Phải làm rõ trách nhiệm ai cấp phép cho tòa nhà “pháo đài”
Kỳ lạ 'pháo đài' dòm xuống Lăng Bác |
PV: Là người có ý kiến vào nhiều công trình có liên quan trực tiếp đến quy hoạch và tuân thủ quy hoạch khu vực Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, trước hết xin ông làm rõ hơn những nguyên tắc “bất khả xâm phạm” về kiến trúc của khu vực này?
Ông Vũ Mão: Đúng vậy, khi công tác ở cơ quan Quốc hội, tôi từng tham gia ý kiến vào 2 dự án xây dựng lớn. Thứ nhất là dự án Tòa nhà Quốc hội mới và thứ hai là dự án xây dựng trụ sở làm việc mới của Văn phòng Quốc hội. Cả 2 kiến trúc trên đều nằm xung quanh khu vực nhà báo vừa nêu. Sau đây cho phép tôi được gọi quy hoạch quanh khu vực Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là khu trung tâm quốc gia, với tất cả lòng kính trọng đối với Bác Hồ yêu quý và cả tiền nhân.
Ở khu trung tâm có một nguyên tắc mà bất cứ người dân thủ đô nào, dù làm nghề gì và ở đâu thì cũng hiểu là không một công trình nào ở quanh khu vực này được phép cao hơn Lăng Bác. Ngay cả khái niệm “vùng cấm” xung quanh, tôi cho rằng phải ấn định chính xác, chí ít cự ly cũng phải 1km trở lên.
Tòa nhà “pháo đài” dòm xuống Lăng Bác |
Ngay cả một công trình quốc gia quan trọng như Tòa nhà Quốc hội mới, kiến trúc chưa đạt tới độ xuất sắc cũng một phần vì phải tuân thủ nguyên tắc tối cao trên. Còn vì sao lại có quy định đó thì cũng dễ hiểu thôi. Thứ nhất là lòng tôn kính với Chủ tịch Hồ Chí Minh và thứ hai là lý do quốc phòng an ninh.
PV: Báo Năng lượng Mới số 457 ra ngày 15-9 mới đây có đưa ra thông tin: Ở số 8B phố Lê Trực đang tồn tại một dự án nhà ở kết hợp văn phòng. Điều đáng nói là theo đường chim bay, từ tòa nhà này đến khuôn viên Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ trên dưới… 400m. Dường như cự ly đó đang đem lại rất nhiều bất ổn cho những ai quan tâm đến khu vực này, thưa ông?
Ông Vũ Mão: Tôi chưa được trực tiếp cầm tờ báo giấy Năng lượng Mới, nhưng tôi đã vào Trang tin điện tử PetroTimes và đọc bài báo trên. Sau khi thông tin được đăng tải rộng rãi đến độc giả, rất nhiều bạn bè của tôi, những người có trách nhiệm với xã hội, với đất nước đã gọi điện chia sẻ quan điểm của họ. Bản thân tôi cũng rất bức xúc trước hiện trạng trên.
Ông Vũ Mão |
Với Dự án Kinh Đô Tower, mỗi lần từ trung tâm thành phố đi về nhà, tôi thường đi qua khu vực Lê Trực - Kim Mã. Quả thật đã nhiều tháng qua, tôi rất ngạc nhiên vì sao trong khu đất nhỏ như vậy mà ai đó lại cho xây dựng một khu nhà cao tầng đến thế!? Ai cũng thấy vỉa hè phố Lê Trực đoạn qua dự án rất hẹp, mà hẹp như vậy thì rõ ràng về mặt thẩm mỹ (tòa nhà nói riêng), quy hoạch (chung của thành phố) rất khó đạt với một dự án nhà cao tầng. Cần nhắc lại là bản thân phố Lê Trực (mới) cũng là một đoạn phố mới mở, lòng đường và vỉa hè vô cùng chật hẹp.
Lúc đầu tôi ngỡ Kinh Đô Tower chỉ cao 7-8 tầng, tức là ngang hoặc thấp hơn so với Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tòa nhà Quốc hội mới ở gần đấy. Thế nhưng, cứ mỗi tuần, mỗi tháng đi qua, công trình lại một cao thêm và kết quả là một tòa nhà nghênh ngang như thế xuất hiện ngay khu vực trung tâm quốc gia.
