Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Hoàng Việt Cường: Vẫn chưa thấy hài lòng với kết quả cải cách hành chính của ngành Hải quan
Đây là một trong những kết quả khảo sát được công bố tại Hội nghị Báo cáo Mức độ hài lòng của doanh nghiệp về việc thực hiện thủ tục hành chính xuất nhập khẩu năm 2018 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Tổng Cục Hải quan, Bộ Tài chính phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức sáng nay tại Hà Nội
Theo báo cáo này, nếu so với năm 2015, mức độ hài lòng của cộng đồng doanh nghiệp đối với ngành hải quan trong năm 2018 đã được cải thiện đáng kể ở hầu hết các nội dung khảo sát.
Hội nghị Công bố Báo cáo Mức độ hài lòng của doanh nghiệp về thực hiện thủ tục hành chính xuất nhập khẩu |
Cụ thể về chất lượng thông tin, khi tiếp cận thông tin thủ tục hành chính hải quan, 91% doanh nghiệp được khảo sát đã đánh giá thông tin cơ quan hải quan cung cấp là thống nhất, 90% doanh nghiệp tham gia trả lời đánh giá thông tin thủ tục hành chính sẵn có, dễ tìm. So với số liệu năm 2015, 2 tỷ lệ này lần lượt là 77% và 81%.
Về thực hiện các thủ tục hành chính hải quan, kết quả khảo sát doanh nghiệp năm 2018 cho thấy tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn khi thực hiện các thủ tục (% khó và rất khó) giảm đáng kể so với năm 2015. Điển hình như thủ tục kiểm tra hồ sơ và kiểm tra thực tế hàng hóa trong thủ tục thông quan, tỷ lệ này là 6% (2015 là 11%) và 14% (năm 2015 là 21%). Tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục hoàn thuế, không thu thuế là 23% so với năm 2015 là 31%.
Ông Hoàng Việt Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hai quan cho biết: “Khi gặp khó khăn trong thực hiện thủ tục hành chính hải quan, trong 2.907 doanh nghiệp trả lời thì có tới 85% doanh nghiệp cho biết tìm đến sự hỗ trợ của cơ quan hải quan. Đánh giá của doanh nghiệp cũng khá tích cực khi có tới 79% đánh giá sự hỗ trợ của cơ quan hải quan “phần lớn và hoàn toàn” kịp thời. Ngoài ra, đáng chú ý, có tới 84% doanh nghiệp cho biết sự hỗ trợ của cơ quan hải quan là phần lớn hoặc hoàn toàn hiệu quả”.
Tuy nhiên, điều đáng nói hơn cả là việc ứng dụng công nghệ thông tin và dịch vụ công trực tuyến tối đa trong việc khai báo từ xa, khai báo qua điện tử, thanh toán điện tử… trong thực hiện các thủ tục hải quan. Ông Cường cho biết, đã có 171/181 thủ tục được thực hiện điện tử, đạt 94%. Hay ngành hải quan hiện đã liên kết với 38 ngân hàng để thanh toán thuế điện tử, trong đó có 24 ngân hàng thanh toán 24/7.
Ảnh minh họa |
Cũng nhờ áp dụng tối đa hình thức này mà theo ông Cường thời gian nộp tiền thuế từ doanh nghiệp đến Hải quan giảm hẳn. Và thành tích cụ thể trong năm 2018 là đã thu được 214.000 tỷ đồng tiền thuế, trong đó 95% doanh nghiệp thanh toán thuế qua ngân hàng.
Một điểm nữa cũng đáng chú ý là việc phiền hà, nhũng nhiễu doanh nghiệp của một số cán bộ hải quan cũng đã giảm thông qua chi phí ngoài quy định của doanh nghiệp không còn nhiều. Chỉ có 18% doanh nghiệp cho rằng phải chi phí ngoài quy định. Trong khi năm 2015 có tới 28%. 56% doanh nghiệp trả lời không phải trả chi phí ngoài quy định. Năm 2015, con số này là 37%.
Tỷ lệ doanh nghiệp bị phân biệt đối xử khi không chi trả chi phí không chính thức cũng có sự thay đổi khi năm 2018 chỉ còn 15% so với năm 2015 là 31%.
Về vấn đề này, ông Cường cho biết, Tổng cục Hải quan đã định danh 300 hành vi gây phiền hà, nhũng nhiễu mà cán bộ hải quan có thể thực hiện để trên cơ sở đó, kiểm tra, đánh giá chất lượng cán bộ, cải cách, hoàn thiện công tác hải quan một cách bền vững, hiệu quả.
Phát biểu tại Hội nghị, Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) cũng đánh giá, mặc dù đạt được kết quả khả quan như vậy trong cải cách thủ tục hành chính, ngành hải quan cần tiếp tục làm hài lòng doanh nghiệp để lấy đó làm điểm tựa đẩy mạnh cải cách hơn nữa.
“Phải thực hiện cắt giảm 50% thủ tục kiểm tra chuyên ngành và cao hơn nữa. Thực hiện quản lý rủi ro trong xuất nhập khẩu, thực hiện mạnh mẽ ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động xuất nhập khẩu… là những giải pháp cần thúc đẩy mạnh hơn nữa”, ông Lộc đề nghị.
Đề cập đến hạn chế về thủ tục xuất nhập khẩu, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế của VCCI cũng cho rằng, 25% doanh nghiệp được khảo sát, phản ánh mặc dù đã thực hiện thủ tục trên Cổng thông tin một cửa Quốc gia nhưng cơ quan chức năng vẫn yêu cầu nộp chứng từ, giấy tờ… Hệ thống công nghệ thông tin thì thường bị lỗi mạng; khó tra cứu kết quả; thủ tục chồng chéo… Cho nên Tổng cục Hải quan phải khắc phục các vấn đề này.
Ngoài ra, ông Đậu Anh Tuấn cho biết thêm, có 70% doanh nghiệp mong muốn ngành Hải quan và các cơ quan nhà nước có liên quan cần đơn giản hóa thủ tục hành chính; 53% doanh nghiệp cho rằng cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính; 48% đề nghị cần tăng cường quan hệ đối tác hải quan – doanh nghiệp; 45% mong muốn tăng cường công khai minh bạch trong quá trình thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu…
Ông Hoàng Việt Cường chia sẻ: “Với những kết quả đạt được, thực sự ngành hải quan vẫn chưa thấy hài lòng vì một số nơi, một số địa phương vẫn còn những cán bộ công chức chưa thực hiện đúng quy định, gây điều tiếng, ảnh hưởng đến ngành. Vì vậy, từ những công bố đánh giá mức độ chỉ số hài lòng của doanh nghiệp, trong thời gian tới, ngành hải quan sẽ không ngừng cải thiện thủ tục hành chính, tiếp tục cắt giảm điều kiện kinh doanh để tạo điều kiện tốt hơn nữa cho hoạt động của các doanh nghiệp…
Tú Anh
-
Cải cách Thuế - Hải quan vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp
-
Tăng cường kiểm soát phương tiện vận tải đường bộ nước ngoài tạm nhập, tái xuất
-
6 tháng đầu năm, nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc tăng 17 tỷ USD
-
6 tháng đầu năm, xuất khẩu xăng dầu sang Lào tăng 40%
-
Xuất khẩu suy giảm, cán cân thương mại hàng hóa thâm hụt hơn 2,6 tỷ USD