Ông Marc Djandji - Phó giám đốc PSI: M&A để thực hiện chiến lược phát triển doanh nghiệp
PV: M&A hiện nay được xem là một trong những giải pháp quan trọng giúp các nền kinh tế, hoặc các tổ chức, DN tái cơ cấu để phát triển, xin cho biết đánh giá của ông về vấn đề này?
Ông Marc Djandji: Các công ty thường tham gia vào hoạt động M&A để thực hiện các mục tiêu chiến lược. Hoạt động M&A là những giao dịch mua, bán toàn bộ hoặc một phần công ty hoặc chia nhỏ và sáp nhập các công ty khác nhau để giúp các công ty này phát triển nhanh hơn. Lãnh đạo DN có nhiều lựa chọn khác nhau để đạt mục tiêu đó. DN có thể tự thân phát triển (phát triển nội tại) hoặc có thể phát triển thông qua hình thức mua bán và sáp nhập.
Trước khi tham gia vào hoạt động M&A, DN cần hiểu rõ vị trí hiện tại của họ và vị trí họ muốn vươn tới trong tương lai. Họ cần phải xây dựng một bản phân tích chiến lược, cũng là kế hoạch hành động để họ đạt được mục tiêu của mình. Qua đó, DN sẽ hiểu họ muốn đạt được gì và thiết lập các mục tiêu cụ thể. DN phải xác định liệu chiến lược M&A có là một con đường đúng đắn bằng cách trả lời câu hỏi “cách tốt nhất để tăng giá trị cổ đông là gì”?
Ông Marc Djandji
Tôi nghĩ điều này cũng xảy ra tương tự ở Việt Nam. Nhưng tôi xin lưu ý rằng, để thành công trong việc mua bán một DN, chủ sở hữu cũng như lãnh đạo của DN cần phải có một chiến lược rõ ràng và chi tiết.
PV: Nhiều chuyên gia kinh tế cả trong và ngoài nước đều cho rằng, Việt Nam là thị trường M&A đầy tiềm năng. Ông có nghĩ như vậy?
Ông Marc Djandji: Tôi cho rằng Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ việc xây dựng cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2015 (AEC 2015) và Đông Nam Á đang trở thành một thị trường sôi động cho M&A phát triển. Điều này là dễ hiểu khi khu vực này đang ngày càng được hưởng lợi nhiều hơn từ tiêu dùng nội địa và thương mại liên khu vực, giúp cho sự tăng trưởng ít có tính chu kỳ và dễ phục hồi hơn Bắc Á và phương Tây. Tổng giá trị các thương vụ tại Việt Nam tăng gần 70% so với năm 2011. Trong đó, 15 giao dịch là từ các nước thuộc ASEAN vào Việt Nam, với tổng giá trị giao dịch đạt 643 triệu USD, cao hơn 4 lần so với năm 2011.
Bên cạnh đó, với sự hội nhập ngày càng tăng của các nước thuộc tiểu vùng sông Mêkông sẽ thu hút nhiều hoạt động M&A ở Việt Nam hơn. Đặc biệt, do kinh nghiệm quản lý còn yếu kém và thiếu chiến lược phát triển nên các DN Việt Nam đang trở thành mục tiêu lý tưởng cho các nhà đầu tư nước ngoài tìm kiếm giao dịch M&A tốt với giá tương đối thấp so với khu vực. Đặc biệt, Việt Nam sẽ chứng kiến sự bùng nổ trong hoạt động M&A khi mà nền tảng kinh tế được cải thiện hơn. Các công ty sẽ vào Việt Nam với chiến lược chủ chốt để tăng cường sự hiện diện và dấu ấn của họ ở Việt Nam.
PV: Theo ông, để M&A thành công, DN cần phải chuẩn bị những gì?
Ông Marc Djandji: Chiến lược rõ ràng là yếu tố quan trọng nhất quyết định thành công. Từ góc độ người bán, tôi nghĩ những lãnh đạo DN và quản lý cấp cao thường đánh giá thấp tầm quan trọng của việc lập kế hoạch bán DN. Việc chủ quan, không sẵn sàng cho giao dịch sẽ dẫn đến nhiều vấn đề không được đề cập trên bàn đàm phán.
Theo khảo sát mới đây của KPMG Việt Nam, một thương vụ M&A thường mất khoảng 6/12 tháng để hoàn thành, thậm chí có khi kéo dài 1-3 năm. Vì vậy, giám đốc điều hành và giám đốc tài chính của DN cần phải tham gia sâu trong suốt quá trình thực hiện thương vụ cho đến khi giao dịch hoàn tất bởi có tới 82% các thương vụ thành công ở Việt Nam, bên mua luôn xem xét tối thiểu 2 mục tiêu tiềm năng. Điều này cho thấy, các DN trong nước đang tìm kiếm nhà đầu tư nước ngoài cần phải biết quảng bá cho mình một cách hiệu quả để tối đa hóa cơ hội thành công của họ.
PV: Trong các thương vụ M&A, vai trò của các nhà tư vấn hoặc ngân hàng đầu tư như thế nào, thưa ông?
Ông Marc Djandji: Giống như chủ DN và giám đốc điều hành là những chuyên gia trong việc điều hành và quản lý công ty của họ, ngân hàng đầu tư là những chuyên gia trong việc tối đa hóa giá trị giao dịch mua bán hoặc sáp nhập. Sự tham gia ngay từ đầu của một ngân hàng đầu tư trong quá trình lập kế hoạch chiến lược và sự am hiểu về vị trí của DN trên thị trường có thể giảm đáng kể thời gian đưa giao dịch ra thị trường. Hơn nữa, việc lập kế hoạch trước sẽ giảm rất nhiều thời gian thực hiện giao dịch, từ đó giảm thiểu rủi ro do sao nhãng công tác quản lý.
Ở Việt Nam, chủ sở hữu và lãnh đạo cấp cao thường chào bán DN thông qua nhiều “nhà môi giới kinh doanh” khác nhau. Họ không quen với việc trả phí tư vấn cho các chuyên gia mà nghĩ rằng, để cho càng nhiều người biết về việc bán DN của mình càng tốt và hy vọng sẽ bán được giá. Họ làm việc đồng thời với rất nhiều “đơn vị tư vấn” nhưng lại không có sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị tư vấn với nhau…
Chính vì vậy, các nhà đầu tư thường nhận được thông tin về bên bán từ nhiều phía khác nhau, dẫn tới kết quả là mặc dù trên thị trường ai cũng biết về người bán nhưng gần như chẳng ai có được thông tin có giá trị thực sự. Trên thực tế, điều này tăng rủi ro thất bại của thương vụ hoặc kết quả là sẽ không tối đa hóa được giá trị cho cổ đông. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài sẽ không quan tâm đến các cơ hội đầu tư được giới thiệu theo hình thức này. Lãnh đạo, các quản lý cấp cao và cuối cùng là cổ đông của công ty muốn bán sẽ có lợi hơn nhiều nếu có một ngân hàng đầu tư đứng ra tư vấn bán cho họ.
Một ngân hàng đầu tư giàu kinh nghiệm sẽ có thể kết nối tất cả các bên liên quan ở cả phía đầu mua, đầu bán và giúp các bên tập trung vào bức tranh toàn cảnh của thương vụ, nhằm mục đích cuối cùng là kết thúc giao dịch thành công. Họ sẽ hỗ trợ công ty đánh giá thực trạng hiện tại của DN, tiềm năng phát triển trong tương lai và đưa ra phác thảo về cấu trúc thương vụ cũng như danh sách các bên mua tiềm năng… để có thể giới thiệu cho DN nhiều đối tác mua tiềm năng theo hướng tối đa hóa lợi ích cho DN…
Cuối cùng, trong quá trình chuyển nhượng, phía ngân hàng đầu tư sẽ làm rõ các thông số định giá, chuẩn bị tài liệu marketing phù hợp, tìm kiếm và sắp xếp trao đổi với các bên mua tiềm năng, hỗ trợ thực hiện quá trình thẩm định soát xét, chào mua, thương lượng giá và các tài liệu cần thiết khác.
PV: Xin cảm ơn ông!
Thanh Ngọc (thực hiện)
-
Nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị sửa khoản 3 Điều 15 dự thảo về hoàn thuế giá trị gia tăng
-
Động lực nào khiến giá vàng tăng "phi mã"?
-
Nhiều ngân hàng kinh doanh tích cực trong 9 tháng đầu năm
-
VPI dự báo giá xăng giảm, giá dầu tăng trong kỳ điều hành ngày 31/10
-
Bài 3: Thị trường điện Việt Nam sẽ có cơ chế giá điện linh hoạt