Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Ông Lê Gia với vấn đề “âm tiết”

07:00 | 18/05/2013

|
(Petrotimes) - Bạn đọc: Trước đây tại mục “Chuyện Đông chuyện Tây” của Tạp chí Kiến thức Ngày nay, ông An Chi có trả lời về tên của “Thành phố Hồ Chí Minh”, rằng địa danh này gồm có năm âm tiết. Nhưng trong mục “Học để giỏi - Hỏi để biết” trên Báo Thể thao & Văn hóa số 60 (18/6/2005), có bạn đọc hỏi về vấn đề này, ông Lê Gia đã trả lời có nhiều chỗ rất lạ, chẳng hạn, tác giả này cho rằng địa danh “Thành phố Hồ Chí Minh” chỉ có hai âm tiết… Kính mong ông cho ý kiến nhận xét về cách trả lời này của ông Lê Gia. Nguyễn Văn Thuấn (Sa Đéc)

Học giả An Chi: Về địa danh “Thành phố Hồ Chí Minh”, trên Báo Thể thao & Văn hóa số 60 (18-6-2005), ông Lê Gia đã khẳng định rõ ràng như sau: – Địa danh này gồm 2 âm tiết là “TP” và “HCM”.

Cứ theo lời giải đáp trên đây của ông Lê Gia, chúng tôi phải thẳng thắn khẳng định rằng, tác giả này đã không hiểu được nội dung của khái niệm “âm tiết”, một khái niệm ngữ học sơ đẳng mà ông đang giải đáp cho người hỏi. Chỉ cần lật sách giáo khoa tiểu học ra đọc thì ta sẽ thấy, ngay từ đầu cấp, học trò đã được giới thiệu về các khái niệm “âm”, “chữ” và “tiếng” - mà ở đây ông và chúng tôi gọi là “âm tiết” - và với kiến thức tiểu học đó, ta sẽ phải trả lời rằng “Thành phố Hồ Chí Minh” là một địa danh  năm âm tiết. Còn nếu muốn “bác học” hơn, thì xin giới thiệu định nghĩa trong bài “Âm tiết tiếng Việt” của mạng //www.psc.edu.vn để cho ông Lê Gia tham khảo:

“Lời nói của con người là một chuỗi âm thanh được phát ra kế tiếp nhau trong không gian và thời gian. Phân tích chuỗi âm thanh ấy, người ta nhận ra được các đơn vị của ngữ âm. Khi một người phát ngôn “Hà Nội mùa này vắng những cơn mưa”, chúng ta nghe được những khúc đoạn tự nhiên trong chuỗi lời nói đó như sau:

Hà / Nội / mùa / này / vắng / những / cơn / mưa.

Những khúc đoạn âm thanh này không thể chia nhỏ hơn được nữa dù chúng ta có cố tình phát âm thật chậm, thật tách bạch. Điều đó chứng tỏ rằng, đây là những khúc đoạn âm thanh tự nhiên nhỏ nhất khi phát âm và được gọi là âm tiết. Trong tiếng Việt, một âm tiết bao giờ cũng được phát ra với một thanh điệu và tách rời với âm tiết khác”.

Trên đây, chúng tôi đã nhắc đến sách giáo khoa tiểu học và bài của Psc.edu.vn để ông Lê Gia tham khảo vì, xem ra, hình như ông không hề để tâm đến ngữ học là lĩnh vực mà dù không phải là “người nhà”, ít nhất mình cũng phải  là “bạn thân”, nếu muốn “giải đáp” cho thiên hạ về chuyện liên quan đến nó, dù đó chỉ  là một khái niệm sơ đẳng. Psc.edu.vn đã nói rõ rằng “một âm tiết bao giờ cũng được phát ra với một thanh điệu và tách rời với âm tiết khác”. Vậy ông Lê Gia có thể thực hiện một động tác đếm rất dễ làm để xem địa danh “Thành phố Hồ Chí Minh” có mấy thanh điệu: – thanh 2 (dấu huyền) của “Thành”; – thanh 5 (dấu sắc) của “phố”; – thanh 2 (dấu huyền) của “Hồ”; – thanh 5 (dấu sắc) của “Chí”; – thanh 1 (không dấu) của “Minh”. Tất cả là năm thanh điệu. Vậy ta có năm âm tiết.

Nhưng chẳng những ông Lê Gia đã sai một cách kỳ dị khi trả lời rằng địa danh đang xét chỉ có hai âm tiết, mà ông còn kỳ dị hơn với lối diễn đạt sau đây: – Địa danh này gồm 2 âm tiết là “TP” và “HCM”. Từ ngày Việt ngữ học ra đời cho đến nay, đây là lần đầu tiên ta thấy được việc mô tả những âm tiết cụ thể bằng cách viết tắt theo kiểu này. Thực ra, “TP”, âm tiết đầu của ông Lê Gia, chỉ là lối viết tắt của danh ngữ “Thành phố” còn “HCM”, âm tiết sau của ông, chỉ là lối viết tắt của danh từ riêng “Hồ Chí Minh”. Còn số lượng âm tiết của địa danh “Thành phố Hồ Chí Minh” thì chính xác là  năm: – thành (thanh điệu 2 [dấu huyền] + âm đầu TH + âm chính A + âm cuối NH); – phố (thanh điệu 5 [dấu sắc] + âm đầu PH + âm chính Ô); – hồ (thanh điệu 2 [dấu huyền] + âm đầu H + âm chính Ô); – chí (thanh điệu 5 [dấu sắc] + âm đầu CH + âm chính I); – minh (thanh điệu 1 [không dấu] + âm đầu M + âm chính I + âm cuối NH).

Cũng vì muốn làm rõ quan niệm không tiền khoáng hậu của mình nên, ở một đoạn dưới, ông Lê Gia còn nêu thêm thí dụ mà khẳng định rằng, nhóm từ “Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ” có hai âm tiết là “Bắc Bình Vương” và “Nguyễn Huệ”. Thực ra, ở đây ta có đến năm âm tiết: bắc, bình, vương, nguyễn, huệ.

Chúng tôi mạn phép nhắc một cách đơn giản cho ông Lê Gia dễ nhớ: hễ có bao nhiêu thanh điệu thì có bấy nhiêu âm tiết.

A.C