Ông Huỳnh Uy Dũng: “Kiếp sau tôi không dám làm doanh nghiệp!”
Ông Dũng “lò vôi”: “Tham quan Đại Nam là giúp trẻ em mắc bệnh tim” Ngày 24/3, ông Huỳnh Uy Dũng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam đã đến thăm và làm việc tại Bệnh viện Đại học Y dược để sơ kết 8 tháng thực hiện chương trình Trái tim Hằng Hữu. |
PV: Kết luận Thanh tra của tỉnh Bình Dương nêu rõ, ông có đến 167 công trình sai phép, ông nhận định vấn đề này như thế nào?
Ông Huỳnh Uy Dũng: Năm 1999, Khu du lịch Đại Nam được khởi công. Lúc bấy giờ, tôi suy nghĩ tỉnh Bình Dương đang trên bước đường Công nghiệp hóa sẽ cần những khu nghỉ dưỡng và vui chơi cho cộng đồng nên nghĩ đến việc xây Khu du lịch Đại Nam. Đây là khu du lịch có kiến trúc rất lớn, mang một giá trị nghệ thuật cao. Chẳng hạn những nơi thờ tự có giá trị lịch sử. Chúng tôi có xin giấy phép “vừa thiết kế, vừa thi công” và sau đó là “hoàn công và sở hữu”. Tất nhiên, khu du lịch cần thiết phải có những công trình tạm.
Ngày 11-9-2008, sau khi xây dựng công trình xong và mở cửa, tôi có đi khảo sát để xem khu du lịch còn thiếu những công trình phụ trợ nhằm phục vụ cho người dân tham quan. Thật sự lúc này, cây trong khu du lịch chưa lớn, Đại Nam nắng rất nóng nên người dân tham quan than phiền. Tôi đã cho làm các chòi lá dừa để phục vụ dọc đường đi, phục vụ cho nhu cầu nhất là những người dân có thu nhập thấp có thể mang thức ăn theo vào khu du lịch để có chỗ nghỉ chân.
Người dân cả nước đã vào Đại Nam rồi, đã thấy những chòi lá dừa để ăn cơm hoặc nghỉ mát. Những lúc trời mưa, du khách tham quan còn có chỗ để trú mưa ở những công trình tạm.
PV: Vì sao ông không xin cấp giấy phép xây dựng chòi lá và hoàn công những công trình này?
Ông Huỳnh Uy Dũng: Có ai cấp phép cho những công trình tạm bợ như trên hay không? Đây là những căn chòi lá dừa sử dụng khoảng 2 năm rồi sẽ bị mục nát nên phải tự dỡ bỏ. Người dân ở các vùng quê nghèo cũng hay lợp tạm những căn nhà lá dừa này để ở thì có ai cấp phép? Đối với những căn nhà vệ sinh, vào những ngày lễ tết, du khách đến tham quan đông nên công trình này không thể thiếu. Có những lúc chúng tôi phải thuê các xe vệ sinh công cộng ở bên ngoài để vào phục vụ nhân dân.
Khu du lịch Đại Nam lại có đặc thù là những công trình khép kín nên không bị ảnh hưởng bởi cảnh quan của đô thị, không ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị của tỉnh Bình Dương. Những nhà vệ sinh của chúng tôi được xây dựng có quy mô nhỏ nhưng rất sạch sẽ, đủ sức phục vụ cho cả hàng chục ngàn người đến Đại Nam. Đường đi trong khu trò chơi, hay đường đi trong các khu nối với nhau được hàn che bạt cho người dân không bị nắng.
Tôi nghĩ đây là công trình tạm thời, di động mà đến Sở Xây dựng để xin cấp phép thì chắc chắn bị coi là dở hơi. Còn bảo xin cấp quyền sở hữu cũng vậy. Ai sẽ cấp, bởi đây chỉ là công trình tạm.
PV: Kết luận Thanh tra của tỉnh Bình Dương có những nghịch lý, vậy sao ông vẫn nộp phạt trước?
Ông Huỳnh Uy Dũng: Sau khi đọc, đối chiếu các quy định của pháp luật, tôi không đồng ý với Kết luận Thanh tra. Tôi chỉ là một công dân nên nhận được Kết luận Thanh tra thì tôi phải hoàn thành tất cả nghĩa vụ nộp tiền đã, còn đúng sai thì “hạ hồi phân giải”. Tôi cũng chỉ là người dân mà làm doanh nghiệp thì khổ lắm. Phải nói, ai nghĩ rằng làm doanh nghiệp sướng thì khổ cho họ lắm. Trong thời buổi này, khổ nhất là doanh nghiệp.
Trong khi, doanh nghiệp sản xuất để nuôi sống hàng vạn lao động, doanh nghiệp kích thích để phát triển xã hội kinh tế nhưng khi gặp khó khăn, gặp sự cố thì một mình doanh nghiệp lại chịu trận. Nên qua sự việc này, tôi đã nghiệm ra một điều: “Thương nhau trái ấu cũng tròn/Ghét nhau trái bồ hòn cũng méo”.
PV: Nói như ông, làm doanh nghiệp kiểu nào mới đúng?
Ông Huỳnh Uy Dũng: Tôi cũng hiểu thế thật nhưng cũng không biết phải làm thế nào để chiều lòng các lãnh đạo của tỉnh Bình Dương. Tôi cũng không biết phải làm sao để làm đúng ý chỉ của các vị lãnh đạo tỉnh. Doanh nghiệp chúng tôi muốn tha thiết làm đúng ý lãnh đạo tỉnh nhưng quá khó. Thử hỏi xem, những cái chòi như thế, những cái nhà vệ sinh như thế, chúng tôi phải xin phép sở hữu như thế nào để cho các vị lãnh đạo tỉnh vui lòng. Có những cái “chuồng” để bán vé, nay tôi để chỗ này, ngày mai tôi lại di dời mang để chỗ khác thì ai có thể cấp quyền sở hữu? Ai có thể cấp phép xây dựng những công trình này?
Thì thôi, tôi thấy điều này cũng hiểu ra được nhiều vấn đề trong cuộc sống, dẫu nghĩ lại vẫn thấy se lòng. Tôi chỉ là một công dân nên lãnh đạo tỉnh Bình Dương nói sai thì tôi cũng phải chấp hành. Những cái nào phạt xong, nếu cảm thấy những công trình nào trong khuôn viên Khu du lịch Đại Nam ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị của tỉnh Bình Dương, tôi sẽ tháo dỡ. Đó chỉ là những căn chòi lá dừa thôi mà!
Trong quá trình phục vụ người dân là khó nhất. Tôi làm cái cái mà người dân muốn để phục vụ. Đã là nơi phục vụ cho cộng đồng thì phải tìm những cái mà người dân đang thiếu. Tôi không làm những cái của tôi có để người dân xài.
PV: Ông còn lời nào để nói về Kết luận Thanh tra của tỉnh Bình Dương?
Ông Huỳnh Uy Dũng: Suốt 33 năm làm doanh nghiệp thì vào những năm về sau tôi đã được chính quyền tỉnh Bình Dương đối xử rất “có hậu”. Nếu có kiếp sau, tôi không dám làm doanh nghiệp nữa và tôi đã hiểu ra nhiều vấn đề. Cuối cùng, tôi không biết nói gì và chỉ biết ngửa cổ nhìn trời, nhìn đất để cất lên câu: “Nam mô a di đà phật!”.
PV: Xin cảm ơn ông!
Một số hình ảnh các công trình xây dựng không phép trong Kết luận Thanh tra của tỉnh Bình Dương:
Rạp sắt dựng bạt |
Chòi tạm được dựng lên từ những thanh gỗ lợp lá |
Rạp sắt che bạt để người dân trú mưa |
Sạp sắt phủ bạt ở khu du lịch tàu điện cho khách du lịch đứng tránh nắng. |
Xây nhà vệ sinh trong khuôn viên du lịch cũng phải xin phép. |
Mái che di động dựng tạm trong khu du lịch để trung chuyển người dân vào bên trong các khu vui chơi cũng được kết luận không phép. |
Mái che tạm cho người dân tránh nắng chờ mua vé vào khu đền thờ bị kết luận xây không phép. |
Mái che đơn sơ cũng bị cho là không phép. |
Hưng Long
Năng lượng Mới
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Tỉnh Quảng Trị có tiềm năng phát triển thành trung tâm năng lượng tái tạo
Luật Điện lực (sửa đổi) phải là “trụ đỡ” pháp lý vững chắc để năng lượng mới, năng lượng tái tạo phát triển đúng kỳ vọng
-
Kỷ luật 2 nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng
-
Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh khôi phục sản xuất nông nghiệp sau bão số 3
-
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Tỉnh Quảng Trị có tiềm năng phát triển thành trung tâm năng lượng tái tạo
-
Luật Điện lực (sửa đổi) phải là “trụ đỡ” pháp lý vững chắc để năng lượng mới, năng lượng tái tạo phát triển đúng kỳ vọng
-
[Chùm ảnh] Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm thăm và làm việc tại huyện đảo tiền tiêu Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị