Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Phá sản và ứng cứu

08:18 | 26/04/2012

413 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Theo số liệu của Tổng cục Thuế, trong số hơn 600.000 doanh nghiệp (DN) đã được cấp phép đăng ký kinh doanh, hiện chỉ có hơn 400.000 DN còn nộp thuế, nghĩa là còn hoạt động. Vậy còn gần 200.000 DN đi đâu, giải thể, phá sản hay dừng hoạt động? Không có lời giải tức thời! Số liệu khác lại là hơn 79.000 DN giải thể do VCCI và WB đưa ra chỉ là những DN có làm thủ tục giải thể, được chính thức ghi nhận. Hơn 120.000 DN biến mất…

Hữu sinh vô dưỡng

Không biết có nơi nào dễ thành lập DN như ở ta không? Chuyện nực cười là ông xe ôm, bà bán bún, anh đứng ở chợ người và cả cụ khiếm thị cũng có thể làm giám đốc… thuê cho một ông chủ giấu mặt. Lại có chuyện một nhà có dăm ba công ty TNHH do con rể, con dâu, cháu nội cùng làm giám đốc. Tình trạng hữu sinh vô dưỡng khiến DN ra đời như nấm sau mưa. Và lúc hữu sự thì cũng chết như ngả rạ. Không ít trong số các DN này đâu có sản xuất mà chủ yếu là buôn bán vòng vo, kể cả bán hóa đơn GTGT khống. Số giám đốc “DN cuội”, “công ty lừa” ra tòa lĩnh án nhiều vô kể, thực hiện cơ chế thoáng theo luật DN, người ta đã làm cái việc thả gà ra mà đuổi, lại bỏ qua hậu kiểm.

Ảnh minh họa: Mạnh Thắng

Hóa ra “tiền cũng buông, hậu cũng thả”. Nay thì vướng khó, số DN này sống chết ra sao, chờ hồi sau nhé! Tại TP HCM, số liệu từ Cục Thuế cho biết, trong mấy tháng đầu năm, số doanh nghiệp xin giải thể hoặc ngưng hoạt động lên tới hơn 3.000, tăng gấp 10 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Khoảng 70% dự án ở TP HCM “đắp chiếu”. Doanh nghiệp phá sản tại hai đầu tàu kinh tế cả nước là Hà Nội và TP HCM tăng đột biến gây quan ngại cho xã hội về tình trạng khó khăn kéo dài của nền kinh tế. Nếu như từ cuối năm 2011 đến nay, hàng loạt DN trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản gặp khó khăn do thị trường đóng băng, thì nay hầu như tất cả mọi ngành, nghề đều đứng trước cảnh báo suy thoái. Có thể kể đến sản xuất và xuất khẩu nông sản, dệt may, đồ gỗ, xi măng, thép…

Theo dự báo của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), ước tính trong năm nay sẽ có 20% doanh nghiệp thủy sản phải phá sản vì thị trường xuất khẩu khó khăn, khó tiếp cận vốn vay. Đại gia thủy sản Bình An đang bán cả nhà máy và một số bất động sản để trả nợ. Công ty TNHH Thủy sản An Khang (Cần Thơ) vừa vỡ nợ 500 tỉ đồng, doanh nghiệp tư nhân Vạn Hưng (Sóc Trăng) có giám đốc bị bắt vì vỡ nợ hàng chục tỉ đồng… Ngoài ra, các doanh nghiệp ở những ngành nghề khác cũng gặp khó không kém.

Trăm điều khốc hại chẳng qua vì… vốn

Đại bộ phận DN có chung đặc điểm là không có tiền, 80-90% vốn của doanh nghiệp là đi vay ngân hàng ngắn hạn, vay nóng. Tuy nhiên trong thời gian qua, nhiều DN phải chấp nhận vay ngân hàng có thời điểm lên tới 24%. Vì vậy nhiều DN cho rằng, với lãi suất như vậy thì tốt nhất là không hoạt động, không kinh doanh, không đầu tư.

Theo ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, những DN khó khăn nhất và đang đình trệ và phá sản là DN dựa vào vốn ngân hàng. Lãi suất cao, chi phí tăng, đầu ra giảm như vừa qua DN làm ăn không có lãi, thậm chí lỗ. Lợi nhuận của các DN thường khoảng từ 10-15%, nếu DN hoạt động chủ yếu chỉ vào tiền vay, thì lợi nhuận rơi hết vào ngân hàng. Tại cuộc họp báo mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình cũng cho rằng: Có thể đưa mặt bằng lãi suất cho vay về 14,5-16,5%/năm nhưng mức này vẫn còn cao so với năng lực của DN Việt Nam. Không chỉ phải chịu một mức lãi suất ngất ngưởng, các DN còn phải chịu những thủ tục phiền hà, chi phí nhũng nhiễu cũng gần như nhất nhì thế giới. DN mất nhiều cơ hội, thời cơ của mình.

Lãi suất là nguyên nhân rất quan trọng nhưng không phải hoàn toàn quyết định đến việc doanh nghiệp phá sản. Nó là cộng dồn của nhiều yếu tố như thị trường, nội lực của các DN yếu và kém, chính sách quản lý không phù hợp… Một chuyên gia kinh tế cho rằng, các doanh nghiệp thiếu nhiều thứ: Tiền, Tài (cầm trịch, điều hành doanh nghiệp), Thông tin (đầu ra – đầu vào của sản phẩm), Tình, Tín và Công nghệ. Nhiều doanh nghiệp được thành lập và hoạt động trong tình trạng không có vốn, hoàn toàn đi vay. Quản lý doanh nghiệp yếu kém, chạy theo lợi ích trước mắt, ít quan tâm đến phát triển thị trường lâu dài. Và năng lực cạnh tranh thì gần như không có.

Ông Cao Sỹ Kiêm cũng cho rằng: Tình hình đang diễn ra rất không bình thường, số lượng DN phá sản quá lớn và đang tiếp tục gia tăng. Phải nói rằng đây là vấn đề lớn của đất nước, không những của doanh nghiệp và của cả nền kinh tế. Hệ thống doanh nghiệp bị phá sản nhiều, vấn đề thu ngân sách gặp khó, ngân hàng gặp rủi ro, người lao động thất nghiệp – vấn đề an ninh, trật tự xã hội cũng bị ảnh hưởng… tất cả những hệ lụy đó sẽ tác động lên tiến trình phát triển của đất nước.

Nhiều hệ lụy khi doanh nghiệp phá sản

Trong nền kinh tế thị trường, chuyện DN giải thể, phá sản, ngừng hoạt động là chuyện bình thường, nhưng khi DN lâm vào tình trạng này, những tác động mà nó gây ra cho xã hội không phải là nhỏ. Trước hết, một lượng lớn những người lao động sẽ bị nợ lương, nghỉ việc, thất nghiệp, DN thì nợ bảo hiểm xã hội, nợ tiền điện, viễn thông, nước, nợ ngân hàng… Nhưng DN giải thể hàng loạt như hiện nay thật đáng quan ngại. Điều này cho thấy tình hình “sức khỏe” của DN đang xấu đi, số phá sản giải thể vẫn gia tăng.

Theo các chuyên gia, có thể coi là sự thanh lọc nghiệt ngã diễn ra trên thương trường. Trong thời kỳ này, DN nào có năng lực cạnh tranh yếu, quản trị kém và trang thiết bị lạc hậu sẽ khó có thể tồn tại, dồn nguồn lực cho các DN có năng lực hơn. Tuy nhiên, nếu phá sản, vốn vay của ngân hàng sẽ không thể thu hồi. Nhiều ngân hàng hiện nay không dám siết nợ doanh nghiệp. Tại Hải Phòng, các doanh nghiệp thép đang nợ 4.000 tỉ đồng nhưng ngân hàng cũng không dám siết nợ vì nếu làm cũng không biết bán những dây chuyền sản xuất, thiết bị lạc hậu ấy cho ai? Những khoản nợ này sẽ phải chuyển thành nợ xấu. Gánh nặng nợ xấu tăng sẽ liên quan đến an toàn của các ngân hàng và là kẻ thù của nền kinh tế.

Giải cứu DN đã trở nên cấp bách. Trong khi chờ cứu, các DN hãy cố gắng tự cứu lấy mình.

Theo tin từ Hà Nội, chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp tháng 4/2012 của Hà Nội chỉ tăng 1,2% so với tháng trước. Trong đó: Công nghiệp khai thác mỏ giảm 2,85%; Công nghiệp chế biến chế tạo tăng 1,2%; Sản xuất, phân phối điện, gas, nước tăng 1,25%. Tính chung 4 tháng đầu năm, chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp tăng 3,83% so với cùng kỳ năm ngoái và là mức tăng rất thấp.

Như vậy, tốc độ tăng trưởng trong sản xuất công nghiệp trên địa bàn chưa có dấu hiệu hồi phục mặc dù Hà Nội đã có một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp về công nghệ, nguồn nhân lực và tiếp cận nguồn vốn vay… Hiện chưa thể dự báo tình hình sản xuất công nghiệp trong những tháng tới sẽ sáng sủa hơn do các yếu tố đầu vào chưa được cải thiện trong khi cũng không xuất hiện thêm những cơ hội mới để doanh nghiệp bứt phá, nhất là xét về thị trường.

Thụy Hương