm thăm và làm việc tại huyện đảo tiền tiêu Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị