Phía sau những liệt sĩ Trường Sa
Năng lượng Mới số 303
Mẹ già mờ mắt… chờ con!
Chúng tôi tìm về Nghi Yên và Nghi Tiến thuộc huyện Nghi Lộc vào một ngày đầu năm, khi ruộng lúa, vườn lạc đang xanh tươi mơn mởn. Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà tình nghĩa do Vietsovpetro trao tặng, ông Đậu Xuân Thuốt (92 tuổi) và bà Nguyễn Thị Nhơn (83 tuổi) - những người sinh ra liệt sĩ Đậu Xuân Tư không ngăn nổi những giọt nước mắt lăn tròn trên khuôn mặt. Sống với nhau đã trên 50 năm, ông bà sinh được 5 người con cả trai lẫn gái nhưng nay chỉ còn lại người con trai út. Hai người là liệt sĩ (ngoài anh Tư còn có anh Đậu Xuân Chân hy sinh tại mặt trận phía nam), còn hai người khác mất do ốm đau và tai nạn.
Kể chuyện về anh Tư, bà Nhơn không giấu được nỗi ngậm ngùi: “Nó là đứa con thứ 4 nên vợ chồng tôi đặt luôn tên Tư. Lúc nó còn nhỏ, cuộc sống gia đình vất vả, nghèo khó lắm. Thương bố mẹ, thằng Tư xin nghỉ học sớm để đỡ đần công việc gia đình. Năm 1985, khi vừa tròn 20 tuổi, nó lên đường nhập ngũ, đơn vị đóng ngoài Hải Phòng”. Trong những lá thư gửi về thăm hỏi tình hình bố mẹ và các anh chị em, anh Đậu Xuân Tư cho biết mình được bổ sung vào Quân chủng Hải quân, thường xuyên huấn luyện và luôn ở trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Bức thư cuối cùng anh Tư gửi ông Thuốt, bà Nhơn nhận được vào dịp đầu năm 1988, không phải do bưu tá chuyển về mà từ tay của một người ở xóm bên cạnh. Người ấy cho biết lúc sáng dong trâu ra đồng nhặt được bức thư này liền đem đến cho ông bà.
Vợ chồng ông Thuốt, bà Nhơn bên kỷ vật của con trai (liệt sĩ Đậu Xuân Tư)
Qua thư, Đậu Xuân Tư cho biết là anh sắp được đứng vào hàng ngũ Đảng, có khả năng được phục vụ lâu dài trong quân đội. Lần này, anh được lệnh cơ động vào phía nam sẵn sàng nhận nhiệm vụ. Thời gian gấp gáp, anh không thể thu xếp về thăm nhà, trên đường hành quân, anh tranh thủ ghi mấy dòng và chờ xe đi qua địa bàn xã Nghi Yên để thả xuống, mong ai đó nhặt được sẽ chuyển đến tay bố mẹ mình. “Suốt 3 năm trong quân ngũ, thằng Tư không về thăm gia đình lần nào, chỉ gửi về mấy bức thư thăm hỏi” - bà Nhơn nói trong nước mắt.
Mấy tháng sau, gia đình ông Thuốt hay tin anh Đậu Xuân Tư đã hy sinh ở quần đảo Trường Sa. Ông Thuốt trở nên đờ đẫn rồi ốm thập tử nhất sinh. Còn bà Nhơn - người rứt ruột đẻ ra anh Tư khóc đến mức tưởng chừng như cạn hết nước mắt. Bà khóc vì thương đứa con trai của mình đã ngã xuống ngoài khơi xa, thân xác đang hòa mình vào mênh mông biển cả. Nỗi đau này quá lớn, gần như quá sức chịu đựng của một người mẹ, bởi trước đó một người con của bà đã hy sinh, hai người khác cũng đã chết vì tai nạn và đau ốm. Đến nay, sau hơn 1/4 thế kỷ, đôi mắt người mẹ đã không còn nhận diện được nguồn ánh sáng...
Về cuối đời, nỗi đau của ông Thuốt, bà Nhơn phần nào được an ủi và vơi đi chút ít khi vào năm 2009, gia đình nhận được biên bản giám định hài cốt liệt sĩ. Trong đó có đoạn: “Ngày 10/8/2008 Quân chủng Hải quân phát hiện một xác tàu vận tải quân sự bị đắm ở khu vực quần đảo Trường Sa chìm ở độ sâu 21m, cách phía nam đảo Cô Lin của ta 3,72 hải lý và cách phía tây đảo Gạc Ma do Trung Quốc chiếm giữ trái phép 1 hải lý. Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân nhận định xác tàu vận tải quân sự bị đắm nói trên là tàu HQ-604 của Lữ đoàn 125 Hải quân đã bị chìm trong cuộc chiến đấu với Hải quân Trung Quốc ngày 14/3/1988. Trong tổng số 56 liệt sĩ hy sinh trên tàu HQ-604 khi tàu bị chìm chưa kịp thoát ra ngoài nên hài cốt còn lại trong tàu...”. Và biên bản giám định kết luận: “Từ kết quả giám định hình thái và giám định gen, chúng tôi đi tới kết luận: Các mẫu xương mang ký hiệu S3, TL2 là hài cốt của liệt sĩ Đậu Xuân Tư”.
Người cha ngỡ… hóa đá!
Rời xã Nghi Yên, chúng tôi men theo dãy núi ven biển đến xóm 10, xã Nghi Tiến, quê hương của liệt sĩ Hồ Văn Nuôi. Sống một mình trong ngôi nhà tình nghĩa, dù đã bước qua độ tuổi 80 nhưng bà Lưu Thị Linh (mẹ liệt sĩ Hồ Văn Nuôi) vẫn tự lo liệu được cuộc sống của mình. Bà có 7 người con, anh Nuôi là con thứ 5 trong gia đình, những người còn lại hầu hết đều lấy chồng, lấy vợ và lập nghiệp ở phương xa, chỉ có anh Hồ Văn Hoan (con út) sống gần bà. Bà Linh kể: “Thằng Nuôi sinh năm 1967, vừa nghỉ học để đi biển, giúp đỡ bố mẹ nuôi em ăn học thì có giấy gọi lên đường nhập ngũ, năm đó nó đúng 18 tuổi. Thời gian trong quân ngũ, thằng Nuôi có về phép một lần để giúp bố mẹ sửa lại mái ngói, trồng thêm cây sau vườn. Hết phép, nó từ biệt gia đình để trở lại đơn vị, không ngờ lần đó nó ra đi mãi mãi...”.
Bức thư liệt sĩ Phan Huy Sơn gửi vợ trước ngày lên tàu ra đảo
Và cũng như 63 ông bố, bà mẹ khác có con hy sinh trong trận Hải chiến Trường Sa (ngày 14/3/1988), vợ chồng ông Thịnh và bà Linh dường như không thể tin nổi khi cầm trên tay tờ giấy báo tử. Nỗi thương con đã khiến ông Thịnh trở thành người mất trí. Đang làm cán bộ địa phương, ông nghỉ việc và đi lang thang dọc bờ biển. Ai gặp và hỏi chuyện ông chỉ có đúng một câu trả lời: “Đi tìm thằng Nuôi”.
Trở về, người bố ấy lục tung nhà để tìm những kỷ vật của con trai, nào áo quần, sách vở, thư từ chất thành một đống và đốt sạch, theo ông thì “đốt để gọi thằng Nuôi về”. Vào những buổi chiều biển động, gió thổi ầm ào, muôn nghìn con sóng tung lên như giận dữ, ông Thịnh lại chạy ra bờ biển gào tên con: “Nuôi ơi! Về đi con, biển động rồi!”. Tiếng gọi ấy bị sóng gió át đi, ông lại leo lên vách núi, ngồi dõi về phía khơi xa. Có lúc, người dân Nghi Tiến ngỡ rằng người bố ấy đã hóa đá.
Một ngày, ông Thịnh nói với vợ và các con: “Thằng Nuôi đang ở xa, tôi phải đi tìm nó”. Cứ tưởng bình thường như mọi ngày nên bà Linh và các con không ngăn cản. Nào ngờ, tối không thấy ông về, mấy ngày sau vẫn vậy. Một thời gian sau mới tìm thấy ông đang đi lang thang ở Quỳ Châu - một huyện vùng cao phía tây nhưng một mực không chịu về nhà, vì: “Chưa tìm được thằng Nuôi”. Nỗi đau mất con và nắng gió cuộc đời đã làm tấm thân ông tiều tụy, sức tàn lực kiệt và ngã gục. Ông Thịnh mất ở Quỳ Châu năm 1992, sau 4 năm lang thang khắp nơi mọi chốn để tìm người con đã hóa thân nơi biển cả bao la.
Trước tình cảnh ấy, bà Linh xác định phải kìm nén nỗi đau để tiếp tục sống và gánh vác việc gia đình. Những lúc nỗi thương con như cồn cào trong gan ruột, bà lại một mình lặng lẽ đi dọc theo bãi biển, nơi bà thường ra đón anh sau mỗi chuyến đi biển. Những lúc khắp người đau nhức, đầu óc quay cuồng tưởng như sẽ gục ngã nhưng bà vẫn gắng gượng để sống, sống để đợi chờ một điều gì đó. Và rồi, một ngày vào năm 2009, bà nhận được biên bản giám định hài cốt liệt sĩ kết luận: “Mẫu xương mang ký hiệu S11 là hài cốt của liệt sĩ Hồ Văn Nuôi”. Sau đó, hài cốt anh Nuôi được đưa về an táng tại nghĩa trang quê nhà. Lúc này, bà Linh mới nhận thấy rằng, đây chính là điều bao năm nay bà gắng sống để chờ đợi.
Người vợ và nỗi đau vượt trùng khơi
Lần theo địa chỉ, chúng tôi về xóm 2, xã Diễn Nguyên (Diễn Châu) để gặp chị Trần Thị Ninh (sinh 1963). Đang cặm cụi làm cỏ lúa, chị tạm gác lại công việc và dẫn khách về nhà. Ngôi nhà nhỏ nhắn nhưng vững chãi, đó là món quà tình nghĩa của Quân chủng Hải quân dành tặng mẹ con chị. Bên chiếc bàn gỗ đơn sơ, chúng tôi ngỏ ý muốn tìm hiểu thêm về liệt sĩ Phan Huy Sơn. Chưa nói được lời nào, những dòng nước mắt đã chảy tràn trên khuôn mặt khắc khổ và đen sạm vì nắng gió. Tưởng chừng như bao nỗi nhớ thương và khổ đau trong 26 năm qua đã dồn nén, tích tụ thành những giọt nước mắt để giây phút ấy tuôn rơi. Sau giây phút xúc động, lấy lại được sự bình tĩnh, chị Ninh kể chúng tôi nghe về mối tình của chị với liệt sĩ Phan Huy Sơn.
Học xong cấp 3, được sự đồng ý của gia đình hai bên, đám cưới của anh chị được tổ chức vào một ngày cuối năm 1981. Đầu tháng 2/1982, anh Sơn lên đường nhập ngũ. Ngày chia tay, đôi vợ chồng trẻ quyến luyến như không muốn rời xa, bởi vợ chồng vừa mới quen hơi đã phải chia ly, nhung nhớ. Chiếc xe chở tân binh bắt đầu lăn bánh và khuất dần sau lũy tre làng, chị Ninh vẫn dõi theo bàn tay người chồng yêu thương đang vẫy chào những người ở lại. Tiễn chồng vào quân ngũ, chị lại trở về thực hiện phận sự dâu con, với cánh đồng đầy nắng gió.
Bà Lưu Thị Linh (mẹ liệt sĩ Hồ Văn Nuôi)
Sau khi nhập ngũ, anh Phan Huy Sơn được bổ sung vào Quân chủng Hải quân. Học xong lớp y sĩ quân y, anh được điều động ra đảo Song Tử Tây thuộc quần đảo Trường Sa. 2 năm sau kể từ ngày nhập ngũ, anh Sơn được trở về thăm gia đình. Khỏi phải nói đến niềm vui sướng hạnh phúc và tình cảm dạt dào của đôi vợ chồng trẻ sau 2 năm xa cách, điều mà cho đến nay chị Ninh vẫn cất giữ vẹn nguyên trong ký ức để giúp chị đứng vững mỗi khi gặp phải sóng gió cuộc đời. Và điều đáng mừng nhất là sau lần về phép này của anh Sơn, chị Ninh nhận thấy trong con người mình có một mầm sống mới đang hình thành. Từ đảo xa nhận được tin này, anh Sơn hạnh phúc và sung sướng đến phát khóc.
Trong thư anh kể rằng, khi cầm bức thư báo tin mừng của người vợ yêu dấu, anh hò reo như một đứa trẻ lâu ngày được gặp mẹ. Bức thư được chuyền tay khắp đơn vị, đồng đội cùng ăn mừng bằng cách mổ thịt một cơn lợn mới nhận từ đất liền gửi ra. Đêm đó, anh em cán bộ, chiến sĩ đảo Song Tử Tây đàn hát đến tận khuya, những con sóng Trường Sa cũng bắt nhịp để chia vui với người lính đảo. Nhưng điều không may lại xảy đến, từ lúc chào đời, bé Phan Huy Hà - con trai đầu lòng của anh chị đã bị dị tật, não phát triển không bình thường, thân hình quặt quẹo. Nhưng mỗi khi thư từ qua lại, anh chị thường động viên nhau rằng đó là giọt máu của chính mình, là đứa con mình dứt ruột đẻ ra nên dù thế nào cũng phải yêu quý nó. Thương nhớ anh, chị dồn hết tình cảm vào việc chăm sóc bé Huy Hà.
4 năm sau, anh Phan Huy Sơn được về phép lần thứ 2, đó là dịp sau tết Nguyên đán năm 1988. Thông thường, kỳ nghỉ phép kéo dài tới 15 ngày nhưng mới hơn một tuần, anh liên tục nhận được 3 bức điện từ đơn vị vào quân cảng Cam Ranh gấp để ra đảo làm nhiệm vụ. Nhận được điện, anh Sơn lập tức thu xếp việc gia đình để lên đường. Vào một ngày trung tuần tháng 3/1988, khi đang làm cỏ trên đồng làng, tình cờ chị Ninh nghe Đài Tiếng nói Việt Nam (qua loa công cộng) phát thông tin ngày 14/3, có 3 chiếc tàu của Hải quân Nhân dân Việt Nam bị đắm ở vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa, khoảng 70 cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ. Bấm đốt ngón tay tính từ ngày chồng ra đi đến ngày xảy ra tai nạn, chị sững sờ vì linh tính mách bảo việc anh Sơn có mặt trên 1 trong 3 chiếc tàu bị đắm ấy.
Và thật trớ trêu, mấy ngày sau chị nhận được bức thư anh viết vào ngày 9/3/1988, tức là trước lúc anh lên tàu 1 hoặc 2 ngày và trước lúc hy sinh 5 ngày. Trải qua hơn 1/4 thế kỷ, nét chữ anh Sơn vẫn còn rõ ràng, chỉ có điều bức thư đã bị rách một vài chỗ do gấp đi gấp lại nhiều lần hoặc có thể do những dòng nước mắt của chị Ninh tuôn rơi làm cho giấy ướt và rách dần. Lời mở đầu anh Sơn viết: “Ninh em thương! Như vậy là anh đã xa em và con được mấy ngày. Lòng nhớ em và con khôn xiết. Trên đường đi vào an toàn. Hiện nay anh chuẩn bị ra đảo nhưng chưa rõ đảo nào.
Chị Trần Thị Ninh bên những kỷ vật của chồng
Trước khi ra đi anh chúc 2 mẹ con trẻ - khỏe - yên tâm và hạnh phúc!”. Tiếp đến là những lời dặn dò người vợ trẻ: “Theo như đã nói với em khi ở nhà, anh gửi em 1 quần pho, 1 tấm vải xẹc (em đóng áo mà mặc), 2 gói mỳ chính (ngoại 1 gói + nội 1 gói) để em và con dùng và 50 nghìn đồng để em bồi dưỡng lúc sinh đẻ hoặc mua cái gì đó để làm vốn. Tiền anh gói trong tấm vải bộ đội. Gửi cho mẹ 10 nghìn đồng, tiền anh bỏ trong cái áo trắng dài, khi đưa cho mẹ em bảo là anh gửi về để mẹ và bố mua thêm thức ăn cho các chú kẻo các chú ăn đói. Gửi cho chú Giang 2,5m vải bộ đội để chú may quần hay áo tùy chú, bảo với chú đó là quà tết. Gửi cụ Bảy 2,5m vải sọc để cụ may áo. Còn anh gửi về cho em 70 viên Tê-tơ-ra-xi-lin (anh gói và bỏ trong quần pho của anh). Ninh em thương! Không phải anh quên Hà con đâu nhé, vì điều kiện quá gấp em lấy tiền mua cho con bộ áo thật tốt để Hà mặc”.
Mặt sau của bức thư bị nhòe gần hết, chúng tôi chỉ luận ra được một số đoạn, trong đó có việc nhờ chị Ninh cất giữ đồ quần áo cẩn thận và gửi lời chúc sức khỏe tới mọi người trong đại gia đình và bà con lối xóm. Ở mặt trong của chiếc phong bì có thêm mấy lời của chủ nhân: “10/3/88. Ninh em! Trước khi đi đảo anh đã gửi thêm cho em 10 nghìn đồng theo đường bưu điện. Hôm nay anh gửi quần áo cho Hà con nữa. Bưu điện sẽ báo 3 đợt: 2 đợt bưu kiện và 1 đợt tiền. Em đón nhận nghe em! Anh: Hà Sơn”.
Chị Ninh nhận thư, tiền và bưu kiện chồng được ít lâu thì đơn vị anh Sơn gửi giấy báo tử về. Chị Ninh nói: “Có lúc tôi thật sự không còn thiết sống nhưng nghĩ tới đứa con trai tật nguyền và đứa còn lại đang nằm trong bụng mẹ nên phải gắng gượng để nuôi các con, vì chúng là giọt máu của chồng”. Và trong năm đó, bé Phan Thị Trang chào đời. Chị Ninh mở cánh tủ trước ban thờ chồng cho chúng tôi xem kỷ vật của anh Sơn.
Hiện tại, chị Trần Thị Ninh vẫn tần tảo và bươn chải kiếm sống để nuôi nấng hai con. Phan Huy Hà đã gần tuổi 30 nhưng không tự lo được cho bản thân mình, dù đó là những việc nhỏ nhặt như tắm rửa, thay quần áo, thậm chí ăn cơm vẫn phải nhờ mẹ bón giúp. Còn Phan Thị Trang đã tốt nghiệp Đại học Sư phạm nhưng giờ lại tiếp tục theo học Trường cao đẳng Y tế Nghệ An.
Trước lúc chúng tôi chào tạm biệt, chị Ninh còn đưa ra “khoe” tấm ảnh vừa được xử lý bằng phần mềm photoshop. Bức ảnh ấy có đầy đủ các thành viên trong gia đình. Ngoài chị Ninh và Trang, có Huy Hà với khuôn mặt và vóc dáng bình thường. Đặc biệt, có anh Phan Huy Sơn đứng bên cạnh chị và các con, cả gia đình cùng nở nụ cười hạnh phúc. Niềm hạnh phúc ấy rất đỗi bình thường đối với nhiều gia đình, nhưng với gia đình chị Ninh thật đỗi xa xôi...
Trần Công Kiên