PV: Vấn đề trách nhiệm của cơ quan cấp phép và nhận thức chính trị trong trường hợp này là như thế nào, thưa ông?
Ông Vũ Mão: Tôi cho rằng cần phải làm cho rõ, quy trách nhiệm thật rõ ràng, cụ thể.
Doanh nghiệp thì thôi không nói, họ làm ăn dựa trên nguyên tắc lợi nhuận. Vấn đề nằm ở chỗ cơ quan cấp phép cho dự án trên và cá nhân lãnh đạo nào ký!? Tôi đề nghị và xin nhắc lại là đề nghị làm rõ hai việc này - tổ chức nào cấp phép và cá nhân nào ký giấy cấp phép đó? Họ quá liều lĩnh, quá coi thường dư luận, coi thường tiền nhân và một vĩ nhân như Bác Hồ.
Quy hoạch tổng thể khu trung tâm thủ đô, tối thiểu bán kính phải 1km, quy hoạch rất chính tắc, quy cách, đảm bảo về mỹ quan về kiến trúc. Hồi còn làm Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, tôi đã nghiên cứu nhiều phương án xây mới Tòa nhà Quốc hội cao, đẹp, hiện đại, nhưng không thể thực hiện được vì nguyên tắc tối cao là không được phép cao hơn Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đến một công trình quan trọng như Tòa nhà Quốc hội còn phải tuân thủ nguyên tắc trên thì vì sao Kinh Đô Tower quá liều lĩnh khi dám xây một tòa nhà như vậy.
Lăng Chủ tịch Hồ Chí Mình là khu vực thiêng liêng của đất nước. Nhận thức chính trị của những người liên quan đến dự án này tỏ rõ sự non nớt, thái độ thể hiện tình cảm uống nước nhớ nguồn đối với vĩ nhân như Bác Hồ còn quá thiếu sót.
PV: Xin phép được hỏi ông, mấy ngày qua bạn bè, người quen đã nói gì với ông về dự án trên?
Ông Vũ Mão: Sau khi PetroTimes đưa thông tin trên, tôi nhận thấy dư luận rất bức xúc. Họ muốn biết chủ đầu tư có được giữ lại chiều cao như hiện tại hay không, hay xử lý như thế nào? Người cấp phép có sai không, đúng thẩm quyền chưa, xây dựng có đúng giấy phép không? Người ta sợ vụ này sẽ bị “chìm xuồng”!
Cá nhân tôi, tôi có niềm tin, trước hết là của một công dân chân chính, nghiêm túc đối với vấn đề trên. Việc tiếp theo là các bạn phải tiếp tục theo tới cùng vụ việc, không để vụ việc “chìm xuồng”. Chúng ta đang xây dựng Nhà nước pháp quyền. Ai vi phạm cần phải xử nghiêm minh. Cấp trên có thẩm quyền ở địa phương nếu không xử lý thì những người đứng đầu đất nước phải xử lý.
Quả thật, vấn đề quốc phòng, an ninh rất đáng lưu tâm. Tầm nhìn chiến lược quốc phòng và tấm lòng tôn kính Bác Hồ thì không thể có gì được phép cao hơn Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được.
PV: Nếu có một thông điệp gửi đến chủ đầu tư Dự án Kinh Đô Tower, ông sẽ nói gì?
Ông Vũ Mão: Với tất cả lòng kính trọng Chủ tịch Hồ Chí Minh, bằng cách này cách khác, chủ đầu tư hãy tìm cách hạ thấp độ cao của tòa nhà xuống. Đúng là chủ đầu tư sẽ thiệt thòi về mặt kinh tế, nhưng vì bộ mặt của đất nước, vì dân tộc, vì cái chung hãy cần phải làm như thế.
PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi và chúc ông mạnh khỏe!
Lê Tùng
Năng lượng Mới 458
-
Liên doanh dầu khí Nga - Việt đã mang về cho đất nước tỷ USD
-
Thủ tướng Phạm Minh Chính lên đường dự Hội nghị các Nhà lãnh đạo Nhóm BRICS mở rộng
-
Dự án Luật Điện lực (sửa đổi): Cần cụ thể hóa các chính sách cải cách giá điện
-
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV sẽ xem xét thông qua 15 luật và 13 dự án luật
-
Kỷ luật 2 nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng