Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Nhà nước tạo mọi điều kiện để người dân có chỗ ở
Sau khi nghe Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh báo cáo về Đề án Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội (Đề án) và một số nội dung quan trọng của Đề án, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nêu rõ: Đảng, Nhà nước, Chính phủ rất quan tâm đến vấn đề nhà ở cho người dân. Hiến pháp năm 2013 cũng quy định về “quyền có nơi ở hợp pháp”, “quyền sở hữu về nhà ở” của người dân và “Nhà nước có chính sách phát triển nhà ở tạo điều kiện để mọi người có chỗ ở”. Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều cuộc họp, đặc biệt với các địa phương, doanh nghiệp có nhu cầu nhà ở cho công nhân, doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nghe Bộ Xây dựng báo cáo về đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội |
Theo Phó Thủ tướng, việc thực hiện Đề án không chỉ gói gọn ở con số 1 triệu căn nhà ở xã hội, vì hiện nay còn hàng chục triệu người có nhu cầu về nhà ở. Mục tiêu dài hạn, tổng thể của Đề án là phải nâng cao thứ hạng của Việt Nam trong bảo đảm quyền tiếp cận nhà ở của người dân. Trong từng giai đoạn, cần đề ra mục tiêu cụ thể như xây ký túc xá cho sinh viên, nhà ở xã hội cho công nhân khu công nghiệp, nhà ở nhóm người yếu thế… từ đó, đưa ra các giải pháp, chính sách, phân bổ nguồn lực ưu tiên, phù hợp.
“Cần có kế hoạch, lộ trình bài bản để giải quyết nhu cầu tiếp cận nhà ở của mọi người dân như Hiến pháp đã quy định”, Phó Thủ tướng nhắc lại và yêu cầu nghiên cứu, đánh giá đầy đủ nhu cầu nhà ở của người dân, nhất là công nhân, người lao động có thu nhập thấp, đối tượng yếu thế, phù hợp với thông lệ quốc tế. Trong đó, cần tính đến mức thu nhập phổ biến của người lao động và khả năng có thể mua nhà ở xã hội.
“Nhà nước phải bảo đảm giá nhà ở phù hợp với thu nhập của người dân. Đây là vấn đề không chỉ liên quan đến Bộ Xây dựng mà cả Bộ TN&MT, Ngân hàng… Do vậy, các bộ, ngành cần nghiên cứu chính sách để công nhân, người lao động có việc làm, thu nhập ổn định được vay tiền để mua nhà, thuê nhà… với mức lãi suất thấp”, Phó Thủ tướng đề nghị.
Những khó khăn về cơ chế, chính sách phát triển nhà ở xã hội cần được khẩn trương tháo gỡ theo hướng Nhà nước giữ vai trò dẫn dắt, tạo điều kiện thuận lợi, ưu đãi về hạ tầng, đất đai, tài chính… cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia xây dựng nhà ở xã hội, “lấy đầu tư công về hạ tầng cơ bản để dẫn dắt, thu hút đầu tư tư”.
Các dự án nhà ở xã hội cần được tính toán đồng bộ, dự báo chính xác để đưa vào quy hoạch đất đai, quy hoạch xây dựng và phát triển đô thị.
Quy hoạch các khu công nghiệp phải đi kèm với quy hoạch, quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân để có thể hình thành khu đô thị mới với đầy đủ cơ sở hạ tầng. Doanh nghiệp Thực hiện các dự án nhà ở xã hội có đủ năng lực, bảo đảm yêu cầu tiến độ, chất lượng. Chính sách thuê, mua nhà ở xã hội cần linh hoạt để công nhân gắn bó với doanh nghiệp.
Huy Tùng (t/h)
-
Dự đoán hoạt động lọc dầu của Trung Quốc trong phần còn lại của năm 2024
-
Tin Thị trường: Một loạt những yếu tố có thể tác động tới giá dầu thế giới
-
OPEC+ nhất trí hoãn tăng sản lượng dầu
-
Bản tin Năng lượng Quốc tế 4/11: Các công ty năng lượng Mỹ kêu gọi tính nhất quán trước thềm bầu cử
-
Tôn vinh Doanh nghiệp đạt chuẩn Văn hóa kinh doanh năm 2024