Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Phim Việt đang dần tự thay đổi

22:08 | 02/12/2017

Theo dõi PetroTimes trên
|
Sau khi phim “Cô Ba Sài Gòn” gây ấn tượng với khán giả vì đề tài độc đáo, cách kể chuyện mới lạ, điện ảnh Việt đang dần tự thay đổi mình để có những tác phẩm có chất lượng, đáp ứng thị hiếu của khán giả và cạnh tranh với những bộ phim “bom tấn” quốc tế.

Nội dung của bộ phim “Cô Ba Sài Gòn” của nhà sản xuất Ngô Thanh Vân xoay quanh Như Ý, cô con gái duy nhất của cửa hiệu may áo dài gia truyền nổi tiếng nhất Sài Gòn Thanh Nữ. Tuy được kỳ vọng sẽ là truyền nhân đời thứ mười của dòng họ, Như Ý không hề thích và cũng không biết may áo dài. Chính điều này khiến Như Ý và mẹ cô xảy ra mâu thuẫn.

Đưa tà áo dài truyền thống lên màn ảnh rộng, phim “Cô Ba Sài Gòn” truyền thông điệp đến đông đảo khán giả, mong muốn gìn giữ, bảo tồn văn hóa lâu đời của dân tộc. Đây chính là điều khiến khán giả bất ngờ và góp phần “hút khách” đến rạp của bộ phim, bởi ở góc độ nào đó, bộ phim đã dung hòa được yếu tố nghệ thuật và yếu tố thương mại. Dù được đánh giá là đề tài “khó nhằn”, song sự lựa chọn táo bạo của nhà sản xuất Ngô Thanh Vân cùng ê-kíp đã nhận được sự chào đón từ phía khán giả, nhất là đối tượng khán giả trẻ.

phim viet dang dan tu thay doi
Một cảnh trong phim "Cô Ba Sài Gòn"

Ngoài đề tài về áo dài có tính mới lạ, bộ phim “Cô Ba Sài Gòn” còn gây ấn tượng ở cách thể hiện và yếu tố “xuyên thời gian”. Có thể nói, việc đưa nhân vật từ không gian hoặc thời gian này sang không gian, thời gian khác không phải điều quá mới mẻ đối với điện ảnh thế giới, song ở Việt Nam, “Cô Ba Sài Gòn” là tác phẩm đầu tiên đưa yếu tố này vào phim.

Mang đậm màu sắc dân tộc là điểm chung của những bộ phim của Ngô Thanh Vân sản xuất. Cô luôn cố gắng khai thác triệt để chất liệu Việt để tạo nên sức hút các tác phẩm, từ câu chuyện cổ tích Tấm Cám trở thành cảm hứng cho phim “Tấm Cám: Chuyện chưa kể”, ngày lễ cổ truyền Việt Nam trong “Về quê ăn tết” hay hơi thở Sài Gòn và tà áo dài truyền thống ở “Cô Ba Sài Gòn”. Chính sự mới mẻ, độc đáo của kịch bản, cách kể chuyện … đã giúp Ngô Thanh Vân “chiến thắng” cả doanh thu lẫn trong lòng khán giả.

Sau “Cô Ba Sài Gòn”, bộ phim đang thu hút được sự quan tâm của khán giả chính là “Mẹ chồng” của đạo diễn Lý Minh Thắng. Nội dung bộ phim là cuộc chiến không khoan nhượng, một mất một còn giữa mẹ chồng - nàng dâu. Dù là đề tài không mới đối với mảng phim truyền hình, song với mảng điện ảnh, “Mẹ chồng” lại là “món lạ” dành cho khán giả. Với kịch bản vừa hiện đại, vừa hoài cổ, “Mẹ chồng” được kỳ vọng sẽ trở thành thỏi “nam châm” hút khán giả tới rạp.

Chọn chủ đề mới lạ, đạo diễn Victor Vũ khai thác cuộc phẫu thuật ghép đầu người, mang màu sắc của thể loại phim siêu anh hùng trong phim “Lôi báo”. Sau đó, đạo diễn này tiếp tục với thể loại siêu nhiên, ly kỳ qua phim “Người bất tử” nói về Hùng, một người sống qua 3 thế kỷ với những thăng trầm và bí ẩn.

Ngoài ra, một số bộ phim ra rạp trong thời gian sắp tới cũng khai thác yếu tố mới lạ như “Hoán đổi” của đạo diễn Võ Thanh Hòa nói về việc đổi linh hồn hay “Bí mật đảo Linh Xà” thuộc thể loại giả tưởng, hành động...

Có thể nhận thấy, thời gian gần đây điện ảnh Việt đang tràn ngập những bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết nổi tiếng, phim “remake”. Chính vì thế, những bộ phim có kịch bản mới lạ, sử dụng đề tài mới lạ như truyền thuyết, dân gian, mối quan hệ trong gia đình được thể hiện theo cách riêng của đạo diễn đã thực sự thu hút và giúp khán giả “đổi món”.

Các đạo diễn, nhà sản xuất đang dần tự thay đổi mình, sáng tạo những đề tài hút khách cùng cách kể chuyện mang dấu ấn của đạo diễn nhằm cạnh tranh trong “cuộc đua” doanh thu.

Phim Việt vẫn thường bị “phàn nàn” khi vướng phải điểm yếu cố hữu ở khâu kịch bản, khiến bộ phim không mới lạ, độc đáo. Tuy nhiên, có thể thấy các đạo diễn, nhà sản xuất đang dần tự thay đổi mình, sáng tạo những đề tài “hút khách” cùng cách kể chuyện mang dấu ấn của đạo diễn nhằm cạnh tranh trong “cuộc đua” doanh thu.

Ngoài ra, nhiều bộ phim cũng đang có sự thay đổi mạnh mẽ ở cả kỹ thuật quay, chất lượng hình ảnh, âm nhạc trong phim, đặc biệt là sau thành công của những bộ phim “đẹp” cả về hình thức lẫn nội dung như “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” hay “Em là bà nội của anh”.

Sáng tạo là điều cần thiết, nhất là trong lĩnh vực điện ảnh, song nếu sự sáng tạo không phù hợp với thị hiếu của khán giả thì rất dễ tạo phản ứng ngược. Còn nhớ, năm 2016, bộ phim “Fan cuồng” khai thác chủ đề rock Việt, cùng sự xuất hiện của “ông hoàng phòng vé” Thái Hòa nhưng vẫn thất thu vì không được khán giả chú ý. Chính điều này cũng khiến nhiều nhà sản xuất “e dè” khi tìm kiếm những đề tài mới, thậm chí có người chờ đợi trào lưu để sản xuất như trường hợp của dòng phim hài nhảm. Tuy nhiên, muốn thành công với điện ảnh, các nhà làm phim phải luôn tự đổi mới, sáng tạo không ngừng, bởi chính sự mới lạ, độc đáo mới là “chiêu” câu khách lâu dài và hiệu quả nhất.

Vương Thanh